Các đại biểu đưa các liệt sỹ về an táng tại nghĩa trang. (Ảnh: Nguyên Dung/TTXVN)
Thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc, nhiều thế hệ thanh niên trên khắp mọi miền đất nước đã lên đường làm nhiệm vụ quốc tế cao cả trên đất bạn Campuchia.
Máu của các anh đã đổ xuống chiến trường đất bạn, để đất nước Campuchia được hòa bình, để tình hữu nghị giữa hai dân tộc đời đời bền vững.
Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, đưa các anh về với đất mẹ quê hương là niềm mong mỏi, khát vọng cháy bỏng của gia đình, đồng đội và thế hệ hôm nay.
Hành trình vạn dặm tìm liệt sỹ
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng vẫn còn đó nỗi đau để lại, trong đó, nỗi đau lớn nhất là còn nhiều liệt sỹ chưa xác định được thông tin, chưa tìm được phần mộ.
Cuối năm 2000, Hiệp định giữa hai Chính phủ Việt Nam và Vương quốc Campuchia được ký kết. Lãnh đạo hai tỉnh Đắk Lắk (Việt Nam) và Mondulkiri (Campuchia) đã ký kết Bản ghi nhớ tổ chức tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sỹ Việt Nam hy sinh tại chiến trường Campuchia hồi hương về nước.
Trải qua 23 năm kể từ ngày thành lập, cán bộ, chiến sỹ Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia (K51), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk, đã quy tập được 746 hài cốt liệt sỹ hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh.
Dù muôn vàn khó khăn, gian khổ, song hành trình ấy vẫn được các chiến sỹ Đội K51 tiếp tục với ý chí, quyết tâm cao nhất để tìm, đón đồng đội hy sinh trở về với đất mẹ.
8 năm gắn bó với nhiệm vụ của Đội, Thiếu tá Vũ Hồng Hiến, Phân đội trưởng Đội K51 đã quen với cảnh "ăn lán, ngủ rừng."
Nhớ lại năm 2018, là năm đầu tiên tham gia Đội tìm kiếm quy tập, Thiếu tá Vũ Hồng Hiến cho biết địa bàn Đội K51 tiến hành quy tập, hài cốt liệt sỹ trên đất bạn Campuchia thường là đồi núi hiểm trở, phức tạp, chủ yếu là hành quân bộ, có nơi chỉ đi được bằng đường sông.
Bên cạnh các công cụ cầm tay, mỗi chiến sỹ trong Đội thường mang theo lương thực đủ cho 7-10 ngày. Trong hành trình vạn dặm tìm liệt sỹ, có rất nhiều chuyến đi không kết quả gì, nhưng cũng có những lần may mắn, vừa tìm kiếm được mộ đồng đội, vừa tìm được nhiều kỷ vật chiến trường.
“Tìm thấy được các bác, các chú, trong lòng chúng tôi rất vui, phấn khởi, là nguồn động lực vững tin để tiếp tục tìm kiếm, đưa các liệt sỹ hồi hương một cách nhanh nhất. Khi đào bới lên, thấy lớp tăng bó buộc của các bác, tôi có rất nhiều cảm xúc khó diễn tả bằng lời, chỉ biết vui sướng hô lên: Đây rồi, bác đây rồi! Thực tế khi đào phần mộ của các bác lên, có bác chỉ còn lại một ít sinh phẩm, còn một số không còn gì nữa, chỉ gói gọn trong đó là hàng cúc hoặc một số di vật, rất đau xót!,” Thiếu tá Vũ Hồng Hiến chia sẻ.
Ban Chỉ đạo quốc gia 515, Đoàn công tác Quân khu trao quà, động viên cán bộ, chiến sỹ Đội K51 trong thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ. (Ảnh: Nguyên Dung/TTXVN)
Hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, các chiến sỹ trong Đội đã đánh đổi bằng sức khỏe của bản thân. Bác sỹ Lê Quốc Long cho biết đã 9 năm từ ngày được điều động về Đội K51, năm nào ông cũng đi cùng đoàn qua Campuchia để tìm kiếm hài cốt liệt sỹ.
Trong quá trình tìm kiếm trên đất bạn, không ít lần có những chiến sỹ nhiễm bệnh, kể cả sốt rét. Điển hình như trường hợp của đồng chí Vi Dương Thành, bị bệnh giảm tiểu cầu không rõ nguyên nhân dẫn đến xuất huyết.
Tình huống nguy cấp, trong điều kiện khó khăn, khi đó, các anh em trong Đội đã có phương án đề xuất kịp thời với Chỉ huy đưa đồng chí về nước điều trị. Đến nay, sức khỏe của đồng chí đã ổn định.
Đội K51 có nhiệm vụ tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ ở khu vực 4 huyện: Pech Chenda, Kaev Seima, Kaoh Nheaek, Ou Reang và thành phố Saen Monourom (Vương quốc Campuchia). Đây là khu vực miền núi, địa hình rộng lớn, phức tạp, đường sá đi lại khó khăn, khí hậu thời tiết cực kỳ khắc nghiệt.
Việc tìm kiếm ngày càng khó khăn hơn bởi thông tin liệt sỹ hiếm hoi, những người cùng tham gia chiến đấu ngày trước đã già, nhiều người đã qua đời; nhiều khu mộ tập trung hầu như đã phát hiện hết, đa phần còn lại mộ lẻ nằm rải rác ở núi cao, ven sông suối.
