Tên đường, trường, ấp gắn với tên anh hùng liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cứu nước, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An được xem là cái nôi của cách mạng với Khu di tích lịch sử Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ; Di tích Đồng 41; Đài Tiếng nói Nam bộ kháng chiến;... Tại đây, không ít người đã hy sinh xương máu hoặc mang thương tật đến suốt đời để giành độc lập, tự do cho quê hương, dân tộc. Nhằm tri ân, tưởng nhớ những AHLS, GĐCS, NCC, huyện quyết định lấy tên các AHLS, Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) tiêu biểu của địa phương đặt tên đường, tên trường và tên ấp.
Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội - Trần Thanh Mẫn (bìa phải) và Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được (bìa trái) đến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Uyển (phường 4, TP.Tân An)
Hoạt động Đền ơn đáp nghĩa, tri ân GĐCS, NCC luôn được ngành Lao động - Thương binh và Xã hội xem là nhiệm vụ trọng tâm và thực hiện bằng mệnh lệnh của trái tim với quyết tâm không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống NCC, GĐCS.
Đặc biệt, tháng 7 được xem là tháng cao điểm để các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác Đền ơn đáp nghĩa. Tỉnh tổ chức nhiều đoàn thăm, tặng quà các GĐCS, NCC tiêu biểu ở 15 đơn vị cấp huyện; thăm Làng Thương binh nặng (xã Nhị Thành), Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và NCC Long Đất, Mẹ VNAH,...
Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức Lễ dâng hương và thắp nến tri ân các AHLS tại các nghĩa trang trên địa bàn tỉnh; Lễ tưởng niệm các AHLS tại Nghĩa trang LS tỉnh; tổ chức phát động, vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa,...”
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Hồng Mai
|
Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh - Hà Thanh Chì cho biết: “Hiện huyện có 14/70 ấp, khu phố được đặt tên các AHLS tiêu biểu ở địa phương, trong đó, xã Nhơn Hòa Lập 6/6 ấp, xã Hậu Thạnh Đông 4/6 ấp, xã Hậu Thạnh Tây 4/5 ấp.
Ngoài ra, huyện còn lấy tên 3 Mẹ VNAH tiêu biểu đặt tên đường và 3 AHLS tiêu biểu đặt tên cho 3 trường học. Đối với địa phương, đặt tên ấp, tên đường, tên trường gắn với các AHLS, Mẹ VNAH là cách tưởng nhớ, tri ân những người đã cống hiến cho hòa bình, độc lập của quê hương, dân tộc. Hơn hết, việc làm này còn góp phần quan trọng giáo dục truyền thống cách mạng, giới thiệu lịch sử của địa phương cho thế hệ hôm nay và mai sau”.
Xã Nhơn Hòa Lập có 93 LS, 41 bệnh binh, thương binh và 18 Mẹ VNAH. Năm 1999, xã được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Hiện nay, xã có 6 ấp được đặt tên các AHLS: Huỳnh Tịnh, Huỳnh Hớn, Bùi Thắng, Nguyễn Tán, Nguyễn Sơn và Nguyễn Bảo.
Ông Lê Hoàng Bá (bệnh binh hạng 2, ngụ ấp Bùi Thắng, xã Nhơn Hòa Lập) chia sẻ: “Xã có rất nhiều AHLS nhưng những người được lấy tên đặt cho các ấp đều có thành tích tiêu biểu, giữ chức vụ quan trọng trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Lấy tên các AHLS ở địa phương đặt tên ấp, người dân rất đồng tình, bởi đây là niềm tự hào khi trên quê hương có các AHLS tiêu biểu. Hy vọng thời gian tới, các địa phương mạnh dạn đặt tên ấp, tên đường gắn với tên các AHLS ở địa phương”.
Xã Nhơn Hòa Lập (huyện Tân Thạnh) có 6/6 ấp lấy tên các anh hùng liệt sĩ tiêu biểu của địa phương đặt tên ấp Liệt sĩ Nguyễn Văn Rớt được đặt tên ấp Nguyễn Rớt, xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh
Chiến tranh dần lùi xa nhưng tên các AHLS vẫn lưu mãi dấu ấn cho thế hệ hôm nay và mai sau thông qua việc đặt tên ấp, tên đường và tên trường. Bà Huỳnh Thị Một (con của LS Huỳnh Thanh Tịnh, ấp Huỳnh Tịnh, xã Nhơn Hòa Lập) cho biết: “Ba tôi gan dạ, dũng cảm lắm! Từ nhỏ, ông đã giáo dục anh em tôi phải một lòng trung thành với Đảng, cách mạng. Ông là niềm tự hào của gia đình. Và càng tự hào hơn khi địa phương quyết định lấy tên ba đặt tên ấp. Ông hy sinh gần 60 năm nhưng tên ông vẫn còn đó cũng như ông đang sống mãi cùng gia đình, quê hương”.
Ông Nguyễn Thanh Hùng (con của LS Nguyễn Văn Rớt, ấp Nguyễn Rớt, xã Hậu Thạnh Đông) cảm thấy tự hào về truyền thống cách mạng của gia đình. Ông Hùng nói: “Trong một lần đưa tin, ba tôi không may bị giặc bắn chết. Trước lúc hy sinh, ông còn hô to Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm, cách mạng muôn năm! Tôi rất tự hào về tinh thần cách mạng của ba. Phát huy truyền thống của gia đình, thế hệ con, cháu chúng tôi luôn ra sức thi đua lao động, sản xuất, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp”.
Liệt sĩ Nguyễn Văn Rớt được đặt tên ấp Nguyễn Rớt, xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh
Tháng 7 - tháng tri ân
Ngày Thương binh (TB) - LS (27/7) có ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội sâu sắc. Đây là truyền thống “hiếu nghĩa bác ái”, lòng quý trọng, biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người đã hy sinh, cống hiến vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Những ngày tháng 7, tất cả người dân Việt Nam lại tưởng nhớ, tri ân các AHLS, GĐCS, NCC bằng nhiều hành động, việc làm thiết thực.
Mẹ VNAH Phạm Thị Hoa (SN 1944, ngụ thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa) chia sẻ: “Mẹ có chồng là LS Lê Văn Phấn và con trai là LS Lê Văn Nông. Chiến tranh cướp đi người thân của mẹ nhưng hòa bình lại cho mẹ những người con chẳng khác nào “máu mủ ruột rà”. Cứ đến các dịp lễ, tết, Đoàn Thanh niên thường đến phụ mẹ dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, nghe mẹ kể về truyền thống cách mạng của gia đình. Riêng Ngày TBLS, đoàn cán bộ Trung ương, tỉnh, huyện và xã tặng quà, hỏi thăm sức khỏe mẹ. Điều này làm mẹ vơi đi phần nào mất mát, đau thương, có thêm động lực để sống vui, sống khỏe cùng con, cháu”.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Lê Tấn Dũng (thứ 5, trái qua) thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Hoa (Ảnh nhân vật cung cấp)
Những ngày này, tất cả NCC, GĐCS đều nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành. Ông Phạm Sáu (SN 1944, bệnh binh, ngụ xã An Thạnh, huyện Bến Lức) bộc bạch: “Cả thanh xuân tôi đều cống hiến cho cách mạng. Tôi rất mừng khi thế hệ hôm nay luôn nhớ đến những người từng cống hiến xương máu, thanh xuân cho hòa bình, độc lập dân tộc”.
Những hy sinh của các AHLS, GĐCS, NCC không thể nói hết bằng lời. Thế hệ hôm nay luôn tự hào, trân trọng, biết ơn sự hy sinh của thế hệ đi trước. Càng tự hào, thế hệ hôm nay càng làm tốt công tác Đền ơn đáp nghĩa, ra sức xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha anh./.
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 30.000 LS, trên 12.000 thương, bệnh binh, trên 5.000 Mẹ VNAH, trong đó có 88 mẹ còn sống. Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh xây dựng 72 căn nhà tình nghĩa, tổng kinh phí gần 5 tỉ đồng; sửa chữa 20 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 560 triệu đồng; vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa gần 13 tỉ đồng. |
Lê Ngọc