Tôi và em quen nhau từ những ngày học phổ thông. Ngày đó, tôi ấn tượng bởi cô gái có đôi mắt to tròn và làn da trắng ngần nên “trồng cây si”. Em học sau tôi hai khóa và là một trong những “cây” văn nghệ của trường.
Hôm đó, kỷ niệm ngày thành lập trường, sau tiết mục văn nghệ do em biểu diễn, tôi ùa lên sân khấu tặng hoa, sau đó trò chuyện và làm quen. Tình yêu tuổi học trò nhẹ nhàng, trong veo như những giọt mưa tháng sáu. Tốt nghiệp phổ thông, tôi theo ngành xây dựng, em học báo chí. Đoạn đường từ Bách khoa qua Nhân văn dễ có đến chục cây số vậy mà cứ chiều tan học, tôi lại đạp xe qua đón em. Thời sinh viên chắt chiu từng đồng tiền của cha mẹ gửi cho nên hôm nào sang lắm chúng tôi mới dám vào quán bò cuốn lá lốt ven đường Tôn Đức Thắng. Rồi những chiều đội mưa chở em vòng vèo qua những con đường. Tình yêu của chúng tôi cũng ngọt ngào và thơ mộng lắm! Ra trường, chúng tôi lần lượt tìm được việc làm đúng chuyên môn. Tôi gắn bó với những công trình, còn em mải mê theo đuổi những bài viết. Tình cảm của chúng tôi vẫn dạt dào theo những cuộc điện thoại. Cả hai đứa động viên nhau cùng cố gắng cho tương lai sau này.
Minh họa: Kiều Oanh
Mọi việc bắt đầu khó khăn khi về chung một nhà. Cưới nhau 3 năm nhưng chúng tôi chưa nghĩ đến chuyện sinh con vì chưa sắp xếp được công việc. Tôi thì phải rong ruổi giám sát công trình, công trình ở đâu, tôi ở đó. Còn em tất bật với những bài viết. Em yêu nghề và nhiệt huyết lắm! Mỗi lần nghe em phân tích một bài báo, tôi lại cảm nhận được niềm đam mê rất lớn trong em. Có điều, nghề gì mà vất vả quá. Là phụ nữ mà có hôm em “cưỡi” xe máy đi về hơn hai trăm cây số để lấy tư liệu. Nước da trắng ngần ngày xưa tôi yêu nay đã sạm hơn vì nắng, gió. Rồi những hôm khi tôi ngon giấc, em vẫn lách cách viết bài bên máy tính ngoài phòng khách. Có hôm, đang nằm với tôi, em bật dậy mở máy viết bài vì “em vừa nghĩ ra ý này hay lắm, phải viết ngay thôi, không lại mất cảm xúc”.
Gia đình hai bên hối thúc, vả lại em cũng ngấp nghé ba mươi nên chúng tôi chuẩn bị có con đầu lòng. Phụ nữ mang thai phải đi đứng nhẹ nhàng, cẩn thận, còn em cứ phóng xe máy ào ào đến tận ngày sinh. Có lần, em vào tìm hiểu tại khu nghiên cứu hóa phẩm, tôi nhất quyết không cho vì sợ ảnh hưởng đến em bé trong bụng nhưng em vẫn đi, em nói sẽ mang đồ bảo hộ cẩn thận, nhưng tôi lo lắm. Lần đó, vợ chồng giận nhau cả tuần.
Con tôi được sinh ra bụ bẫm và lanh lợi, nhưng mọi việc lại bắt đầu khó hơn rồi đây. Hết thời gian hộ sản, em quay lại tòa soạn, tôi vẫn mải miết theo những công trình, thằng bé phải nhờ bà nội trông giúp. Thế nhưng, bao nhiêu công việc không tên vẫn lại bám lấy em. Cô gái nhỏ nhắn với nước da trắng ngần và đôi mắt to tròn ngày nào giờ thành người phụ nữ bận rộn, hết chăm con lại đi lấy tư liệu, viết bài. Tôi thương em lắm nhưng cũng chỉ biết san sẻ công việc nhà và chăm con phụ em. Tôi biết, nghề báo là niềm đam mê của em nên luôn động viên và hỗ trợ vợ nhưng thú thật, có đôi lúc tôi cũng thắc mắc sao ngày trước vợ không chọn ngành nào nhẹ nhàng hơn nhỉ?
Hôm vừa rồi, em bảo đang theo đuổi vụ nhà máy thép sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Tôi thấy lo cho vợ nên khuyên em hay thôi, để cho mấy anh nam làm chứ phóng viên nữ viết mấy vụ này nguy hiểm lắm. Vậy mà em chắc nịch “Em làm được”. Nhà máy đó tôi biết, người dân phản ánh nhiều, báo chí và các ngành chức năng cũng vào cuộc nhưng đâu lại vào đấy, chắc được “bảo bọc” hết rồi. Thấy tôi lo, em trấn an: “Tòa soạn phân công một nhóm ba người làm, chứ có phải mình em “vào hang cọp” đâu mà anh lo”. Tối nào, em cũng thức đến khuya nghiên cứu tài liệu rồi tìm một số người bạn làm bên lĩnh vực môi trường để tìm hiểu thêm. Cả tháng sau, tôi hỏi thăm, em nói vẫn chưa tìm được nhiều tư liệu. Có ngày, em ra quán cà phê cùng hai anh đồng nghiệp từ sáng đến chiều để phân tích và hệ thống tư liệu. Hôm vừa rồi, có hai vị khách lạ đến nhà, sau một hồi trò chuyện, họ đặt thẳng vấn đề, nếu nhóm của em ngừng lại, không viết bài, mỗi người sẽ được “bồi dưỡng” năm mươi triệu đồng. Nghe đến đây, tôi đứng ngồi không yên, quả là nguy hiểm lắm rồi. Phải bỏ một trăm năm mươi triệu đồng để bài báo không được lên khuôn thì chắc hẳn là có sai phạm rồi nhưng cái chính là những sai phạm này được “bảo bọc”. Em mà động vào đó khác nào động vào “ổ kiến lửa”. Tôi không biết em nói gì, chỉ biết lát sau họ chào ra về với thái độ rất lịch sự…
Tôi lại khuyên “Thôi, hay em rút đi, để người khác làm, chứ anh thấy nguy hiểm lắm rồi!”. Tôi vừa dứt lời, em lại hát vu vơ “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”. Có tức chết không chứ, chồng với con chẳng làm thay đổi được quyết định của em. Hôm qua, hai anh đồng nghiệp của em bị hành hung khi tiếp cận một số người dân sống quanh nhà máy thép để có thêm tư liệu. Đến nước này thì phải dừng lại thôi, chỉ có ba phóng viên làm sao chống lại được cả nhà máy và những thế lực phía sau? Chọn nghề an nhàn không chọn, lại chọn nghề nguy hiểm, còn thích theo đuổi những đề tài gai góc nữa chứ! Tôi cứng rắn: “Một là anh và con, hai là bài báo về công ty thép!”. Em bỗng hiền như con mèo, dụi dụi vào ngực tôi “tất nhiên là chọn con và anh rồi”.
Từ hôm đó, tôi không còn thấy vợ thức khuya nghiên cứu tài liệu cũng không còn trao đổi với tôi những vấn đề về công ty thép, chỉ nói về những bài viết khác nhưng có điều em thường xuyên ra ngoài, có hôm hơn chín giờ tối mới về đến nhà. Bẵng đi một thời gian, có gần hai tháng sau, bài báo “Vụ ô nhiễm môi trường ở công ty thép và những sai phạm trong quản lý” đến với bạn đọc. Mọi người xôn xao bàn tán, ngay cả trên công trường tôi làm, giờ nghỉ, công nhân cũng chụm lại đọc báo và tỏ vẻ vui lắm, thế là bức xúc của người dân bấy lâu nay đã được giải quyết, các thế lực đứng phía sau công ty bị đưa ra ánh sáng. Chiều về đến nhà, tôi thấy em vui vẻ hẳn, mâm cơm được bày biện đủ món, toàn món tôi thích. Tôi lườm lườm “Bài báo đó có công sức của em phải không?”. Em nhướng mắt “Tất nhiên rồi, vợ anh đâu dễ dàng bỏ cuộc”. Thì ra, để xoa dịu tôi, em giả vờ không tham gia nhưng lại âm thầm theo đuổi đề tài, em không làm việc ở nhà mà hay ra quán cà phê đọc tài liệu và tìm đồng nghiệp để trao đổi. Tôi tự thấy mình tệ quá, đáng lẽ phải chia sẻ với em nhiều hơn, quan tâm đến công việc của em nhiều hơn. Lỡ yêu một cô vợ nhà báo rồi phải biết yêu luôn nghề và đam mê của cô ấy chứ.
Như ngay lúc này đây, khi viết những dòng tâm sự với các bạn cũng chỉ có tôi và con trai ở nhà thôi, cô ấy thì đang bận theo đuổi đề tài về “Ai giết những dòng sông” rồi!
Chí Kiên