Tiếng Việt | English

19/07/2020 - 16:50

Bác tôi

Bác tôi là anh cả trong một gia đình có 7 người con. Theo tiếng gọi non sông, phát huy truyền thống của gia đình, bác tôi đã sớm lên đường tòng quân đánh Mỹ cứu nước.

Khi còn nhỏ, mỗi lần nghe bài hát "Vết chân tròn trên cát", tôi lại nhớ đến bác trai với hình ảnh đôi chân khập khiễng bước trên con lộ làng. Bác tôi là một thương binh nặng hạng 1/4.

Lý do bác tôi đi khập khiễng là vì hồi trước, tại chiến trường, trong một trận đánh ác liệt với giặc Mỹ, bác đã bị trái nổ của địch làm bị thương. Lần đó, sức ép trái nổ đẩy người bác văng xa, bị đất đá vùi lấp nhưng được đồng đội kịp thời tìm thấy đưa về cứu chữa. 

Dù theo thời gian, vết thương vẫn âm ỉ đau nhức khi trái gió, trở trời nhưng bác tôi vẫn thường bảo, mình còn được sống, trở về, như thế là cũng may mắn hơn nhiều đồng chí, đồng đội khác. Đó chính là những người đã hy sinh, trong đó có người em trai liệt sĩ, đến bây giờ có người vẫn nằm lại đâu đó nơi chiến trường chưa tìm được hài cốt.

"Mình giờ đây có con cháu đề huề nên cuộc sống cũng chẳng thiếu thốn gì về tình cảm, vật chất không phải dư giả gì nhưng nhờ tiền hưu, chế độ thương binh nên cũng  đủ sống, mua thuốc thang. Nhưng, nhiều đồng đội thì đó lại là điều không thể có", bác tôi vẫn thường nói như thế. Và mỗi lần kể về chiến tranh, về đồng đội, đôi mắt bác vẫn ướt lệ.

Có lẽ, với nhiều cựu chiến binh, đề tài về đồng đội, đồng chí, những lần hành quân vượt Trường Sơn, đánh nhau với địch, tình cảm với hậu phương vẫn thường được bác kể đi kể lại không bao giờ chán và hết. Tôi hiểu và cảm nhận được điều đó, bởi đấy không phải là những chuyện xưa cũ mà thực ra đó là ký ức, là lý tưởng sống, chiến đấu vì Tổ quốc của một thời trai trẻ.

Dù thời gian có trôi qua như thế nào đi nữa, cuộc sống nhiều thay đổi nhưng đó là điều thiêng liêng, không thể xóa nhòa trong tâm trí. Hơn nữa, tôi hiểu rằng, qua những câu chuyện đó, bác cũng muốn răn dạy con cháu, sống và làm việc sao cho xứng đáng với thế hệ cha ông đi trước.

Vốn là người vào sinh ra tử trong chiến tranh nên ở làng, xã, bác chính là một nhân chứng sống của lịch sử. Chính quyền vẫn thường nhờ đến bác khi cần ôn lại lịch sử một thời "máu và hoa" cho đoàn viên, thanh niên, học sinh.

Bác còn là một người có uy tín ở địa phương bởi khi xóm, ấp gặp chuyện khó là nhờ vận động, hòa giải. Có chuyện hoan hỉ cũng tìm đến bác chia vui; thậm chí trong làng, xã có chuyện tang tế cũng nhờ bác viết điếu văn,... Bác đã nhiều lần được chọn là điển hình đi dự các hội nghị biểu dương, khen thưởng từ địa phương đến Trung ương.

Không chỉ là một người lính, nhắc đến bác, tôi lại nhớ đến hình ảnh của một thầy thuốc. Bởi sau chiến tranh, bác tôi tiếp tục được đưa đi học và công tác trong ngành y tế. Trong quãng thời gian này, bác đã đỡ đần rất nhiều cho ông bà nội tôi để giúp các em ăn học. Sau nhiều năm công tác, cống hiến, bác trở về quê hương, với mái ấm nhỏ của mình, phụ giúp bác gái nuôi dạy các con khôn lớn, ăn học đáng hoàng và sống một cuộc đời giản dị, nhẹ nhàng. 

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ "Thương binh tàn nhưng không phế", bác vẫn tiếp tục có nhiều đóng góp cho địa phương. Trước đây, ở vùng quê tôi, cuộc sống còn nhiều vất vả khó khăn, dân còn nghèo, đường sá đi lại hết sức khó khăn nên điều kiện chăm sóc sức khỏe cũng thiếu thốn vô cùng.

Cũng vì nhiều lý do, bác tôi đã phát huy tay nghề, những kiến thức có được để khám, điều trị, cấp thuốc cho người dân ở địa phương. Dù trời mưa sa hay nắng gắt, nửa đêm hay lúc rạng sáng, bên này sông, bên kia núi, hễ có người đến gọi là bác tôi lại lập tức có mặt. Từ hộ sinh, khâu vết thương, thực hiện những phẫu thuật nhỏ, bác tôi đều thực hiện hết.

Cứ thế, hình ảnh người thương binh, một thầy thuốc với bước đi khập khiễng, chân cao, chân thấp luôn mang túi đồ nghề đi đến nhà người bệnh chẳng lẫn với ai được.

Vào khoảng năm 2.000, ở vùng quê tôi, tìm "mỏi mắt" cũng không thấy được một tiệm thuốc tây. Có lẽ quầy thuốc nhỏ của bác nằm ngay ở bên con đường đầu làng là độc quyền. Cảm sốt, đau bụng, nhức đầu,... đều ra tìm bác mua thuốc. Nhưng với mục đích cứu người, giúp đời nên bác không bao giờ bán đắt, thậm chí còn cho không những người nghèo khó.

"Ngày xưa đi chiến đấu là để giành lại độc lập, tự do cho nhân dân. Khi là một người thầy thuốc thì cũng phải luôn tâm niệm giúp được người dân càng nhiều, càng tốt", bác tôi thường nói như thế.

Giờ đây, ông bà nội, ngoại tôi đã mất nên cứ mỗi lần có dịp về quê thì sau nhà mình, tôi sẽ đến thăm bác. Bác rất vui và ngồi ôn lại nhiều chuyện hồi xưa, ngày tôi còn bé như thế nào, trong đó có cả những ký ức về cuộc chiến.

Đặc biệt, trong sự gần gũi, tình cảm trong con người bác, tôi còn nhìn thấy sự nghiêm khắc, sẵn sàng phê bình con cháu khi có điều gì đó chưa phải, chưa đúng. Trong những lần trò chuyện cùng bác, tôi được nghe nhiều lời răn dạy về cuộc sống, đạo đức làm người.

Gần 80 tuổi nhưng bác vẫn còn rất minh mẫn. Những tin tức thời sự, tình hình chính trị của đất nước, thế giới, bác vẫn thường xuyên nắm bắt qua hệ thống truyền thông, báo chí. Nhất là bác đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Bác vui khi biết đất nước ngày càng phát triển, hội nhập sâu rộng, đời sống người dân ngày nâng cao,... Nhưng cũng buồn khi những tham ô, nhũng nhiễu còn xảy ra làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Nghe mọi người vẫn bảo, cứ mỗi dịp gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo, thông qua những cuộc họp, tiếp xúc cử tri, bác vẫn có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực, đầy tâm huyết, trách nhiệm, toát lên phẩm chất cao đẹp của người lính Cụ Hồ.

27/7 - Ngày Thương binh, Liệt sĩ sắp đến gần, tôi gửi lời tri ân đến bác. Cầu mong bác mạnh khỏe để sống lâu với con cháu./.

Tĩnh

Chia sẻ bài viết