Tiếng Việt | English

20/11/2021 - 10:00

Thiên chức người thầy

- Xin bác, xin cô tha cho nó lần này.

Miệng nói, tay ngăn, tôi sấn vào gạt đỡ những cú đánh tới tấp vào đầu, vào người thằng bé đang co rúm người vì sợ hãi, kéo tay nó len qua đám đông.

Có lẽ do bất ngờ, đám đông không kịp phản ứng nên tôi và thằng bé thuận lợi bỏ chạy.

- Hừ, đánh cho nó chừa cái thói
ăn cắp!

- Con ai mới bây lớn đã bày đặt móc túi, cướp giật.

- Con nhỏ đó chắc là đồng bọn với nó chứ gì.

...

Tôi với thằng bé chạy thục mạng, bỏ lại phía sau những lời bình phẩm. Cũng may đó chỉ là những bà nội trợ miệng dữ bụng hiền nên tôi với thằng bé mới chạy thoát. Tôi dừng lại, đứng thở phì phì, ngẫm nghĩ vừa tức, vừa mắc cười. Tôi cũng là dân “bỉ vỏ” ư? Mà cũng phải thôi! Dám cả gan nhào vô can ngăn, lôi thằng móc túi chạy trốn, nếu không phải sư phụ thì cũng là sư tỷ của nó. Chà chà, mọi người biết tôi là cô giáo thì chắc còn “đã đời” hơn nữa…

Tôi mở khẩu trang, ngồi dưới bóng cây ven đường. Thằng bé rón rén ngồi xuống bên cạnh, mặt cúi gằm, mắt len lén nhìn tôi.

- Em tên gì?

Thằng bé ngẩng mặt lên, lưỡng lự một lúc mới trả lời thật khẽ:

- Lượm.

- Em móc túi mẹ con bà ấy, bị bắt tận tay phải không?

Thằng bé làm thinh gật đầu, mặt lầm lì, không có vẻ gì xấu hổ.

- Móc túi như thế mỗi ngày em kiếm được bao nhiêu?

Thằng bé tròn mắt nhìn tôi vài giây rồi chớp chớp mắt đáp:

- Tùy.

Thấy tôi nhướng mày chờ nghe, thằng bé giải thích thêm:

- Tùy cái bóp móc được, tùy buổi chợ đông thưa, tùy… hên xui.

- Vậy em có thường bị bắt, bị đánh đập như mới hồi nãy không? Em hổng sợ à?

- Bị bắt, bị đánh năm thì mười họa mới dính một lần, còn đói thì ngày nào chẳng đói. Bị đói còn khổ hơn bị đau nhiều. Thằng bé trả lời trống không, mặt tỉnh bơ.

- Sao em không kiếm sống bằng việc khác như bán vé số, làm thuê, phụ bán hàng, dọn hàng chẳng hạn? Móc túi, ăn trộm, ăn cắp là rất xấu, em cũng biết vậy mà?

- Cũng đi lượm bọc mủ, ve chai, kẹt lắm mới… Mà móc túi những người giàu thì có làm sao. Bọn họ sống thừa mứa, mất chút đỉnh có ăn nhằm gì.

- Em sai rồi. Lấy của cải, tiền bạc của người khác làm của riêng mình thì dù người đó là ai đi nữa cũng là việc làm không tốt.

Thằng bé nhìn xa xăm, giọng buồn bã:

- Đã đi bán vé số rồi nhưng mất cả xấp vì bị người lớn giả bộ hỏi mua rồi lên xe máy dông mất. Bọc mủ,
ve chai lượm bữa có, bữa không, đi xin việc không người bảo lãnh chẳng ai dám nhận.

- Còn người nhà, ba mẹ của em đâu?

Thằng bé bỗng ứa nước mắt, nó giơ cánh tay quẹt ngang mắt rồi vụt bỏ chạy. Tôi chưng hửng nhìn theo nhủ thầm: Mình đã nói điều gì làm mếch lòng thằng bé rồi chăng?

*

*     *

Hôm nay trời lại mưa. Mấy ngày bận bịu coi thi, chấm bài nên tôi không ra chợ. Hôm nay vừa tan trường, tôi đội áo mưa chạy về nhà tập thể, dự định nấu mì ăn trừ cơm. Tôi nhìn thấy thằng bé Lượm khi bước ra ngoài khép cánh cửa cho mưa khỏi tạt vào. Khuôn mặt bé choắt, sạm đen, quắt lại vì lạnh, đầu tóc, áo quần lếch thếch ướt sũng nước mưa. Thằng bé nhìn tôi, ánh nhìn rụt rè như van lơn, cầu cứu, như lo sợ, tủi thân. Trái tim tôi chợt thắt lại, nhói đau. Tôi dẫn thằng bé vào phòng, đưa cho nó chiếc khăn lông và bộ đồng phục thể dục của học sinh lớp tôi chủ nhiệm trả lại vì mặc không vừa hôm đầu năm học. Tôi đổ thêm nước vào xoong, nấu thêm tô mì.

Thằng bé bước ra từ phòng tắm như con mèo ướt còi cọc trong bộ đồ xanh rộng thùng thình. Em ăn ngấu nghiến tô mì mà tôi cho thêm hai quả trứng gà và nắm rau bồ ngót. Em uống cạn ly trà gừng pha đường, rồi cúi mặt ấp úng:

- Em… em bỏ móc túi luôn rồi.

Lần này em không nói trống không mà xưng “em”, dẫu tiếng “em” lướt nhanh trên môi tưởng chừng như không nghe kịp.

- Mấy bữa mưa bão, em nhịn đói suốt à?

Tôi sửng sốt nhìn em. Em gật đầu rồi lại lắc đầu:

- Phải… mà cũng hổng phải. Hôm kia ngày rằm, em vô chùa ăn cơm chay. Em chỉ không ăn gì từ bữa qua tới giờ thôi à.

Tôi nén tiếng thở dài trong lòng.

- Sao em biết cô ở đây?

- Em biết chứ, cô là cô giáo mà. Em theo cô mấy bữa nay mà sao không biết được. Cô có chuyện gì làm thì mướn em, rồi cô cho em ăn cơm với.

Tôi nhìn em, bao ý nghĩ, cảm xúc đan xen nhau…

Tôi - giáo viên mới ra trường, ở nhà tập thể, lương tập sự thì nuôi cơm thằng bé sao kham. Tiền xe, tiền áo quần của tôi, má và các anh chị phải dấm dúi cho thêm thì cưu mang thêm một đứa trẻ đâu phải là chuyện dễ. Còn từ chối em, bỏ mặc em thì làm sao tôi có thể. Tôi không cầm lòng được khi nhìn vào đôi mắt trong veo với cái nhìn khắc khoải, mong đợi, tin cậy của em. Tôi nuốt cục nghẹn ở cổ, nói nhẹ hều:

- Tạm thời em ở đây ăn cơm với cô. Cô sẽ giúp em tìm việc làm. Mà nè, em đã học tới lớp mấy rồi?

- Em chưa đi học bao giờ. Em dắt má nuôi bị mù đi ăn xin từ bé. Từ hồi má nuôi em chết, em cũng đi xin nhưng ít ai cho tiền nên…

Nghe em nói, tôi quả quyết gật đầu:

- Được, cô sẽ giúp em tìm việc làm. Cô cũng sẽ xin cho em học bổ túc ban đêm rồi cô kèm phụ. Mệt lắm đó nhưng em phải cố, hứa chắc là không được bỏ ngang giữa chừng.

Tôi nheo mắt để ngăn dòng nước mắt chực tuôn trào khi nhìn em cười. Giá mà tôi có máy ảnh để lưu lại nụ cười tươi rói trên khuôn mặt bé choắt, đen sạm của em.

*

*     *

- Cô viết bản kiểm điểm để đọc trước hội đồng trong cuộc họp ngày mai.

Thầy hiệu trưởng đặt xấp giấy A4 lên bàn rồi đóng sầm cánh cửa bỏ ra ngoài. Đây là lần thứ hai tôi vào phòng làm việc của hiệu trưởng. Tôi cúi xuống, nhìn chăm chăm vào tờ giấy trắng, bên tai còn văng vẳng những lời trách cứ hằn hộc của thầy hiệu trưởng:

“Sao cô không lo chuyện trường, chuyện lớp mà đi lo chuyện bao đồng? Ai cho phép cô đưa trẻ bụi đời về nhà tập thể giáo viên? Lùm xùm tai tiếng tới công an, tới phòng giáo dục đâu phải chuyện chơi. Rồi vì cô mà năm học này, trường sẽ bị cắt thi đua, vì cái thằng nhỏ móc túi đó mà công lao của cả tập thể đem đổ sông đổ biển. Đâu phải đơn giản cô làm cô chịu là thôi đâu. Tội lớn như vậy, cô có gánh nổi không?...”.

Tội ư? Tôi không muốn khóc mà sao nước mắt cứ chảy ra, ướt nhòe trang giấy. Sao mọi việc lại có thể như thế được. Bà chủ quán tạp hóa cạnh nhà tập thể bị mất trộm. Bà một hai quả quyết em Lượm là thủ phạm. “Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt” - bà mắng tôi: “Giáo viên gì mà tiếp tay cho kẻ cắp. Không phải nó lấy thì ai vào đây?”.

Trước mắt tôi hiển hiện cái nhìn trong veo, đầy đau đớn, thương tổn của em khi bị bà chủ quán cùng các con của bà lôi đến công an để làm cho ra lẽ.

Em vùng vẫy cố thoát khỏi tay mẹ con bà chủ quán, ôm chầm lấy tôi nức nở:

- Em không làm việc xấu đó cô ơi. Em không lấy trộm thiệt mà, đừng đưa em tới công an, em sợ lắm!

Tôi đứng chết lặng nhìn những bàn tay múp míp, vàng chóe nào là vòng, nào là nhẫn đang túm thằng bé kéo xềnh xệch trên mặt đất. Máu nóng dâng lên đến đỉnh đầu khiến tôi chẳng thể suy nghĩ gì thêm. Tôi nhào vô xô giạt những kẻ đang xoắn lấy em, quắc mắt nói như hét:

- Tự tôi sẽ đưa em Lượm đến công an xã. Nếu không có bằng chứng xác thực, em vô tội thì tôi sẽ kiện các người vì tội vu khống, hành hạ trẻ em, xâm phạm gia cư bất hợp pháp, nhục mạ giáo viên.

Tôi dẫn em vào nhà trước sự sửng sốt đến bất động của mẹ con bà chủ quán. Em ngước khuôn mặt nhem nhuốc nước mắt lẫn bụi đất nhìn vào mắt tôi:

- Em không lấy trộm của họ. Em bỏ luôn rồi, cô tin em đi.

Tôi bóp nhẹ bàn tay gầy guộc của em, không thể nói thành lời vì rất muốn khóc: “Cô tin em mà”.

Em cười. Trái tim nhỏ bé non nớt của em đã nghe được lời nói của lòng tôi.

... Tôi lau nước mắt, rút tờ giấy khác cắm cúi viết, ký tên, cẩn thận đặt giữa bàn rồi rời khỏi phòng. Cánh cửa sau lưng khép lại thật khẽ, thật êm mà sao nghe nhói cả tim. Lần này chắc bị má chửi cả năm, bị đòn, bị cắt viện trợ dài hạn.

*

*     *

Bước vào phòng không kịp ngồi, thầy hiệu trưởng đọc như nuốt lấy từng con chữ trên tờ công văn có đóng mộc đỏ của công an xã.

“Em Lượm vô tội. Đã bắt được tên trộm cửa hàng tạp hóa của bà Lê Thị Bông. Thủ phạm đã khai nhận và ký tên vào tờ lấy khẩu cung sáng nay”.

Thở phào nhẹ nhõm, thầy với tay cầm tờ giấy A4 trên bàn. Thầy nheo mắt, tháo kính chùi vào vạt áo rồi đeo vào đọc đi đọc lại mấy lượt những dòng chữ tròn vo như chữ học sinh: “Đơn xin thôi việc… Tôi nghĩ, dạy học không chỉ đơn thuần là một nghề mà là thiên chức và đam mê. Nghề dạy học tuyệt vời, cao cả biết bao nhiêu. Truyền thụ kiến thức, dạy dỗ một đứa trẻ thành một con người đúng nghĩa là bổn phận, trọng trách của người thầy. Em Lượm không phải là học trò của trường nhưng em cũng là một đứa trẻ, hơn nữa là một trẻ mồ côi tội nghiệp không nơi nương tựa. Tôi thành thật xin lỗi vì đã gây hậu quả cho trường, ảnh hưởng đến thành tích thi đua của tập thể giáo viên, nhưng nếu có thể bắt đầu lại từ đầu thì tôi cũng sẽ làm như thế. Tôi tin em Lượm vô tội”.

Mặt trời khuất chìm sau rặng cây bên bến sông lâu rồi mà thầy hiệu trưởng vẫn ngồi trầm ngâm cạnh chiếc bàn có gắn bảng hiệu bằng mica nền xanh đậm với hai chữ trắng “hiệu trưởng” thật sắc nét…/.

Nguyễn Thị Tuyết Mai

Chia sẻ bài viết