“Sài Gòn sẽ vui”
Ra mắt cách đây không lâu, ca khúc Những ngày phố ốm (nhạc sĩ Võ Việt Phương) và Sài Gòn sẽ vui (nhạc sĩ Trần Quang Sơn) có hàng chục ngàn lượt xem trên Youtube. Hai bài hát đều được phổ từ bài thơ Sài Gòn sẽ vui của nhà báo Nguyễn Đức Hiển.
Sài Gòn sẽ vui mang tâm tình của người nhạc sĩ xứ Kinh kỳ - Trần Quang Sơn gửi vào miền Nam (Ảnh chụp màn hình)
Vẫn là: “Sài Gòn mệt rồi, hàng rong không rao/ Sài Gòn mệt rồi, phố thôi xôn xao” nhưng 2 ca khúc của 2 nhạc sĩ lại mang đến những cung bậc cảm xúc hoàn toàn khác nhau. Sài Gòn sẽ vui mang tâm tình của người nhạc sĩ xứ Kinh kỳ - Trần Quang Sơn gửi vào miền Nam. Giai điệu du dương, tình cảm phổ trên lời thơ mộc mạc, chân tình gợi lên hình ảnh một thành phố đầy ấm áp, yêu thương. Giữa cơn “mệt”, Sài Gòn vẫn ấm lên tình cảm sẻ chia, đùm bọc trong khó khăn. Trần Quang Sơn là ca sĩ, nhạc sĩ người Hà Nội.
Anh chia sẻ rằng mình cũng trăn trở, đau đáu như nhà báo Nguyễn Đức Hiển trong bài thơ Sài Gòn sẽ vui. Đó cũng là nỗi lòng của nhạc sĩ Trần Quang Sơn dành cho đồng bào tại TP.HCM. Nhạc sĩ gửi gắm trong từng giai điệu niềm thương, nỗi lo khi chứng kiến thành phố đang “gồng mình” chống dịch. Sài Gòn sẽ vui với những giai điệu da diết vừa gợi lên sự xót xa những ngày Sài Gòn “mệt rồi”, vừa hướng đến niềm hy vọng về tương lai “Đường em đến lớp, rộn ràng phố đông”.
Khác với Sài Gòn sẽ vui, chàng nhạc sĩ 18 tuổi Võ Việt Phương mang đến một màu sắc khác cho bài thơ qua ca khúc Những ngày phố ốm. Bài hát mang cảm xúc, tâm tình của người trẻ TP.HCM vừa đầy yêu thương, vừa xót xa ngày phố “mệt”. Những ngày phố ốm mang đến cho người nghe cảm giác nhớ thương thành phố dù đang ở trong lòng phố: “Nhìn phố vắng lòng buồn chợt khóc/ Trái tim ta buồn hơn những ngày mưa giăng”.
Niềm tin trên quê hương “trung dũng kiên cường”
Giữa bối cảnh cả nước đang “căng mình” chống dịch, tác giả trẻ Hoàng Sơn Giang - người con của quê hương Long An, đã sáng tác và ra mắt MV Giận Cô Vi góp phần lan tỏa yêu thương và tuyên truyền để người dân tuân thủ nguyên tắc phòng, chống dịch. Tốt nghiệp thủ khoa cao học ngành Quản lý văn hóa - nghệ thuật, Trường Đại học Văn hóa TP.HCM, Sơn Giang là tác giả của nhiều ca khúc trữ tình, dân ca. Trước ca khúc Giận Cô Vi, Sơn Giang đã sáng tác và phát hành hơn 50 ca khúc trên kênh Youtube cá nhân. Hiện anh là Phó Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Phát triển Dự án thuộc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ - Thành đoàn TP.HCM.
Chia sẻ về ý tưởng sáng tác ca khúc Giận Cô Vi, Sơn Giang cho biết: “Ca khúc được sáng tác vào tối 25/7. Ý tưởng ban đầu là do sau thời gian trực tiếp tham gia đội khử khuẩn phòng, chống dịch Covid-19, từ những người xa lạ, các tình nguyện viên nhanh chóng trở nên thân thiết, yêu thương nhau như một gia đình. Chính vì vậy mà tôi quyết định làm một sản phẩm cho tất cả anh em cùng tham gia để lưu lại những khoảnh khắc này. Bên cạnh đó, còn một số người dân chưa chấp hành tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, tôi hy vọng ca khúc sẽ góp phần tuyên truyền, vận động người dân đồng lòng, chung tay đẩy lùi dịch bệnh”.
Đội khử khuẩn di động phản ứng nhanh có Hoàng Sơn Giang tham gia không chỉ là chiến sĩ mà còn là nghệ sĩ (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Ca khúc được hoàn thành trong khoảng thời gian ngắn, chỉ vỏn vẹn 3 giờ, sau đó hòa âm và lên ý tưởng thực hiện MV. Đây là lần đầu tiên Sơn Giang kết hợp rap với dòng nhạc trữ tình. Với những ca từ gần gũi, lạc quan, ca khúc Giận Cô Vi ra đời nhằm truyền tải thông điệp kêu gọi mọi người tuân thủ những quy định, biện pháp phòng, chống dịch, thông điệp “5K” của Bộ Y tế.
Cùng ý tưởng dùng âm nhạc để cổ vũ, lan tỏa những thông điệp ý nghĩa, nữ nghệ sĩ trẻ Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An - Thu Mỹ đã viết 3 câu vọng cổ vào dịp đoàn y, bác sĩ Bắc Giang vào chi viện Long An. Nữ nghệ sĩ đặt tên cho sáng tác của mình là Cảm ơn.
Bằng giọng ca ngọt ngào, truyền cảm, Thu Mỹ khiến người nghe rung động qua câu vọng cổ ngọt ngào: “Cảm ơn anh đã cho em thấy rõ, khi khoác lên mình chiếc áo màu blouse trắng thì dù gian khổ, khó khăn phải hy sinh cuộc sống của riêng mình”. Niềm xúc động trước tình cảm của các y, bác sĩ Bắc Giang dành cho quê hương Long An đã thôi thúc Thu Mỹ viết nên tác phẩm Cảm ơn. “Nhìn thấy nụ cười của y, bác sĩ khi bước xuống xe, tôi thấy các anh, chị như những anh hùng. Họ bước vào “cuộc chiến” một cách hiên ngang với tất cả tình cảm dành cho đồng bào Long An”. 3 câu vọng cổ chứa chan tình cảm là sự động viên tinh thần cho các “chiến sĩ” áo trắng trên “mặt trận” chống dịch hiện nay.
3 câu vọng cổ Cảm ơn của nghệ sĩ Thu Mỹ được công bố ngay sau khi đoàn y, bác sĩ Bắc Giang đến hỗ trợ Long An phòng, chống dịch (Ảnh chụp màn hình)
Cũng là vọng cổ, ca khúc Niềm tin chiến thắng của tác giả Trần Thịnh lại như một bài ca tuyên truyền về thông điệp “5K”, nhắn nhủ người dân ý thức để tự bảo vệ mình: “Chúng ta hãy thực hiện nghiêm túc việc hạn chế ra đường để tránh dịch bệnh lây lan/ Nếu có việc cần ra ngoài hãy nhớ đến khẩu trang, phải sát khuẩn thường xuyên để tiêu trừ mầm bệnh/ Ta không được chủ quan, lơ đễnh, phải giữ khoảng cách với người khi tiếp xúc”. Niềm tin chiến thắng truyền tải thông điệp một cách linh hoạt và gần gũi hơn, góp sức tuyên truyền, nhắc nhở mọi người thực hiện “5K”, khai báo y tế để bảo vệ sức khỏe bản thân, cộng đồng và chờ ngày: “Để ngày mai ta thắng Covy/ Không còn mất mát chia ly/ An lành hạnh phúc còn gì đẹp hơn”.
Không trực tiếp tham gia chống dịch nhưng giới văn, nghệ sĩ mang đến sự động viên tinh thần cho lực lượng làm nhiệm vụ và người dân trong giai đoạn khó khăn qua những giai điệu du dương, ngọt ngào. Những ca khúc như tiếp sức mạnh để mọi người cùng “chiến đấu” và hướng về một niềm tin chiến thắng./.
Trần Quang Sơn là nhạc sĩ khởi xướng và thực hiện dự án âm nhạc “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện” lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, hướng tới một cuộc sống tôn trọng, hài hòa với tự nhiên. Dự án có sự tham gia của nhiều ca sĩ, nhạc sĩ có tên tuổi Nghệ sĩ nhân dân Trần Nhượng, Nghệ sĩ ưu tú Tố Nga, Tùng Dương, Hiền Anh, Mai Thu Huyền, Kyo York,... |
Quế Lâm - Huỳnh Hương