Để công tác tìm kiếm đạt kết quả cao, trước mỗi chuyến đi, Đội chia làm nhiều tổ khảo sát, tìm đến những cựu chiến binh chiến trường Campuchia để nhờ cung cấp thêm thông tin.
Thượng tá Trịnh Ngọc Kiệm, Đội trưởng Đội K51 cho biết, chỉ cần có chút thông tin, dù rất mong manh ở cách xa hàng trăm cây số, Đội cũng lập tức lên đường tìm đến.
Rưng rưng cảm xúc ngày trở về
27 hài cốt liệt sỹ là quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã được Đội K51 tìm thấy vào mùa khô năm 2023-2024. Trở về với quê hương, đất mẹ Việt Nam, màu đỏ thắm của lá cờ Tổ quốc được phủ lên hài cốt các liệt sỹ.
Trước anh linh các anh hùng, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và đồng bào 49 dân tộc anh em tỉnh Đắk Lắk thành kính dâng hoa, dâng hương và biết ơn vô hạn đối với các anh - những người đã không tiếc máu xương hy sinh vì nền hòa bình, độc lập của hai dân tộc.
“Thời tiết khí hậu năm nay rất khắc nghiệt, thay đổi thất thường, ảnh hướng đến sức khỏe của cán bộ, chiến sỹ, cũng như nguồn nước, lương thực, thực phẩm… Với tinh thần ở đâu có thông tin, ở đó có mặt, chúng tôi xác định bằng mọi cách phải vượt qua khó khăn gian khổ, để xác minh, tìm kiếm, quy tập và xử lý các thông tin. Trong năm năm trở lại đây, đợt này Đội tìm kiếm được nhiều nhất với 27 hài cốt liệt sỹ có đầy đủ di vật, dẫn chứng, sát với thông tin cung cấp để tổ chức quy tập. Khi cảm thấy, đào thấy, tìm được dấu tích của các liệt sỹ thì mọi mệt mỏi, những khó khăn gian khổ được bù đắp lại,” Thượng tá Trịnh Ngọc Kiệm nói.
Theo Bà H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, những cố gắng, nỗ lực rất lớn của cán bộ, chiến sỹ Đội K51 đã góp phần mang ý nghĩa nhân văn cao cả, sâu sắc, làm giảm bớt phần nào những nỗi đau mất mát đối với thân nhân các gia đình liệt sỹ.
Nhiệm vụ thiêng liêng của cán bộ, chiến sỹ Đội K51 nhận được sự quan tâm rất lớn từ Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, đặc biệt những tình cảm sâu sắc của các dân tộc trong tỉnh.
Hài cốt 27 liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên trong thời kỳ chiến tranh trên chiến trường tỉnh Mondulkiri, Campuchia được quy tập trong mùa khô 2023-2024. (Ảnh: Nguyên Dung/TTXVN)
Bồi hồi, xúc động, cựu chiến binh Phạm Xuân Soa (phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) chia sẻ: “Liệt sỹ nào cũng đều có tên, có tuổi trước lúc ra đi. Chiến tranh là sự tàn khốc, đòi hỏi sự hy sinh xương máu để có độc lập ngày hôm nay. Mỗi lần đến thắp nhang cho các liệt sỹ, tôi rất biết ơn, hồi hồi và xúc động trước những hy sinh lớn lao của các anh vì Tổ quốc.”
Bà Phạm Thị Kim Cúc (phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, bà là thân nhân liệt sỹ có mẹ đang nằm tại Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh Đắk Lắk. Ngay khi nghe thông tin quy tập 27 hài cốt liệt sỹ đợt này, bà rất xúc động và đã có mặt để đón các liệt sỹ như đón chính người thân của mình về với đất mẹ.
Bà H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk khẳng định từ nay các liệt sỹ sẽ mãi mãi yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh Đắk Lắk, dưới lòng đất mẹ Việt Nam, trong tình cảm thương yêu vô hạn của đồng bào, đồng chí.
Với tất cả tấm lòng thành kính và sự tri ân sâu sắc, Tổ quốc và nhân dân đời đời ghi nhớ công lao to lớn của các liệt sỹ. Quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk nguyện đoàn kết một lòng, đồng tâm chung sức quyết tâm phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh, bản sắc, đó là điều mà các Anh hùng liệt sĩ, các vị tiền bối hằng mong muốn trước lúc đi xa.
Dẫu biết, hành trình tìm kiếm để đưa các liệt sỹ về với đất mẹ còn nhiều gian nan, vất vả, nhưng cán bộ, chiến sỹ Đội K51 luôn khắc phục, không quản khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc tìm kiếm, quy tập, cất bốc hài cốt liệt sỹ, đưa về quê hương, góp phần xoa dịu phần nào nỗi đau mất mát của thân nhân những gia đình liệt sỹ./.
|
Do thời gian lâu khiến các di hài bị hủy hoại nghiêm trọng, thân nhân trực hệ của các liệt sỹ cũng dần ra đi nên các phương pháp cũ xác định danh tính liệt sỹ bằng ADN tại Việt Nam không hiệu quả cao.
|
Theo vietnamplus.vn
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/xuc-dong-ngay-don-cac-liet-sy-hy-sinh-tai-campuchia-tro-ve-voi-dat-me-post957704.vnp