Tôi trở lại cánh đồng đúng ngay mùa nước nổi. Đường về nằm trong những mường tượng cuối cùng còn sót lại trong lòng tôi. Thời gian trôi qua, nắng mưa và những chuyến đời rộn rã không làm tôi quên đi lời hứa năm nào. Và rồi, tôi quyết định quay về một chuyến. Cánh đồng, bờ đê, những dòng sông uốn khúc chảy dài và từng mùa nước nổi thêu dệt trong tôi ký ức vui, buồn về những ngày lênh đênh phiêu bạt.
*
* *
Ghe chúng tôi đi ngang qua cánh đồng. Buổi sáng, trời nơm nớp gió. Nằm trong ghe, tôi ngửi được mùi nước sông mằn mặn theo gió lùa vào. Dòng sông phảng phất mùi đất bùn, mùi tràm thơm, mùi cánh đồng ngập úng và phù sa đôi bờ.
Mỗi khi ngà ngà say, ba tôi lại kể chuyện năm xưa má sinh tôi ra trên chiếc ghe này, cả thằng Triết cũng thế, nhau rốn của chị em tôi đều được má thả vào lòng sông như một lời thề. Má bảo:
- Chừng nào tao với ba mày còn ăn chung ở chạ với nhau là chừng đó nhà mình còn đi ghe.
Nghe má nói, tôi chau mày hỏi lại:
- Lên bờ sống cho đỡ cực, đi ghe mãi sao được, hả má?
Má tôi trầm ngâm một lúc rồi khe khẽ, giọng buồn:
- Thôi con, trên bờ không phải chỗ thuộc về gia đình mình.
Mãi đến năm tôi mười tám tuổi, ba mới kể tôi nghe ngày ấy, chú thím tôi kéo đến nhà ông bà nội giành đất. Chú tôi sợ bà nội sẽ cắt mảnh ruộng, liếp mía sau nhà cho ba má tôi dựng nhà canh tác. Mảnh đất đó phì nhiêu, mùa nào lúa cũng nặng oằn bông, không biết mía hút phù sa ở đâu mà thân to lại ngọt, thương lái ưng ý nên mua giá thật cao, ông tôi “trúng đậm”.
Chiều cuối năm, chú thím tôi bơi xuồng qua sông đứng trước sân mắng ba tôi xối xả. Trong xóm nhỏ, không biết ai độc miệng “châm dầu vào lửa”, xúi giục chú tôi tạt qua nhà nội “quậy tanh bành”. Chú làm thật. Bà nội giận quá khuỵu xuống, mắt trắng dã, miệng mấp máy không nói nên lời, hàng xóm sợ quá lấy ghe chở nội ra trạm y tế xã. Ba tôi nhảy vào can ngăn, ngay lập tức, chú chộp lấy con dao làm cỏ dưới sàn chém phập vào đùi ba tôi một nhát ròng ròng máu. Vết sẹo ấy ba mang theo suốt đời.
Sau trận đó, ba tôi sắm chiếc ghe mù u, má tôi xếp gọn nồi niêu, chén bát với mớ đồ lặt vặt xuống ghe rồi ì ạch chạy mãi. Bến sông xóm cũ, đêm sương, ba má tôi bắt đầu hành trình phiêu bạt. Mảnh đất cũ lòa nhòa rồi khuất hẳn trong màn đêm hun hút...
Rồi một ngày, ba má tôi về ngang qua xóm cũ, chúng tôi quyết định lên bờ thăm ông bà, bởi lẽ “con người có tổ có tông”, làm sao bỏ luôn cho được. Bà tôi mừng lắm, nước mắt chứa chan. Bữa cơm chiều ấm cúng, lần đầu tiên trong cuộc đời, chị em tôi được ăn cơm trong gian bếp nồng thơm mùi khói lam chiều. Tôi ngồi cạnh bà, thằng Triết tựa đầu vào lưng ông, nói cười rôm rả. Khi bữa cơm đã tàn, má tôi bưng mớ chén ra cầu ao ngồi rửa. Tôi nghe ông nội nói với ba tôi, gần như van xin:
- Vợ chồng mày dọn lên đây dựng nhà mà sống đi con, đất nhà mình vẫn còn chỗ cho vợ chồng bây kia mà. Đi ghe cực lắm, tụi nhỏ cũng lớn hết cả rồi!
Ba tôi trầm ngâm, vài sợi tóc ngả màu trên mái đầu bay lất phất. Hình như trong giây phút ấy, chị em tôi, ông bà tôi đều trông đợi cái gật đầu từ phía ba để đời bớt lênh đênh. Nhưng rồi ba từ chối, tôi điếng người, nét buồn rầu ẩn hiện trên khuôn mặt của bà. Im lặng một lúc, ba tôi thở dài:
- Không được đâu ba má à! Vợ chồng con còn nợ sông nhiều lắm, không biết chừng nào mới trả hết.
Chừng nào? Tôi tự hỏi lòng như thế. Một năm. Hai năm. Ba năm hay suốt đời suốt kiếp chúng tôi vẫn sống trên ghe.
Chị em tôi nằm với bà nội trọn một đêm, nghe bà kể chuyện cổ tích, ngâm Vân Tiên. Thằng Triết rúc đầu vào người bà, lim dim một lúc rồi ngủ. Gần sáng, ba gọi chị em tôi thức dậy. Bà nội ngồi chải tóc, tết tóc cho tôi rồi ôm chúng tôi vào lòng. Ba má từ giã ông bà nội để lui ghe cho kịp con nước lớn. Mắt bà rơm rớm, môi ông run run. Tôi cũng thấy lòng tê tái. Bình minh ló dạng, ông bà bùi ngùi tiễn chúng tôi xuống bến sông. Má tôi vừa nhổ sào, vừa nói vọng:
- Ba má ở lại khỏe nghen, tụi con đi, vài tháng nữa vợ chồng con lại đưa con Chang, thằng Triết về đây thăm ba má.
Ba tôi nổ máy, chân vịt xoáy nước đẩy chiếc ghe từ từ rời khỏi bến quê.
*
* *
Con nước lớn từ thượng nguồn sông Mekong đổ về đồng bằng. Ghe chúng tôi đi ngang qua vùng Đồng Tháp Mười, nước ngập khiến tôi không phân biệt được đâu là bãi bờ, đâu là dòng sông, đâu là cánh đồng. Chiều đồng bằng đìu hiu, tiếng vịt chạy đồng từ chiếc ghe nào đó vọng lại buồn man mác. Tôi ngồi bó gối trên mui ghe, nhìn sóng nước. Ngoài trời mưa tí tách, hạt to, hạt nhỏ tan vào mặt nước. Lũ. Cánh đồng vắng người, những ngôi nhà lúp xúp ẩn mình trong con nước. Hoàng hôn phủ trùm trên cánh đồng lai láng nước. Ba tôi neo ghe chỗ mô đất cao còn sót lại trong cơn lũ. Chiều im im, văng vẳng tiếng cuốc vọng về từ đám lau sậy phía xa. Tôi nằm trong ghe chơi oẳn tù tì với thằng Triết, má tôi lụi cụi sau lái, nhóm bếp nấu cơm. Bữa cơm trên cánh đồng nước nổi thật bình dị, thằng Triết ngồi bẻ bông súng chấm cá linh kho sệt, ăn ngon lành.
- Mưa lũ kiểu này chắc neo ghe cả tháng chứ đi tiếp sao được?
Má nói vậy. Ba tôi ậm ừ bảo:
- Để nhắm vài ngày nữa coi sao.
Tôi cũng thấy lòng buồn. Đằng kia, mấy trái bình bát chín cuống, rụng xuống nước. Đêm nước nổi mênh mang. Tôi chợt nhớ hồi chiều, tôi với Triết lén ba lên gò đất cao cho đỡ buồn, đỡ nhớ. Tôi nói đùa:
- Phải chi mình có cái gì để lại nơi đây, mai mốt có đi ngang qua cũng nhận ra mình từng neo ghe chỗ này, từng trốn ba lên bờ nhìn nước nổi.
Thằng Triết nghĩ ngợi một lúc, nó reo lên:
- Chị hai chờ em.
Tôi thấy nó nhanh chân bước lên ghe lúi húi tìm vật gì đó, vài phút sau, Triết trở lại bờ đặt vào lòng bàn tay tôi cái hạt nho nhỏ màu đen.
- Hạt gì? - Tôi hỏi.
- Ô môi đó. Lần trước ngồi ăn bên bờ kinh ngon đáo để, em giữ lại hạt này đợi ngày lên bờ sống, em sẽ gieo nó sau vườn, tới mùa ô môi tha hồ mà ăn.
Ba tôi từng dặn: “Đừng để lại bất cứ vật gì, đừng quyến luyến bất cứ một ai. Lỡ như ghe đi lại tiếc”. Nhưng rồi, chúng tôi quyết định để lại nơi đây một hạt mầm.
*
* *
Tôi đâu biết bữa cơm chiều nước nổi là bữa cơm sum họp sau cùng của chúng tôi. Bí mật về hạt giống trên gò đất cao giữa cánh đồng nước nổi cũng là bí mật sau cùng của tôi với Triết. Đêm ấy, giông to. Nước lũ ồ ạt chảy về đẩy chiếc ghe tôi đi băng băng, chao đảo. Má tôi hốt hoảng bảo ba bẻ lái để chiếc ghe không quay ngược chiều nước cuốn. Lái ghe loạng choạng. Hình như chiếc ghe đã ra khỏi cánh đồng, gió lạnh hơn và tiếng mấy cành điên điển khô không còn xạc xào mỗi lúc quật vào nhau tan tác. Ngoài xa thổn thức vọng về tiếng ai hô to: “Lũ về rồi, chạy đi, nhanh lên”. Thằng Triết mếu máo vì sợ, tôi cũng thấy tim mình run run. Ba trấn an:
- Không sao, đừng sợ, lát nữa nước sẽ rút ngay thôi!
Nhưng nước không rút. Nước cứ liên tục quật mạnh vào thành ghe, lái ghe, chiếc ghe xoay tít mấy vòng. Tôi nép sát vào người má, tay bám chặt thành ghe. Trong cơn hoảng loạn, tôi thấy mình đang ngụp lặn giữa dòng, nước sông mằn mặn tràn vào mắt, mũi. Tôi định gọi má, gọi ba, định bảo má giữ thằng Triết, còn ba thì vớt tôi lên bờ. Nhưng khi tôi mở miệng ra, ngay lập tức nước ùa vào. Tôi vật vã trên dòng đến bao giờ không biết, mãi đến khi tôi giật mình tỉnh dậy thì nắng đã lên cao, nước đã rút dần, còn tôi thì đang nằm trong căn nhà lá xập xệ. Bên cạnh tôi là má, má ngồi nhìn tôi mà nước mắt ròng ròng. Câu đầu tiên tôi hỏi má:
- Ba với thằng Triết đâu rồi, hả má?
Má nhắm nghiền hai mắt hồi lâu mới nói, rồi nấc nghẹn:
- Ba con với em Triết bị nước lũ cuốn trôi, mất biệt rồi con ơi!
Tôi nức nở, má ôm tôi. Hơi ấm của má không đủ sức làm nóng con tim đang lạnh căm, trống rỗng của tôi.
*
* *
Đến tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ rõ từng đường nét trên khuôn mặt của ba, của Triết. Mỗi khi má thấy nhớ em Triết và ba tôi đứt ruột, tôi an ủi má mà lòng cũng nhói như kim nhọn đâm vào: “Con tin ba và em vẫn còn sống, chờ ngày gặp má con mình”. Tôi cứ nghĩ ngày mai là ngày đoàn tụ, sum vầy. Ngày mai có nắng...
Tôi học lớp bổ túc văn hóa. Giờ thì tôi đã là phóng viên của một tòa soạn báo ở TP.HCM. Nhiều lần tôi về lại miền Tây tác nghiệp, tìm hiểu đời sống người dân vùng Đồng Tháp Mười... vào mùa nước nổi. Nơi đây có chút gì khiến tôi chạnh lòng. Đò dọc đi ngang qua, mấy chiếc ghe thương hồ, kẻ buôn bán, người chăn vịt chạy đồng... tôi thoáng thấy mình, gia đình mình tháng ngày trước cũng từng lênh đênh như thế. Chiều nay, chiếc đò dọc tôi thuê dừng lại nơi xóm nhỏ giữa cánh đồng. Người lái đò kể lại mấy năm nay, nước lũ đến ít hơn và cũng bất ngờ hơn lúc trước. Tôi bước lên bờ, theo lời chỉ dẫn, phải băng qua con đường nhỏ đặc sệt bùn đất tìm đến căn nhà gỗ nhỏ bên cạnh gốc ô môi già, gặp một người đàn ông, một cậu thanh niên vẫn thường bơi xuồng dọc dòng sông cứu người trong mùa nước lũ. Kia rồi - tôi thốt lên trong lòng. Cây ô môi cao lêu nghêu, thân cành vững chãi vươn lên bầu trời. Tôi thoáng nghĩ về sự sống bất diệt trong mọi hoàn cảnh, khó khăn thử thách lòng người. Không biết hai cha con người đàn ông độ lượng ấy có đồng ý để tôi chụp ảnh, phỏng vấn và viết bài hay không. Nhưng chắc chắn rằng, họ sẽ mang đến cho tôi những điều bất ngờ mà trong mơ tôi cũng chưa một lần nghĩ đến. Một cái gì lóe lên trong tôi. Rưng rưng. Ấm áp…
Duy Hoàng