Từ ngày có Facebook, cả thế giới rộng lớn như trong lòng bàn tay. Nhiều người bất hạnh, ở trong cảnh cô đơn đã nhận được sự chia sẻ của cả một cộng đồng. Lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn. Nhiều hoàn cảnh éo le, kiệt quệ, chẳng còn biết trông vào đâu, đành than thở trên Facebook, thế là ngay lập tức, đã có sự cứu giúp của những tấm lòng hảo tâm. Nhiều cụ già cô đơn giờ chẳng còn cô đơn nữa. Có ông lão về hưu bảo tôi: “Tôi bị tai biến. Giờ phải nằm liệt ở nhà. Tôi chẳng cần ra khỏi giường cũng có hàng ngàn bè bạn. Chú bảo thế có tuyệt không?”.
Nhà báo Hoàng Anh Sướng gần đây đã đưa lên Facebook giọng hát “bạch kim pha chì kẽm” của mình và kêu gọi bạn bè Facebook cùng anh giúp đỡ các cháu nhỏ bị bệnh ung thư mà gia đình không có tiền chữa trị. Ngay lập tức, anh nhân được sự ủng hộ rất nồng nhiệt của đông đảo mọi người. Có người gửi đến anh 5 triệu rồi 10 triệu. Nhưng anh chỉ nhận nhiều nhất mỗi người là một triệu, cùng lắm cũng chỉ là hai triệu. Vậy mà trong mấy ngày, anh đã huy động được gần trăm triệu đồng. Rồi anh mời mọi người cùng anh đến trao cho các cháu bất hạnh.
Cách đây mấy năm, nhà văn nổi tiếng Xuân Đức cũng đưa cuốn tiểu thuyết mini “Đảo Chìm” của tôi lên trang điện tử cá nhân của mình, chỉ sau nửa ngày đã có gần nửa triệu người đọc. Nhờ đó, nhiều đồng đội mà tôi lấy mẫu làm nhân vật đã “gặp” được nhau trong thế giới ảo. Rồi họ tìm được nhau trong đời thật. Họ bàn luận về cuốn sách của tôi, bóc mẽ những chỗ tôi bịa, những chi tiết tôi viết không chính xác. Cuộc thảo luận rất thú vị, cung cấp cho tôi nhiều tư liệu quý. Có người còn bảo cuộc trao đổi ấy còn hay hơn, sinh động hơn, hấp dẫn hơn rất nhiều những cuộc hội thảo văn chương quá tốn kém, lại không có hiệu quả mà người ta đã tổ chức ở nơi này hay nơi kia. Vừa rồi, cũng nhờ có Facebook mà tôi “gặp lại” được cô giáo Mai Dung, một người thân cũ. Cũng qua Facebook của tôi mà nhiều học trò của cô cũng gặp lại đươc “thần tượng” của mình.
Mai Dung là một cô giáo dạy văn, kiêm Tổng Phụ trách đội ở một trường Trung học cơ sở ở thành phố cảng Hải Phòng. Cách đây hơn ba chục năm, cô đến mời tôi và nhà báo Tô Hải Nam đến trường cô nói chuyện. Hồi đó nói chuyện không có thù lao, dù chỉ vài đồng tiền bấy giờ. Ban tổ chức thường cảm ơn diễn giả bằng một bó hoa hoặc một…tràng pháo tay. Kết thúc buổi nói chuyện hôm ấy, cùng với hoa và pháo tay, cô còn hát tặng tôi bài Chiều Cát Bà của nhạc sĩ Hoàng Dương. Bài hát rất ấn tượng đối với tôi khi đó, giọng Mai Dung tuyệt đẹp, bài hát cũng rất hay.
Sau đó, ngay tại bàn khách, khi nhà báo Tô Hải Nam nói chuyện với các em, tôi đã viết ngay tặng Mai Dung bài thơ cùng tên. Tôi chép tặng cô nguyên bản đầu tiên. Sau này, khi đưa in, tôi có cắt sửa một đôi đoạn. Bài thơ này đã in đi in lại nhiều lần trong các tuyển tập của tôi. Sau này, tôi cũng nghe nhiều ca sĩ hát Chiều Cát Bà, nhưng thú thật, tôi không thấy ai hát hay hơn Mai Dung, dù hôm ấy hát “mộc”, không nhạc đệm trên sân trường.
Năm 26 tuổi, cô bước lên xe hoa với một ca sĩ có giọng hát rất tuyệt vời của đoàn ca múa Hải Quân. Anh là bạn thân của tôi. Họ có với nhau 2 con, nhưng do hiểu lầm, cô tưởng bị chồng lừa dối, nên giận anh, đem theo cả hai con sang Nga, đi hợp tác lao động. Thế rồi từ đấy, chúng tôi không còn dịp gặp lại. Tôi cũng không biết cô ở đâu, còn sống hay đã chết. Bây giờ, nhờ có facebook, qua thước phim về cô giáo Nga và thời tôi học ở Nga, cô mới có điều kiện liên lạc với tôi.
Tôi biết cô phiêu dạt về miền Viễn Đông Novoximbiec. Vùng đất này rất xa, cũng là vùng quê nghèo, chỉ chênh với ta ba múi giờ. Ở đây, phong tục tập quán rất gần với Việt Nam, khí hậu mùa hè cũng rất nóng, có ruồi, phụ nữ cũng bế con theo kiểu cắp nách. Con trai đầu của cô và anh bạn tôi đã mất vì ung thư dạ dày. Hồi con trai mất, cô "tưởng mình sẽ đi theo con". Nhưng rồi cô còn phải sống để nuôi đứa con gái thứ hai.
Một chàng trai Nga, kém cô hơn chục tuổi đã đến với cô, đem lòng yêu cô, cùng cô nuôi dạy đứa con thơ dại. Năm nay cháu cũng đã tốt nghiệp đại học, hiện đã có công ăn việc làm ổn định. Hiện họ vẫn chưa có con với nhau.
Cuộc đời Mai Dung như một cuốn tiểu thuyết. Tự nhiên, tôi cứ nhớ đến tiểu thuyết “Quyên” của nhà văn Nguyễn Văn Thọ. Có gì đó khá tương đồng, mặc dù câu chuyện khác biệt nhau. Số phận của Dung và Quyên cũng rất khác nhau. Hiện giờ, Mai Dung rất hạnh phúc. Tôi bảo Dung: "Anh rất quý trọng và rất yêu người chồng của em. Cậu ấy thật tuyệt vời!".
Người Nga là thế đấy. Họ rất nhân hậu. Qua facebook, nghe Mai Dung hát, xem cách sinh hoạt của Mai Dung, tôi thấy cô thực sự là một người Nga, dù đó là một người Nga gốc Việt. Facebook thật tuyệt vời. Bao nhiêu người lạc nhau mà rồi cuối cùng cũng tìm được nhau, dù họ cách nhau nửa vòng trái đất. Bây giờ, cả hành tinh như trong lòng bàn tay. Facebook là nơi đoàn tụ của những người xa cách. Họ có thể tìm thấy nhau và gặp nhau trong nháy mắt. Chả thế có người bảo đó là một thế giới cổ tích, "cổ tích giữa đời thường".
Vì cổ tích giữa “đời thường” nên xứ sở kỳ diệu ấy cũng bụi bặm lắm. Đã xuất hiện ở đó rất nhiều kẻ lừa đảo. Tôi liên tục nhận được những tin nhắn mạo danh nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội Facebook thông báo tài khoản của mình trúng thưởng giải nhất của chương trình "Tri ân khách hàng Facebook”. Tôi biết đó là trò lừa đảo nên xoá ngay. Nhưng không ít người đã mắc lừa. Có người được thông báo trúng thưởng ô tô, nhà lầu, xe máy, rồi tiền mặt lên đến cả trăm triệu. Những kẻ lừa đảo yêu cầu người trúng thưởng gọi đến số điện thoại được ghi trong tin nhắn để làm hồ sơ nhận giải hoặc truy cập vào một website thông báo dự thưởng. Khi truy cập và hoàn tất các thủ tục, những kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu người dùng nộp lệ phí bằng nhiều hình thức như chuyển khoản, nạp thẻ cào...
Tùy vào “giải thưởng” và “giá trị giải thưởng” mà bọn lừa đảo đưa ra "lệ phí" cao hay thấp. Chưa kể, chúng còn lập ra nhiều website để người nhẹ dạ đăng nhập tài khoản Facebook. Từ đó, chúng chiếm quyền điều khiển tài khoản và phát tán tin nhắn rác đến những tài khoản bạn bè để lừa đảo tiếp. Không ít người bị lừa còn cung cấp cho chúng danh tính, nhân thân của cá nhân mình bao gồm tên, tuổi, địa chỉ, số chứng minh, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử, số tài khoản, tình trạng sức khỏe, rồi chúng giả danh mình hoặc người thân của mình nhắn tin nhờ mua giúp thẻ điện thoại, vay tiền rồi chiếm đoạt.
Ở mức độ tinh vi hơn, cùng với sự bùng nổ của các mạng xã hội, bọn tội phạm mạng chuyển hướng sang mục tiêu mới, là tạo ra các tài sản ảo, như lượt "like", lượng người theo dõi, để bán cho khách hàng có nhu cầu. Những tài sản ảo này lại tiếp tục tạo ra các giá trị ảo cho cá nhân, tổ chức, nhãn hàng, gây rối loạn thị trường, sai lệch giá trị thực, để lợi dụng lừa đảo...
Theo báo Dân trí, mới đây, một cặp vợ chồng bị lừa 10 triệu đồng do người vợ... “tag” tên chồng vào bức ảnh một chiếc túi xách đẹp, có giá 40 triệu đồng ở trang Facebook của một shop bán túi có tiếng. Những kẻ lừa đảo đã lập, giả mạo y hệt Facebook người vợ, tìm hiểu cẩn thận cách nói chuyện của hai vợ chồng, rồi nhắn tin yêu cầu người chồng chuyển khoản tiền để đặt hàng. Chỉ đến cuối ngày, hai vợ chồng mới nhận ra họ bị lừa. Cũng theo báo Dân trí, một chị ở Trần Quý Cáp (Hà Nội) cũng nhận được tin nhắn của đứa cháu gái đang du học bên Nga, nhắn qua Facebook nhờ dì chuyển tiền vào tài khoản. Thương cháu ở xa thiếu thốn nên chị đã ra ngân hàng chuyển tiền vào tài khoản cháu gái. Về nhà, gọi điện thoại cho cháu, chị mới biết mình đã bị lừa.
Cũng tương tự như thế, có người còn mất đến hàng trăm triệu đồng. Trò lừa đảo càng ngày càng tinh vi hơn. Gần đây, cùng với Facebook, điện thoại di động cũng bị các cá nhân lạm dụng để bán hàng. Khổ nhất là bán sim, bán căn hộ. Cứ mấy phút lại hàng chục tin rác như thế. Tại sao ngành viễn thông không bảo vệ khách hàng của mình? Có chuyện ăn chia gì ở đây không? Tôi đề nghị ngành bưu điện viễn thông cấm tuyệt đối những kẻ lợi dụng điện thoại di động để bán hang, cần phạt thật nặng những kẻ tung tin rác. Nếu cần bán gì thì hãy lập một website riêng, như chúng ta đã từng có tờ báo “Mua và bán”. Ai có nhu cầu mua hay bán gì thì vào đó. Còn điện thoại di động chỉ dành riêng cho những việc cấp bách. Như thông báo thiên tai, lũ quét, sóng thần, dịch bệnh, hoặc truy bắt kẻ tội phạm. Cần cấm tuyệt đối trò bán sim, bán căn hộ trên điện thoại di động. Đừng “tra tấn” khách hàng thêm nữa. Mệt quá rồi!./.
Trần Đăng Khoa/VOV.VN