Các võ sĩ thi đấu tại Giải Vô địch Vovinam thế giới lần VII/2023 diễn ra tại nhà thi đấu Phú Thọ (TP.HCM) (Ảnh: Internet)
Vivonam - môn võ giàu triết lý
Theo tờ Thanh Niên ra ngày 14/11/2023, Vovinam ra đời tại Hà Nội vào năm 1938, do võ sư Nguyễn Lộc khai sáng. Vovinam là tổng hợp tinh hoa võ thuật Việt Nam và góp phần vào công cuộc bảo vệ an ninh Tổ quốc qua các thời kỳ lịch sử.
Tiến sĩ Mai Hữu Tín - Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam, phát biểu: “Việc Vovinam được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia chính là thành quả của bao thế hệ môn sinh Vovinam trong quá trình 85 năm hình thành và phát triển môn phái. Đây là bước đi phải có để tiến tới đưa Vovinam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới”.
Tiến sĩ Mai Hữu Tín cho biết thêm: “Vovinam đang được tập luyện ở 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp 5 châu với hơn 2 triệu môn sinh. Trong đó, nhiều quốc gia có phong trào Vovinam rất mạnh và hoàn toàn có thể cạnh tranh với Việt Nam như Campuchia, Algeria,... Vovinam đã được đưa vào các giải vô địch thế giới, vô địch châu Âu, châu Á, Đông Nam Á được tổ chức thường niên. Vovinam cũng đã 4 lần được đưa vào tổ chức SEA Games, gồm: SEA Games 26 tại Indonesia (năm 2011), SEA Games 27 tại Myanma (năm 2013), SEA Games 31 tại Việt Nam (năm 2022) và SEA Games 32 tại Campuchia (năm 2023); đang có kế hoạch đưa Vovinam tiến vào ASIAD, Olympic”.
“Trải qua 85 năm hình thành và phát triển, Vovinam đã có những đóng góp to lớn vào nền võ thuật Việt Nam và thế giới” - Tiến sĩ Mai Hữu Tín nhấn mạnh. Ông bình luận: “Với hệ thống kỹ thuật mang tính dân tộc, khoa học, thực dụng, sáng tạo cùng với triết lý nhân sinh thượng võ và tấm lòng xả kỷ, Vovinam đã góp phần giới thiệu đất nước và con người Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Môn võ này là sự thâu tập kho tàng võ học phong phú của các cộng đồng cư dân Việt Nam, với nhiều phương pháp huấn luyện độc đáo, đặc dị, san định; đồng thời, bổ sung phần thất truyền; hệ thống hóa, hiện đại hóa thành môn phái võ đạo của Việt Nam, góp phần xây dựng con người toàn diện, vun trồng cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Rèn luyện thể chất song song với tu dưỡng tinh thần để trở thành những con người có ý chí, nghị lực, khoan hòa, đức độ, biết sống vì mọi người, mưu cầu hạnh phúc chung cho gia đình và xã hội, đó là triết lý huấn luyện của Vovinam”.
Tiến sĩ Mai Hữu Tín cho biết: Hướng đi tới của Vovinam là phát triển trên khắp các tỉnh, thành phố trong nước và lan tỏa ngày càng sâu, rộng trên thế giới. Việt Nam cũng sẽ phấn đấu xây dựng, hình thành Học viện Vovinam (dự kiến tại TP.HCM với vốn đầu tư lên tới 20 triệu USD) để đào tạo Vovinam không chỉ cho Việt Nam mà còn thế giới. Thế giới đã thành lập Liên đoàn Vovinam từ năm 2008. Từ ngày 22/11 đến 03/12/2023, Giải vô địch Vovinam thế giới lần VII được cả 2 Liên đoàn: Vovinam Việt Nam và Vovinam thế giới phối hợp tổ chức, diễn ra tại Nhà thi đấu Phú Thọ (TP.HCM). Đến cuối tháng 11/2023, đã có 650 vận động viên, huấn luyện viên, lãnh hội và lực lượng trọng tài đến từ 35 quốc gia đăng ký tranh tài, trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Iran, Thái Lan,... là những cường quốc về võ thuật và thể thao. Dịp này cũng sẽ diễn ra Đại hội Liên đoàn Vovinam thế giới nhiệm kỳ III.
Tiến sĩ Mai Hữu Tín phát tín hiệu: Liên đoàn Vovinam Việt Nam sẽ sớm hoàn tất hồ sơ đăng ký với Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận Vovinam là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại.
Truyền thuyết vùng “Đất võ, trời văn”
Đã từ lâu, chỉ nghe nói tới Wushu Trung Quốc, Taekwondo Hàn Quốc, Nhu đạo Nhật Bản,... Nay Vovinam cùng sánh vai với các cường quốc võ thuật ấy. Việt Nam có rất nhiều trường phái võ thuật, trong đó có võ Bình Định lừng lẫy, không được để “vang bóng một thời” mà phải tiếp tục tỏa sáng. Được biết hiện nay, tỉnh Bình Định đã triển khai, thực hiện chủ trương đưa võ thuật truyền thống vào dạy tại các trường học trong tỉnh, đồng thời khơi dậy phong trào dạy và học võ Bình Định để xứng danh “đất võ, trời văn”.
Có dịp về quê hương “Tây Sơn tam kiệt”, nghe câu hát Ai về Bình Định mà coi/ Con gái Bình Định múa roi đi quyền, rồi nghe kể bao nhiêu huyền thoại và truyền thuyết dân gian về miền đất võ nổi tiếng này. Tại đây có 2 làng võ đi vào thành ngữ: Trai An Thái, gái An Vinh. Trai An Thái, anh nào cũng giỏi võ và gái An Vinh, cô nào cũng có thể múa roi, đi quyền. Roi Thuận Truyền, quyền An Thái là nói người làng Thuận Truyền sở trường môn đánh roi. Roi là một cây gậy dài chừng 2m, lớn bằng ngón chân cái. Quyền là đánh bằng tay (khác cước đánh bằng chân với nhiều thế đá hiểm hóc). An Thái là làng võ có nhiều võ sĩ, võ sư nổi tiếng xưa nay, như võ sư Hương mục Ngạc, cha đẻ và cũng là sư phụ của Tám Cảng, một cô gái giỏi cả quyền, cước lẫn roi.
Tám Cảng vừa sinh ra thì mẹ đã chết, cha là ông Hương mục Ngạc làm “gà trống nuôi con” từ đó. Khi Hương mục Ngạc dạy võ cho con trai là Bảy Lụt, Tám Cảng mới lên năm đã lén nhìn và bắt chước làm theo. Khi Bảy Lụt nổi tiếng là võ sĩ giỏi khắp vùng, Tám Cảng cũng đã rành múa roi, đi quyền. Hương mục Ngạc thấy con gái có năng khiếu võ thuật, bèn cho thọ giáo với cha.
Một hôm, Tám Cảng xin cha cho đi Quảng Ngãi xem hội đổ giàn của người Hoa (giống lệ Làm Chay ở thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An). Đồ cúng có con heo quay cùng bánh trái,... đặt trên giàn tre cao. Khi cúng tế xong, hô “đổ giàn” là đám trai làng tranh nhau đoạt vật cúng để chia. Ngay lúc đó, có đám thanh niên bất hảo không tham gia đổ giàn mà chọc ghẹo một thiếu nữ xinh đẹp đang đứng vòng ngoài xem đám đông đổ giàn.
Bất ngờ, cô gái tung một cước khiến gã háu gái bổ nhào, ôm ngực kêu la. Thế là, cả bọn chục thằng đực rựa đều “tay anh chị” cùng nổi máu côn đồ, dùng gạch ngói, đất đá, gậy gộc tấn công cô gái. Một gã cầm cây đòn gánh nhắm đầu cô gái bửa xuống. Nhanh như chớp, cô gái giựt cây đòn gánh múa tít như cái chong chóng, đánh dạt hết cả bọn nằm la liệt rồi ném cây đòn gánh vào chúng mà biến vào bóng tối, không ai biết cô là ai và từ đâu đến.
Hôm sau, cô gái về tới nhà, kể lại câu chuyện vừa xảy ra cho cha nghe. Hương mục Ngạc gật gù: “Con gái cha, con nhà võ có khác. Nhưng hơi quá đáng. Võ thuật là để phòng thân, tự vệ, tùy trường hợp mà phản ứng. Con chỉ cần hạ vài thằng để cảnh cáo, cần chi phải hạ gục cả đám như vậy?”. Tám Cảng biết mình có lỗi thiếu kiềm chế, tự hậu nên khoan dung, độ lượng như lời cha dạy.
Ông Hương mục Ngạc nghĩ con gái trực tính, ương ngạnh, dễ nổi nóng, phải kiếm cho đứa nào cao tay hơn để làm chồng, để nó không ăn hiếp. Ông treo bảng thông báo mỗi tháng, vào đêm trăng rằm sẽ tổ chức thi đấu võ trên sân nhà cho những ai muốn lấy “con gái rượu” của ông. Vậy rồi, hết võ sĩ này tới võ sĩ khác đều không ai chịu nổi vài hiệp dưới tay đánh, chân đá của Tám Cảng. Riết rồi không ai dám đến tỉ thí với người đẹp Tám Cảng nữa.
Bẵng một thời gian, có chàng võ sĩ tên Dư Hựu tìm tới, vái xin Hương mục Ngạc cho phép được cầu hôn tiểu thơ Tám Cảng. Hương mục Ngạc nói: “Cậu muốn vậy thì phải đấu võ với con gái tôi”. Thế là trận đấu diễn ra. Người đến xem rần rần. Các võ sinh của võ đường Hương mục Ngạc ngồi vây quanh sân giám sát cặp đôi trai tài gái sắc tỉ thí quyết liệt.
Cuộc đấu diễn ra đến vài chục hiệp vẫn chưa phân thắng bại, cả hai đối thủ đều ngang sức, ngang tài. Bỗng Dư Hựu tung một cú đá hiểm bay qua đầu Tám Cảng. Cô xoay người né rồi đáp lại bằng cú đá song phi liên hoàn khiến Dư Hựu văng xuống ao. Anh chàng võ sĩ loi ngoi lóp ngóp lên bờ, xấu hổ ê chề, lặng lẽ rút lui,...
Võ cổ truyền Bình Định (Ảnh minh họa: Internet)
Chừng một năm sau, Dư Hựu quay lại và xin tái đấu. Biết đối thủ sau cú thua quá đau ấy nhất định sẽ quay lại tái đấu để lấy lại danh dự bằng những ngón võ độc chiêu mới học được. Tám Cảng đoán vậy nên xin cha dạy cho mấy ngón bí truyền. Cuộc tái đấu thu hút nhiều làng võ trong vùng đến xem và cổ vũ. Hiệp 1 rồi hiệp 2, hiệp 3,... Tám Cảng vẫn phát huy cú đá sở trường hòng hất chàng trai kia xuống ao lần nữa. Nhưng xui cho nàng đã sơ hở để chàng bắt được giò và hất một cái khiến nàng nằm chổng cẳng trên hàng rào giữa tiếng reo hò như sấm dậy của người xem. Thế là, chàng Dư Hựu đã thắng nàng Tám Cảng. Đám cưới diễn ra như lời hứa của Hương mục Ngạc.
Đôi vợ chồng về sống với nhau tròn 3 năm, do trái tính nhau nên sóng gió nổi lên từng cơn. Trận cãi vã sau cùng, anh chồng vớ trúng cái gì ném vào vợ cái ấy và vợ đều bắt được hết, kèm theo lời châm chọc, khiêu khích “giỏi, ném nữa đi!”. Sẵn con dao chẻ tre trong tay và cơn giận bốc lửa, Dư Hựu vung tay từ xa phóng tới. Tám Cảng vẫn nằm ngửa trên võng, thót bụng một cái, con dao bay vụt vào bàn tay đón bắt chính xác của cô kèm tiếng cười khanh khách.
Lúc này, Dư Hựu phát hoảng, quơ lấy túi đồ quảy lên vai, chạy ù đến nhà cha vợ, vái lạy từ ngoài sân vào trong nhà: “Con xin trả “con gái rượu” về cho cha, chớ ở thêm nữa có ngày con gây ra án mạng”… Rồi Dư Hựu kể lại đầu đuôi cuộc hôn nhân không như mơ ước của mình cho cha vợ nghe. Hương mục Ngạc chợt buông tiếng thở dài: “Sanh con, ai dễ sanh lòng! Đành vậy thôi!”...
Thế là đôi vợ chồng võ sĩ trẻ ấy ly dị nhau. Từ đó, không ai biết Dư Hựu hay Tám Cảng đi về đâu, làm gì và sống như thế nào? Chỉ còn lại truyền thuyết cho người đời kể nhau nghe...
Q.H.