Được dẫn dắt bởi những người am hiểu và có nhiều kinh nghiệm, kèm theo tình yêu nghề sẵn có, Đỗ Thanh Hiền tiến bộ một cách nhanh chóng trong nghề
Nữ truyền nhân trong gia đình 5 đời theo hát bội
Năm nay, nghệ sĩ (NS) hát bội Thanh Hiền 21 tuổi và có hơn 5 năm theo nghề. Hiền nhỏ tuổi nhất đoàn và là truyền nhân đời thứ 5 trong gia đình theo nghề hát bội. Gia đình Hiền là gia đình theo hát bội lâu đời nhất còn giữ nghề tại Long An. Nói như Hiền nói: “Đã lỡ ăn cơm Tổ rồi nên không thể nào bỏ được”. Hiện tại, Hiền là thành viên Câu lạc bộ (CLB) Hát bội, trực thuộc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh. Người chịu trách nhiệm CLB hiện nay là NS hát bội kỳ cựu Ngọc Mai (ở Tiền Giang) và cũng là mẹ chồng của Hiền.
Hiền gặp chúng tôi trước giờ chuẩn bị cho suất hát, đó là khoảng thời gian duy nhất em rảnh rỗi để trò chuyện. Những ngày khác, nếu không đi hát, Hiền cùng chồng trở lại TP.HCM làm việc. Dẫu biết hát bội không thể nuôi sống mình nhưng Hiền và ông xã vẫn không thể nào rời xa tiếng trống, kèn của đoàn hát bội vì có lẽ tình yêu đã “ăn sâu vào máu” của cả 2 vợ chồng. Khoảng tháng Giêng, tháng 3 âm lịch hàng năm là thời điểm Hiền thường xin nghỉ phép về quê tham gia đoàn hát bội. Hiền kể: “Cứ hễ có diễn là tụi em xin nghỉ phép về. Hát xong thì đi ngay cho kịp làm bữa sau”.
Dù đang có công việc ổn định tại TP.HCM nhưng có suất diễn, vợ chồng Hiền lại xin nghỉ phép, khăn gói về quê. Khi “vào mùa”, những suất diễn đêm liên tục tại nhiều địa điểm xa gần như vắt kiệt sức các NS. Bởi, ai cũng có công việc riêng, đến mùa hát lại tập hợp về nên không ai tránh khỏi mệt mỏi sau những chuyến đi dài và nhiều đêm thức trắng. Hiền tóm tắt: “Vất vả lắm, nhưng mà vui!”. Niềm vui đó là điều chỉ có những người trong cuộc mới thực sự hiểu rõ. Khi tiếng trống nổi lên, bao vất vả đời thường biến mất, chỉ còn ánh đèn sân khấu sáng rực và mũ, áo lộng lẫy của ông hoàng, bà chúa. NS trang điểm đậm, vận xiêm y rực rỡ bước ra trong ánh mắt háo hức của các khán giả từ già đến trẻ. Tiếng kèn, tiếng trống, tiếng chiêng hòa vào nhau sôi nổi, rộn ràng, thôi thúc như đưa chúng ta trở về với không khí hội hè đầy náo nhiệt và vui vẻ của trăm năm trước.
Từ nhỏ, Hiền đã theo cha vào chơi cùng các cô chú, anh chị trong CLB Hát bội của tỉnh. Những ngày đó, cô gái nhỏ Đỗ Thanh Hiền còn “mạnh miệng” tuyên bố: “Con không có mê hát bội đâu!”. Để rồi, mới 15 tuổi, không cần ai gợi ý, Hiền tự nguyện xin học hát bội và xác định đó sẽ là một phần trong cuộc sống của mình. Còn đi học, mỗi cuối tuần, Hiền dành thời gian sang Tiền Giang học nghề. Lúc đó, cô gái trẻ hoàn toàn mới mẻ với những động tác múa, xoay trong biểu diễn và cũng chưa biết gì về nghệ thuật ngâm nga, diễn xuất. Ban ngày, Hiền đi học, chiều về tập múa, tập diễn. Cuối tuần, Hiền lại lặn lội sang Tiền Giang học thêm bài mới. Khi nào cha rảnh, Hiền lại nhờ cha chỉ dạy về nhịp điệu, cách hát,... Được dẫn dắt bởi những người am hiểu và có nhiều kinh nghiệm, kèm theo tình yêu nghề sẵn có, Hiền tiến bộ một cách nhanh chóng.
