Tiếng Việt | English

27/11/2016 - 16:36

Trường THCS Vĩnh Đại nỗ lực vì học sinh

Nhằm xóa dần khoảng cách về chất lượng dạy và học so với các trường có điều kiện kinh tế phát triển khác, trường THCS Vĩnh Đại, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, đã và đang nỗ lực từng ngày trong việc thay đổi hình thức, phương pháp dạy học.

Từ dạy học 1 buổi/ngày sang 2 buổi/ngày

Thuộc xã vùng sâu, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, đa số học sinh (HS) chưa được gia đình quan tâm đúng mức trong việc học,... Đó là những thiệt thòi của HS Trường THCS Vĩnh Đại.

Trước năm học 2014-2015, trường chỉ dạy HS 1 buổi/ngày. Tuy nhiên, khi dạy học 1 buổi/ngày, chất lượng giáo dục cải thiện qua từng năm không cao, đặc biệt HS khối lớp 9. Học tập từ các trường đi trước, Trường THCS Vĩnh Đại quyết tâm vận động HS học 2 buổi/ngày và tiến hành thí điểm ở khối lớp 9.


Tiết học môn Hóa học của học sinh khối 9

Năm học 2015-2016, 100% HS khối lớp 9 học 2 buổi/ngày. Trong năm học, chất lượng dạy và học có sự tiến bộ vượt bậc so với các năm học trước. Thấy được sự thành công đó, nhà trường tiếp tục lập kế hoạch vận động phụ huynh cho HS học 2 buổi/ngày đối với tất cả các khối còn lại.

Năm học 2016-2017, ngay đầu tháng 8/2016, trường tổ chức đại hội phụ huynh HS để đưa ra kế hoạch và tuyên truyền, vận động phụ huynh cho con em học 2 buổi/ngày. Giáo viên chủ nhiệm các lớp phân tích rõ với phụ huynh về lợi ích của việc học 2 buổi/ngày, đặc biệt với HS chưa ngoan và HS yếu kém.

Ngoài ra, nhà trường còn phối hợp Ban Đại diện cha mẹ HS tiếp tục tuyên truyền, vận động và nói rõ hiệu quả của việc học 2 buổi/ngày đến phụ huynh trong đại hội phụ huynh lần thứ 2 - vào giữa tháng 8/2016. Nhờ những nỗ lực của nhà trường, 100% HS tham gia học 2 buổi/ngày trong năm học 2016-2017, bước đầu có chuyển biến tích cực.

Hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Đại - Nguyễn Văn Xem cho biết: “Trường luơn tạo điều kiện cho HS khi học 2 buổi/ngày, đặc biệt HS nhà ở xa trường. Trong đó, trường có 6 HS thuộc xã Vĩnh Bửu, đến trường bằng xuồng, nhà trường thống nhất với cha mẹ HS cho các em đi học chung để bảo đảm an toàn vào mùa nước nổi. Ngoài ra, nhà trường cũng hỗ trợ áo phao cho các em”.


Học sinh tham gia phát biểu

Khi được học 2 buổi/ngày, buổi sáng các em vẫn học theo chương trình chính khóa; buổi chiều, HS được ôn tập, bồi dưỡng, củng cố kiến thức đã học. Những HS yếu kém được giáo viên đặc biệt quan tâm. Riêng HS khá giỏi được làm thêm các bài tập nâng cao. Ngoài ra, HS còn được giáo viên lồng ghép dạy kỹ năng sống qua các hoạt động phong trào, sinh hoạt ngoài giờ lên lớp,...

Dạy học gắn liền với thực tế

Ngoài chuyển từ dạy học 1 buổi/ngày sang 2 buổi/ngày, Trường THCS Vĩnh Đại còn thực hiện thay đổi phương pháp dạy nhằm tạo sự hứng thú trong học tập cho HS. Trong đó, nhà trường chú trọng việc dạy học gắn liền với thực tế.

Ở các môn học có thể tích hợp, giáo viên xây dựng kế hoạch, soạn giáo án dạy theo hình thức liên môn. Từ đó, HS nắm vững kiến thức nội dung bài học hơn. Đặc biệt, ở các môn xã hội, ngoài tích hợp, giáo viên còn liên hệ thực tế giúp HS dễ hình dung và hiểu bài kỹ hơn. Một số môn học khác, giáo viên cho HS đi tham quan thực tế, sau đó viết bài thu hoạch. Phương pháp này không chỉ tạo cho HS sự hứng thú mà còn giúp giáo viên, HS gần gũi, gắn bó hơn qua các chuyến đi.

Một điểm đặc biệt của trường là khuyến khích các tiết học ở không gian mở. HS có thể thay đổi không gian học thay vì học tại phòng học như cách học truyền thống. Tùy theo tiết học, môn học, HS có thể học ở sân trường, thư viện hay các địa điểm thích hợp khác. Trong đó, tiết thực hành môn Mỹ thuật, các em được học tại sân trường, từ đó, giúp các em có điều kiện quan sát thực tế, tăng cảm hứng sáng tác khi vẽ bởi có không gian rộng rãi, thoáng mái.


Giáo viên cho học sinh học nhóm

Em Nguyễn Mạnh Khang - học sinh lớp 9/2 bộc bạch: “Trong năm học trước, em được đi Hà Tiên (Kiên Giang), đây không phải chuyến tham quan bình thường mà chúng em phải vận dụng kiến thức được học quan sát hệ sinh thái dưới nước tại đây và viết bài thu hoạch nộp giáo viên. Qua đó, em được thấy thực tế và biết thêm nhiều động, thực vật ở môi trường dưới nước”.

Với những nỗ lực trong thay đổi hình thức, phương pháp dạy học, HS khá giỏi được bồi dưỡng, nâng cao năng lực, HS yếu kém được giáo viên theo sát và củng cố kiến thức. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng được nâng lên, tạo thêm được lòng tin từ phụ huynh và xã hội./.

Ngọc Sương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích