Tiếng Việt | English

12/10/2017 - 14:44

Bí quyết phân biệt mỹ phẩm hữu cơ ''chuẩn không cần chỉnh''

Ngày nay, phái đẹp có xu hướng chuyển sang dùng mỹ phẩm hữu cơ không chỉ với mục đích bảo vệ làn da và sức khỏe, mà còn muốn thể hiện quan điểm ủng hộ những công ty có kế hoạch sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường. Nhưng không phải bạn cứ mua một sản phẩm có chữ “Organic” nghĩa là đã mua đúng đồ hữu cơ đâu nhé! Bạn hãy lưu ý một vài điểm dưới đây để có thể yên tâm rằng mình đang chăm sóc sắc đẹp bằng các sản phẩm chuẩn hữu cơ.

Mỹ phẩm thiên nhiên chưa chắc đã là mỹ phẩm hữu cơ

Không có bất cứ tiêu chuẩn nào cho mỹ phẩm thiên nhiên, điều đó có nghĩa là bất cứ hãng nào cũng có thể tự quảng cáo sản phẩm của mình là “mỹ phẩm thiên nhiên," không cần biết thành phần là gì. Nhưng mỹ phẩm hữu cơ lại là một chuyện khác, nó có quy chuẩn riêng. Cho dù mỹ phẩm được sản xuất từ 100% nguyên liệu thực vật đi chăng nữa thì nếu nó không đảm bảo được một số tiêu chuẩn khác, cũng không thể tự ý nhận mình là hàng hữu cơ.

Theo lý thuyết, mỹ phẩm có chứa thành phần đạt tiêu chuẩn hữu cơ thì có thể có khả năng là mỹ phẩm hữu cơ. Ở Việt Nam đã bắt đầu có nhiều mô hình trồng hoa, sản xuất nguyên liệu theo mô hình hữu cơ, nhưng chính vì tại Việt Nam chưa có cơ quan nào xác nhận tiêu chuẩn hữu cơ, nên mỹ phẩm dùng các nguồn nguyên liệu này cũng chưa có cơ hội được công nhận là mỹ phẩm hữu cơ.

Mỹ phẩm ngoại nhập cần có dấu kiểm định của các tổ chức lớn

Cách đơn giản nhất là chọn mỹ phẩm đã được các tổ chức như QAI, NSF, USDA hoặc Ecocerf chứng nhận là đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Các dấu công nhận này sẽ được in rõ ràng trên nhãn sản phẩm. Nếu có một người bán hàng nào đó tự nhận là họ đang bán mỹ phẩm hữu cơ, bạn hãy hỏi thẳng họ: loại mỹ phẩm ấy được tổ chức nào chứng nhận?

Tóm lại, “mỹ phẩm thiên nhiên” thì có thể tự phong, chứ “mỹ phẩm hữu cơ” thì không thể tự phong được. Tất cả các loại mỹ phẩm sản xuất ở Việt Nam, dù là hàng handmade hay được sản xuất bằng dây chuyền máy móc, dù có thành phần là lá trà xanh tươi trộn với mật ong nguyên chất 100% hay có dấu kiểm định an toàn không gây kích ứng da, thì vẫn không phải là mỹ phẩm hữu cơ.

Hãy để ý đến tỷ lệ thành phần hữu cơ

Một sản phẩm được chứng nhận “organic” nếu nó chứa ít nhất 95% nguyên liệu đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Một số sản phẩm khác có thể được chứng nhận là “chứa thành phần hữu cơ” (contains organic), hoặc “được sản xuất với nguyên liệu hữu cơ” (made with organic) nếu chứa ít nhất 70% nguyên liệu hữu cơ.

Lợi dụng chuyện các tiêu chuẩn hữu cơ chưa có cơ chế rõ ràng ở Việt Nam, rất nhiều hãng mỹ phẩm đã dùng chiêu bài lập lờ, thổi phồng khiến khách hàng nhầm lẫn. Ví dụ sữa tắm chỉ chứa tinh dầu hữu cơ chiếm 10% cũng được quảng cáo là “sữa tắm hữu cơ," hoặc chỉ chứa một phần lô hội có nguồn gốc hữu cơ cũng được quảng cáo là “được làm từ gel lô hội hữu cơ."

Với những trường hợp này, cách duy nhất là hãy chú ý đọc bảng thành phần. Dù bạn có thể không quen thuộc với các tên gọi khoa học bằng tiếng Latin, nhưng các thành phần đạt chuẩn hữu cơ sẽ được đánh dấu * và ghi chú là “thành phần hữu cơ." Dựa vào số lượng và thứ tự các thành phần được đánh dấu * (thành phần đứng trước sẽ có tỷ lệ cao hơn thành phần đứng sau trong công thức), bạn có thể phỏng đoán được tỷ lệ thực sự của nguyên liệu hữu cơ trong mỗi sản phẩm.

Đề phòng hàng nhái

Đừng lầm tưởng rằng chỉ có mỹ phẩm của các thương hiệu lớn hay mỹ phẩm Hàn Quốc mới bị làm giả, làm nhái. Chỉ cần một sản phẩm hữu cơ nào đó gây chú ý trên thị trường thì ngay lập tức nó sẽ lọt vào tầm ngắm của những cơ sở làm nhái mỹ phẩm. Mỹ phẩm nhái chắc chắn là cực kỳ độc hại, dễ gây kích ứng cho da và thậm chí có nguy cơ gây bệnh mãn tính. Chúng được làm rất tinh vi, khó so sánh, khó phân biệt bằng mắt thường, nhưng bạn có thể nhận diện ngay từ giá bán. Nếu có một cửa hàng nào đó bán mỹ phẩm hữu cơ với giá rẻ bất thường, lấy lý do là “mua được trong đợt giảm giá," nhưng lại vẫn có hàng dồi dào để bán mức giá thấp ấy quanh năm suốt tháng, thì chắc chắn là bạn không thể tin tưởng được./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích