Tiếng Việt | English

26/11/2019 - 08:35

Bảo đảm an toàn thực phẩm thức ăn đường phố

Thức ăn đường phố là thực phẩm được chế biến để sử dụng ngay và được bày bán ở những nơi công cộng. Với sự tiện lợi, giá rẻ, thức ăn đường phố là lựa chọn của nhiều người nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh, an toàn thực phẩm (ATTP). Vì vậy, tỉnh Long An triển khai nhiều mô hình điểm về bảo đảm ATTP đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố nhằm góp phần giảm thiểu ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng (NTD).

Nguy cơ tiềm ẩn

Trong cuộc sống hiện đại, nhiều người không có thời gian chuẩn bị bữa ăn gia đình nên thường chọn thức ăn được chế biến sẵn vì vừa không tốn thời gian chế biến lại phù hợp túi tiền. Theo đó, các hàng quán mọc lên ngày càng nhiều và tập trung chủ yếu ở những nơi đông dân cư. Bên cạnh sự tiện lợi, thức ăn đường phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ không bảo đảm ATTP, ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng vì nguồn nguyên liệu chế biến, điều kiện bảo quản thức ăn không bảo đảm.

Thức ăn đường phố tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm

Dù bàn ghế chỉ kê tạm trên các khoảng đất trống nhưng lượng khách đến cơ sở cơm tấm của chị Trần Thị Thu Thủy (thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa) khá đông. “Hơn 4 năm nay, tôi bán cơm tấm vào mỗi buổi sáng. Mỗi ngày, tôi bán được khoảng 300 phần cơm. Tôi chú trọng che chắn bụi. Đa số khách ăn nhanh rồi đi nên không bụi nhiều” - chị Thủy cho biết. Cơ sở bán hủ tiếu Nam Vang của anh Nguyễn Minh Tùng (TP.Tân An) cũng thu hút khá đông  khách hàng. Anh Tùng chia sẻ: “Nhằm bảo đảm sức khỏe cho NTD, tôi chọn mua nguồn nguyên liệu ở những nơi có uy tín để chế biến thức ăn”. Thế nhưng, không phải người kinh doanh nào cũng chú trọng chọn nguồn nguyên liệu đầu vào có chất lượng. Vì lợi nhuận, không ít người chưa tự giác chấp hành quy định về ATTP, thiếu trách nhiệm đối với sức khỏe của NTD nên tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP.

Theo thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Long An, toàn tỉnh có 1.607 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố và 2.411 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Những cơ sở này tập trung ở khu đông dân cư, khu công nghiệp trên địa bàn TP.Tân An, các huyện: Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước và Cần Giuộc. Khu vực chế biến, bày bán chưa bảo đảm vệ sinh, diện tích kinh doanh chật hẹp, bán tại nơi sinh sống của gia đình nên gây khó khăn trong công tác quản lý. Thời gian qua, các cơ quan chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm từng bước bảo đảm ATTP đối với loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố.

Người kinh doanh phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm và ý thức đối với sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Hiện nay, công tác quản lý ATTP đối với loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố luôn được quan tâm thực hiện từ tỉnh đến cơ sở. Theo phân cấp quản lý, việc quản lý và xử phạt vi phạm hành chính về ATTP thuộc về trách nhiệm của UBND cấp xã; cấp tỉnh chịu trách nhiệm giám sát và nhắc nhở.

Năm 2019, Chi cục ATVSTP Long An xây dựng kế hoạch triển khai bảo đảm ATTP đối với loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố tại 20 xã, phường, thị trấn trọng điểm của 15 huyện, thị xã, thành phố. Theo đó, mỗi huyện chọn 1 đoạn đường hoặc 1 khu vực có từ 20 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố để triển khai mô hình điểm. Riêng TP.Tân An chọn 3 điểm. Mỗi huyện Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước và Cần Giuộc chọn 2 điểm thực hiện mô hình. Mô hình nhằm từng bước quản lý thức ăn đường phố theo quy định của pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về ATTP trong kinh doanh thức ăn đường phố, góp phần giảm thiểu ngộ độc thực phẩm và hạn chế các bệnh truyền qua thực phẩm, bảo vệ sức khỏe NTD.

Tại huyện Bến Lức, mô hình điểm được thực hiện trên tuyến đường Nguyễn Trung Trực (khu phố 8, thị trấn Bến Lức) với 20 cơ sở tham gia. Chị Huỳnh Thị Kim Lành - chủ cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố tại khu phố 8, thị trấn Bến Lức, chia sẻ:
“Tham gia mô hình điểm, tôi được tập huấn kiến thức về ATTP, hướng dẫn các biện pháp giữ gìn vệ sinh khi chế biến và bán hàng. Tôi chú trọng từ khâu lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng đến việc chế biến bảo đảm vệ sinh để tạo niềm tin cho khách hàng”.

Theo quy định, tất cả những người trực tiếp chế biến thực phẩm, người phụ giúp được tham gia các lớp tập huấn, kiểm tra xác nhận kiến thức ATTP, khám sức khỏe và cấp giấy chứng nhận sức khỏe. Khu chế biến bảo quản thực phẩm chín và sống được tách riêng. Quá trình nhập nguyên liệu chế biến thực phẩm và sau chế biến được theo dõi hàng ngày. Đây là tiêu chí quan trọng nhất để bảo đảm an toàn cho khách hàng, nếu không thực hiện sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên, khi thực hiện mô hình điểm về thức ăn đường phố chỉ mới tập trung kiểm soát các tiêu chí về điều kiện cơ sở kinh doanh, sức khỏe người kinh doanh, chưa kiểm soát trực tiếp thực phẩm, trong khi nguồn gốc thực phẩm là vấn đề gây nhiều lo lắng cho NTD. Mặt khác, chính NTD cũng còn “dễ dãi” trong việc ăn uống hàng ngày khi chọn thức ăn đường phố. Bà Nguyễn Thị Diệu (TP.Tân An) bày tỏ: “Do không có thời gian nên tôi thường chọn bữa ăn sáng được bày bán trên các tuyến đường. Là người dân bình thường, tôi không thể kiểm nghiệm được thực phẩm như thế nào là có chất lượng. Vì vậy, tôi chỉ còn cách là tin tưởng người kinh doanh. Tôi hy vọng người kinh doanh có lương tâm, trách nhiệm, sử dụng nguyên liệu sạch để chế biến, bảo quản hợp vệ sinh”.

Người kinh doanh phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm và ý thức đối với sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng

Do đặc thù thức ăn đường phố được bày bán gần các nơi có nguy cơ ô nhiễm, người kinh doanh đa số là từ nơi khác đến nên việc theo dõi, quản lý rất khó khăn. Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Long An - Phùng Văn Mười cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi phối hợp cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo đảm ATVSTP, hướng dẫn điều kiện chế biến, bảo quản thức ăn đường phố. Đối với UBND cấp xã, phường, thị trấn cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm về ATTP”.

Thức ăn đường phố luôn tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh, ATTP. Vì vậy, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc quản lý cơ sở kinh doanh, mỗi người dân cần thay đổi thói quen ăn uống, nói không với thực phẩm không an toàn và không ngại cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng khi phát hiện cơ sở có dấu hiệu mất vệ sinh, ATTP. Người kinh doanh cần nâng cao ý thức, trách nhiệm để thức ăn đường phố không còn là nỗi lo mất ATTP./.

Theo Nghị định số 115/2018/NĐ-CP, ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, có những quy định cụ thể mức phạt khi vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố. Cụ thể, phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định của pháp luật để bày bán thức ăn; thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn, có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.

Phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; người đang mắc các bệnh mà theo quy định của pháp luật không được trực tiếp tham gia kinh doanh thức ăn đường phố; sử dụng phụ gia thực phẩm được san chia, san chiết không phù hợp quy định của pháp luật để chế biến thức ăn; sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh để chế biến thức ăn, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích