Tiếng Việt | English

30/09/2022 - 09:40

Về sông ăn cá...

Mùa này, con nước ngấp nghé tràn bờ, ai ơi theo miền thương nhớ xuôi về vùng quê nghe câu hò miền Tây ngọt lịm, thả mình giữa miên man hương tràm. Long An mùa nước nổi đẹp như bức tranh đậm hồn quê. Về Long An, mình cùng nhau đặt lọp, cắm câu, bắt cá, chèo xuồng ba lá hái bông điên điển. Về thăm quê giữa mùa nước nổi để chiều chiều trải đệm trước sân nhâm nhi ly rượu Gò Đen với con cá lóc nướng trui, cùng nghe câu hò “Ví dầu cá bống hai hang... cá trê hai ngạnh... tôm càng hai râu...”.

Cá linh đầu mùa thường được kho lạt với me non ăn kèm hẹ nước

1. Nhắc đến đặc sản mùa nước nổi, không thể nào không nhắc đến cá linh. Khi con nước về, cá linh theo dòng nước từ Biển Hồ (Campuchia) về sông Tiền, sông Hậu. Cứ độ rằm tháng 7 (Âm lịch), loài cá này tràn đến các kênh, rạch, sinh sôi nảy nở rồi đến khoảng mùng 10 tháng 10, chúng quay về “cố hương” xứ sở Chùa Tháp. Không ai biết tên gọi của loài cá này xuất phát từ đâu nhưng theo giai thoại khi Nguyễn Ánh trốn quân Tây Sơn, đến sông Vàm Nao (con sông nối giữa sông Tiền và sông Hậu) thì có con cá nhảy vào thuyền. Dự có chuyện chẳng lành nên người không đi nữa. Quả thật, nếu tiếp tục đi sẽ gặp khốn vì có binh phục của Tây Sơn tại Thủ Chiến Sai (chợ Thủ, ngang đầu cù lao Giêng, nay thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Và để “tri ân” con cá đã dự báo, Nguyễn Ánh đặt tên là cá linh. Cũng có giai thoại cho rằng, vì loài cá này thường xuất hiện vào độ rằm tháng 7 nên được gọi là cá linh.

Với người dân miền Tây sông nước thì cá linh là món quà mà thiên nhiên ban tặng. Cứ vào mùa nước, cá về từng đàn. Cá linh có thể chế biến thành nhiều món ngon như canh chua bông điên điển cá linh, cá linh kho me, cá linh chiên bột, bánh xèo cá linh,... Đầu mùa, cá linh non chỉ bằng đầu đũa, thường được kho với me non. Món ăn không quá cầu kỳ, mớ cá linh lặt sạch, cho vào nồi đất, ướp thêm chút hành, tiêu, tỏi, ớt, đường, nước mắm,... để một lúc cho cá ngấm gia vị rồi cho thêm vào nồi vài trái me non, đem đi kho. Cá linh kho me được ăn kèm với lá hẹ nước là đúng điệu. Như có hẹn với nhau, cứ con nước vừa chớm, đàn cá linh về thì cây me cũng “trở mình” cho ra những trái non, đám hẹ gặp nước lũ trở nên xanh mướt. Quấn lá hẹ vào đầu đũa, chấm với nước cá kho mà nghe hương vị đồng quê hòa quyện giữa vị béo của cá linh đầu mùa, vị chua, cay của me, ớt, vị mặn mòi của nước mắm kèm sự mát, giòn của lá hẹ. Nếu ai đã được thưởng thức qua món ăn dân dã này chắc khó lòng quên được hương vị đặc trưng chỉ có vào mùa nước nổi.

Cá nhiều, ăn không hết, các dì, các mẹ đem nhận mắm làm nên món đặc sản mắm cá linh. Mắm cá linh cũng có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau: Mắm kho, mắm chưng hay đơn giản là mắm sống trộn với tỏi, ớt, chanh, đường ăn cùng cơm trắng. Trở về sau buổi làm đồng, chỉ cần tô cơm trắng, chén mắm trộn cũng đủ no dạ. Và món ăn không thể không thưởng thức khi về Long An vào mùa nước nổi là món mắm kho. Mắm kho thì có thể ăn vào bất cứ mùa nào nhưng chỉ có mùa nước nổi mới ăn được món hẹ nước, điên điển chấm mắm kho. Những sản vật mùa nước sao hợp nhau một cách hữu ý tạo nên nét ẩm thực độc đáo của miền Tây những ngày nước lên. Và người dân miền Tây dù có đi đâu, về đâu cũng khó lòng quên được món mắm linh đậm đà tình quê.

2. Nếu đã quá quen với món canh chua cá linh thì về Long An lần này hãy thưởng thức canh chua cá chốt nhé! Món ăn được xem là đặc sản của vùng đất cửa ngõ miền Tây được nhiều người biết đến không chỉ là món ngon, hợp khẩu vị mà còn được biến tấu với các loại rau ăn kèm theo mùa. Canh chua cá chốt ngon nhất khi được nấu với lá me non. Cá chốt là loại cá da trơn, có nơi cá chốt có thể lên đến 1kg/con nhưng nhiều nhất vẫn là loại cá nhỏ, cỡ 2-3 ngón tay. Cha xách về mớ cá chốt tươi vừa lưới được, mẹ mang đi làm sạch rồi với tay hái nắm lá me non. Cũng như bao món canh chua khác, canh chua cá chốt được ăn kèm với các loại rau theo mùa.

Về Long An mùa nước nổi sẽ được thưởng thức canh chua cá chốt nấu với bông điên điển, bông súng, bông lục bình, thêm nắm lá quế, ngò gai, ớt hiểm mà nghe đậm tình quê. Gắp con cá chốt chấm nước mắm ớt để cảm nhận vị béo ngọt của cá sông, múc thêm vá canh nóng hổi thưởng thức vị chua thanh của lá me, vị đắng nhẹ của điên điển, cái giòn sần sật của bông súng,... Những ngày mưa rỉ rả, nấu nồi canh chua cá chốt, quây quần bên gia đình thân yêu mà nghe ấm áp. Bữa cơm chiều chỉ đạm bạc với canh chua, cá kho mà khó có món ngon nào sánh bằng để bao đứa con xa quê khi nhắc đến canh chua cá chốt lại nôn nao mong về với mẹ.

Nếu đã quen với món canh chua cá linh thì lần này đến Long An, hãy thưởng thức canh chua cá chốt nhé!

3. Thật là thiếu sót nếu về Long An mà không thưởng thức qua món cá lóc nướng trui. Tùy theo khẩu vị mà có khi cá lóc nước trui được rắc thêm đậu phộng, mỡ hành nhưng với người dân miệt vườn chính gốc thì ngon nhất vẫn là cá lóc nướng trui truyền thống. Mùa nước, cá lóc cũng theo về trên những thửa ruộng. Cá nướng trui phải chọn con vừa, cỡ cổ tay. Cá lóc sau khi bắt lên chỉ rửa sơ, để nguyên vảy rồi xiên qua thanh tre hoặc khúc mía, cắm xuống đất. Lấy mớ rơm mới gom ngoài ruộng phủ đầy lên cá rồi nướng trui. Tàn lớp rơm này có thể phủ lớp rơm khác, nướng đến khi lớp vảy cá cháy đen, ủ rơm thêm vài phút để sức nóng làm thịt cá chín, săn lại. Rơm tàn, cắt tàu lá chuối, xếp cá lên rồi cạo bỏ lớp vảy đen.

Mùa này, Đồng Tháp Mười sen nở rộ, cắt vài lá sen non để cuốn cá lóc nướng trui thì còn gì ngon bằng! Từng thớ cá chắc, ngọt hòa quyện với vị chát chát của lá sen non, chấm vào chén muối ớt vắt chanh, thêm ly rượu đế Gò Đen thì đúng chất miền Tây. Gió hiu hiu, quây quần trước sân nhâm nhi ly rượu, thưởng thức cá lóc nướng trui, kể nhau nghe về thời gian khó. Những năm 80, vùng Đồng Tháp Mười này còn hoang hóa lắm, đúng kiểu “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tợ bánh canh”, vậy mà giờ đây lại trở thành vựa lúa lớn nhất của tỉnh. Không chỉ thế, vùng đất lành còn là nơi bén rễ của nhiều loại cây ăn trái như mít, bưởi, sầu riêng,... Vùng đất chua phèn ngày nào còn được biết đến với những điểm du lịch nổi tiếng: Khu du lịch Cánh Đồng Bất Tận, Làng nổi Tân Lập, Láng Sen,...

Cá lóc nướng trui ngon nhất là khi ăn kèm lá sen non, chấm muối ớt

Về Long An mùa này để chiêm ngưỡng vẻ đẹp và cùng thưởng thức những đặc sản mùa nước nổi để rồi nhớ thương, vấn vương miền đất hiền hòa, mến khách./.

Tâm Yên

Chia sẻ bài viết