Tiếng Việt | English

11/06/2015 - 11:05

Ukraine và Nga: Đổ vỡ khó hàn gắn

Quốc gia Ukraine đang phát động một chiến dịch xóa sổ lịch sử gắn liền với Liên Xô và do vậy đối diện với nhiều mâu thuẫn.

Ngày 15/5 vừa qua, Tổng thống Poroshenko ký phê chuẩn các dự luật “phi Xô viết hóa” và “phi cộng sản hóa” Ukraine. Theo đó, các dự luật này – vốn đã được Quốc hội Ukraine thông qua vào ngày 9/4 – chính thức trở thành luật và có hiệu lực trên khắp quốc gia Đông Âu này từ ngày 15/5/2015.


Hình ảnh quân Liên Xô (gồm binh sĩ người Nga và Ukraine) tại Mặt trận Kiev trong Chiến tranh chống Phát xít Đức

Rũ bỏ tất cả

Nội dung các luật trên đặt chủ nghĩa cộng sản ngang hàng với chủ nghĩa phát xít, lên án đồng thời hai chủ thuyết này và cấm tuyên truyền về chúng. Các đạo luật cấm sản xuất, phân phối và sử dụng ở nơi công cộng các biểu tượng (kể cả vật lưu niệm) gắn với thời Xô viết (như cờ, hình ảnh, huy hiệu búa liềm, sao 5 cánh...), cấm sử dụng quốc ca Liên Xô, quốc ca Cộng hòa XHCN Ukraine, quốc ca các nước Cộng hòa XHCN khác trong Liên Xô. Ukraine thậm chí còn hình sự hóa việc sử dụng các biểu tượng gắn với Liên Xô.


Những kẻ quá khích người Ukraine tấn công và chiếm lĩnh bệ tượng Lenin ở thủ đô Kiev (ảnh: báo chí nước ngoài)

Luật pháp mới của Ukraine đồng thời tôn vinh các phần tử dân tộc cực đoan đã hợp tác với Đức Quốc xã để chiến đấu chống lại Liên Xô, coi các phần tử này là “anh hùng giải phóng dân tộc” của Ukraine. Luật mới thông qua cũng cho phép công chúng tiếp cận kho hồ sơ mật của lực lượng an ninh Liên Xô.

Cùng với đó chính phủ Ukraine sẽ đổi lại tên của các thành phố mang tên các nhà lãnh đạo Xô viết trước đây.

Như vậy, ở một chừng mực nào đó Ukraine đã đồng nhất Liên Xô (và chủ nghĩa xã hội) với nước Nga và tìm mọi cách để tẩy sạch các dấu vết và ảnh hưởng của Liên Xô. Thông qua công cụ pháp lý, Ukraine tựa như đang nỗ lực tuyệt giao với Nga và một phần đáng kể quá khứ của chính mình, thực hiện chính sách ngả theo phương Tây.

Chỉ 2 ngày sau khi Quốc hội Ukraine thông qua các dự luật nói trên, các phần tử quá khích đã kéo sập nhiều tượng lãnh tụ Liên Xô, trong đó có tượng Lenin. Các hành động phản cảm này - diễn ra trước thái độ thờ ơ của cảnh sát - nối tiếp các vụ đập phá tượng lãnh tụ Liên Xô một cách tự phát vào cuối năm 2013, khi chính phủ của cựu Tổng thống Yanukovych đang lung lay vì biểu tình của phe đối lập thân EU.

Ngoài ra, Ukraine cũng đã tuyên bố xúc tiến xây bức tường dài 2.000km ở biên giới để tạo sự ngăn cách với Nga. Tổng thống Ukraine Poroshenko thì thẳng thừng so sánh đương kim Tổng thống Nga Putin với... trùm phát xít Hitler.

Phủ nhận chính mình

Những diễn biễn nói trên có thể hiểu được phần nào trong bối cảnh xung đột hiện nay ở miền đông Ukraine và mối căng thẳng thường trực giữa Nga và Ukraine.

Thời Sa hoàng, dân tộc Ukraine bị đè nén không ít sau khi bị sáp nhập vào Đế chế Nga. Thời Liên Xô, dân tộc này vẫn chịu những thiệt thòi nhất định dù người ta về lý thuyết đề cao bình đẳng ngôn ngữ và văn hóa giữa các nước cộng hòa trực thuộc Liên Xô (trên thực tế, bất chấp các giáo huấn của Lenin, vẫn có sự áp đặt ngôn ngữ và văn hóa Nga lên các dân tộc khác trong Liên Xô).


Các công dân Ukraine thân Nga vẫy cờ Liên Xô và cờ búa liềm bên tượng đài Lenin ở Kharkiv (Ukraine) năm 2014

Xét lại quá khứ thì thấy “hoàn cảnh” Ukraine rất éo le. Với vị trí địa chính trị đặc biệt của mình, không chỉ đến cuối năm 2013 và đầu năm 2014 Ukraine mới rơi vào thế giằng xé giữa Đông và Tây. Trong suốt lịch sử quốc gia-dân tộc này, đã nhiều lần, tại các mốc quan trọng, Ukraine bị căng ra giữa các cường quốc trong khu vực cũng như giữa các xu hướng chính trị. Ukraine đã nhiều lần trở thành chiến trường của các phe quốc tế, trước thế kỷ 20, trong Thế chiến 1, sau Thế chiến 1 và trong Thế chiến 2. Lãnh thổ Ukraine theo đó mà bị chia cắt, sáp nhập nhiều lần.

Nhưng ngay cả khi đó, cách thức phản ứng như vừa rồi của Quốc hội và Tổng thống Ukraine vẫn có phần thái quá. Ukraine không nên “viết lại lịch sử” và đánh đồng chủ nghĩa cộng sản với chủ nghĩa phát xít – điều mà một số thế lực ở phương Tây đã làm trước đây.

Nhìn lại lịch sử, Nga và Ukraine ít nhiều có chung nguồn gốc dân tộc và tôn giáo. Xưa vốn có một quốc gia chung bao trùm, sau tách ra thành một số quốc gia, gồm Nga và Ukraine.

Sau đó duyên nợ giữa 2 nước lại tiếp tục khi Ukraine bị sáp nhập vào Đế chế Sa hoàng xưa. Sau năm 1917, nhờ có Cách mạng tháng Mười, Ukraine lần lượt giành được độc lập ở các mức độ khác nhau. Đến năm 1922, Ukraine tình nguyện gia nhập Liên Xô (khi ấy, Ukraine là 1 trong 4 thành viên đồng sáng lập Liên Xô).

Tư cách thành viên trong Liên Xô giúp Ukraine hùng cường cả về mặt kinh tế và quân sự (Ukraine từng sở hữu kho vũ khí hạt nhân đáng gờm ngay sau khi Liên Xô tan rã).

Một cậu bé Nga cầm cờ búa liềm tại một lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5 (2010) trên Hồng trường, Moscow (ảnh: AFP)

Liên Xô vừa phát triển tư tưởng dân tộc Xô viết toàn Liên bang, vừa bảo tồn và tôn trọng bản sắc các dân tộc thành viên (thể hiện ở việc duy trì các nước cộng hòa thành viên). Tên chung của cả khối là Liên Xô (Liên minh các nước Cộng hòa XHCN Xô viết)* chứ không phải là tên của một nước Nga mở rộng. Cộng hòa XHCN Xô viết Liên bang Nga cũng chỉ là một thành viên trong Liên minh Xô viết đó, dù Nga là thành viên lớn nhất và áp đảo nhất trên nhiều phương diện.

[(*) Tên đầy đủ của Liên Xô từ tiếng Nga hoặc tiếng Anh bấy lâu nay thường được dịch sang tiếng Việt là Liên bang Cộng hòa XHCN Xô viết. Cách dịch này ngắn gọn và xuôi nhưng không nhấn mạnh được tính chất “liên minh anh em” và dễ gây nhầm lẫn với trường hợp nước Nga Xô viết cũng là một Liên bang Xô viết nằm bên trong Liên Xô.]

Nói cách khác, Nga không sáp nhập các quốc gia Xô viết khác vào lãnh thổ của mình, mà là cùng với các nước khác gia nhập mái nhà chung mang tên Liên Xô. Thậm chí sau khi Liên Xô ra đời, một số nước cộng hòa còn tách ra khỏi Liên bang Nga Xô viết và trở thành các nước cộng hòa trực thuộc Liên Xô. Sau này đến thập niên 1990, chính các phần tử dân tộc chủ nghĩa cực đoan ở Nga đã phản đối gay gắt chủ nghĩa dân tộc Liên Xô và đòi tách Nga ra khỏi Liên Xô, kéo theo sự tan rã chính thức của Liên Xô.

Thời kỳ ở trong Liên Xô, trên tinh thần huynh đệ và đồng chí, Ukraine được tặng một món quà bất ngờ là bán đảo Crimea được chuyển từ Nga sang cho Ukraine quản lý.


Tổng thống Nga Putin trân trọng quá khứ và biết khai thác truyền thống để khơi dậy tinh thần yêu nước (ảnh chụp tại Lễ kỷ niệm 70 năm NgàyChiến thắng Phát xít Đức ở Moscow)

Dù gì đi chăng nữa Liên Xô vẫn là một phần trong lịch sử liên tục của Ukraine, còn Ukraine từng là bộ phận quan trọng của Liên Xô, là nước lớn thứ 2 Liên Xô sau Nga (xét về mặt dân số cũng như thực lực kinh tế, quân sự).

Chiến thắng vĩ đại trước Phát xít Đức là chiến thắng chung của toàn Liên Xô, nhưng trong đó quân dân Ukraine đóng vai trò không nhỏ. Các chiến sĩ Ukraine không chỉ chiến đấu quả cảm trên lãnh thổ Ukraine và lãnh thổ Liên Xô mà còn tham gia giải phóng các nước khác khỏi ách thống trị phát xít. Góp phần đánh bại chế độ Đức Quốc xã, nhiều chiến sĩ Hồng quân quê ở Ukraine đã anh dũng ngã xuống trước sự ngưỡng mộ và cảm phục của nhân dân thế giới.

Bài học Nga

Ở đây câu chuyện của nước Nga có nhiều nét tương đồng. Sau khi Liên Xô sụp đổ và nước Nga quay trở lại con đường tư bản chủ nghĩa, đã xuất hiện nhiều tiếng nói cố phủ nhận những thành tựu thời Xô viết, định chôn vùi mãi mãi Liên Xô trong quá khứ.


Quân kỳ chiến thắng của Hồng quân Liên Xô (có hình búa liềm) đi đầu đoàn diễu binh hôm 9/5/2015 tại Quảng trường Đỏ, Moscow (ảnh: Kremlin.ru)

Nhưng thực tế đã chứng minh điều này là không thể. Sau thời gian gián đoạn đầu thập niên 1990, các lễ Kỷ niệm Chiến thắng 9/5 được tổ chức trở lại một cách rầm rộ và hoành tráng. Quân kỳ Hồng quân với biểu tượng búa liềm vẫn tung bay đầy kiêu hãnh trên Quảng trường Đỏ vào những dịp như vậy. Phần nhạc của quốc ca Liên Xô được lấy lại làm quốc thiều Liên bang Nga hiện nay.

Đương kim Tổng thống Nga Putin đã rất thẳng thắn khi khẳng định, “Ai không nuối tiếc Liên Xô, người ấy thiếu trái tim”. Theo ông Putin, sự kiện Liên Xô tan rã là một bi kịch địa chính trị to lớn của thế kỷ 20.


Các biểu tượng gắn với Liên Xô (huy hiệu Vệ quốc và huy hiệu Chiến thắng) được treo trang trọng tại Lễ Duyệt binh mừng Chiến thắng trước Phát xít Đức hôm 9/5/2015 tại Quảng trường Đỏ (ảnh: Kremlin.ru)


Biểu tượng Búa liềm xuất hiện bên xe tăng của quân đội Liên bang Nga trong lễ duyệt binh mừng Chiến thắng 9/5/2014 trên Hồng trường, Moscow (ảnh: AP)

Chính phủ Nga (từ thời Vladimir Putin) tiếp tục đề cao các giá trị truyền thống tốt đẹp thời Xô viết, coi đó là niềm tự hào chung. Ban lãnh đạo Nga của thời hiện tại đã và đang chủ động phát huy các giá trị thời Liên Xô để cố kết dân tộc Nga, tăng thêm sức mạnh nội sinh vượt qua các khó khăn thử thách.
Sau cú sốc khủng hoảng, Đảng Cộng sản Nga đã tái lập và hiện vẫn là đảng lớn trong xã hội và Quốc hội Nga. Nhiều thanh niên Nga tự hào cầm cờ Xô viết và các biểu tượng của đảng cộng sản.

Về phần mình, Ukraine đang đối diện với một mâu thuẫn lớn: Phủ định Liên Xô, nhưng vẫn công nhận Chiến thắng Phát xít của mình (kể cả khi họ chuyển sang kỷ niệm sự kiện này theo kiểu phương Tây).

Bài học lịch sử chỉ ra rằng Ukraine sẽ không dễ xóa bỏ tất thảy di sản thời Xô viết. Tâm lý của nhiều người Ukraine vẫn gắn bó với các giá trị truyền thống. Ukraine có đảng cộng sản mạnh, dù không còn nắm chính quyền sau năm 1991. Hơn nữa, tiếng Nga là tiếng mẹ đẻ của một tỷ lệ lớn người dân Ukraine. Ngay cả những người không phải là gốc Nga cũng thành thạo tiếng Nga.


Cờ chiến thắng có hình búa liềm của lục quân Xô viết, xuất hiện trong một lễ duyệt binh trên Hồng trường, Moscow trong thế kỷ 21 (ảnh: internet)

Phương Tây không ngừng mở rộng ảnh hưởng ở Đông Âu, và khối quân sự NATO ráo riết bành trướng tới sát cổng nước Nga. Sau nhiều lần bị NATO bội ước, Nga đã không ngồi yên để cho đối thủ tự tung tự tác mãi. Ukraine giờ đây, éo le thay, lại tiếp tục trở thành tiền đồn tranh chấp không khoan nhượng giữa Nga và phương Tây./.

Trung Hiếu/VOV

Chia sẻ bài viết