Những người giữ “hồn cốt” dân tộc…
Tại tỉnh, NNƯT hoạt động ở các lĩnh vực: ĐCTT, múa bóng rỗi, chạm khắc gỗ, làm trống,... là những người giữ “hồn cốt” dân tộc, nắm giữ và thực hành những bộ môn nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật dân gian một cách thành thạo. Giữa cuộc sống hiện đại, họ vẫn nâng niu từng cung đờn, điệu luyến láy, giữ gìn, truyền dạy cho thế hệ sau cái hay, cái đẹp của ĐCTT.
Hầu hết các NNƯT đều lớn tuổi, sức khỏe yếu nhưng khi có học trò muốn học, đài phát thanh, truyền hình muốn thu âm là họ sắp xếp mọi công việc để nhận lời. Họ luôn đau đáu nỗi lo thiếu người “kế nghiệp” nên tìm cách duy trì, phổ biến nghệ thuật ĐCTT. NNƯT Tấn Khoa nhiều năm nay vẫn duy trì lớp ĐCTT miễn phí cho học sinh tại Trường TH-THCS và THPT Bồ Đề Phương Duy (thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa) là vì vậy. Cố Nghệ nhân nhân dân Đặng Quất Vân lúc sinh thời luôn sẵn sàng truyền dạy ĐCTT miễn phí cho những học viên có hoàn cảnh khó khăn dù cuộc sống của ông cũng nhiều vất vả.
Khi dịch bệnh chưa xảy ra, nhà của Nghệ nhân ưu tú Hồng Cúc là nơi nhiều khách tài tử đến chơi, còn nay, bàn ghế được xếp chồng lên trong góc
Các nghệ nhân còn miệt mài xây dựng câu lạc bộ (CLB) ĐCTT, nhiệt tình tham gia các hội thi, giao lưu cùng tỉnh bạn chỉ mong trao truyền cho thế hệ sau “hồn cốt” của dân tộc. NNƯT Hồng Cúc là một trong những người gầy dựng CLB ĐCTT TP.Tân An. Trước lúc xảy ra dịch bệnh, tại nhà bà, CLB ĐCTT được duy trì sinh hoạt hàng ngày suốt nhiều năm nay. Mọi người đờn, ca cho thỏa đam mê và đó cũng là cách giữ gìn nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
… đang gặp khó khăn
Giữa cơn đại dịch, những nghệ nhân chân chất ấy đang gặp không ít khó khăn. Họ mất nguồn thu và nhớ những buổi đờn ca ngày trước. Ở nhà (phường 5, TP.Tân An), NNƯT Hồng Cúc khóa chặt cổng và mang đờn tranh ra trước sân đờn. Nếu không có dịch, mỗi ngày, nhà bà đều đông khách tài tử đến chơi. Thỉnh thoảng không đờn, bà mở nhạc lên ca, giọng luyến láy của một nghệ nhân cả đời theo đuổi ĐCTT lúc này sao nghe đượm buồn!
Cũng như những lao động tự do khác, NNƯT Hồng Cúc gặp khó khăn về kinh tế do công việc bị gián đoạn. Trước đây, bà mở lớp, nhận học viên tại Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh và một số huyện lân cận. Các lớp truyền dạy vừa mang đến thu nhập cho bà, vừa giúp nghệ thuật ĐCTT được lưu truyền. Mùa dịch này, các lớp học phải đóng cửa, tài tử không được gặp nhau, nữ nghệ nhân chỉ đi ra, đi vào trong căn nhà nhỏ. Bà gói ghém cuộc sống trong khoản chu cấp của con trai.
“Tôi sống một mình, chẳng cầu kỳ gì nên gói ghém cũng tạm ổn. Mùa dịch, ai cũng khó khăn, cái khó của mình chưa tới nỗi ngặt như người khác” - bà chia sẻ.
Gần 3 tháng nay, Nghệ nhân ưu tú Út Bù không đờn nhạc Lễ. Tất cả hoạt động nghệ thuật đều tạm ngừng, ông không còn thu nhập
NNƯT Út Bù (ấp Cầu Làng, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước) trước đây thường chơi nhạc Lễ. Có ngón đờn điêu luyện, ông được mời tham gia nhiều hội thi, giao lưu, biểu diễn ĐCTT từ huyện đến tỉnh và địa phương khác. Gần 3 tháng nay, ông không chơi nhạc Lễ. Tất cả hoạt động nghệ thuật đều tạm ngừng, ông không còn bất kỳ nguồn thu nhập nào. Gia đình không có ruộng đất, vợ chồng ông gói ghém chi tiêu. Lúc khó quá, ông nhờ bạn bè, đồng nghiệp trong tỉnh giúp. Ngồi dưới tán cây trong vườn nhà, NNƯT tuổi ngoài 60 đang lau bụi cây đờn guitar. Ông đờn một đoạn ngắn rồi im lặng nhìn xa xăm...
Hỗ trợ nào cho nghệ nhân trong đại dịch?
Nghị định 109/2015/NĐ-CP, ngày 28/10/2015 của Chính phủ về việc hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, NNƯT có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn quy định: Trợ cấp sinh hoạt hàng tháng, bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí mai táng đối với nghệ nhân nhân dân, NNƯT có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Đối tượng được xét hưởng trợ cấp này là nghệ nhân nhân dân, NNƯT được Nhà nước phong tặng thuộc hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở do Chính phủ quy định. |
Giữa khó khăn, những NNƯT, người làm nhiệm vụ giữ gìn và lưu truyền các di sản văn hóa chưa tiếp cận được bất kỳ sự hỗ trợ nào. Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đang được triển khai. Nhiều lao động tự do: Người bán vé số, người nhặt ve chai,… được hỗ trợ.
Tuy nhiên, với NNƯT, những người sống bằng nghề đờn nhạc Lễ, mở lớp truyền dạy ĐCTT, múa bóng rỗi,… có được trợ cấp hay không thì vẫn chưa có câu trả lời.
Theo tìm hiểu, các NNƯT đều không nhận được trợ cấp theo diện lao động tự do mất việc trong đợt chi trả đợt 1 vừa qua. Trong Quyết định số 6652/QĐ-UBND, ngày 12/7/2021 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động có liệt kê rõ một số đối tượng được trợ cấp như bán hàng rong, thu gom rác, phế liệu, bốc vác,...
Bên cạnh đó, quyết định cũng đề cập đến đối tượng làm “một số công việc đặc thù khác thuộc các lĩnh vực, ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh và UBND cấp huyện”. Việc các NNƯT có được xếp vào đối tượng làm “công việc đặc thù khác” hay không thì hiện tại vẫn chưa có câu trả lời. Theo thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, việc xem xét, lựa chọn đối tượng nhận trợ cấp được giao cho địa phương thực hiện theo hướng dẫn.
Cũng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Chính phủ quy định hỗ trợ cho viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch. Các nghệ nhân, NNƯT cũng không thuộc nhóm đối tượng này. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Nguyễn Thị Thủy cho biết, khi Nghị quyết số 68/NQ-CP được triển khai, Sở rà soát các đối tượng được hưởng trợ cấp thuộc ngành quản lý và hướng dẫn làm thủ tục hưởng trợ cấp theo quy định. Đối tượng nghệ nhân, NNƯT không có trong quy định.
Về phía Sở, do không có kinh phí nên không thể hỗ trợ các nghệ nhân, NNƯT trong giai đoạn khó khăn hiện tại. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở sẽ liên hệ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng như các địa phương tạo điều kiện cho các nghệ nhân, NNƯT gặp khó khăn được hưởng chế độ lao động tự do mất việc do dịch Covid-19.
Những người giữ gìn “hồn cốt” dân tộc vẫn đam mê biểu diễn, truyền dạy, gắn bó cả đời với nghệ thuật truyền thống. Giờ đây, họ đang gặp khó khăn. Khi các chính sách được triển khai, họ lại chưa thể nào tiếp cận thì ngọn lửa nghề liệu có còn bùng cháy được như xưa?
Long An có 6 NNƯT về đờn ca tài tử, 1 NNƯT về nghệ thuật múa bóng rỗi, hầu hết đều sống nhờ vào nghề. Dịch Covid-19 khiến các hoạt động nghệ thuật tạm ngừng, 2 mùa lễ hội không tổ chức,những NNƯT loay hoay với cái khó của mình. Lúc buồn, họ tự đờn, tự ca và hoài niệm những ngày hoạt động sôi nổi trước kia. |
Quế Lâm