Chẳng bao lâu sau, Hiền được lên sân khấu, chính thức bước vào nghề. Từ đó đến nay cũng được khoảng 6 mùa hát bội. Em trở thành truyền nhân thứ 5 trong gia đình có 5 đời theo nghề hát bội tại Long An. Nói về điều đó, ánh mắt Hiền lấp lánh tự hào: “Ông nội em là ông Đỗ Văn Đồng, mọi người hay gọi là ông Năm Đồng. Ông bà nội em không chỉ hát bội hay mà còn viết sách và sáng tác vở hát bội Ba chén rượu thề về anh hùng Nguyễn Trung Trực nữa. Kiến thức về hát bội của em bây giờ đều học từ gia đình”. Ba chén rượu thề là vở hát bội từng gây tiếng vang lớn khi đưa được sử ta vào hát bội. Vở diễn được báo chí ca ngợi và người dân Kiên Giang tiếp nhận một cách nhiệt tình với hàng ngàn khán giả trong lần đầu công diễn tại Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.
Được sinh ra trong gia đình có truyền thống hát bội, lớn lên trong tiếng trống tuồng dồn dập đã khiến bộ môn nghệ thuật này nghiễm nhiên “ăn sâu” vào tâm trí NS trẻ Thanh Hiền. Với Hiền, mọi thứ dường như được sắp đặt sẵn “như ý nguyện của nội” khi cô cháu gái cưng của ông là người nối nghiệp gia đình, gìn giữ nghệ thuật truyền thống, và người cô chọn để gắn bó cũng là một người say mê hát bội. Nhờ cơ duyên đó mà Hiền bền bỉ hơn trên con đường mình đã chọn. Bởi, nếu không có sự đồng thuận của chồng thì con đường theo nghề của Hiền sẽ rất khó khăn.
Tự nhận bản thân còn non yếu trong nghề nghiệp, Hiền không dám so mình với các đào lâu năm khác mà chỉ âm thầm tập luyện mỗi ngày để diễn xuất được tốt hơn. Sau một ngày làm việc trở về, Hiền vẫn dành chút thời gian đọc lời hát và tập điệu múa. Những lúc giải lao, nghỉ trưa tại nơi làm việc, cô đào Thanh Hiền cũng dành thời gian ôn lại những gì đã học, và học thêm từ các clip trên Internet. Ở quê nhà, mẹ chồng, chị chồng đều là NS hát bội nên cứ mỗi dịp về quê, Hiền lại học thêm một ít kỹ năng để mang lên TP.HCM tập luyện. Nửa tháng sau về thăm nhà, Hiền “trả bài” cho mẹ chồng và chị để học thêm bài mới. Đó là cách Hiền chọn để tiến bộ từng ngày và có thể mạnh dạn nhận các vai đào chính trong vở diễn.
Giờ đây, Hiền là một trong những cô đào chính trong CLB, chồng Hiền chuyên về âm nhạc, ánh sáng. Cứ mỗi năm, vào dịp hội hè, vợ chồng Hiền lại tất tả từ phố về quê để “sống cùng” hát bội!
Cô gái trẻ và cái duyên đờn ca tài tử
Để hẹn được cô sinh viên trẻ Trần Thị Mỹ Dung (huyện Thủ Thừa) quả thật không hề dễ. Bởi, hầu hết thời gian, Dung học tập tại TP.HCM, thỉnh thoảng về thăm nhà, em lại kín lịch đi hát nên thời gian vô cùng hạn hẹp. Mới 19 tuổi lại sở hữu giọng ca ngọt ngào, chắc nhịp nên Dung là một trong những thành viên nổi bật của CLB Đờn ca tài tử (ĐCTT)Cải lương huyện Thủ Thừa. Từng ấy tuổi, Dung đã có một bề dày thành tích về ca hát đáng tự hào: Giải nhất cuộc thi hò Xự Xang Xê Cống tỉnh Bạc Liêu, giải nhất Giọng ca hàng tuần của Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM, giải tư Chuông vàng vọng cổ và cuộc thi Bông lúa vàng năm 2018, Huy chương Bạc Liên hoan ĐCTT toàn quốc.
Trần Thị Mỹ Dung
Ngạc nhiên hơn nữa, Dung chưa từng 1 ngày theo học về ca hát chuyên nghiệp. Tất cả những thành tích đã đạt là kết quả quá trình rèn luyện miệt mài của cô gái trẻ ở vùng đất sinh ra nhiều tài tử. Dung kể: “Từ nhỏ, em đã được mẹ dạy cho các giai điệu xàng xê của ĐCTT. Lớn lên một chút, em được ông Sáu (ông Vũ Xuân Đam - Chủ nhiệm CLB ĐCTT Cải lương huyện Thủ Thừa) chỉ dạy rồi cho tham gia CLB, tập luyện cùng các cô chú, anh chị. Cứ như vậy, em say mê ĐCTT, cải lương từ khi nào không biết”. Không biết tự khi nào, cứ hễ được bước lên sân khấu là Dung như “cháy hết mình” với từng lời ca, tiếng hát. Ngày nào không biểu diễn thì Dung tập luyện, bận quá không thể sang CLB để ông Sáu đệm đàn cho thì em hát “chay” ở nhà. Hết bài này đến bài khác, Dung miệt mài chỉnh sửa cách ngắt nhịp, giữ hơi, luyến láy cho phù hợp để nâng chất giọng hát của mình. Bài ĐCTT có nhiều thể loại, từ khó đến dễ, rất phong phú và đa dạng nên với Dung, đó như một kho tàng vô tận cho em tìm hiểu.
Lần đầu tiên theo CLB dự một cuộc thi về ĐCTT ở tỉnh bạn, Dung không dám nghĩ rằng mình sẽ giành được giải thưởng cao nhất. Giải nhất cuộc thi hò Xự Xang Xê Cống tỉnh Bạc Liêu vừa là bước khởi đầu, vừa là động lực để Dung tiếp tục rèn luyện và thử sức mình. Tốt nghiệp THPT, Dung thi vào ngành dược. Bởi, Dung quan niệm: “Em phải làm tốt việc học của mình, có được công việc ổn định thì mới có thể an tâm theo đuổi đam mê. Hiện tại, em cố gắng hoàn thành song song 2 việc: Học tập và ca hát. Bởi, ĐCTT, cải lương đối với em là không thể nào bỏ được!”. Trong năm đầu tiên thực hiện mục tiêu của mình, Dung hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra khi vừa học tốt các môn học trong năm đầu tiên, vừa đoạt một số giải thưởng trong lĩnh vực ca hát: Giải tư Chuông vàng vọng cổ 2018, giải tư cuộc thi Bông lúa vàng 2018,...
Đó là kết quả đáng tự hào của cô con gái đất Thủ Thừa, khi vừa phải lo việc học, vừa một mình tập luyện. Dung kể, thời gian tham gia các cuộc thi, em đang học tập tại TP.HCM, không thể về quê để nhờ mẹ, ông Sáu hay các anh chị khác chỉ dẫn được. Chỉ còn một cách tự mình nỗ lực. Mỗi ngày sau giờ học, Dung chăm chỉ tập hát, thu âm lời ca gửi về cho ông Sáu góp ý. Ngày nào lớp “luyện thi online” của Dung và ông Sáu cũng được mở. Khi thu âm xong bài hát, Dung gửi cho ông qua mạng xã hội. Nhận được file của cháu, ông Sáu nghe đi nghe lại vài lần rồi hồi âm cho Dung. Điện thoại lúc nào cũng để chế độ online để cả “thầy” và “trò” đều không bị lỡ tin nhắn của nhau. Dung chia sẻ: “Vì em chưa qua trường lớp chuyên nghiệp nên việc tham gia các cuộc thi lớn như Chuông vàng vọng cổ hay Bông lúa vàng khá khó khăn. Các kỹ năng về biểu diễn và ca hát của em đều còn nhiều hạn chế. Em chỉ có cách tự rèn luyện theo từng lời góp ý của người thân, giám khảo. Mỗi lần như vậy, em thấy mình có thêm chút tự tin. May mà em nhận được sự ủng hộ từ gia đình và CLB nên có động lực để phấn đấu!”.
Còn khá trẻ nhưng Trần Thị Mỹ Dung đã có một bề dày thành tích về ca hát đáng tự hào
Dung lớn lên trong giọng ca tài tử ngọt ngào của mẹ, khả năng thiên bẩm được bồi dưỡng thêm khi tham gia CLB ĐCTT Cải lương của huyện. Và từ đó, tiếng đờn, lời ca thấm nhuần trong lòng Dung như một điều khó thể rời xa. Dù đã quyết định lựa chọn một con đường khác để ổn định cuộc sống nhưng Dung vẫn không ngừng yêu ca hát và luôn cố gắng hoàn thành tốt cả hai.
Dung và Hiền mỗi người có một hoàn cảnh, đam mê riêng nhưng lại có chung tuổi trẻ và sự tận tâm với nghệ thuật truyền thống trăm năm tuổi. Hát bội, ĐCTT, cải lương đều là những tinh hoa trong đời sống văn hóa tinh thần của ông cha ta. Bộ môn nghệ thuật từng làm “say lòng” ông bà ta một thuở, sau nhiều vất vả, thăng trầm thì vui sao vẫn được yêu mến bởi những người rất trẻ!
Phương Phương