Tiếng Việt | English

08/09/2017 - 02:30

Viếng tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành ở TP.Quy Nhơn

Trên đường Nguyễn Tất Thành - một đường lớn và đẹp nhất qua trung tâm TP.Quy Nhơn, ở khoảng giữa nổi lên một tượng đài bằng đồng cao 15,5m hướng ra quảng trường trung tâm tỉnh Bình Định. Trên đế tượng có chữ Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành, thể hiện cuộc chia tay lịch sử của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành và phụ thân là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, tại tỉnh Bình Định năm 1910.

Tượng Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành ở TP.Quy Nhơn

Theo tư liệu, cụ Nguyễn Sinh Sắc đậu cử nhân năm Giáp Ngọ (1894) tại kỳ thi Hương ở Nghệ An và đậu Phó bảng tại khoa thi Hội năm Tân Sửu (1901) ở Huế, được bổ chức Hành tẩu Bộ Lễ, sau đó sung vào Ban chấm thi Hương tại Trường thi Bình Định.

Giữa lúc huyện Bình Khê - một vùng bán sơn địa xào xáo do bọn thực dân Pháp từ Quy Nhơn kéo đến giành đất của dân để mở đồn điền, khai thác gỗ,...; bắt dân bản địa, phần lớn là người dân tộc thiểu số - ra làm dân phu để chúng bóc lột.

Trước cảnh đó, cụ công khai bày tỏ tư tưởng yêu nước, bênh vực người dân cô thế và chống đối kẻ ngoại xâm, để rồi, cụ bị giáng xuống 4 cấp và ngày 17/01/1910, cụ bị cách chức Tri huyện, đưa về Huế hậu xét. Tính ra, cụ chỉ có hơn 6 tháng làm Tri huyện Bình Khê nhưng để lại hình ảnh đẹp trong lòng người dân nơi đây. Hiện nay, di tích Huyện đường Bình Khê (huyện Bình Khê đổi tên là huyện Tây Sơn) được tỉnh Bình Định xây dựng Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc.

“Khi cụ Nguyễn Sinh Sắc từ Huế vào Bình Định nhận công tác, có đưa 2 con trai là Nguyễn Sinh Khiêm (Nguyễn Tất Đạt) và Nguyễn Sinh Cung (Nguyễn Tất Thành) theo cùng. Trong khi ông Đạt theo giúp việc cho cha thì ông Thành được cụ Sắc gởi lại nhà người bạn thân là cụ Phạm Ngọc Thọ (thân sinh bác sĩ Phạm Ngọc Thạch) lúc ấy đang là giáo viên của Trường Pháp - Việt Quy Nhơn, tại TP.Quy Nhơn, để trau dồi tiếng Pháp” (Tuổi Trẻ, 18/5/2017).

Cũng theo số báo Tuổi Trẻ này, cha con cụ Nguyễn Sinh Sắc đến Bình Định vào tháng 5/1909 và cụ chính thức nhậm chức Tri huyện Bình Khê vào tháng 7/1909. Ở Quy Nhơn, Nguyễn Tất Thành thường hay lên Bình Khê thăm cha. “Tháng 3/1910, Nguyễn Tất Thành từ Quy Nhơn đến “dịch xá” (nơi lưu lại của các quan huyện khi về tỉnh) của tỉnh thành Bình Định để gặp gỡ trước khi cha và anh trai về Huế. Lần chia tay này, khi cha và anh về lại Huế thì Nguyễn Tất Thành ở lại Quy Nhơn một thời gian, rồi tháng 8/1910, cùng Phạm Ngọc Thọ vào Dục Thanh (Phan Thiết, Bình Thuận) dạy học” (Tuổi Trẻ, 18/5/2017).

Năm 1911, Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn, xuống tàu ở cảng Nhà Rồng, bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm đường cứu nước như sử sách ghi. Tượng đài “Cuộc chia tay lịch sử” trên đây là một dấu ấn thời gian đầy xúc động. Bởi sau 30 năm, người thanh niên yêu nước ấy bôn ba ở nhiều nước trên thế giới trở về, lãnh đạo cuộc trường kỳ kháng chiến đánh đổ hai đế quốc sừng sỏ nhất hành tinh là Pháp, Mỹ, mang lại nền độc lập, tự do cho Tổ quốc, thì người cha kính yêu năm xưa - cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - tạ thế lâu rồi.

Theo tác giả Nguyễn Thanh Quang, trong thời gian sống ở Quy Nhơn, Nguyễn Tất Thành có đến nhà cụ Đào Tấn ở làng Vĩnh Thạnh, huyện Tuy Phước (gần TP.Quy Nhơn). Cụ Đào Tấn là nhà soạn tuồng Bình Định. Trong bài viết “Đào Tấn và Bác Hồ”, tác giả Mịch Quang có kể câu chuyện: Khi Đào Tấn đương chức Tổng đốc An Tịnh, có dẫn theo con trai là Đào Nhữ Tuyên đến Nam Đàn để làm lễ viếng cụ Hoàng Trọng Đường, một nhà nho không đỗ đạt gì, nhưng được cả tỉnh Nghệ An kính nể. Tuy là quan Tổng đốc nhưng Đào Tấn đi bộ xa hơn 5km thay vì đi ngựa hay nằm võng cho quân lính khiêng đi.

Thấy vậy, viên Tỉnh phó Nghệ An thưa: “Bẩm cụ, ông Hoàng Trọng Đường có khoa bảng phẩm hàm gì mà cụ lại quá tỏ lễ như vậy? Xin cụ đi võng cho đỡ nhọc”. Cụ Đào đáp: “Cụ Hoàng Trọng Đường không khoa bảng phẩm hàm gì nhưng học vấn cụ đáng bậc thầy của tôi. Tôi tỏ lễ kính với bậc thầy chứ có phải với quan trên đâu!”.

Dịp này, cụ Đào Tấn có tiếp xúc với cụ Nguyễn Sinh Sắc và gặp Nguyễn Sinh Cung lúc mới lên 5. Sau ngày Độc lập 02/9/1945, ông Đào Nhữ Tuyên xem báo, thấy ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối chiếu với bức chân dung thầy Lê Văn Miễn vẽ Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành - hai bức ảnh chỉ là một: Người trong ảnh là Chủ tịch Hồ Chí Minh!

Thầy Lê Văn Miễn là họa sĩ học ở Pháp về, có thời gian làm gia sư nhà Đào Tấn và vẽ chân dung Đào Tấn. Thầy Miễn cũng có dạy Pháp văn cho anh em Sinh Khiêm, Sinh Cung (Tất Đạt, Tất Thành). Là người yêu nước, thầy Miễn rất quý trọng cử nhân Đào Tấn và Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

Tác giả Mịch Quang viết về dịp kỷ niệm 150 năm sinh nhật Đào Tấn do Viện Sân khấu tổ chức, cụ Lê Văn Hiến (nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính, rồi Bộ Lao động nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) rất rành tuồng và hát tuồng rất hay, thường được Bác Hồ bảo hát cho nghe, có kể: Nhờ Hồ Chủ tịch mà cụ Hiến biết cụ Đào Tấn. Có lần, cụ Hiến hát cho Bác Hồ nghe câu tuồng của Địch Thanh (tuồng Ngũ Hổ, Nguyễn Diêu soạn, Đào Tấn viết thêm).

Khi cụ Hiến hát xong, Bác Hồ nhắc: “Còn câu của Trại Ba nữa, chú hát tiếp đi”. Câu của Trại Ba: “Hữu tình mà hóa vô tình/Bơ vơ phận thiếp, lênh đênh nỗi chàng”...

Theo tác giả Quách Tấn, hát tuồng xuất phát từ Bình Định, do Đào Duy Từ biến chế lối hát chèo ngoài Bắc và lối hát của người Chiêm Thành. Rồi mỗi đời mỗi (làm cho) phong phú thêm, nhất là tới đời Tự Đức, nhờ Đào Tấn mà hát tuồng Bình Định lên tuyệt đỉnh cả về nghệ thuật và văn chương. Hiện nay, tại TP.Quy Nhơn có Nhà hát Tuồng Đào Tấn, Danh nhân văn hóa tỉnh Bình Định.

Một câu tuồng của Đào Tấn: “Lao xao sóng bủa ngọn tùng/ Gian nan là nợ anh hùng phải vay” được thi sĩ Xuân Diệu bình: “Đào Tấn cho chúng ta hay rằng, khi đã lập chí chống cái tà, cái nịnh, khi đã bênh vực cái đúng, cái ngay, thì sự lao khổ, gian nan là lẽ tất nhiên, là quy luật”.

Tượng Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành tôn thêm vẻ đẹp và niềm tự hào của TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định./.

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết