Các em nhỏ thích thú với những con vật ngộ nghĩnh được xếp bằng lá dừa trong chương trình Trung thu nhà mình
“Nâng tầm” từ trò chơi trẻ nhỏ
Giờ đây, xếp lá dừa còn được “nâng tầm” thành một hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp mà những người “làm nghề” đều có kỹ năng điêu luyện, thành thạo với những sản phẩm độc đáo và vô cùng đẹp mắt. Hiện nay, TP.HCM có khá nhiều câu lạc bộ, công ty tổ chức sự kiện hoặc các nhóm xếp lá dừa nghệ thuật thường xuyên biểu diễn, đặc biệt là tại các khu du lịch, trung tâm thương mại,...
Chị Võ Thị Cẩm Tú - giáo viên Trường THCS Đồng Đen, huyện Bình Chánh, TP.HCM, chia sẻ: “Ngoài giờ lên lớp, tôi và một nhóm bạn thường nhận “show” xếp lá dừa vào cuối tuần hay các dịp lễ, tết. Khác với cổng cưới lá dừa, xếp lá dừa nghệ thuật thiên về biểu diễn bởi ngoài sản phẩm dùng làm quà tặng, du khách rất thích thú xem quá trình thực hiện, thậm chí, nhiều du khách, nhất là người nước ngoài còn nán lại để được hướng dẫn cách làm. Đây cũng là cơ hội góp phần lan tỏa, giới thiệu những đặc trưng của quê hương Việt Nam nói chung, đời sống người dân Nam bộ nói riêng đến bạn bè thế giới”.
Chị Cẩm Tú cho biết, xếp lá dừa tuy dễ mà khó, phải chọn những lá non, chưa bung khỏi bắp nhưng đủ dài như lá trưởng thành để có màu vàng đẹp và có độ dẻo, không bị giòn, dễ gãy như lá già. Trong nhiều công đoạn, nếu không cẩn thận khi rọc lá cũng sẽ dễ đứt tay vì gân lá rất bén. Một số sản phẩm dễ thực hiện, quen thuộc với nhiều người là cào cào, đồng hồ, chong chóng,... Thế nhưng, muốn biểu diễn chuyên nghiệp, đòi hỏi “nghệ sĩ” xếp lá phải có sự đầu tư nghiêm túc, sáng tạo để thao tác vừa nhanh, điêu luyện mà sản phẩm đẹp mắt mới lấy lòng được “khán giả”. Các sản phẩm có độ khó trung bình là hoa hồng, con cá, tôm, cua và khó nhất là máy bay trực thăng, nón, lồng đèn cho trẻ.
“Sống” lại ký ức tuổi thơ
Không chỉ được trẻ con yêu thích mà người lớn cũng dành những tình cảm đặc biệt bởi xếp lá dừa còn gợi nhớ những ký ức tuổi thơ. Chị Trương Thị Thanh Trúc, đang làm việc trong lĩnh vực truyền thông nhưng cũng có nghề tay trái là biểu diễn xếp lá dừa nghệ thuật, cho biết: “Quê tôi ở Long An, thuộc miền Tây Nam bộ nên hình ảnh cào cào, chong chóng lá dừa đã quá quen thuộc từ thuở nhỏ. Trước đây, khi còn là sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, tình cờ tham gia rồi trở thành Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghệ thuật xếp lá dừa dân gian của trường, tôi càng thêm yêu mến những sản phẩm từ lá dừa độc đáo. Ngày nay, nhiều trẻ em thành thị còn xa lạ với xếp lá dừa nghệ thuật. Vì vậy, tôi muốn lan tỏa đến các em những niềm vui tuổi thơ bình dị như mình thuở bé. Mỗi khi biểu diễn, tôi luôn mặc áo bà ba, quấn khăn rằn để gửi gắm hình ảnh quê hương mình cùng du khách”.
Đồ chơi bằng lá dừa nước gắn bó với tuổi thơ của trẻ em vùng sông nước Nam bộ
“Đồng nghiệp” của chị Thanh Trúc - anh Y Du La Niê, hiện là chuyên viên Đào tạo Kỹ năng sống tại Công ty Cổ phần Phát triển giáo dục Quốc tế GAIA (quận Phú Nhuận, TP.HCM), bộc bạch: “Tôi là người Ê Đê, quê ở Đăk Lăk nên rất ấn tượng khi lần đầu nhìn thấy xếp lá dừa nghệ thuật và quyết định tham gia, tập luyện rồi gắn bó lúc nào không hay”. Qua nhiều năm “đi diễn”, anh nhận thấy, nhiều phụ huynh thậm chí còn mê xếp lá dừa hơn trẻ nhỏ. Có người biết cách làm nhưng lâu ngày lại quên vài công đoạn, có người thì muốn học làm thành thạo để về trổ tài với con. Lời động viên của “khán giả”, sự trầm trồ từ các cháu thiếu nhi là động lực để anh và bạn bè ngày một yêu “nghề”.
Có lẽ, với những người thật sự tâm huyết với xếp lá dừa nghệ thuật, sau những ngày làm việc căng thẳng, mỗi khi “biểu diễn”, họ nhận lại nhiều niềm vui. Nhìn ánh mắt các em nhỏ lần đầu nhìn thấy các cô, chú thoăn thoắt tạo hình con vật, đồ dùng bằng lá dừa vàng óng, ta mới cảm nhận được niềm vui của trẻ thơ thật đơn giản, đáng yêu như nhau dù là thành thị hay nông thôn.
Dịp Trung thu này, một số tổ chức còn đưa hoạt động xếp lá dừa nghệ thuật giới thiệu đến thiếu nhi, góp phần mang đến cho trẻ những tiếng cười trọn vẹn hơn trong đêm rằm tháng tám. Giảng viên Học viện Nghệ thuật dành cho thiếu nhi ALU Academy (quận 7, TP.HCM) - Đồng Lê Quỳnh Hương cho biết, trong chương trình Trung thu nhà mình của học viện năm 2018, ngoài quây quần bên mâm cỗ, ăn bánh trung thu, làm bánh phục linh, chơi trò chơi dân gian,... các em còn được hướng dẫn thắt cào cào, con cá, làm lồng đèn,... bằng lá dừa. Chúng tôi muốn tái hiện không gian vui Trung thu như thế hệ trước, qua đó, bảo tồn những giá trị tuy xưa cũ nhưng đầm ấm, mang đến đêm rằm tháng tám ý nghĩa cho thiếu nhi.
Từ những cây dừa nước mọc hoang ven bờ sông, kênh, rạch tại miền quê Nam bộ rồi qua những đôi tay khéo léo, lá dừa trở thành món đồ chơi ngộ nghĩnh, độc đáo không thua kém tò he hay chuồn chuồn tre của miền Bắc. Dù ngày nay, trẻ em thành thị được tiếp cận công nghệ hiện đại, trò chơi hấp dẫn, thế nhưng, những thú vui bình dị, mộc mạc vẫn có sức hấp dẫn rất riêng, là “món ăn” tinh thần đáng trân trọng, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, vun bồi tình yêu quê hương ngay từ thuở nhỏ./.
Phạm Ngân