Tiếng Việt | English

24/08/2016 - 09:30

Về Đồng Tháp, thăm mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc

Vùng đất sen hồng Đồng Tháp có nhiều điểm tham quan, du lịch nổi tiếng. Trong đó, Khu di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tọa lạc tại trung tâm TP.Cao Lãnh là lựa chọn hợp lý với những ai muốn khám phá nơi đây.

Toàn cảnh phần mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc

Di tích lịch sử cấp quốc gia

Đặt chân đến khu di tích, du khách cảm nhận được không khí trong lành, mát dịu bởi những ao sen thơm ngát và cây cối xum xuê. Mộ cụ Phó bảng quay về hướng Đông, có mái hình cánh sen cách điệu giống hình dáng bàn tay xòe úp xuống; trên mái đắp nổi tượng chín con rồng, tượng trưng cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long luôn che chở và bảo vệ ngôi mộ người chí sĩ yêu nước.

Mộ được ốp bằng đá hoa cương, nền bằng đá mài hình lục giác không đều, mở rộng dần ra hai bên và phía trước. Trên mộ có một đỉnh trầm bằng đá Ngũ Hành Sơn, ngày đêm khói hương thơm ngát. Khuôn viên lăng mộ có nhiều loại cây cảnh, hoa trái quý hiếm được người dân khắp cả nước mang về trồng lưu niệm. Trong đó, phải kể đến cây khế gần 300 tuổi (nằm bên trái mộ) và cây sộp hơn 300 tuổi (nằm bên phải mộ).

Phía trước mộ là ao sen hình ngôi sao 5 cánh, chính giữa sừng sững một đài sen trắng cách điệu cao gần 7m, tượng trưng cho cuộc đời thanh bạch, lương tâm trong sáng của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và đó cũng là biểu tượng của quê hương Đồng Tháp.

Khu di tích được khởi công xây dựng vào tháng 8/1975 và khánh thành vào tháng 12/1977, với diện tích ban đầu 3,6ha. Đây là một quần thể kiến trúc văn hóa độc đáo, được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia ngày 9/4/1992.

Giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống

Đến với khu di tích, du khách còn được tham quan khu nhà lưu niệm trưng bày nhiều hiện vật, tư liệu liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của cụ, nhất là thời gian cụ ở Cao Lãnh; vùng đất Nam bộ và khu nhà sàn Bác Hồ được phục chế nguyên mẫu như nhà sàn của Bác ngay tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội. Tại đây, du khách cũng có thể cảm nhận và hình dung được cuộc đời thanh đạm của Bác, góc làm việc, nơi nghỉ ngơi của Bác sau giờ làm việc,...

Theo Ban Quản lý khu di tích, hàng năm, cứ vào ngày 27/10 âm lịch, người dân các vùng lân cận lại hội tụ về đây dự lễ giỗ cụ Phó bảng trong không khí trang nghiêm, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Từ đó, tỉnh Đồng Tháp quyết định nâng ngày giỗ cụ Phó bảng hàng năm thành lễ hội cấp tỉnh.

Khác với diện tích ban đầu, hiện nay, khu di tích được mở rộng, nâng cấp toàn bộ quần thể lên đến khoảng 10ha, với nhiều phần đất dành cho việc tái hiện lịch sử, tái hiện làng Hòa An cổ, đất dành cho khu vui chơi, giải trí, dịch vụ tiếp đón khách, hệ thống đường giao thông và các hạng mục khác với tổng kinh phí lên đến trên 95 tỉ đồng. Nổi bật là việc phục dựng lại một góc làng Hòa An xưa - nơi lần đầu tiên cụ Nguyễn Sinh Sắc đến hoạt động cách mạng và tái hiện một góc hình ảnh hoạt động đặc trưng của làng quê Nam bộ,.../.

Thanh Nga-Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết