Tiếng Việt | English

31/12/2023 - 16:10

Vàm Cỏ Đông! Ơi Vàm Cỏ Đông!...

Minh họa : Internet

Nhà tôi ở ngay vàm sông. Phía trước nhà là một con kênh khá rộng, xuồng ghe thông thoáng. Bên hông trái là một con rạch nhỏ, chỉ vừa hai chiếc xuồng ba lá tránh nhau để vận chuyển lúa, trái cây khi vào mùa thu hoạch. Bên hông phải là con sông Cổ Chiên rộng lớn, người dân ở đây gọi là sông Cái. Ba mặt bên nhà đều giáp với sông, rạch, chỉ còn mặt phía sau là giáp mảnh vườn của ông bà để lại. Điều đó đồng nghĩa với việc, khi tôi “nứt mắt”, nhìn đâu cũng thấy nước.

Vì thế mà những bài thơ, bài hát viết về dòng sông, tôi đều yêu thích, trong đó phải kể đến bài hát Vàm Cỏ Đông. Tuy nhiên, có một bất ngờ thú vị về tác giả cũng như thời gian sáng tác của bài hát này mà đến khi xem chương trình thơ Hoài Vũ Thì thầm với dòng sông do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM tổ chức vào tháng 7/2023, tôi mới biết rõ.

Tôi ấn tượng với bài hát Vàm Cỏ Đông vì những năm đầu đất nước giải phóng, không chỉ riêng tôi mà hầu như rất nhiều người ở quê đều thuộc bài hát này. Có lẽ vì bài hát Vàm Cỏ Đông nằm trong số rất ít những bài hát (thời đó) có nội dung chứa đựng tình yêu đôi lứa, rất phù hợp với những thanh niên nam, nữ miền sông nước quê tôi. Họ đã mượn lời bài hát để nói hộ “tiếng lòng” của mình rằng: “Quê hương anh (em) cũng có dòng sông” để gửi đến ai đó “ở tận… nơi nào em (anh) có biết”…

Sau đó không lâu, bài vọng cổ Dòng sông quê em ra đời, cũng được sự đón nhận nồng nhiệt của những người yêu thích ca cổ. Có đám tiệc, hội hè là “chiếc xuồng nhỏ đưa em về xóm nhỏ” lại ngân lên. Ngày xưa không có karaoke chạy chữ như bây giờ nhưng nếu chọn ca bài Dòng sông quê em thì sẽ có nhiều người thuộc lời xung phong hát chung với mình.

Tôi thuộc cả ca khúc Vàm Cỏ Đông và bài ca vọng cổ Dòng sông quê em. Ngày xưa học lên cấp hai, khi mùa hè đến, các bạn hay làm quyển lưu bút, còn tôi thì làm quyển lưu nhạc. Nhiều bài hát tôi yêu thích được các bạn lưu lại.

Vậy nên mới có sự ngộ nhận về tác giả và thời gian sáng tác bài thơ Vàm Cỏ Đông. Từ trước đến giờ, tôi vẫn nghĩ tác giả là nhà thơ miền Nam, cụ thể hơn nữa đó là Long An, bởi vì mở đầu bài thơ Vàm Cỏ Đông, tác giả đã “tự nhận” quê hương mình:

Ở tận sông Hồng, em có biết

Quê hương anh cũng có dòng sông

Anh mãi gọi với lòng tha thiết:

Vàm Cỏ Đông! Ơi Vàm Cỏ Đông!

Tôi nghĩ sẽ có rất nhiều người bất ngờ giống như tôi, khi hát những lời này cũng “mặc định” tác giả là người miền Nam trong khi nhà thơ Hoài Vũ là người con đất Quảng. Còn một điều nữa là thời gian sáng tác bài thơ năm 1963, đến năm 1966, nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ nhạc. Vậy mà, tôi cứ ngỡ bài thơ, nhạc được sáng tác sau ngày đất nước giải phóng.

Còn nhiều ca khúc như Anh ở đầu sông em cuối sông, Đi trong hương tràm, Chia tay hoàng hôn,... là những bài hát tôi rất thích. Vậy mà đến khi xem chương trình Thì thầm với dòng sông, tôi mới biết các bài hát trên đều phổ thơ của cùng một tác giả - nhà thơ Hoài Vũ.

Chợt nghĩ, một món ăn tinh thần mà chỉ biết thành phẩm chớ không biết người đã cất công chế biến thì thật là thiếu sót. Nghe nhà thơ Hoài Vũ trả lời báo chí: “Thơ của tôi, ai nhớ thì mừng, vậy thôi! Không cần huy chương với giải thưởng”. Theo cảm nhận của cá nhân, tôi nghĩ có rất nhiều người nhớ đến thơ ông qua những ca khúc đi vào lòng người. Gần đây thôi, tôi đọc Tản mạn chuyện văn chương ở xứ này của tác giả Trần Thắng trên Báo Vĩnh Long online ngày 31/10/2023 cũng có nhắc đến nhà thơ Hoài Vũ với các bài thơ Vàm Cỏ Đông, Anh ở đầu sông em cuối sông, Đi trong hương tràm,... Tôi tin rằng, những thế hệ sau cũng sẽ nhớ đến thơ ông./.

Thanh Huyền

Chia sẻ bài viết