Tiếng Việt | English

22/11/2015 - 06:11

Khúc bi tráng mãi được tôn vinh

Bài 1: Cùng toàn Nam Kỳ nổi dậy

Cách đây 75 năm, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đi vào lịch sử như là một trong những điểm son chói lọi nhất của dân tộc. Ngày 14-4-1948, thay mặt Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất cho “Đội quân Khởi nghĩa Nam bộ năm 1940, nổi lên chiến đấu oanh liệt với địch và biểu dương ý chí quật cường của dân tộc”(1). Ở sát cạnh trung tâm Sài Gòn, Long An (lúc bấy giờ là 2 tỉnh Tân An và Chợ Lớn) là một trong những địa bàn sôi động nhất với tên đất, tên người đi vào lịch sử như nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau không được quên khúc bi tráng đầy tinh thần quật cường này trong lịch sử dân tộc.

Trước tình hình chuyển biến nhanh chóng của thế giới và Đông Dương sau khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (9-1939), Trung ương Đảng (đóng ở Sài Gòn) kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược. Sau nhiều lần hội nghị, tranh luận, đến tháng 3-1940, chủ trương khởi nghĩa vũ trang của Xứ ủy do đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư đề ra dần dần hình thành với “Đề cương Khởi nghĩa Nam kỳ” được phổ biến đến các Tỉnh ủy và cơ sở.

Địch phát hiện được tài liệu của Xứ ủy, đàn áp dữ dội, bắt nhiều đồng chí của Trung ương và Xứ ủy như Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Tiến,… Tình hình lại chuyển biến: Pháp đầu hàng phát xít Đức, làm địch ở Đông Dương hoang mang, trong khi đó phải điều quân lên biên giới (do quân Xiêm bị Nhật giật dây áp sát biên giới Lào và Campuchia); lính trại Ô Ma (có cơ sở ta) phản kháng, muốn làm binh biến.

 Xà beng, phi tiêu, một trong số những vũ khí của lực lượng khởi nghĩa ở Trung Quận chuẩn bị cho việc “đi thành” trong cuộc khởi nghĩa (Hiện vật Bảo tàng Long An).

Tất cả diễn biến trên đưa đến cuộc hội nghị ở Tân Hương, Mỹ Tho (21 đến 27-7-1940) với sự có mặt của 24 đại biểu của 21/24 tỉnh, thành, quyết định khẩn trương chuẩn bị mọi mặt về tổ chức, lực lượng, mua sắm vũ khí, vận động binh lính, lập Mặt trận phản đế… để chuẩn bị khởi nghĩa. Đồng chí Phan Đăng Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng ra miền Trung, miền Bắc vận động phối hợp hành động. Những tháng cuối năm 1940, nhiều sự kiện dồn dập: Nhật tràn vào Lạng Sơn, đổ quân vào Hải Phòng (9-1940), Pháp bạc nhược đầu hàng, khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ (27-9-1940), trong khi vẫn chưa có tin tức đồng chí Phan Đăng Lưu.

Trước tình hình đó, Thường vụ Xứ ủy họp khẩn cấp ngày 20-11-1940, quyết định hạ lệnh các địa phương nổi dậy vào lúc 0 giờ 22 rạng 23-11-1940, hiệu lệnh: “đèn Sài Gòn tắt” hoặc có “tiếng súng nổ”. Khi đồng chí Phan Đăng Lưu trên đường vào Nam mang theo tinh thần của Hội nghị Trung ương VII (lâm thời) về việc hoãn khởi nghĩa do thời cơ chưa chín muồi, đến Sài Gòn vào chiều 22-11-1940 thì bị địch bắt và lệnh khởi nghĩa được truyền đi khắp các tỉnh.

Cho đến thời điểm khởi nghĩa, trong số 128 làng thuộc 22 tổng của 7 quận(2), riêng tỉnh Chợ Lớn có 37 chi bộ với khoảng 160 đảng viên, tỉnh Tân An cũng khoảng chừng ấy. Do địa bàn sát Sài Gòn, Tân An-Chợ Lớn, nhất là “Vành đai đỏ” Chợ Lớn trở nên rất nhạy cảm trước những diễn biến trong nước và thế giới, không khí chuẩn bị khởi nghĩa ở đây vì vậy rất sôi sục từ ngay khi tiếp thu tinh thần của hội nghị Tân Hương với các hoạt động tuyên truyền, chuẩn bị lực lượng võ trang, binh vận, quyên tiền mua sắm vũ khí,… Nhiều nơi, các lò rèn chuyển sang làm vũ khí. Làng Hựu Thạnh (Đức Hòa) trở thành “khu tạo tác”, chuyên làm súng thủ công, bom tay, in truyền đơn, khẩu hiệu, may cờ,…

Đầu tháng 11-1940, ban chỉ đạo khởi nghĩa các quận lần lượt được thành lập. Do đặc thù, một số nơi như Cần Đước có ban chỉ đạo cấp tổng. Tổng Long Hưng Hạ ở Trung Quận (Bến Lức ngày nay), ngoài ban chỉ đạo quận còn được lãnh đạo trực tiếp của một số Xứ ủy viên, ở đây có 5/7 làng thành lập Ủy ban bạo động. Có 94/128 làng xây dựng kế hoạch cướp chính quyền.

Theo kế hoạch hành động, ngoài cướp chính quyền tại chỗ, một bộ phận của quận Thủ Thừa còn tiếp ứng cho Sài Gòn, quận Châu Thành kiêm luôn nhiệm vụ đánh chiếm tỉnh lỵ Tân An. Các quận của tỉnh Chợ Lớn tổ chức lực lượng tiếp ứng Sài Gòn, trong đó, cánh Trung Quận (có lực lượng Cần Đước) tham gia phá Khám Lớn Sài Gòn; cánh Cần Giuộc phối hợp với Bình Xuyên tiến công địch ở phía Nam Sài Gòn; cánh Đức Hòa tiếp ứng cuộc binh biến ở thành Ô Ma. Tất cả đều sẵn sàng chờ giờ khởi nghĩa.

Súng ngắn của tên thực dân Rylski ở đồn điền mía Roly, ấp Xuân Khánh, làng Hòa Khánh (quận Đức Hòa), bị quân khởi nghĩa do đồng chí Lê Văn Tưởng (sau này là trung tướng Quân đội nhân dân Việt Nam) chỉ huy thu được ngày 26-11-1940 (Hiện vật Bảo tàng Long An).

Địch đánh hơi và dựa vào chỉ điểm, khủng bố dữ dội, ngày 22-11-1940 giăng bẫy trong thành phố Sài Gòn đón bắt các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, ra lệnh giới nghiêm, báo động khắp nơi, huy động cả hải, lục quân trợ lực cho cảnh sát, mật thám sẵn sàng chống khởi nghĩa, dù vậy, vẫn bị bất ngờ.

Đến giờ khởi nghĩa, đèn Sài Gòn vẫn sáng, vẫn không có tiếng súng nổ, lực lượng “đi thành” được lệnh rút về chờ lệnh mới. Tuy nhiên, cuộc nổi dậy vẫn nổ ra mạnh mẽ ở khắp nơi trong 2 tỉnh ngay trong đêm 22 rạng ngày 23-11-1940 và những ngày sau đó.

Với nhiều mức độ khác nhau và khí thế chưa từng có, lực lượng khởi nghĩa ở các làng đánh đồn, tiến chiếm nhà việc, nhà hội, nổi trống mõ, tù và, đốt sổ bộ, tài liệu, đốt trụ sở, xuống đường tuần hành, mít tinh, hô hào khởi nghĩa, trừng trị tay sai ác ôn, cảnh cáo, giáo dục tề, kiềm chế lính, tước súng tề, treo cờ đỏ, rải truyền đơn, phá đường, phá cầu, tạo chướng ngại vật, cắt dây thép, nổi lửa…, làm cho làng, lính địa phương hoảng sợ lẩn trốn.

Trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ, toàn Tân An-Chợ Lớn có 94 làng/128 làng thực hiện kế hoạch cướp chính quyền và tham gia hưởng ứng khởi nghĩa với nhiều hình thức khác, tiến đánh 12 đồn bót, chiếm và đốt phá 37 nhà việc, ngăn lộ phá cầu ở 21 địa điểm, thu 52 súng, trừng trị 49 tên ác ôn, tay sai... Nhiều vụ trừng trị ác ôn ở Đức Hòa, Cần Giuộc, Trung Quận, Mộc Hóa, diệt đồn ở Thủ Thừa, treo cờ ở Cần Giuộc,… gây tiếng vang lớn.

Từ cuộc khởi nghĩa, xuất hiện nhiều tấm gương anh hùng, bất khuất, dũng cảm kiên cường, hy sinh oanh liệt trước pháp trường, như các đồng chí Nguyễn Thị Bảy, Nguyễn Văn Nhâm, Lê Văn Lao, Võ Văn Siêng (con đồng chí Võ Văn Tần), Nguyễn Văn Dương, Lê Công Phép,…

Địch khủng bố dã man sau khởi nghĩa, đốt hàng trăm ngôi nhà, đưa quân ruồng bố, càn quét, bắn giết hàng trăm cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và đồng bào, lập đài xử bắn các chiến sĩ Khởi nghĩa Nam kỳ ở Đức Hòa, Cần Giuộc… Dù bị dìm trong bể máu, nhưng cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ ở Tân An-Chợ Lớn làm kẻ thù khiếp sợ.

Lần đầu tiên kể từ khi quân xâm lược đặt chân lên mảnh đất này, cùng với các tỉnh Nam Kỳ, cuộc khởi nghĩa ở 2 tỉnh Tân An và Chợ Lớn làm rung chuyển từng mảng lớn chính quyền địch ở cơ sở mà thực dân Pháp và tay sai thống trị hơn nửa thế kỷ qua. “Đó là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đấu tranh bằng võ lực của các dân tộc Đông Dương”./.

Nguyễn Tấn Quốc

-------------------------------------------
(1) Điều 1 Sắc lệnh 163-SL ngày 14-4-1948 của Chủ tịch Chính phủ.
(2) Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa, Trung Quận (Chợ Lớn), Châu Thành, Thủ Thừa, Mộc Hóa (Tân An)

Chia sẻ bài viết