Tiếng Việt | English

12/02/2020 - 15:03

86,5% văn bản điện tử được trao đổi qua mạng

Ngày 12/02, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia (UBQG) về Chính phủ điện tử (CPĐT) - Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến UBQG về CPĐT với ban chỉ đạo xây dựng CPĐT, chính quyền điện tử (CQĐT) các bộ, ngành, địa phương trong cả nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa cùng lãnh đạo một số sở, ngành dự tại điểm cầu Long An

Sau gần 1 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025 (gọi tắt Nghị quyết số 17/NQ-CP), đến nay, 100% bộ, ngành, địa phương đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia; tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi qua mạng tăng từ 72% năm 2018 lên 86,5% năm 2019.  

Tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) tăng từ 3% năm 2018 lên 27% năm 2019. Hệ tri thức Việt số hóa có bước phát triển mạnh mẽ với sự kiện khai trương bản đồ Vmap có hơn 24 triệu địa chỉ, tạo nền bản đồ cho các ứng dụng KT-XH. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DCVTT) mức 4 tăng hơn 2 lần, từ 4,55% năm 2018 lên 10,76% năm 2019,…

Bên cạnh kết quả đã đạt, Nghị quyết số 17/NQ-CP hiện còn những tồn tại, hạn chế:  Các Nghị định quan trọng tạo hành lang pháp lý cho triển khai CPĐT chưa được ban hành; các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia quan trọng như CSDL quốc gia về Dân cư và CSDL Đất đai quốc gia chưa được hình thành. Đồng thời, vấn đề về an toàn, an ninh mạng tại các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế; hạ tầng kỹ thuật trong các cơ quan nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu; chưa hình thành nền tảng dùng chung hỗ trợ thanh toán điện tử cho dịch vụ công trực tuyến và kinh phí đầu tư cho phát triển CPĐT chưa đáp ứng nhu cầu,...

Năm 2019, cả nước có 86,5% tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi qua mạng

Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBQG về CPĐT - Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, năm 2020 là năm đầu tiên chuyển sang chính phủ số, chính quyền số, vì vậy, ban chỉ đạo xây dựng CPĐT, CQĐT các bộ, ngành, địa phương trong cả nước cần tập trung khắc phục những hạn chế sau gần 1 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP. Đặc biệt, chủ động phối hợp đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra trong năm 2020 là phấn đấu đạt 30% DVCTT mức độ 4; cơ quan nhà nước công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng DVCTT tăng từ 50% lên 100%; 100% các bộ, ngành, địa phương có Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) kết nối với Nền tảng, tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) và 100% các bộ, ngành, địa phương có Trung tâm Giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC).

Tại hội nghị, đại diện các ban chỉ đạo xây dựng CPĐT, CQĐT bộ, ngành, địa phương trong cả nước cùng nhau tập trung thảo luận liên quan đến những ưu, khuyết điểm sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP. Đặc biệt, các đại biểu còn được nghe đại diện Bộ Công Thương chia sẻ bài học 99% hồ sơ giải quyết trực tuyến và tỉnh An Giang tham luận chủ đề Chính quyền điện tử, tại sao địa phương làm được?./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết