Tiếng Việt | English

09/05/2019 - 20:24

VinGroup hướng tới Tập đoàn Công nghệ hàng đầu khu vực trước năm 2030

Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch VinGroup đã chia sẻ nhiều thông tin về những thành quả của tập đoàn này chỉ một thời gian ngắn sau khi công bố chuyển mình sang lĩnh vực công nghệ - công nghiệp.

Bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Tập đoàn VinGroup đã có những chia sẻ tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Tập đoàn VinGroup đã có những chia sẻ tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Chia sẻ tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam diễn ra sáng 9/5 tại Hà Nội, bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Tập đoàn VinGroup đã mang đến nhiều thông tin về những thành quả của VinGroup chỉ sau một thời gian ngắn tập đoàn này công bố chuyển mình sang lĩnh vực công nghệ - công nghiệp.

Nữ Phó Chủ tịch VinGroup cho biết, ngay từ năm 2017 VinGroup đã chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi sang công nghệ - công nghiệp thông qua việc khởi công nhà máy sản xuất ôtô, xe máy điện Vinfast và chỉ chưa đầy một năm sau là nhà máy sản xuất điện thoại thông minh Vinsmart.

Vào tháng 8/2018, việc chuyển đổi mô hình được chính thức công bố. Theo đó, VinGroup xác định công nghiệp là 1 trong 3 trụ cột chính cùng công nghiệp và thương mại dịch vụ, tiến tới mục tiêu đưa VinGroup trở thành một Tập đoàn Công nghệ hàng đầu khu vực trong vòng 10 năm tới.

Tiếp cận công nghệ lõi

Để rút ngắn thời gian, VinGroup đã thực hiện các hợp tác với các đối tác hàng thế giới để học hỏi, tiếp cận công nghệ lõi, bà Thủy chia sẻ.

VinGroup cũng đã và đang đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thu hút nhân tài công nghệ về Việt Nam làm việc để xây dựng nguồn nhân lực công nghệ bền vững cho đất nước.

Theo bà Lê Thị Thu Thủy, sau 8 tháng công bố chuyển đổi, ngay trong VinGroup cũng đã có một số bước tiến đáng kể trong việc phát triển công nghệ và ứng dụng công nghệ trong hầu hết các mảng hoạt động của Tập đoàn.

Trước tiên đó là sự ra đời của bộ phận nghiên cứu, đầu tư công nghệ mới, có tính ứng dụng cao và áp dụng luôn vào chuỗi các sản phẩm của VinGroup. 

Tiếp đó là hàng loạt các dự án hợp tác với các đối tác hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực sản xuất ôtô, điện thoại và thiết bị điện tử thông minh đã được tập đoàn thực hiện. Cùng bước này, VinGroup mở rộng mạng lưới tại các nước có công nghệ phát triển để có thể dễ dàng tiếp cận và tận dụng lợi thế công nghệ của các quốc gia đi trước.

Đồng thời, việc đào tạo nguồn lực được chú trọng với phương thức đa chiều: tìm kiếm, đào tạo tinh hoa, thu hút nhân tài về làm việc và tái đào tạo.

Công nghệ là con đường duy nhất tạo đột phá... 

"Công nghệ là con đường nhanh nhất, hiệu quả nhất và thậm chí là duy nhất tạo nên sự phát triển đột phá cho bất kì nền kinh tế nào, " Phó Chủ tịch VinGroup Lê Thị Thu Thủy khẳng định.

Theo bà Thủy: Với cách tiếp cận từ nhiều hướng, chúng tôi đã có được một số thành tựu. Ví dụ trong lĩnh vực công nghiệp ôtô, trong một thời gian ngắn Vinfast đã làm chủ được các công nghệ phức tạp và đưa 3 mẫu ôtô cũng như 2 mẫu xe máy điện ra thị trường.

Nữ Phó Chủ tịch VinGroup cho biết, ngay từ năm 2017 VinGroup đã chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi sang công nghệ - công nghiệp. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nữ Phó Chủ tịch VinGroup cho biết, ngay từ năm 2017 VinGroup đã chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi sang công nghệ - công nghiệp. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Từ giờ đến cuối năm 2020 Vinfast sẽ tiếp tục đưa ra thị trường hơn 10 mẫu xe ôtô và xe máy (cả điện và xăng), tất cả đều là do đội ngũ kỹ sư của Vinfast tự thiết kế, bà Thủy cho biết thêm. 

Trên lĩnh vực điện thoại, VinSmart cũng đã đưa ra thị trường 4 mẫu điện thoại độc đáo chỉ sau chưa đầy nửa năm vừa thiết kế sản phẩm vừa xây dựng nhà máy, dự kiến năm 2019 sẽ đưa ra thị trường thêm 12 mẫu điện thoại. Thậm chí VinSmart đã chủ động thiết kế được hệ điều hành riêng.

Hiện tại Vinsmart đang chuẩn bị khởi công nhà máy sản xuất điện thoại với công suất 100 triệu máy/năm và sẽ lắp đặt máy móc giai đoạn đầu cho 30 triệu máy/năm.

Ngoài điện thoại, Vinsmart còn sắp cho ra đời máy tính bảng và đang nghiên cứu sản xuất điều hoà, tivi, tủ lạnh, thiết bị IoT, camera và đang hợp tác với đối tác Mỹ để sản xuất điện thoại 5G.

Phó Chủ tịch VinGoup cho biết tập đoàn này đang tiếp cận công nghệ theo nhiều hướng đi. Cụ thể, VinGroup tập trung nghiên cứu, đầu tư công nghệ mới, có tính ứng dụng cao và áp dụng luôn vào sản phẩm của mình.

Việc này được hiện thực hóa bằng việc thành lập khối công nghệ với nòng cốt là công ty VinTech, Vinfast và Vinsmart cùng nhiều công ty con chuyên về lĩnh vực công nghệ. Vingroup cũng đã đồng thời đầu tư vào các startup có tiềm năng để thúc đẩy phát triển.

Đặc biệt, VinTech City sẽ là một “Thung lũng Silicon” tại Việt Nam và là nơi ươm mầm các công ty công nghệ khởi nghiệp.

Cũng tại diễn đàn này, bà Lê Thị Thu Thủy cho biết, Việt Nam vẫn thiếu chính sách nhằm thúc đẩy mạnh các công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường, như sản xuất ôtô, xe máy điện hay các công nghệ có thể ứng dụng với mục đích nhân đạo.

"Hiện tại chúng ta vẫn thiếu chính sách nhằm thúc đẩy mạnh các công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường, như sản xuất ôtô, xe máy điện hay các công nghệ có thể ứng dụng với mục đích nhân đạo. Để sản xuất những sản phẩm công nghệ cao thì đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, lợi nhuận thấp, nếu không có sự vào cuộc của Nhà nước sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp", bà Thủy nói.

Bà Thủy cũng khuyến nghị Chính phủ có thể chủ trì tổ chức mạnh hơn nữa các mạng lưới nghiên cứu, đổi mới sáng tạo công nghệ, chú trọng đầu tư hơn nữa cho việc đào tạo các loại hình công nghệ mới trong các trường Đại học, đầu tư vào nghiên cứu một số công nghệ lõi để hỗ trợ các doanh nghiệp./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết