Tiếng Việt | English

01/11/2017 - 11:16

Thanh niên lập thân, lập nghiệp “Khát” nguồn vốn ưu đãi

Thời gian qua, không ít thanh niên (TN) thành công trên con đường lập thân, lập nghiệp. Cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp các ngành chức năng có nhiều biện pháp “khơi thông” các nguồn vốn giúp TN khởi nghiệp, lập nghiệp; tuy nhiên, nguồn vốn ấy vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu thực tế.


Trần Long Ẩn điều khiển máy in tại cơ sở in ấn, quảng cáo do mình làm chủ

Làm chủ chính mình

Trần Long Ẩn quê ở thị xã Kiến Tường nhưng lập nghiệp ở thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An. Cha mất sớm, học hết lớp 12, Long Ẩn quyết định chọn học nghề thiết kế đồ họa ở Trường Cao đẳng nghề Ladec Long An. Để đỡ đần mẹ về chi phí học tập, Long Ẩn vừa học nghề, vừa kiếm chỗ làm thêm phù hợp với nghề mình đang học để trang trải chi phí học hành. Học xong, Long Ẩn xin việc làm tại Phòng Văn hóa Thông tin huyện Tân Thạnh.

Năm 2016, Long Ẩn quyết định mở cơ sở làm thêm, chuyên phục vụ về quảng cáo: Làm các bảng hiệu quảng cáo, panô, in ấn phục vụ tuyên truyền chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tư vấn thiết kế quà tặng, trang trí nội thất. Khi dự án khởi nghiệp hoàn chỉnh, Huyện đoàn Tân Thạnh hỗ trợ Long Ẩn vay 100 triệu đồng từ Quỹ Quốc gia về việc làm kênh Trung ương đoàn (gọi tắt là Chương trình 120). Có được tiền vay, Long Ẩn xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị in ấn. Nhờ chuyên cần, giờ đây, cơ sở quảng cáo do Long Ẩn làm chủ có lượng khách hàng khá lớn ở Tân Thạnh và các huyện Đồng Tháp Mười.

Cao Phú Khánh, 32 tuổi, sinh ra và lớn lên ở vùng quê ấp 2, xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa, quyết tâm lập nghiệp bằng nghề nông. Năm 2014, Khánh khởi nghiệp với nghề lai tạo cá giống: Trê vàng, rô biển, thác lác, lăng; ếch, lươn, rắn bù quạp,... Hiện nay, mỗi tuần, Khánh xuất 2 lô giống cá bột (mỗi lô giống cá bột có từ 3 triệu - 4 triệu con). Khánh có khoảng 400 khách hàng ổn định ở khu vực Thủ Thừa và các huyện Đồng Tháp Mười.

Ngoài cung cấp con giống, Khánh còn hỗ trợ 33 đoàn viên, TN trong xã Long Thạnh nuôi ếch, cá với cách thức cung cấp từ con giống, thức ăn, thuốc đến thu mua sản phẩm. Tất cả vốn Khánh hỗ trợ đoàn viên, TN đều không tính lãi. Trị giá vốn để quay vòng cho 33 đoàn viên, TN lên đến 1,6 tỉ đồng. Thời gian qua, Khánh cũng được xét vay 100 triệu đồng từ Chương trình 120.

Là nhân viên ở một công ty chuyên về viễn thông, mấy tháng nay, Lương Bá Đoàn quyết định tạo thêm mô hình kinh doanh riêng bằng cửa hàng giặt sấy tự động. Địa điểm Đoàn chọn để đặt cửa hàng giặt sấy ABC ở đường Nguyễn Thông, phường 3, TP.Tân An. Đoàn cho biết: “Mô hình giặt sấy tự động hiện đang có xu hướng phát triển mạnh ở những đô thị có đông dân cư. Với mô hình giặt sấy này, khách có thể tự giặt hoặc nhân viên cửa hàng giặt, tất cả quần áo của khách được giặt riêng nên không sợ lẫn lộn hay lây bệnh truyền nhiễm”. So với các tiệm giặt ủi truyền thống thì cửa hàng giặt sấy ABC có thể giao hàng cho khách sau 2 giờ nhận hàng, quần áo khô hoàn toàn và được gấp xếp ngay ngắn.

Đoàn cho biết, chi phí đầu tư cho cửa hàng gần 200 triệu đồng với 5 máy giặt, 4 máy sấy. Mô hình kinh doanh này khả năng thu hồi vốn nhanh và không đòi hỏi nhân viên có trình độ cao. Đối tượng khách là dân văn phòng, bệnh nhân ở bệnh viện. Đoàn đang chuẩn bị ra mắt cửa hàng thứ 2 ở phường Khánh Hậu phục vụ sinh viên, học sinh và công nhân.


Lương Bá Đoàn tạo mô hình kinh doanh bằng cửa hàng giặt sấy tự động

Có thể nói, hoạt động khởi nghiệp kinh doanh của TN hiện nay khá đa dạng, từ thành thị đến nông thôn. Ý tưởng khởi nghiệp của TN bắt nguồn từ nhu cầu thị trường.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp siêu nhỏ, BIDV triển khai chương trình tín dụng với gói 3.000 tỉ đồng. Số tiền cho vay tối đa 30 tỉ đồng/khách hàng doanh nghiệp khởi nghiệp và 10 tỉ đồng/khách hàng là doanh nghiệp siêu nhỏ. Lãi suất bình quân cho gói ngắn hạn từ 7-8,5%/năm và trung hạn từ 9,5-10,5%/năm đầu. Tuy nhiên, đến nay, nguồn vốn này vẫn chưa được giải ngân trên địa bàn tỉnh do doanh nghiệp khởi nghiệp chưa đáp ứng các điều kiện vay.

"Khát" nguồn vốn ưu đãi

Đại diện Tỉnh đoàn cho biết, hiện nay, vốn dành cho TN vay có 2 nguồn, từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh và Chương trình 120. Hiện Đoàn TN toàn tỉnh quản lý vốn ủy thác từ NHCSXH khoảng 277 tỉ đồng với 12.144 hộ vay ở 327 tổ (bao gồm 12 chương trình). Riêng nguồn vốn từ Chương trình 120, Tỉnh đoàn quản lý 885 triệu đồng. 9 tháng năm 2017, có 9 dự án do TN làm chủ được giải ngân với số tiền hơn 600 triệu đồng.

Theo Cao Phú Khánh, mặc dù quy mô hiện tại của trại cá giống mình làm chủ tương đối rộng lớn nhưng chỉ dám vay tiền từ Chương trình 120, bởi lãi suất tương đối thấp. Sau nhiều năm gầy dựng, Khánh được thương lái, chủ vựa biết đến nhiều, có đầu ra thủy sản ổn định nhưng vì thiếu vốn nên việc bao tiêu sản phẩm còn giới hạn (hiện chỉ bao tiêu một vài loại mà Khánh cung cấp giống).

Khánh cho biết: “Nếu có vốn nhiều hơn, tôi sẽ chủ động cung cấp giống cho nông dân rồi trực tiếp thu mua, chuyên chở bỏ mối cho các chủ vựa. Thực sự vay vốn từ ngân hàng thương mại không khó nhưng lãi suất cao nên không đạt hiệu quả, bởi hầu hết sản phẩm hiện tôi bao tiêu cho đoàn viên, TN đều không tính lãi. TN khởi nghiệp chúng tôi vẫn đang “khát” nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp”.

Cao Phú Khánh chăm sóc cá giống chuẩn bị sinh sản

Với nghề in ấn, quảng cáo, theo Trần Long Ẩn, công nghệ, máy móc thay đổi hàng ngày, nếu “chậm chân” thì tụt hậu, mất khách. Hiện tại, không ít ngân hàng thương mại đề xuất cho Ẩn vay dạng thế chấp để mua sắm trang thiết bị phục vụ nghề. Nhưng Ẩn cho rằng, nguồn vốn mà TN cần là vốn ưu đãi, lãi suất thấp để chi phí đầu vào thấp, sản phẩm làm ra mới có thể cạnh tranh với cơ sở cùng ngành nghề.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Tam Kỳ Hoa (phường 4, TP.Tân An) - Lê Thị Kim Ngân chia sẻ: “Khó khăn trước mắt của tôi cũng như những bạn trẻ khởi nghiệp là nguồn vốn. Hầu hết các ngân hàng thương mại đều yêu cầu phải có tài sản thế chấp khi vay hoặc phải báo cáo tài chính ổn định của vài năm trước. Điều này không thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp”.

Theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Long An - Đào Văn Nghiệp, địa bàn Long An có 33 ngân hàng thương mại chi nhánh cấp I và 19 quỹ tín dụng nhân dân với tổng số 183 điểm giao dịch ngân hàng. Hiện, toàn tỉnh có tổng vốn huy động đạt 51.550 tỉ đồng và dư nợ cho vay đạt 50.018 tỉ đồng. Lãi suất cho vay các đối tượng ưu đãi không quá 6,5%/năm; lãi suất cho vay thỏa thuận mức phổ biến 9-11%/ngắn hạn; 10-13%/năm trung, dài hạn. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc cho vay dành cho đối tượng khởi nghiệp, lập nghiệp, lập thân. Tuy nhiên, có một vài hệ thống ngân hàng triển khai chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp siêu nhỏ năm 2017.

Bí thư Tỉnh đoàn - Bùi Quốc Bảo chia sẻ: “Về lý thuyết, việc tiếp cận vốn ưu đãi không khó, nhưng trên thực tế, điều này lại không dễ đối với TN, nhất là TN khu vực nông thôn. Hiện, chúng tôi rà soát các dự án của TN nhằm giải ngân hết số vốn từ Chương trình 120. Ngoài ra, giữa Tỉnh đoàn và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Long An thỏa thuận hỗ trợ TN vay khởi nghiệp theo chương trình tín dụng của hệ thống ngân hàng này với số vốn lên đến 3.000 tỉ đồng. Tỉnh đoàn hiện có chỉ đạo đến các Huyện đoàn định hướng cho đoàn viên, TN phát triển những mô hình sản xuất phù hợp với năng lực, điều kiện địa phương và nhu cầu thị trường, để TN nông thôn có điều kiện phát triển kinh tế, làm giàu trên chính quê hương của mình”.

Tuy chưa có cuộc khảo sát nào về nhu cầu vay vốn của TN trên địa bàn tỉnh, nhưng trong thực tế, TN có nhu cầu vay vốn như những trường hợp nêu trên không ít. Không ít bạn trẻ khởi nghiệp không chỉ thành công cho riêng mình mà còn tạo được việc làm cho lao động địa phương từ nguồn vốn vay ưu đãi. Vì vậy, đã đến lúc cần có chính sách riêng cho TN lập nghiệp, lập thân, làm giàu trên quê hương.

Một bạn trẻ khởi nghiệp chia sẻ: “Ở địa phương mình, nhiều bạn trẻ có đất và rất “máu” làm giàu nhưng vẫn loay hoay mãi không khá lên được do không đủ vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Hơn nữa, với mức vay từ NHCSXH tối đa không quá 50 triệu đồng, rất khó để TN xây dựng một mô hình phát triển kinh tế hoàn chỉnh”.

Bí thư Huyện đoàn Tân Thạnh - Tô Thành Quốc:

Kiến nghị của Đoàn TN các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều đề cập đến việc tạo điều kiện hỗ trợ TN vay vốn ưu đãi làm kinh tế. Trong khi đó, nguồn vốn vay do Đoàn TN quản lý không đáp ứng nhu cầu, khiến dự định bám quê làm ăn, ổn định cuộc sống trở nên khó thực hiện với không ít TN nông thôn. Còn các điều kiện để được vay của ngân hàng thương mại khiến TN khó có thể tiếp cận được.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Tam Kỳ Hoa - Lê Thị Kim Ngân:

Lãnh đạo tỉnh muốn thúc đẩy phong trào TN khởi nghiệp, lập thân nên có nguồn ngân quỹ ưu đãi cho doanh nghiệp hoặc kết nối các ngân hàng dành riêng khoản vay ưu đãi cho doanh nghiệp khởi nghiệp./.

Gia Hân

Chia sẻ bài viết