Tiếng Việt | English

04/02/2020 - 18:40

Trường Giang không chỉ đơn thuần là 'chọc cười'

Đảm nhận vai chính Huỳnh Hữu Hân trong phim 30 chưa phải Tết, Trường Giang đã thể hiện một nét tính cách hoàn toàn khác biệt so với trước đây chuyên là diễn viên hài. Tuy chưa thật sự hoàn hảo và bất cứ một tác phẩm nghệ thuật nào cũng sẽ có những luồng ý kiến trái chiều nhưng ở góc độ khán giả, khi xem 30 chưa phải Tết, chúng tôi cảm nhận có một Trường Giang rất khác.

Diễn viên Trường Giang trong phim

Diễn viên Trường Giang trong phim "30 chưa phải Tết"

Xem và phẩn nộ với hình ảnh một đứa con bất hiếu 

Trường Giang là diễn viên hài, MC nổi tiếng. Có thể thấy tần suất xuất hiện trên sóng truyền hình của anh ngày càng dày đặc. Không ai có thể phủ nhận tài dẫn chương trình cũng như diễn hài của diễn viên này. Tuy nhiên, với vai diễn trong phim 30 chưa phải Tết, chúng ta có thể thấy một MC, diễn viên hài thật khác: Một diễn viên diễn xuất đầy thực lực, khiến nhiều người phải bất ngờ. 

Phim 30 chưa phải Tết là câu chuyện xoay quanh đề tài về tình cảm gia đình, đề cao giá trị nhân văn của tình phụ tử.Vì oán hận cha mình, Hân từ bỏ làng quê lên Sài Gòn kiếm sống. Sau 12 năm xa nhà, lăn lộn nơi đất khách để tìm chỗ đứng, trong tâm tưởng của Hân, anh không có quê, gia đình. Thậm chí, Hân không ngần ngại khẳng định anh không biết đến sự tồn tại của cha mình. Và để đạt được mục đích trở thành con rể của ông chủ tịch một tập đoàn bất động sản lớn nhất Sài Gòn, Hân có một kế hoạch quan trọng ngay trong ngày 30 tết. Đó là trở về quê và "bằng mọi giá" lấy được miếng đất đắc địa nhất khu vực Hồ Tràm để đủ điều kiện trở thành con rể ông chủ tịch. Tuy nhiên, tình cảm gia đình, những giá trị nhân văn thấm đẫm cùng diễn xuất đỉnh cao của Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Việt Anh, NSND Hồng Vân đã khiến một "đứa con bất hiếu" như Hân rơi nước mắt. 

Xem phim, người ta sẽ thấy, một Trường Giang không đóng hài mà với lối diễn nội tâm giằng xé, hai nghệ sĩ gạo cội Việt Anh, Hồng Vân với diễn xuất đỉnh cao khiến cho người xem thực sự nể phục.

Sự trả giá làm lay động lòng người 

Sử dụng yếu tố vòng lặp thời gian, phim 30 chưa phải Tết gửi gắm một thông điệp đầy cảm xúc và nhân văn.Đó là dù chúng ta trưởng thành ra sao, đi đến bất cứ nơi nào thì gia đình luôn là nơi để quay về. Và dù cho chúng ta có đối xử với cha mẹ ra sao thì đối với cha mẹ, con cái mãi là đứa con nhỏ bé, cần vòng tay che chở. Thông điệp nhân văn của phim 30 chưa phải Tết chạm đến trái tim và nỗi lòng của hàng ngàn bạn trẻ xa quê, phải lăn lộn mưu sinh nơi đất khách quê người. Dù là đứa con bất hiếu với nỗi hận lòng nhưng giữa xô bồ cuộc sống, sự man trá của trò đời, đứa con bất hiếu như Hân cũng trở về nơi chôn nhau cắt rốn. 

Cái "vòng lặp thời gian" của ngày 30 tết ấy khiến Hân dần nhận ra những giá trị đích thực của cuộc sống, tình phụ tử. Anh quyết định ở lại trong cái vòng lặp bất tận ấy để sống với cha, bù đắp lại khoảng thời gian 12 năm cách biệt mà anh cố tình né tránh với những hờn oán trong lòng. Những phân cảnh giữa NSND Việt Anh, NSND Hồng Vân và Trường Giang thực sự mang đến cảm xúc cho khán giả, làm lay động lòng người. Và hơn bao giờ hết, từ một diễn viên chuyên diễn hài, chỉ lấy tiếng cười của khán giả, trong phim, Trường Giang đã khắc họa được hình ảnh một đứa con khi giằng xé nội tâm, ray rứt, ân hận, xót xa,... làm khán giả có thể rơi nước mắt. Trường Giang đã thể hiện khá tròn trịa nỗi ray rứt của đứa con bất biếu với cha đẻ của mình.

Xem phim có thể thấy, Trường Giang ở phần nửa đầu bộ phim dễ khiến khán giả thấy ghét, ghét vô cùng bởi thái độ xấc láo, trịch thượng và sự bất hiếu mà Hân không ngại che giấu. Sau 12 năm xa cách xóm Bình An, khi quay lại, Hân cảm thấy thật xa lạ khi "vật đổi sao dời". Thế nhưng, cảm giác căm hận của Hân dành cho cha mình vẫn không hề thay đổi. Trong bối cảnh nhà nhà chuẩn bị tết, con cháu về nhà quây quần với gia đình thì Hân chỉ về nhà để "lấy cuốn sổ hồng" và bằng mọi giá phải trở lại Sài Gòn trước đêm giao thừa. Mặc kệ cha mình bệnh nặng và cầu xin, Hân chỉ lạnh lùng nói rằng "sẽ mang đi những gì thuộc về mình" trong sự tức giận của khán giả.Trường Giang diễn đạt đến nỗi dù biết rằng có thể cha anh đã làm gì đó có lỗi với anh trong quá khứ nhưng nhìn cách Hân hỗn láo với cha mình, ai cũng phải cảm thấy ghét.

Tuy nhiên, ở phần cuối của phim, khi tỉnh dậy vào bình minh ngày 30 tết, đã nhìn thấy quá nhiều thứ, hiểu quá nhiều chuyện, Hân dần thay đổi. Quan trọng hơn, Hân nhận ra những điều mình nghĩ về cha mình bấy lâu là không hoàn toàn đúng, một nửa sự thật không phải sự thật. Anh dần trở về với những ngày tuổi thơ, khi mình hãy còn thơ dại, lon ton chạy theo cha và được dạy những điều quý giá. Hân biết được lý do vì sao mình bị kẹt trong ngày 30 tết, đó là cái giá mà anh phải trả cho 12 năm bất hiếu của mình. 

Với diễn xuất của Trường Giang, cách thay đổi từ ánh mắt đến biểu cảm, khiến khán giả bỗng chốc "cảm thông và thương" Hân hơn.Diễn xuất của Trường Giang đủ để người ta vừa ghét xong lại thương. Và trước giờ, những ai cứ ngỡ Trường Giang chỉ biết chọc cười thì chắc chắn sẽ bất ngờ với phim 30 chưa phải Tết. Có nhiều nơi để đi, nhưng mỗi khi tết đến, chúng ta chỉ có một nơi chốn duy nhất để quay về, đó là gia đình. Hân đã quay về với gia đình sau chuyến hành trình lạ kỳ.Khán giả sẽ có một hành trình cảm xúc trọn vẹn và thấy yêu gia đình mình như Hân./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết