Vùng tự do oanh kích
42 năm chiến tranh đi qua, nhưng mỗi lần gặp lại, những đồng đội năm nào cùng chiến đấu tại mảnh đất Hòa Khánh Tây (trước giải phóng là xã Hòa Khánh) vẫn nhớ như in các trận đánh vang dội trong thời gian gần giải phóng.
Nhấp ngụm trà, ông Nguyễn Văn Xê, 77 tuổi, ngụ ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa chậm rãi: “Năm 1972, anh em du kích đánh xe GMC chở lính ngụy lúc 20 giờ trên Tỉnh lộ 10, diệt hơn 15 tên lính, thu 10 khẩu súng. Còn đêm 23 rạng sáng ngày 24 /4/1975, lực lượng của ta bắt đầu đánh chiếm đồn Hòa Khánh và giải phóng vào ngày 29/4, cùng thời gian với thị trấn Hậu Nghĩa”.
Những người từng chiến đấu tại mảnh đất Hòa Khánh Tây kể lại các trận đánh nơi đây
Lời kể của ông Xê như dâng lên trong lòng mỗi người dân nơi đây niềm tự hào rất lớn! Rồi, ông kể tiếp, vùng Hòa Khánh ngày trước mỗi ấp đều có đồn giặc. Chúng đánh phá ác liệt nên người dân 3 ấp vùng sông của xã phải tản cư vào các ấp vùng giồng. Ở đây, dù cũng bị đánh phá ác liệt nhưng người dân quyết bám trụ, nuôi giấu cán bộ cách mạng. Đó là ông Phan Văn Trình, bà Lê Thị Hiếm, bà Lê Thị Kim,... can đảm vượt qua sự dòm ngó của kẻ thù, đào hầm nuôi bộ đội.
“Hồi đó, nhà tôi cách bụi tre này mấy trăm mét. Trong nhà có 2 cái hầm để bộ đội trú ngụ. Buổi sáng, các anh ra địa hình, khi giặc đánh phá dữ dội lại về hầm ẩn nấp. Mỗi ngày, tôi đều đưa cơm xuống hầm cho các anh. Nhớ lại thời đó, nguy hiểm, gian khó nhưng rất hào hùng”, chỉ tay về phía bụi tre bên hông nhà, bà Nguyễn Thị Đem, 69 tuổi, ngụ ấp Lập Thành nhớ lại.
Qua lời kể của những chứng nhân lịch sử năm nào, làm sáng thêm truyền thống của xã anh hùng Hòa Khánh Tây!
Đất phèn cho trái ngọt
“Toàn xã hiện tại còn 1,66% hộ nghèo” - thông tin của Chủ tịch UBND xã Hòa Khánh Tây - Hồ Trường Ca như một niềm vui ở xã anh hùng khi hộ nghèo giảm, đời sống người dân dần được nâng lên.
Kết quả ấy là cả quá trình phấn đấu, đoàn kết khắc phục vết thương chiến tranh. Ngày trước, những cái tên: Bùng Binh, Hóc Thơm được nhắc đến là vùng căn cứ cách mạng và có lúc là vùng trắng vì sự tàn phá của chiến tranh thì ngày nay, vùng đất nhiễm phèn ấy hồi sinh với chanh là cây trồng chủ lực.
Từ cây chanh, nhiều người dân ổn định kinh tế như ông Phan Bé Hùng, ngụ ấp Bùng Binh. Trước giải phóng, gia đình ông Hùng tản cư đến năm 1975, sau ngày hòa bình mới trở về ấp Bùng Binh khai hoang, phục hóa. “Nhưng hồi đó chỉ làm được 1 vụ lúa mùa, năng suất lại không cao. Trồng lúa vất vả đến khi thu hoạch, chỉ cần đủ gạo ăn trong nhà là đã mừng. Sau này, Nhà nước đầu tư nạo vét kênh Chùa để làm lộ, đồng ruộng đủ nước tưới nên năng suất tăng lên. Đặc biệt, hơn 10 năm nay, tôi chuyển sang trồng 3ha chanh và mỗi năm kiếm gần 100 triệu đồng”.
Không riêng gì ấp Bùng Bình, cây chanh cũng mang lại đời sống ổn định cho người dân 2 ấp vùng sông còn lại của xã: Hóc Thơm 1, Hóc Thơm 2. Có thể nói, vùng đất phèn bây giờ cho trái ngọt.
Nếu vườn chanh trĩu quả ở những ấp vùng sông thì ở 2 ấp vùng giồng Lập Thành, Tân Bình, cánh đồng lúa cũng mang về nguồn lợi khá hơn trước.
Theo lời ông Mai Trung Liệt, ngụ ấp Tân Bình, khi mới giải phóng, người dân sản xuất 1 vụ lúa từ tháng 4 đến tháng 7. Còn bây giờ, đa số đều sản xuất 2 vụ, có nơi làm 3 vụ/năm với năng suất 5-6 tấn/ha/vụ.
Kết quả này là nhờ người dân biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt và nguồn nước tưới lúc nào cũng đầy đủ, không phải tưới nước giếng như ngày trước.
Trường, lớp ở xã Hòa Khánh Tây ngày nay được đầu tư khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh ở địa phươngKhi đời sống vật chất được nâng lên, người dân có điều kiện hưởng thụ về đời sống tinh thần. Phương tiện nghe, nhìn bây giờ không còn là thứ xa xỉ với người dân Hòa Khánh Tây. Không những vậy, trong các phong trào do địa phương phát động, nhất là đóng góp làm giao thông nông thôn, người dân luôn tích cực hưởng ứng.
“Lộ Kênh 3 trước nhà tôi mấy năm trước là đường đất, mùa mưa đi lại khó khăn nên Nhà nước đầu tư trải sỏi đỏ, sau này nâng cấp trải đá xanh. Hàng năm, khi có hư hỏng, tôi cùng người dân trong ấp đóng góp để giặm vá. Năm rồi, tôi và trưởng ấp góp hơn 10 triệu đồng sửa những đoạn hư hỏng” - ông Phan Bé Hùng cho biết thêm.
Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, hiện nay, việc đi lại ở Hòa Khánh Tây không còn vất vả. Những chiếc cầu khỉ giờ được thay bằng cầu bêtông hoặc cầu cây vững chắc. Các con đường mòn, nhỏ hẹp năm nào cũng được mở rộng, trải sỏi hoặc tráng nhựa.
“Như tuyến đường Tân Bình dài 2,3km lúc trước là đường đất rộng 3m, bây giờ mở rộng mặt đường lên 6m và được tráng nhựa phẳng phiu. Ngoài kinh phí Nhà nước đầu tư, người dân trên tuyến đường này hiến đất với tổng trị giá 2,2 tỉ đồng để nâng cấp đường như hiện nay” - ông Hồ Trường Ca cho biết.
Những con đường trải nhựa vừa mang đến cho Hòa Khánh Tây diện mạo mới, vừa mở ra những cơ hội phát triển
Những con đường mở ra, ngoài việc đi lại của người dân, học sinh được thuận lợi còn mang đến cho Hòa Khánh Tây diện mạo, những cơ hội phát triển mới. Đó là việc mua bán hàng hóa nông nghiệp của người dân dễ dàng hơn, hạn chế tình trạng bị ép giá. Đặc biệt, kết cấu hạ tầng thuận lợi sẽ thu hút các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn xã ngày càng nhiều.
Theo ông Hồ Trường Ca, hiện tại, xã có 8 doanh nghiệp đang hoạt động. Khi Đường tỉnh 823 (đoạn từ ngã tư Hậu Nghĩa đến Trà Cú) hoàn thành sẽ là tuyến giao thông huyết mạch góp phần vào sự phát triển của địa phương, nhất là lĩnh vực thu hút đầu tư. Từ đó, có nhiều lao động địa phương được giải quyết việc làm, ổn định đời sống hơn.
Về lại Hòa Khánh Tây hôm nay, trong câu chuyện kể của những người từng tham gia kháng chiến, những người dân sinh ra, lớn lên trên mảnh đất anh hùng, niềm tự hào về truyền thống đấu tranh dường như pha lẫn niềm vui khi quê hương đổi mới. Vùng đất phèn đang được hồi sinh, tiếp tục cho cây lành, trái ngọt!./.
Khánh Ly