Nội nhìn xuống dòng sông thấy nước đỏ ngầu. Nội nói: “Mùa nước đổ rồi đó, các con lo chuẩn bị thu xếp mùa màng và chuẩn bị đăng, lưới bắt cá khi lũ về.” Vì những ký ức sâu đậm trong nội chớ hiện giờ, ruộng đồng đang vào vụ thu hoạch lúa Hè Thu gần dứt điểm, người làm 2 vụ xen màu thì đang thu hoạch màu.
Sau vụ này, nông dân cho đất nghỉ ngơi đến tháng mười Âm lịch mới xuống giống. Đất nghỉ thì người cũng rảnh rỗi chuyển qua nghề khác theo con cá lên đồng. Cho đất nghỉ ngơi cũng đồng nghĩa với xả đê cho nước mang phù sa về tận ruộng. Nước lên thì cá lên theo dù ít. Nhưng không phải là không có, ngược lại, có những loài cá phát triển mạnh như cá rô phi, mè dinh, cá sặt, cá rô,…
Nội thao thức với quãng đời đã đi qua và sự trải nghiệm cuộc sống của mình, nói với con cháu:
- Các con biết sao gọi “nước đổ” không? Cuối tháng bảy Âm lịch bước qua tháng tám, dòng sông Hậu, sông Tiền, nước trên thượng nguồn cuồn cuộn đổ về tràn vô kinh, rạch, mang theo phù sa đục ngầu vào ruộng vườn. Nước đổ, nước lũ, nước ngập, dân miền Tây ai nghe cũng hiểu chung là mùa nước lũ đã về. Ở thế kỷ trước, nước tràn bờ ngập vườn tược, chết cây trái làm thiệt hại mùa màng. Vào năm 1975, Nhà nước phát động đắp đê nâng cao lộ giới, vườn nhà và cũng từ đó, mùa lũ về không còn làm hư hại mùa màng mà ngược lại, rất cần cho ruộng lúa.
Nội nói như say mê, hễ có con cháu tựu lại là nội bắt đầu kể:
- Mùa nước nổi, bông súng sáng ra nở trắng trên đồng, bông điên điển thì nở vàng theo kinh, rạch, mặc tình cho ta hái đem về. Mà các con biết không, bông súng thời đó mềm, ngon lắm! Còn bông điên điển thì cánh hoa vàng nghính, nở to đầy mật thật ngon ngọt.
Chừng như với nội ngày xưa cái gì cũng ngon, từ con cá, cọng rau đến con ốc, hến. Mà nghĩ lại, những điều nội nói là sự thật. Con ốc lác ngày xưa mưa đầu mùa vừa thấm đất là trồi lên bò đầy đồng, con nít đi lượm vài giờ thì được cả bao, vác về không nổi. Ốc luộc cho mớ lá ổi vào thơm phức, thịt ốc mềm; ốc trộn gỏi bắp chuối cho ít rau răm, giấm, đường, thấy mà thèm.
Để nội vui, con cháu khi rảnh đến ngồi nghe nội kể. Nhưng phải thật rảnh mới được vì nội đang nói chuyện mà bỏ đi thì nội cho là khi dễ, rồi nội buồn, nội bệnh. Do vậy, khi đến phải lựa ngày thứ bảy, chủ nhật để nghe cả buổi mới thôi. Những chuyện với sông nước, đồng ruộng, những câu hò, nội có một kho trong bụng. Có một lần, các cháu đến mừng thọ nội, ai đó nhắc câu: “Chiếc tàu Tây chạy ngang cồn Cát/ Xuồng câu tôm bơi sát mé nga/...”, nội khoát tay đính chính liền: “Chiếc tàu Tây chạy ngang cồn Cát/ Xuồng câu tôm đậu sát mé nga/...” mới đúng. Bởi vì khi xưa, người câu tôm thường câu bằng cần có sợi nhưng không có lưỡi câu, sợi câu buộc cục mồi (mồi người ta lấy cọng dây chì nhỏ xỏ luồn bụng con trùn (giun), luồn cho đến khi to bằng nắm xôi). Người câu cắm sào cặp mé nga để thả mồi xuống, đợi tôm đến ăn rồi kéo tôm theo đến gần mặt nước mới dùng vợt hớt. Có khi hớt một vợt là được đôi ba con tôm, tôm mê mồi nên bu lại ăn theo mồi lên mặt nước, người câu tôm mỗi đêm được cả chục kilôgam. Câu hò trải dài theo thời gian nên người ta hò chệch đi chữ đậu và bơi. Hình ảnh câu tôm phải đậu chớ không bơi được!
Nội bỗng cất giọng: “ Hò… hơ… Chiếc tàu Tây chạy ngang cồn Cát… hờ… Xuồng câu tôm đậu sát mé nga. Anh thấy em có một mẹ già… Hò hơ… muốn vô hoạn dưỡng biết là đặng chăng…”.
Mọi người vỗ tay vì sự vui vẻ cao hứng và sức khỏe nội tốt. Những câu chuyện nội kể nghe rất có lý nên ai cũng thích nghe. Chừng như ký ức của nội sâu đậm với mùa nước nổi nên chuyện nào nghe cũng hay. Mùa nước nổi cũng là thời vụ thu hoạch cá, tôm của nông dân. Người thì chất chà, nò, người thì câu, lưới, đặt lờ trên đồng, dưới sông, những bữa cơm mùa này giàu chất dinh dưỡng, đậm đà hương vị đồng quê.
Nhớ nhất là đầu mùa nước nổi có cá linh non bằng đầu đũa ăn, nội vào bếp chế biến thành nhiều món, nào là cá linh kho lạt dầm me, cá linh nấu canh chua, cá linh kho mắm. Bọn tôi ấn tượng nhất là cá linh kho mắm của nội. Nồi mắm kho cũng bình thường như bao nồi mắm kho khác, đủ gia vị, sả, ớt nhưng khi gần nhắc xuống bếp, nội mới cho cá linh vào, nội nói “cho cá vào sớm nó nhừ không ngon”. Đặc biệt, món mắm kho của nội ăn kèm bông điên điển bóp giấm hoặc bông súng. Khi nồi mắm kho được múc ra tô bốc khói thơm phức, lan tỏa cả nhà, mắm kho nóng hổi, bông điên điển chấm vào thật thơm ngon. Nội còn nói:
- Các con có biết cá linh to béo, ngon ngọt nhưng tại sao người ta thường nhắc, thèm ăn cá linh non không? Vì cá linh non lúc ấy ăn nguyên xương, không bỏ gì hết, chỉ làm sạch ruột thôi. Cá mềm, xương mềm tạo thành hương vị đặc biệt không gì thay thế được!
Mặc dù con cá linh giờ rất hiếm nhưng thấy nước đổ về đục ngầu trên những dòng sông, kinh, rạch, lòng tôi lại nhớ nội da diết. Nhớ hương vị mắm kho do nội nấu và bữa ăn ấm áp tình quê chơn chất không thể nào quên được. Tôi thương mùa nước đổ, thương cả những ký ức về nội./.
Nhật Hồng