Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam trải qua nhiều cuộc đấu tranh vũ trang chống ngoại xâm, nhưng phải đến năm 1858, khi Pháp nổ súng đánh chiếm Việt Nam, nước ta mới thực sự đối mặt với tư bản phương Tây xâm lược. Đó là thử thách không cân sức và chưa từng có tiền lệ trong lịch sử dân tộc.
Năm 1859, thực dân Pháp đánh vào Gia Định. Tháng 02/1861, đại đồn Chí Hòa, xây dựng theo chiến thuật phong kiến suốt trong 2 năm, mất về tay Pháp trong 2 ngày; quân đội triều đình thất thủ, phải rút lui về Biên Hòa trước sự tấn công và kỹ thuật hiện đại của tư bản Pháp. Trong lúc triều đình Huế bất lực thì phong trào nhân dân đấu tranh vũ trang xuất hiện và ngày càng phát triển, dần được quy tụ dưới ngọn cờ yêu nước của các sĩ phu và trí thức phong kiến, tiêu biểu: Trương Định, Trần Thiện Chính, Lê Huy, Hồ Huấn Nghiệp, Phan Văn Đạt, Trịnh Quang Nghị, Trà Quý Bình,...
Sự xuất hiện của người dân chài Nguyễn Văn Lịch (tức Nguyễn Trung Trực) với chiến công Nhựt Tảo chính là một trường hợp điển hình khác, đó là sự kết tinh của phong trào nông dân nhưng kế thừa và phát huy xuất sắc truyền thống đấu tranh vũ trang sáng tạo, kiên cường, bất khuất của dân tộc ta.
Nguyễn Trung Trực xuất thân từ một gia đình quê gốc ở Xóm Lưới, làng Vĩnh Hội, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Ông sinh năm 1839 (có tài liệu ghi 1838), tại thôn Bình Nhựt, tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An, phủ Tân An (nay là xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Trước khi diễn ra trận đánh Nhựt Tảo, Nguyễn Trung Trực sớm tham gia nghĩa binh dưới quyền chỉ huy của Trương Định, lên chặn Pháp ở đại đồn Chí Hòa.
Năm 1861, ông được Trương Định phong làm Quyền sung quản binh đạo huyện Cửu An, đánh chặn quân Pháp ở Vũng Gù (khu vực ranh giới phường 5 - xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An) (10/4/1861), giết chết tên Trung tá Bourdais và 30 lính Pháp. Sau cuộc đàn áp nghĩa quân cầu Biện Trẹt (nay thuộc huyện Châu Thành, Long An) và xử tử vị thủ lĩnh can trường Phan Văn Đạt, giặc Pháp mở rộng địa bàn chiếm đóng ở Tân An và Mỹ Tho, bố trí các tiểu hạm trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, thường xuyên tuần tra sông, lạch, kiểm soát các vùng quan yếu.
Tại sông Nhựt Tảo, một nhánh hợp lưu với Vàm Cỏ Đông (nay thuộc xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ), giặc Pháp bố trí chiếc tiểu hạm L’Espérance (tức “Hy Vọng”) án ngữ, kiểm soát giữa Tân An, Mỹ Tho, Gò Công, chốt chặn nghĩa quân từ miền Tây lên thành Gia Định. “Hy Vọng” là một trong những tàu thuộc hàng hiện đại bậc nhất của Hải quân Pháp lúc bấy giờ, được trang bị đại bác và nhiều vũ khí đa năng, chạy bằng hơi nước, có thể ra vào luồng lạch, do tên Trung úy hải quân Parfait chỉ huy và 42 lính. Sau thời gian theo dõi nắm chắc quy luật bố phòng, canh gác và hoạt động của địch trên tàu, dựa vào sự giúp đỡ của hương chức và nhân dân làng Nhựt Tảo, Nguyễn Trung Trực cùng các phó quản binh: Nguyễn Văn Quang, Huỳnh Khắc Nhượng và các ông: Nguyễn Học, Nguyễn Văn Điền, hương thôn Hồ Quang Chiêu,... bàn bạc, bố trí kế hoạch táo bạo và quyết liệt đánh tàu.
Trưa ngày 10/12/1861, nghĩa quân gióng trống nghi binh phía kinh Ông Hóng để phân tán lực lượng địch trên tàu; tên thuyền trưởng Pháp trúng kế, dẫn một tốp lính rời khỏi tàu đi truy kích “phiến quân” cách chừng 2 dặm. Liền đó, Nguyễn Trung Trực chỉ huy 59 nghĩa quân núp trên 5 ghe ngụy trang bán lúa, áp sát tàu trình giấy thông hành, bất ngờ đâm chết tên gác tàu và tràn lên xáp chiến, “một trăm năm mươi người An Nam tay cầm giáo, cầm gươm và cầm đuốc” tiếp tế, đốt cháy chiếc tiểu hạm L’Espérance. Cùng lúc, nghĩa quân và nhân dân làng Nhựt Tảo đánh úp diệt gọn 20 lính Mã tà trên bờ.
Tàu L’Espérance ngùn ngụt bốc cháy, dâng cao thành cột lửa, sau đó nổ tung xác, chìm xuống lòng sông Nhựt Tảo, mang theo 17 xác lính Pháp và Ma-ní. Hay tin tàu bị đánh, tên trung úy thuyền trưởng lập tức trở về, nhưng không kịp ứng cứu. Giặc Pháp sau đó đốt cháy nhiều nhà cửa của nhân dân ở 2 làng Nhựt Tảo và Bình Trinh (xã Bình Trinh Ðông, huyện Tân Trụ), thậm chí, chúng cho xây một bia “tưởng niệm” ở bờ sông. Trong thời gian chớp nhoáng, trận Nhựt Tảo của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực tiêu diệt nhanh gọn 37 lính Pháp, Ma-ní và Việt gian; phía ta, 4 nghĩa quân anh dũng hy sinh.
Trận đánh tàu L’Esperance trên sông Nhựt Tảo, ngày 10/12/1861
Tin chiến thắng Nhựt Tảo lan rộng, làm nức lòng dân, quân cả nước, được cấp báo về triều đình Huế; Vua Tự Đức khi đó quyết định ban thưởng, sử triều Nguyễn chép: “Vua phong thưởng cho Lịch (Nguyễn Trung Trực) làm chức Quản cơ… Nguyễn Văn Quang, Huỳnh Khắc Nhượng cùng 20 người nữa làm cai đội (và) đều được (thưởng) ngân tiền. Binh lính tham gia được thưởng chung một ngàn quan tiền. Bốn người bị chết đều được cấp cho tiền tuất gấp hai”.
Thực dân Pháp phải thừa nhận thất bại trong “biến cố” vàm Nhựt Tảo, Pô-lanh Vi-an, khi đó đang là Thanh tra bản xứ Nam kỳ, gọi đây là “Một sự kiện đau đớn, làm cho người An Nam phấn chấn và gây xúc động, đau lòng sâu sắc trong người Pháp”(1). Một tác giả khác là Alfred Schreiner gọi chiến thắng Nhựt Tảo là “Khúc nhạc mở đầu cho cuộc tổng công kích hầu như toàn bộ các đồn lũy của người Pháp… (Và) Cuộc đốt cháy tàu L’Espérance là một biến cố bi thảm đã gây nên một nỗi xúc động sâu sắc nơi người Pháp và kích thích một cách lạ lùng trí tưởng tượng của người An Nam…”(2).
Bằng trận Nhựt Tảo, lần đầu tiên, người Việt Nam nhấn chìm tàu đồng của tư bản phương Tây. Chiến thắng vang dội đó như một khúc khải hoàn, cổ vũ quân dân ta ở khắp Nam kỳ liên tiếp tiến công vào các đồn lũy của Pháp. Tiêu biểu mở đầu là trận tập kích đồn Tây Dương ở Cần Giuộc đêm 16/12/1861 - trận đánh được nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu khắc họa trong “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, tạc nên hình tượng bất tử của người nông dân Nam bộ kháng chiến.
Trên đất Long An ngày nay, khi đó diễn ra 4 phong trào đấu tranh võ trang chống Pháp lớn nhất cả nước: Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân, Thiên Hộ Dương. Riêng nghĩa quân Nguyễn Trung Trực sau đó tập kích tiêu diệt 2 đồn Pháp ở Thủ Thừa và Tân Uyên (Tây Ninh), tấn công 3 tàu tuần tiễu khác của Pháp trên sông Vàm Cỏ Đông (đoạn Bến Lức) và trên sông Rạch Tra (thuộc Đức Hòa),...
Trong lúc triều đình Huế ngày càng bạc nhược cầu hòa, ký hàng ước nhường 3 tỉnh miền Đông cho Pháp, thì phong trào kháng chiến của nhân dân không ngừng dâng cao, khiến Bonard - Tổng Chỉ huy quân viễn chinh Pháp, phải treo giá 18 vạn quan tiền cho ai lấy được thủ cấp của Nguyễn Trung Trực,... Năm 1867, Pháp đánh chiếm 3 tỉnh miền Tây, Nguyễn Trung Trực giữ chức Thành Thủ úy Hà Tiên; năm 1868, ông tiếp tục chỉ huy đánh úp đồn Kiên Giang “dễ như trở bàn tay” và làm chủ tỉnh lỵ Rạch Giá trong 5 ngày liền.
Cùng với “Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần”, “Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa” là 2 chiến công nổi bật nhất trong sự nghiệp chiến đấu của người anh hùng dân chài Nguyễn Trung Trực; đó cũng là những chiến công tiêu biểu nhất, chói lọi nhất của phong trào đấu tranh võ trang kháng Pháp nửa cuối thế kỷ XIX; chứng minh tài năng quân sự của Nguyễn Trung Trực và những nông dân áo vải đương thời - những lớp người đầu tiên, duy nhất ở thời điểm đó đánh chìm được tiểu hạm của tư bản phương Tây. Chiến thắng Nhựt Tảo cũng cho thấy, quân, dân ta có thể đánh bại được đội quân xâm lược “nhà nghề” bằng sự đoàn kết, mưu trí, sáng tạo và lòng dũng cảm dù trang bị vũ khí còn thô sơ. Đó chính là biểu tượng của truyền thống yêu nước, bất khuất, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam trước giặc ngoại xâm.
Do tương quan lực lượng và các điều kiện hạn chế của lịch sử, cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Trung Trực sau cùng bị dập tắt. Hình ảnh Nguyễn Trung Trực trong những ngày cuối cùng khi bị giặc bắt, theo ghi nhận của người Pháp là “rất tự trọng, có tư cách đáng quý và đầy nghị lực”, “Một vị chỉ huy trẻ tuổi, rất can đảm, dám chống ta ngót mười năm trời”. Giặc Pháp và tên Việt gian Huỳnh Văn Tấn ra sức dụ dỗ, nhưng không hề lay chuyển được ông. Trong bài thơ điếu Nguyễn Trung Trực, thi sĩ Huỳnh Mẫn Đạt viết:
“Anh hùng cứng cổ, danh thơm mãi.
Lũ sống khom lưng, chết thẹn dần”.
Nguyễn Trung Trực chiến đấu đến cùng và hy sinh anh dũng tại pháp trường ở Kiên Giang, ngày 27/10/1868 (ngày 12/9 âm lịch). Ông để lại đời câu nói bất hủ “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam, mới hết người Nam đánh Tây”!
Kỷ niệm 156 năm chiến thắng Nhựt Tảo và 149 năm ngày giỗ Nguyễn Trung Trực, chúng ta như còn nghe vang vọng mãi bài điếu có bút ngự của Vua Tự Đức do Hoàng giáp Lê Khắc Cần đọc tại lễ truy điệu thuở trước:
“Giỏi thay người chài!
Mạnh thay Quốc sĩ.
Đốt thuyền Nhựt Tảo,
Phá lũy Kiên Giang.
Thù nước chưa xong,
Thân sao đã mất.
Hiệu khí xưa nay,
Người nam tử ấy
Máu đỏ, cát vàng
Hỡi ôi! Thôi vậy
Ngàn năm hương khói
Trung nghĩa còn đây!”.
Tiếp nối truyền thống rạng ngời của chiến thắng Vàm Nhựt Tảo và noi gương Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An cùng với nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện, liên tục đấu tranh bền bỉ, phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước vươn lên giành được độc lập, tự do cho đất nước và ngày nay vững bước đi lên xây dựng CNXH.
Chiến thắng Nhựt Tảo để lại cho chúng ta những trang sử vẻ vang và niềm tự hào, trân trọng sâu sắc quá khứ lịch sử hào hùng của dân tộc, vừa rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu để vận dụng vào điều kiện mới - đó là truyền thống đoàn kết, yêu nước, trung thành với Tổ quốc, biết dựa vào dân và vì dân, luôn sáng tạo, đổi mới, linh hoạt trong tư duy và hành động cách mạng. Trân trọng quá khứ, càng phải giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản lịch sử - văn hóa, cả vật thể và phi vật thể; đây không chỉ là nhiệm vụ của ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. “Uống nước nhớ nguồn”, chúng ta càng quan tâm làm tốt hơn nữa chính sách với các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình có công với nước, các gia đình diện chính sách, vùng căn cứ cách mạng, kháng chiến trước đây./.
Long Thái
(Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Long An)
(1) PaulinVial, sách Les premières de la Cochinchine, Colonie Francaisee. Paris, 1874, tr.124.
(2) Alfred Schreiner, sách Abrége1de I’histoire D’Annam, Sai-gon, 1906, tr.223, 224.