Tiếng Việt | English

23/04/2019 - 11:43

Tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững

Sáng 23/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến với lãnh đạo 63 tỉnh, thành tổng kết hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về Hội nhập quốc tế nhân kỷ niệm 5 năm thành lập Ban Chỉ đạo. “Tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững” là chủ đề của hội nghị.

Tại điểm cầu tỉnh Long An, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh; Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần, lãnh đạo các sở, ngành dự

Cùng dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các cơ quan Đảng, Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và đại diện một số tổ chức quốc tế ở Việt Nam.

Tại điểm cầu tỉnh Long An, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần, lãnh đạo các sở, ngành dự.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Từ giai đoạn ban đầu hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta đạt nhiều thành tựu và tự tin tiến lên hội nhập quốc tế được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị) với nội hàm chủ động hội nhập toàn diện trên 3 trụ cột: Chính trị - quốc phòng - an ninh, kinh tế, khoa học - giáo dục - văn hóa - xã hội. Hội nghị này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh quốc tế, trong nước đang có nhiều biến động, nhất là tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, chúng ta phải nghiên cứu kỹ, trao đổi, thảo luận thẳng thắn, cụ thể để tìm ra những hướng đi, phương pháp, cách làm mới hiệu quả hơn, đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trước mắt cũng như trong trung và dài hạn”.

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe các Báo cáo tổng quan về Hội nhập quốc tế của Việt Nam giai đoạn 2014-2019, trọng tâm hội nhập quốc tế đến năm 2021; Báo cáo kết quả hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị - quốc phòng - an ninh; hội nhập kinh tế quốc tế; hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, khoa học, giáo dục và các lĩnh vực khác trong giai đoạn 2014 - 2019, trọng tâm hội nhập quốc tế đến năm 2021.

Ngoài ra, Ban Đối ngoại Trung ương có bài tham luận về “Tăng cường công tác đối ngoại Đảng, góp phần triển khai hiệu quả hội nhập quốc tế sâu rộng”; Ủy ban Đối ngoại Quốc hội về “Chủ động, tích cực triển khai định hướng chiến lược hội nhập quốc tế trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội”. 

Các bộ, ngành và một số địa phương cũng có bài tham luận về cơ hội, thách thức của hội nhập quốc tế đối với sự phát triển trong giai đoạn hiện nay và những nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2021.

Theo đánh giá, thời gian qua, tiến trình hội nhập quốc tế được triển khai toàn diện, sâu rộng cả về chủ trương và hành động, góp phần quan trọng vào việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Việt Nam tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước. Tiến trình hội nhập cũng tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy cải cách, đổi mới trong nước.

Đặc biệt, Việt Nam ký kết, kết thúc đàm phán nhiều Hiệp định FTA (với Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á - Âu, CPTPP, EVFTA,...), mở ra không gian hợp tác rộng lớn cho nền kinh tế đang lớn mạnh trong thời gian tới. 

Đặc biệt, Việt Nam mở rộng, nâng cấp quan hệ đối tác với nhiều quốc gia, tổ chức thành công các sự kiện tầm khu vực, toàn cầu như APEC 2017, WEF - ASEAN 2018, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần II (02/2019),… là những minh chứng cho đường lối Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, nâng cao vị thế quốc gia, thể hiện vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam.

Tại hội nghị, đại biểu làm rõ những vấn đề tồn tại, hạn chế cần khắc phục để tiếp tục tăng cường hội nhập quốc tế một cách chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững. 

Hội nghị còn phân tích, dự báo tình hình quốc tế, trong nước, nhất là cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức từ nay đến năm 2020 và trong 5 năm, 10 năm tới, trong đó phải đặc biệt chú ý tới sự tiến bộ nhanh chóng của cách mạng công nghiệp 4.0./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết