Sinh ít con, ngại sinh con, trì hoãn việc sinh con,… không còn là câu chuyện của mỗi gia đình mà là một thực tế đáng báo động khi mức sinh ở nước ta giảm mạnh, thậm chí đạt mức thấp kỷ lục.
Việc này đặt ra những thách thức lớn về sự phát triển của đất nước, báo hiệu nguy cơ Việt Nam sớm bước vào giai đoạn già hóa dân số (DS). Theo số liệu của Cục DS (Bộ Y tế), tổng tỷ suất sinh năm 2023 của Việt Nam là 1,95 con/phụ nữ, giảm so với năm 2022 (2,01 con) và dưới kế hoạch mức sinh thay thế 2,1 con. Đây là con số thấp nhất trong 63 năm (từ khi triển khai chương trình DS, năm 1960) và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tới.
Từ năm 2006, Việt Nam chính thức đạt mức sinh thay thế (2,09 con) và mức sinh thay thế này được duy trì suốt 15 năm. Năm 2023, lần đầu tiên tổng tỷ suất sinh thấp nhất (1,95 con). Cũng theo số liệu của Cục DS, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh khá thấp, khoảng 1,5 con/phụ nữ. Hiện chỉ có vùng trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ mức sinh còn cao.
Việc mức sinh bị kéo giảm trong khi tốc độ già hóa DS của nước ta đang tăng nhanh, báo động cho việc thiếu hụt lực lượng lao động khi qua giai đoạn DS vàng.
Nếu tỷ suất sinh cứ tiếp tục giảm, giai đoạn DS vàng của Việt Nam sẽ nhanh chóng kết thúc, đất nước phải đối mặt với tình trạng già hóa DS. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn lực lao động bị suy giảm, năng suất lao động thấp, áp lực về chi phí an sinh xã hội, nhất là chi phí chăm sóc y tế và hưu trí tăng.
Dự báo đến năm 2050, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm khoảng 20% DS, trong khi tỷ lệ DS trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) sẽ giảm. Sự thay đổi này tạo ra áp lực lớn chăm sóc y tế và bảo trợ xã hội, đòi hỏi phải có các giải pháp kịp thời, hiệu quả.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ suất sinh giảm, trong đó có sự thay đổi về nhận thức của người trẻ. Các bạn trẻ tập trung nhiều cho sự nghiệp, hướng đến sự độc lập về kinh tế dẫn đến trì hoãn việc kết hôn, sinh con. Trước những áp lực của công việc, có người lại chọn cuộc sống độc thân vì muốn dành nhiều thời gian hơn cho sự nghiệp và bản thân.
Bên cạnh đó, chi phí nuôi con ngày một tăng cao khiến các cặp vợ chồng, nhất là những gia đình kinh tế chưa ổn định, ngại sinh thêm con. Có khá nhiều gia đình chỉ sinh 1 con và không có ý định sinh thêm bởi chi phí về giáo dục, y tế tăng. Không chỉ nuôi con, nhiều cặp vợ chồng còn phải lo cho cha mẹ 2 bên nên với mức thu nhập trung bình, họ không thể chu toàn được.
Trước thực tế đó, yêu cầu phải có những giải pháp đồng bộ và lâu dài với các chính sách hỗ trợ về tài chính, chăm sóc trẻ em, tạo điều kiện cho phụ nữ vừa làm việc, vừa chăm sóc gia đình; khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ con để thay thế thế hệ đi trước. Xây dựng hệ thống an sinh xã hội hoàn thiện để người cao tuổi được chăm sóc tốt, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Ngày 15/8/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ - Lê Thành Long ký Chỉ thị số 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện công tác DS trong tình hình mới. Theo đó, yêu cầu Bộ Y tế rà soát, hoàn thiện chính sách về DS để duy trì mức sinh thay thế bền vững. Ngày 11/9/2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 40/2024/QĐ-UBND với nội dung trọng tâm là chính sách khuyến khích nâng cao chất lượng DS cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội; sống tại vùng biên giới, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, còn có chính sách khuyến khích cặp vợ chồng sinh đủ 2 con; chế độ khen thưởng, khuyến khích duy trì vững chắc mức sinh thay thế, kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng DS đối với tập thể và cá nhân.
Việc mức sinh giảm và già hóa DS là một thách thức lớn đối với Việt Nam. Đây không còn là câu chuyện của mỗi gia đình mà là sự quan tâm của toàn xã hội. Việc xây dựng một xã hội phát triển bền vững đòi hỏi phải có một chính sách DS phù hợp và hiệu quả./.
Tâm An