1. Chiều ba mươi Tết Canh Tý, 1960.
Bé Bảy lui cui phụ má dọn mâm cúng lễ trừ tịch ngoài sân và trong nhà. Má Hai nhắc con gái: “Quên gì thì quên, đừng quên vàng hương và rượu nếp quê”. Rồi má rầy rà:
- Bây đừng nói gở như hồi nãy!
- Hồi nãy sao má?
- Hồi nãy, bây nhỏ to chuyện với chị Năm của bây là Tết con Chuột.
- Tết con Chuột thì con gọi Tết con Chuột chớ phải gọi tết con gì hả má?
Quẹt mồ hôi trán, má Hai nói gọn lỏn:
- Tết ông Tý!
- Ông Tý?
Trố mắt, Bé Bảy định bụng hỏi má cho ra ngô ra khoai nhưng rồi công việc cúng giao thừa lu bu nên chưa kịp hỏi.
Sáu mươi năm trước, dì Bảy - tức Bé Bảy, tuổi Chuột tròn con Giáp (dì sanh năm Mậu Tý, 1948)... Bất giác dì thở dài, tiếng thở dài bồng bềnh trôi...
Canh chừng nồi bánh tét, Tư Phượng lắng nghe câu chuyện cũ của đời xưa do dì Bảy kể dưới những sợi nắng chiều cuối năm rỉa vàng cánh mai xuân.
- Vậy, sau đó, dì có hỏi bà ngoại sao không gọi Tết con Chuột mà lại gọi là Tết ông Tý?
Bỏ thêm củi vô lò, Tư Phượng hỏi.
- Dì có hỏi ngoại của con chớ sao không!
- Rồi ngoại cắt nghĩa sao, hả dì?
Lặng thinh, dì Bảy nhìn bóng chiều se se qua bãi tha ma, nơi đó có tía má Hai và chị Năm - má của Tư Phượng - yên giấc ngàn thu.
Bồi hồi, dì Bảy nhớ lại...
Minh họa: Hữu PhươngNhà tía má nằm trên doi đất vàm rạch Bà Lý. Ngày đêm, con nước lớn - ròng - chững diễn ra trước mặt nhà tía má và không rõ, vì tía thứ Hai hay vì nhà cất ngay ở đầu vàm rạch mà bà con chòm xóm gọi tía má bằng thứ Hai. Mấy năm đình chiến, mấy cái tết gia đình tía má sum họp, tâm thức má Hai vẫn còn dư âm văng vẳng:
Chiều tàn rơi trên đê nghe tiếng ai
Hẹn hò nhau vui duyên thắm
gái trai
Tiếng hò chơi vơi khi trăng ngà
lả lơi
Đêm quê rộn ràng bao tiếng chày
buông lơi
(Tình thắm duyên quê, nhạc
Trúc Phương, 1957)
Vậy mà giờ sắp phải chia lìa, má Hai chẳng đành lòng. Song, với khí chất của người phụ nữ Nam bộ, má giấu nỗi buồn, cắn răng cười trong sự chịu đựng như đã từng chịu đựng suốt chín năm xa chồng, chín năm nuôi con để người má yêu thương vững tâm kháng chiến chống Pháp.
Nhìn bầy con nheo nhóc, nhìn bóng vợ hắt lên vách đất qua ánh đèn chong leo lét... Trầm ngâm, tía Hai vấn điếu thuốc, khói dùng dằng bay.
- Mình!
- Gì đó ông?
- Sợ tui đi rồi, lão Xệ và đám Dân Ý Vụ không để mình yên.
Tía Hai chậm rãi nói:
- Hôm qua, lão Xệ kêu tui lên xã gặp tay Trưởng đoàn Dân Ý Vụ và tay này hỏi: “Chắc chú mầy chưa tường Luật 10/59?”. Hỏi xong, miệng lưỡi hắn sắc lẹm với cái môi mỏng hơn lá lúa, tuông lời dằn mặt: “Bị can có thể được đưa thẳng ra xét xử mà không cần mở cuộc điều tra, án phạt chỉ có hai mức tử hình hoặc khổ sai, xét xử kéo dài 3 ngày là tối đa, không có ân xá hoặc kháng án; dụng cụ tử hình có cả máy chém”.
Rồi tía nói luôn:
- Hắn đe dọa: “Cận kề năm Chuột, chú mầy phải biết sắc nanh, chuột dễ cắn cổ mèo”.
Má Hai mặt nóng phừng phừng khi nghe chồng kể. Má nghĩ, chẳng là, chúng lo chồng má nối gót anh Tám Hoàng Hiển trở vô bưng thêm vây mọc cánh chống bọn chúng nên mới đe dọa dù nanh có sắc bén cỡ nào thì chuột cũng chẳng thể cắn được cổ mèo.
- Ý chúng muốn nói, người yếu khó lòng kháng cự kẻ mạnh.
Bỗng dưng, má Hai nắm tay chồng cười ngất:
- Đe ai thì đe nhưng với mình, thì đe dọa cũng bằng không!
Đêm cuối năm quê nhà, má Hai ngó bầu trời đen, thầm trách ông trời bày chi cảnh trớ trêu, người muốn sống yên nhưng rồi, người chẳng được yên sống. Trong làng đã có người bị bắt và bị giết. Cảnh ngộ này, tía Hai phải gấp rút ra đi ngay trước giờ giao thừa.
2. - Má!
Bé Bảy ngập ngừng kêu.
- Con ráng canh nồi bánh tét giúp má.
Má Hai xếp vội mấy bộ áo quần vá đùm vá đụp vô cái bồng bột cho chồng mang vô bưng.
- Thì con đang lo coi nồi bánh tét nè nhưng mà...
- Nhưng mà cái gì?
Má Hai cằn nhằn: “Con nhỏ nầy lộn xộn nhứt nhà!”.
- Mình, cứ để cho con nó nói.
Được tía mở rào, bé Bảy mạnh dạn:
- Mỗi lần chạm mặt con, lão Xệ hay hát: “Đờn ông tuổi Tý thì tài/ Đờn bà tuổi Tý thì hai đời chồng” rồi lão còn nói với theo: “Tuổi Tý muốn tránh hai chồng/ Chi bằng lấy lão...”
Cắt lời con, tía Hai nổ đom đóm mắt trào cảm xúc tức giận lão Xệ - cái lão dê, ỷ thế cậy quyền nên trẻ không tha già không bỏ - Chợt tía Hai rùng mình khi liên tưởng tới thảm cảnh của những người kháng chiến cũ tan nát bởi dục vọng của yêu râu xanh lão Xệ. Hay là,...
Mắt má Hai đỏ chạch.
- Con Bảy theo mình, con Năm ở lại với tui!
- Mình với con Năm ở lại sao yên mà ở?
Vịn bờ vai chồng, má Hai thỏ thẻ:
- Tui giao con Bảy cho mình là để mình có đứa sai vặt, có đứa kiếm thức ăn những lúc tui chưa kịp tiếp tế vô bưng.
Không gian im ắng. Ngoài vườn, tu hú kêu buồn rời rạc trên vòm cây trâm cao chót vót.
- Tui sẽ gởi con Năm về bà nội, còn tui ở lại đây!
Không cho chồng kịp nối lời, má Hai nói luôn:
- Tui ở lại đây để tiếp tế cho mình và con, cũng để tiếp tế cho anh em trong bưng luôn thể.
Tía Hai gật đầu, vì không có sự thu xếp nào gọn và tốt hơn sự thu xếp của vợ.
Cả nhà tía má ngồi quây quần bên mâm cơm sum họp cuối cùng.
Từng khoanh bánh tét, từng chén cơm làm bằng nếp gạo quê nhà đậm đà hương vị “gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau” tạo nên khúc đoạn buồn mà không bi. Tiếng cười nói râm ran của tổ ấm gia đình trước giờ đón giao thừa và tu hú, ngưng kêu tiếng kêu buồn rời rạc. Tía Hai rót đầy ly rượu chuột bao tử ngâm với đảng sâm, câu kỷ tử... Rượu nhả mùi lẫn khói bếp, lâng lâng chiều!
Phấn kích, bé Bảy khoe một lèo tuốt tuồn tuột, rằng: “Chị Năm sợ chuột nên không dám mần thịt chuột, con thì...”.
- Con thì sao?
Tía Hai cạn ly rượu chuột, hỏi nà bé Bảy.
- Con thì, thịt chuột ướp sả ớt chiên hoặc nướng, chuột nấu canh lá giang, chuột kho nước dừa, chuột nhồi ngũ vị, chuột bọc đất sét nướng trui...
Bé Bảy kể vanh vách.
Mâm cơm chiều ba mươi tết tưởng chan đầy nước mắt hóa ra tràn ngập tiếng cười. Tiếng cười trước nghịch cảnh bi thương của người chân quê đành buông cuốc cày để cầm súng, giành sự sống.
Má Hai chẻ ống tre, trút từng miếng thịt chuột trộn lẫn thịt heo ba rọi được nướng chín; mùi vị gạo nếp, ớt, sả, tiêu, hành, muối... phảng phất hương xuân, như cuộc tẩy trần nhằm loại bỏ những tai ương, những điều xấu dở của năm cũ sắp qua để hoan hỉ đón nhận bao điều tốt đẹp chực chờ đến từ năm mới. Má Hai hy vọng chồng con ra đi rồi sẽ quay về - quay về trên con đường hoa nắng hòa bình!
Má Hai nói:
- Tại sao làng mình không gọi Tết Chuột mà lại, gọi Tết ông Tý?
- Thì, con đã hỏi má rồi đó!
Bé Bảy hớt ngang lời.
Má Hai vừa gắp thịt chuột cho con, cho chồng, vừa thủng thẳng lý giải:
- Nói về chuột, xưa nay người đời đều coi đó là con vật dơ bẩn, phá hại và đổ bao điều xấu lên đầu chuột. Thậm chí, người xưa còn tỏ ra quyết liệt diệt chuột: Chớ để con nào sa lậu, phải ra tay lấp lỗ tam bành/ Đừng cho chúng nó sẩy ra, phải hết sức trừ đồ lục tặc (Kinh Thi) và cụ Nguyễn Đình Chiểu cũng từng kể tội chuột: Nếp gạo của trời nuôi mạng, ăn phá rồi còn kéo xuống hang/ Nệm mền của chúng che thân, cắn nát rồi lại tha vào lỗ” (Thảo thử hịch). Ngay tướng mạo người, kẻ nào Mắt chuột, tai thỏ, mỏ dơi/ Trai thời gian xảo gái thời đong đưa (ca dao). Nhưng mấy ai hiểu rằng trong cái hại vẫn có cái lợi. Chuột xấu, nhưng cũng có tốt và đôi khi, cái tốt giúp đời, cứu người.
Nghe vợ nói, Tía Hai sực nhớ: Chuột là loài vật gây hại nhưng lại là loài vật có gen gần như 90 phần trăm tương đồng về gen người và nhờ vậy, chuột là vật thí nghiệm nghiên cứu tìm ra căn bệnh ở người.
Má Hai nói chắc cứng:
- Sanh mạng con người là tối thượng! Chuột cứu người nên bao điều tệ hại của chuột được người bỏ qua.
Tía Hai tặc lưỡi, tiếc:
- Nếu lão Xệ biết quý trọng sanh mạng con người, biết dừng tay giết hại bà con trong làng thì mọi tội lỗi của lão, chắc bà con trong làng sẽ bỏ qua!
Trời chạng vạng, bóng tối rụt rè bò từ khu vườn liếm mặt sân. Đêm ba mươi tết chẳng khác đêm hồi chín năm trước, tía Hai rón rén từ giã vợ lên đường tòng quân cứu nước. Tía nhớ lời vợ nhắc khẽ: “Chuột kêu chíu chít trong rương/ Mình đi cho khéo đụng giường má hay” (ca dao dị bản).
Bất ngờ, tía ôm chặt má vào lòng.
- Mắc cỡ chết, mình! Con nó cười, kìa!
Bé Bảy phá đám:
- Vậy mà, con cứ tưởng người sợ chuột nên gọi là ông Tý - Tết ông Tý!
Ngồi gọn lỏn trong vòng tay tía, má Hai khẳng khái nói:
- Sợ gọi thằng, ai lại gọi ông?
Và má Hai thúc giục chồng:
- Ăn cơm lẹ lên mình, kẻo trễ giờ hẹn anh Tám Hoàng Hiển.
3. Nắng hết ngày.
Vịn vai Tư Phượng, dì Bảy thương binh đứng tựa vào cây nạng. Hai dì cháu cùng nhìn về nơi những người thân gởi nắm xương tàn, rồi dì cháu chung ý nghĩ: Không có sự yên bình nào mà không đánh đổi bằng máu và nước mắt. Tư Phượng, con cháu thuộc thế hệ sau của dì Bảy, thấm và ngấm cách chọn lựa của người thân là về nằm lại nơi sinh ra bằng nấm mộ đất trên mảnh đất làng nghèo khó; bất cần xây mộ hoành tráng hay chọn lựa nơi long mạch mà chôn vùi thân xác.
- Thì đó, chuột xấu xa và tinh quái cỡ nào vậy mà khi xả thân làm vật thí nghiệm cứu người thì người gọi bằng ông...
- Ông Tý! Tết ông Tý!
Tư Phượng hớt ngang lời dì Bảy.
Hai dì cháu ôm nhau cười nắc nẻ, chiều cuối năm!
Lê Kim Phượng