Tiếng Việt | English

09/08/2015 - 10:06

Facebook hấp dẫn hay vì ta quá rảnh!

Thống kê cho thấy hiện có đến 20 triệu người Việt dành trung bình mỗi ngày 2 giờ rưỡi truy cập Facebook. Đặc biệt, 3/4 trong tổng số 20 triệu người ấy có độ tuổi 18-34.

“Anh hùng bàn phím”

Nếu lướt Facebook chỉ dừng lại ở việc giao tiếp, đọc tin tức có lẽ không đáng lo ngại nhưng thực tế cho thấy ngày càng nhiều người trẻ đã nghiện trang mạng xã hội này. Không chỉ giới hạn vài giờ, họ dành hầu như cả ngày cho Facebook và nỗ lực để trang cá nhân của mình nổi tiếng, thu hút nhiều người theo dõi.

Để cư dân mạng thường xuyên ghé “nhà” mình, không ít người sẵn sàng bỏ thời gian tham gia bất cứ sự kiện nóng nào xảy ra trong xã hội, từ văn hóa giải trí, trật tự xã hội đến chính trị. Dù kiến thức có hạn, thông tin không đầy đủ nhưng để “tỏ ra nguy hiểm”, nhiều người bỏ thời gian săn lùng, thậm chí suy diễn để làm sao cập nhật được thông tin mới nhất, “độc quyền” trên trang của mình. Ngay khi vụ thảm sát khiến 6 người trong gia đình thiệt mạng ở Bình Phước lan tỏa, không ít người dành thời gian ngồi phân tích vụ án, đoán mò thủ phạm, thậm chí tung nhiều chi tiết gây sốc, gây nhiễu loạn thông tin.

Điều đáng nói, nhiều người không chỉ xem, dùng mà còn góp tay chia sẻ, tuyên truyền các thông tin không được kiểm chứng trên Facebook, kiểu như “làm phước” mà không biết rằng mình đang góp phần gây rối loạn xã hội. Có thể kể một số vụ tung tin đồn thất thiệt được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, như: Hương “mắt lồi” tái xuất; đỉa trong kẹo Trung Quốc; nữ sinh bị hiếp, giết dã man...

Gần đây nhất phải kể đến là vụ tung tin thất thiệt về cầu Phú Mỹ sắp sập lên Facebook vào ngày 1-8 vừa qua. Khe hở kỹ thuật của cây cầu này lại bị cho là vết nứt, thế là hàng chục ngàn người đã đua nhau “share” khiến dư luận hoang mang, báo chí phải vào cuộc, cơ quan chức năng phải nhọc công giải thích.


Cảnh sát đến giải tán đám đông, đưa các thanh niên gây rối trật tự ở phố đi bộ Nguyễn Huệ về trụ sở đêm 3-8.Ảnh: LÊ PHONG

Khi “ảo” gây hại “thật”

Nghiện Facebook cộng với sự tò mò, không ít thanh niên gặp rắc rối ngoài đời thật. Tối 3-8, hàng trăm thanh niên đã tụ tập ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP HCM), gây rối loạn trật tự chỉ để chờ xem 2 cô gái T.V và H.V thách nhau trên Facebook đến đây giải quyết mâu thuẫn. Công an đã đưa 2 cô gái cùng 14 người khác về đồn và xử phạt mỗi đối tượng 750.000 đồng về hành vi gây mất trật tự công cộng.

Vừa qua, Công an TP Hải Phòng đã bắt giữ Nguyễn Đức Hảo (21 tuổi, sinh viên) và Hoàng Anh Thư (23 tuổi) để điều tra hành vi lập trang Tránh chốt CSGT Hải Phòng trên Facebook và đăng nhiều bài viết, bình luận xúc phạm, lăng mạ công an. Trước đó, Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (C45 - Bộ Công an) bắt 2 thành viên của “Tập đoàn thánh bóc” trên mạng xã hội. “Tập đoàn” này đã liên tục đăng các bài viết và hình ảnh xuyên tạc, bôi nhọ các doanh nhân, văn nghệ sĩ nổi tiếng, dẫn đến việc họ bị xã hội hiểu nhầm, lên án.

Đặc biệt, không chỉ làm hại mình, những “ông tám”, “bà tám” trên Facebook còn tiếp tay làm hại người khác. Vụ nữ sinh N.T.A.T (SN 2000, ngụ tỉnh Đồng Nai) uống thuốc diệt cỏ tự tử sau khi bạn trai tung clip sex lên mạng xảy ra vào tháng 6-2015 vẫn khiến dư luận bàng hoàng. Trước khi tự tử, A.T đã lên Facebook của mình mong mọi người đừng bàn tán về vụ việc. Tuy nhiên, chẳng những không nhận được sự cảm thông, A.T lại tiếp tục trở thành chủ đề nóng để cộng đồng mạng chỉ trích, phê phán nặng lời.

* Nguyễn Quốc Thanh (29 tuổi): Để ngăn chặn mặt tiêu cực của Facebook, nhà nước nên có chế tài đích đáng đối với các “anh hùng bàn phím”, chuyên tạo sự chú ý của cộng đồng mạng bằng những tin đồn thất thiệt.

* Hồ Minh Châu (31 tuổi): Càng ngày Facebook càng có vẻ vô bổ khi người dùng trẻ xem đó là “thùng rác” để trút đủ thứ chuyện hỉ nộ ái ố hoặc thể hiện cái tôi của mình. Thay vì chứng minh mình nổi tiếng trên Facebook, mọi người nên dành thời gian học hành, làm việc để sống có ích hơn.

* Lê Tấn Đạt (35 tuổi): Tôi từng nghiện Facebook, ngày nào cũng cố nghĩ ra một status (cập nhật trạng thái) thật ấn tượng đăng trên trang cá nhân và theo dõi con số những người like, comment. Sau đó, tôi nhận ra nó chiếm quá nhiều thời gian của mình nên “cai nghiện”. Song, điều đó không dễ gì vì Facebook đem đến cho tôi niềm vui, cảm giác được là chính mình.

* Trần Thị Mỹ Nương (32 tuổi): Với tôi, mạng xã hội này rất hữu ích vì nó cung cấp mọi thông tin đang diễn ra hằng ngày còn nhanh hơn cả báo chí. Ngoài ra, nhờ nó mà việc giao tiếp với bạn bè, gia đình, đồng nghiệp dễ dàng, thuận tiện hơn. Cái gì cũng có 2 mặt, Facebook cũng vậy, quan trọng là chúng ta biết sử dụng nó một cách tỉnh táo nhất.

Sống nhờ… “lây”

Chế độ like trên Facebook không chỉ tạo hứng khởi mà còn làm nên quyền lực cho người chơi.

Nếu là một người chơi Facebook thì điều mà bạn thích thú nhất là gì? Sẽ có nhiều câu trả lời khác nhau nhưng tôi nghĩ trong trường hợp này, chắc chắn sẽ có một đáp án chung. Điều mà mọi người thích thú, phấn khích, lấy làm động lực để từng giờ, từng phút sống trên Facebook là được “lây” (like = thích).

Nhiều khi tôi nghĩ nếu như Facebook bỏ đi công cụ like lẫn comment (ý kiến) thì liệu nó có sôi nổi và hớp hồn người chơi đến thế hay không? Nếu đọc 1 bài viết hay xem 1 tấm hình mà chúng ta chỉ có thể khen hay chê… một mình thì có hào hứng không?

Và nếu như Facebook bỏ like (mà vẫn duy trì các comment) thì chắc hẳn nhiều người sẽ cụt hứng lắm. Vì sao? Vì không phải ai cũng có khả năng viết các comment trao đổi, không phải ai cũng có thời gian để đọc hết các văn bản, suy ngẫm rồi tương tác. Cho nên, cứ like cho nhanh. Không cần đọc cũng like. Không hiểu gì cũng like. Anh like tôi thì tôi sẽ like anh và ngược lại. Hài hước nhất là nhiều người like luôn cả 2 phe đang “choảng” nhau, nghĩa là đúng hay sai gì cũng like tuốt. Lại nghe nói có cả chuyện “mua like”. Nếu như thế thì dân chơi Facebook, đặc biệt là giới trẻ sống nhờ “lây”, sống vì “lây” chứ còn gì nữa?

Nhưng tại sao nhiều người lại thích săn like đến thế? Theo tôi, đây chẳng phải là việc làm phù phiếm dù nó diễn ra trong thế giới ảo. Thử nghĩ xem, like chính là quyền lực của người chơi Facebook. Một người có lượng like vài ngàn đến vài chục ngàn là người có quyền khuynh đảo đám đông. Bất chấp họ viết gì, thông tin đó đúng hay sai nhưng vây quanh họ là một đám đông tưởng chừng bất tận thì rất khó có ai đó dám nói ngược lại họ.

Còn khi nói ngược thì sao? Ngay lập tức sẽ bị đám đông đó ném đá ầm ầm, sẽ “chạy mất dép” hoặc “bưng đầu máu”. Những cú “ném đá” này nhiều khi không liên quan đến nội dung trao đổi mà có thể soi mói vào đời tư, truy bức về thân nhân, thậm chí là bịa đặt, vu khống. Một khi like cho người chơi Facebook quyền lực thì họ càng bị mất kiểm soát trong việc kết bạn, bất chấp tất cả để có like.

Đỉnh điểm của quyền lực ảo là một hành động rất thật của 2 cô gái được cho là “hot girt” hẹn nhau “thách đấu” với nội dung “không làm hòa, chết thì chôn” đã xảy ra ở phố đi bộ Nguyễn Huệ vào tối 3-8 vừa qua. Sự việc lôi kéo hàng trăm thanh niên tụ tập hô hào khiến hàng chục cảnh sát cơ động phải đến giải tán.

Một câu chuyện vừa hài hước vừa cay đắng và có lẽ quái lạ nhất thế giới. Không biết ông chủ Facebook có lấy làm “hoan hỷ” về sự kiện này hay không chứ riêng tôi thì lấy làm xấu hổ.

Dường như có điều gì đó rất bất thường đang diễn ra, từ nhận thức đến hành động, khi đám đông tung hô những “hot girl”, “thánh chém” còn hơn là những con người đang lao động, cống hiến cho xã hội. Thật bất thường khi có rất nhiều người hầu như dành toàn bộ thời gian của mình để làm “anh hùng bàn phím” hơn là hành động, sáng tạo trong đời thực.

Triết gia La Mã Seneca từng nói một câu thấm thía: “Ở mọi nơi tức là không ở đâu cả”. Điều này có vẻ rất đúng với Facebook - bạn ở mọi nơi, tham dự mọi thứ nhưng chỉ đọc lướt, phản ứng quán tính mà ít khi đọc kỹ, nghĩ sâu.

Facebook đã làm gì chúng ta hay chúng ta đã làm gì trên Facebook? Đó nên là câu tự vấn của mỗi người mỗi ngày./.

Trần Nhã Thụy

Mai Phương/Người Lao Động

 

 

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích