Tiếng Việt | English

09/10/2024 - 09:42

Vang mãi điệu đờn, lời ca

Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể, niềm tự hào của người dân Nam Bộ nói chung và Long An nói riêng. Trải mấy trăm năm qua, bộ môn nghệ thuật truyền thống này vẫn được lưu truyền và phát triển. Các tài tử đờn, ca của Long An cứ nghề truyền nghề bằng niềm say mê để góp phần gìn giữ tinh hoa âm nhạc cha ông để lại.

Giao lưu đờn ca tài tử Nam Bộ mở rộng tại đình Vạn Phước (xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước) được duy trì tổ chức đều đặn hàng năm trong suốt gần 30 năm qua

"Tiếng đờn Cần Đước nổi danh"

ĐCTT Nam Bộ là di sản chung của cả vùng Nam Bộ, là tinh hoa được những lưu dân miền Nam chắt lọc, bổ sung và hoàn thiện từ nhạc cung đình để phù hợp với chất dân dã, tự do của đất và người miền Nam. Trong hành trình đó có công lao to lớn của đức nhạc sư Nguyễn Quang Đại, người có công hoàn thiện nhạc lễ và nhạc tài tử, được giới tài tử khắp nơi tôn là hậu tổ của ĐCTT Nam Bộ. Ông đã đến vùng Cần Đước, Long An để truyền dạy và đào tạo nên nhiều lớp nghệ nhân ĐCTT Nam Bộ tài hoa lúc bấy giờ.

Theo nhà báo Hải Đăng trong bài viết Bước đầu tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp nhạc sư Nguyễn Quang Đại thì “Nhạc lễ Cần Đước từ khi có ông Ba Đợi (nhạc sư Nguyễn Quang Đại) về thì sau đó, các môn đệ làm nên kỳ tích nổi tiếng khắp Nam Kỳ lục tỉnh”.

Các học trò nổi danh của nhạc sư về sau tiếp tục đào tạo nên thế hệ nối tiếp tài hoa. Bởi vậy, đất Cần Đước, Cần Giuộc nói riêng và Long An nói chung thời nào cũng có những nghệ nhân, tài tử được bạn bè trong giới mến mộ như “Giai kìm, Quýnh gáo, Quế tranh, Lòng cò” cùng với Sáu Thoàng, Ba Tu, Út Bù, Tám Toàn,...

Các nghệ nhân, tài tử tự hào Long An là nơi đức nhạc sư chọn để dừng chân và cũng chính là mảnh đất lành thờ phụng đức nhạc sư cho đến hôm nay. Hàng năm, dưới tán si già, nơi mái đình Vạn Phước, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tiếng đờn, ca lại vang lên để tưởng nhớ người đi trước, như một nén tâm hương mà thế hệ tài tử đi sau gửi tới tiền nhân.

Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh - Lê Thị Cẩm Châu khẳng định: “Giao lưu ĐCTT Nam Bộ mở rộng nhân dịp lễ húy kỵ nhạc sư Nguyễn Quang Đại được Long An duy trì suốt mấy mươi năm là điều ít có địa phương nào làm được”.

Long An là “cái nôi” của đờn ca tài tử Nam Bộ với nhiều nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian tài hoa 

Không chỉ là nơi thầy Ba Đợi chọn dừng chân mà Long An còn tự hào là vùng đất hình thành, hun đúc tài năng thời trẻ của nhạc sĩ Cao Văn Lầu - cha đẻ của bản Dạ cổ hoài lang. Trong số những nghệ nhân, nhạc sư, nhạc sĩ có tiếng trong phong trào ĐCTT Nam Bộ xưa có ông Chín Giỏi là thân sinh của nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Thông tin từ Bảo tàng - Thư viện tỉnh, ông Cao Văn Giỏi (Chín Giỏi) làm ruộng nhưng rất am hiểu về bộ môn nghệ thuật truyền thống, các bài bản cổ nhạc và sử dụng thành thạo các nhạc cụ truyền thống như bộ gõ, kèn hơi và đàn dây.

Có thể không sai khi nói rằng, một phần tài hoa của nhạc sĩ Cao Văn Lầu được thừa hưởng từ truyền thống gia đình. Vì cha là người chơi nhạc nổi danh đất Long An thời đó nên từ thuở lọt lòng ở làng Thuận Lễ (nay là xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành), Cao Văn Lầu được sống trong âm hưởng nhạc tài tử. Theo thời gian, điều đó trở thành nền tảng để nhạc sĩ tài hoa tiếp tục phát triển sự nghiệp của mình những năm tháng sau này.

Đâu chỉ vậy, đến đầu thế kỷ thứ XIX, một tác phẩm quan trọng về cổ nhạc ra đời ở đất Long An. Quyển Cầm ca tân điệu của Lê Văn Tiếng và Trần Phong Sắc được xem là sách giáo khoa về âm nhạc dân tộc đầu tiên và là cuốn sách “gối đầu giường” của giới nhạc tài tử và cải lương lúc bấy giờ.

Bấy nhiêu thôi cũng đủ để khẳng định Long An là “cái nôi” của ĐCTT Nam Bộ với “Tiếng đồn Cần Đước nổi danh. Giai kìm, Quýnh gáo, Quế tranh, Lòng cò” hay “Nhất Bạc Liêu, nhì Cần Đước”.

"Có thể nói, thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh đã dành sự quan tâm nhất định cho ĐCTT Nam Bộ và người thực hành ĐCTT Nam Bộ trên địa bàn tỉnh. Khi Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ tỉnh Long An giai đoạn 1 được phê duyệt, các hoạt động truyền dạy được đặc biệt quan tâm và đi vào nề nếp hơn. Trong thời điểm dịch Covid-19, UBND tỉnh cũng quan tâm hỗ trợ các nghệ nhân vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, nếu đội ngũ nghệ nhân nòng cốt nhận được chính sách đãi ngộ thì sẽ khuyến khích hơn nữa lòng nhiệt huyết trong hành trình bảo vệ di sản vì trên thực tế cho đến nay chưa có chính sách nào”.

Nghệ nhân Ưu tú Kim Thanh

Bảo tồn nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ

Nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ tại Long An không ngừng được giữ gìn và phát triển. Toàn tỉnh có 1 Nghệ nhân Nhân dân (đã mất), 8 Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) (2 người đã mất), 32 Nghệ nhân Dân gian (10 người đã mất), 374 đội, nhóm, câu lạc bộ (CLB) ĐCTT Nam Bộ cấp xã, 15 CLB ĐCTT Nam Bộ cấp huyện và 1 CLB ĐCTT Nam Bộ cấp tỉnh đang được duy trì.

Hàng năm, với sự nỗ lực của các ngành chức năng, giao lưu ĐCTT Nam Bộ mở rộng được tổ chức đều đặn tại đình Vạn Phước, trở thành sân chơi, nơi gặp gỡ, giao lưu của giới tài tử khắp nơi. Đội ngũ nghệ nhân, tài tử trong tỉnh được tạo điều kiện tham gia liên hoan, hội thi ĐCTT Nam Bộ trong, ngoài tỉnh và cấp khu vực.

Nhân sự kiện Tuần Văn hóa - Thể Thao - Du lịch, giao lưu ĐCTT Nam Bộ được tổ chức, vừa tạo sân chơi, vừa góp phần quảng bá nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ tại Long An.

Hội thi đờn ca tài tử Nam Bộ lần 3 được tổ chức trong tháng 4/2024

Ngoài ra, ĐCTT Nam Bộ vẫn không ngừng phát triển trong đời sống người dân thông qua hoạt động truyền dạy và các lớp tập huấn ĐCTT Nam Bộ cơ bản, nâng cao do ngành Văn hóa phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức.

Từ năm 2008-2023, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh và Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh cấp huyện tổ chức 49 lớp tập huấn, truyền dạy ĐCTT Nam Bộ cho gần 1.400 học viên trong toàn tỉnh. Các NNƯT, Nghệ nhân Dân gian, tài tử cũng tổ chức truyền dạy ĐCTT Nam Bộ với nhiều hình thức khác nhau.

Vốn nổi tiếng với ngón đờn điêu luyện và bay bổng, lại chơi được nhiều loại nhạc cụ khác nhau, NNƯT Tấn Khoa dạy đờn cho học trò của mình bằng cái tâm của người đam mê nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ. Ông vun đắp, bồi dưỡng và tự hào khi nhiều học trò đạt thành tích cao trong các hội thi ĐCTT Nam Bộ trong và ngoài tỉnh và cả các hội thi cấp khu vực do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Không chỉ dạy đờn, NNƯT Tấn Khoa còn cùng NNƯT Hồng Cúc mở lớp truyền dạy ĐCTT Nam Bộ tại Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh. Mỗi tối, sau giờ làm việc, ở một góc nhỏ giữa lòng thành phố lại vang lên tiếng đờn, ca ngân nga từ lớp dạy ĐCTT Nam Bộ của các nghệ nhân.

Bà Lê Thị Cẩm Châu cho biết thêm: “Công tác đào tạo nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ cho thế hệ trẻ và những người yêu thích trong những năm gần đây phát triển mạnh, được lãnh đạo địa phương quan tâm. Hàng năm, đa số các huyện đều tổ chức tập huấn cho các CLB ĐCTT Nam Bộ của huyện, thị xã, thành phố. Ngoài truyền dạy ở các lớp tập huấn, các nghệ nhân, tài tử đờn, ca giỏi còn dạy tại nhà, dạy online,... góp phần đào tạo, nâng cao kỹ năng đờn, ca cho những người đam mê loại hình nghệ thuật này, qua đó cùng nhau giữ gìn và phát triển nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ”.

Năm 2024, UBND tỉnh phê duyệt Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ tỉnh Long An giai đoạn 1 (2024-2026), thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với loại hình nghệ thuật truyền thống và cũng là nguồn động viên to lớn đối với những người hoạt động ĐCTT Nam Bộ của tỉnh.

ĐCTT Nam Bộ không chỉ là một loại hình nghệ thuật truyền thống mà còn là hồn dân tộc. Với những nỗ lực không ngừng của các nghệ nhân, các cấp chính quyền và cộng đồng, ĐCTT Nam Bộ đang được bảo tồn và phát triển. Tuy nhiên, để ĐCTT Nam Bộ đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là giới trẻ, cần có những giải pháp sáng tạo và phù hợp, tháo gỡ những khó khăn mà người thực hành ĐCTT Nam Bộ đang gặp phải để họ vững vàng trong hành trình gìn giữ, phát triển Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại./.

Từ năm 2018-2024, tỉnh thực hiện các biện pháp bảo vệ, phát triển ĐCTT Nam Bộ:

- Duy trì tổ chức các hoạt động ĐCTT Nam Bộ đa dạng từ tỉnh đến cơ sở.

- Xây dựng Đề án bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ tỉnh Long An giai đoạn 1 (2024-2026).

- Hàng năm, để bảo vệ và tuyên dương, khen thưởng nguồn nhân lực nòng cốt và nguồn nhân lực có khả năng truyền nghề ĐCTT Nam Bộ, Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh đề xuất trình lên Hội Trung ương xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian, làm cơ sở để các nghệ nhân làm hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu NNƯT, Nghệ nhân Nhân dân theo quy định.

- Sưu tầm, nghiên cứu những tài liệu chuẩn xác, mang tính thống nhất cao về nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ để tuyên truyền cho thế hệ kế thừa bảo tồn và gìn giữ.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết