Tiếng Việt | English

22/01/2023 - 05:30

'Vùng đất chín rồng' nắm tay cùng phát triển

Được mệnh danh là “Vùng đất Chín Rồng” - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển. Để tạo ra những bước đột phá trong phát triển kinh tế, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, du lịch, phát triển sản phẩm, các địa phương trong vùng không thể phát triển riêng lẻ, mà nhất thiết phải liên kết chặt chẽ để phát huy tối đa tài nguyên và thế mạnh.

Tiềm năng lớn

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai, thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh Vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Vùng ĐBSCL có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế cả nước. “Vùng đất Chín Rồng” với diện tích trên 4 triệu hécta và 20 triệu dân, bình quân đóng góp 20% GDP cho cả nước, đóng vai trò quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Hàng năm, vùng này đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và cung ứng gần 70% các loại trái cây cho tiêu dùng cả nước.

Happyland - điểm thu hút nhiều khách du lịch đến từ TP.HCM

Để phát huy những tiềm năng sẵn có của vùng, các tỉnh, thành trong khu vực đưa ra nhiều kế hoạch, quyết sách phát triển KT-XH. Trong đó, một số tỉnh, thành tùy đặc thù giữ vững ổn định và phát triển cây lúa, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản phù hợp định hướng thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu.

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Nguyễn Văn Út, trong chiến lược phát triển, tỉnh quy hoạch 3 vùng rõ rệt. Trong đó, vùng 1 với định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái và kinh tế cửa khẩu. Đây là vùng bảo đảm an ninh lương thực và cung cấp nguồn nguyên liệu phục vụ phát triển công nghiệp chế biến. Vùng 3 gồm các huyện tiếp giáp TP.HCM được quy hoạch phát triển đô thị vệ tinh và các khu, cụm công nghiệp. Vùng 2 là vùng đệm giữa vùng 1 và vùng 3, được bao bọc bởi 2 dòng sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, định hướng phát triển các dự án năng lượng tái tạo và đô thị sinh thái ven sông. Trong quá trình phát triển, tỉnh luôn tạo mối liên kết vùng thông qua đầu tư hạ tầng, chào đón các doanh nghiệp (DN) đến đầu tư.

Tạo lực đẩy

Nhiều năm qua, "Vùng đất Chín Rồng” chuyển mình, cất cánh. Trong đó, Long An trở thành địa phương thu hút đầu tư mạnh nhất, DN phát triển mạnh, đi sâu vào chế biến các sản phẩm lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng. TP.HCM ký kết chương trình hợp tác phát triển KT-XH với các tỉnh, thành như Long An, Tiền Giang, Bến Tre,... nhằm hỗ trợ các tỉnh khai thác tốt nguồn lực đầu tư, phát huy lợi thế, tạo thêm cơ hội đầu tư, mở rộng thị trường và nâng cao trình độ nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH. Theo báo cáo của UBND TP.HCM, các DN của TP.HCM đã ký kết hợp tác tại 13 địa phương Vùng ĐBSCL với gần 1.200 dự án, tổng giá trị gần 300.000 tỉ đồng. Qua đó, tạo nguồn nguyên liệu cho DN tại TP.HCM chế biến nông, lâm, thủy sản, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Điển hình là Công ty TNHH San Hà, Công ty Cổ phần Ba Huân ký kết với nhiều cơ sở sản xuất tại Long An, Tiền Giang,... chăn nuôi, cung ứng gia cầm phục vụ chế biến, tiêu dùng. 2 DN này còn mở rộng quy mô sản xuất ứng dụng công nghệ cao tại Long An nhằm có nguồn nguyên liệu bền vững.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - Nguyễn Văn Vĩnh, địa phương đang thực hiện quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với quy hoạch tổng thể Vùng ĐBSCL. Trong đó, tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Trước hết, ưu tiên phát triển hạ tầng các vùng chuyên canh cây ăn trái để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa, xây dựng cụm liên kết gắn kết với các vùng chuyên canh; chú trọng liên kết xây dựng chuỗi giá trị và phát triển liên kết tiêu thụ gắn với tạo thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực.

Tháng 8/2022, tỉnh Tiền Giang tổ chức kết nối cung cầu hàng hóa và mời các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà phân phối lớn, DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất của tỉnh Long An, TP.HCM dự. Qua đó, tạo điều kiện cho các bên tìm hiểu thông tin về sản phẩm, nhu cầu thị trường, hướng đến kết nối tiêu thụ bền vững. Trong các chuyến tham gia kết nối, tỉnh Tiền Giang chú trọng giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh và kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh.

“Nắm tay” phát triển du lịch

Ngoài được thiên nhiên ưu ái ban tặng 2 dòng sông Vàm, tỉnh Long An còn có những cánh đồng lúa bạt ngàn, hệ sinh thái động, thực vật đa dạng, hứa hẹn hấp dẫn du khách khi kết nối các chương trình du lịch tới vùng Đồng Tháp Mười trong mùa nước lũ về. Tỉnh còn hấp dẫn khách du lịch với nền văn hóa Óc Eo và là vùng đất giàu truyền thống cách mạng.

Giám đốc Trung tâm Thông tin, Xúc tiến du lịch tỉnh - Đỗ Thị Kim Dung chia sẻ, liên kết là một trong những giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm phát huy và tạo ra những sản phẩm du lịch có chất lượng. Trong quy hoạch tổng thể và Đề án sản phẩm du lịch, Long An sẽ liên kết với các tỉnh, thành lân cận, đặc biệt là TP.HCM và Vùng ĐBSCL, nhất là tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp. Tỉnh đã phối hợp các địa phương liên kết, hợp tác phát triển du lịch trên nhiều lĩnh vực như trao đổi kinh nghiệm về định hướng phát triển và quản lý nhà nước; kêu gọi đầu tư các dự án và phát triển sản phẩm du lịch; xúc tiến, quảng bá du lịch; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch;...

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục hợp tác, liên kết phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh; đồng thời, nghiên cứu, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh và phù hợp với nhu cầu của thị trường, hạn chế sự trùng lắp với các địa phương trong vùng. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu của Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Đề án Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù Vùng ĐBSCL đã được duyệt.

Khóm Tân Phước - Tiền Giang và du khách mua sắm - nghe đờn ca tài tử tại Khu du lịch Thới Sơn (Ảnh: DUY SƠN)

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, tỉnh chú trọng liên kết hợp tác trong Vùng ĐBSCL, trong đó có tỉnh Long An. Nhiều tuyến, tour du lịch được lên kế hoạch như liên kết phát triển du lịch tiểu vùng Đồng Tháp Mười; tuyến liên kết vùng Đồng Tháp Mười theo Quốc lộ N2; tuyến liên kết huyện Cần Đước và Cần Giuộc (tỉnh Long An) với khu vực phía Đông tỉnh Tiền Giang. Ngoài ra, Tiền Giang còn hợp tác phát triển du lịch với TP.HCM và Vùng ĐBSCL xây dựng và khai thác tuyến liên kết “Những nẻo đường phù sa”; liên kết với Long An xây dựng tour, tuyến để khai thác sản phẩm du lịch nông nghiệp; sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường nông thôn.

Với sự quan tâm của Chính phủ, “Vùng đất Chín Rồng”, nhất là các tỉnh liền kề sẽ thực hiện tốt những nội dung thuộc các chương trình liên kết về thương mại và hình thành chuỗi liên kết khép kín về nông nghiệp, phát triển du lịch, hỗ trợ lẫn nhau phát triển kinh tế./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết