Tiếng Việt | English

13/08/2018 - 14:50

Các gương mặt sáng giá của thể thao Việt Nam tại ASIAD 18

Với 523 thành viên tham gia, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Đoàn thể thao Việt Nam góp mặt ở sân chơi châu lục với lực lượng hùng hậu nhất và cũng là lần đầu tiên vượt qua con số 350 tuyển thủ.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 18 (ASIAD 2018) sẽ chính thức khai mạc tại Indonesia vào ngày 18/8 và bế mạc vào ngày 02/9. Đây là kỳ ASIAD thứ 9 Đoàn thể thao Việt Nam tham dự.

Việt Nam đã có những bước chuẩn bị kỹ cho cuộc tranh tài ở đại hội thể thao lớn nhất châu lục này. 

Đã sẵn sàng cho ASIAD 18 

Đoàn thể thao Việt Nam sẽ tham dự ASIAD lần thứ 18 với 523 thành viên, do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thể dục thể thao Trần Đức Phấn làm Trưởng đoàn, cùng với hai Phó đoàn, 20 cán bộ, 12 bác sỹ, 25 lãnh đạo đội, 24 chuyên gia, 81 huấn luyện viên, 6 phiên dịch, cùng 352 vận động viên, trong đó có 177 vận động viên nữ, 175 vận động viên nam.

Với những con số này, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Đoàn thể thao Việt Nam góp mặt ở sân chơi châu lục với lực lượng hùng hậu nhất và cũng là lần đầu tiên vượt qua con số 350 tuyển thủ, nhiều gấp 1,5 lần so với con số 200 vận động viên tham dự ASIAD lần thứ 17 tại Hàn Quốc.

Tại ASIAD 18, với 352 vận động viên đoàn thể thao Việt Nam sẽ tham gia thi đấu ở 32 môn và phân môn thể thao với chỉ tiêu đoạt 3-5 huy chương Vàng. Trong đó, cầu lông (6 vận động viên), Taekwondo (13 vận động viên), Karatedo (8 vận động viên), Pencak Silat (18 vận động viên), cầu mây (18 vận động viên), Judo (7 vận động viên), bóng bàn (9 vận động viên), bowling (3 vận động viên), xe đạp (8 vận động viên), quần vợt (6 vận động viên), vật (10 vận động viên), bắn súng (18 vận động viên), bắn cung (12 vận động viên), cử tạ (6 vận động viên), bơi (10 vận động viên), điền kinh (22 vận động viên), thể dục dụng cụ (9 vận động viên), quyền anh (6 vận động viên), rowing (26 vận động viên), canoing (4 vận động viên), Wushu (13 vận động viên), bóng chuyền (24 vận động viên), bóng chuyền bãi biển (8 vận động viên), bóng đá nam (20 vận động viên), bóng đá nữ (20 vận động viên), golf (6 vận động viên), soft tennis (4 vận động viên), bóng rổ 3x3 (8 vận động viên), Jujitsu (4 vận động viên), sambo (2 vận động viên), kurash (9 vận động viên), đấu kiếm (16 vận động viên).

Theo ông Trần Đức Phấn, mọi công việc chuẩn bị của Đoàn thể thao Việt Nam đã hoàn tất, các môn thi đấu của Việt Nam đã hoàn tất thủ tục đăng ký với Ban Tổ chức ASIAD. Đoàn thể thao Việt Nam chính sẽ lên đường vào ngày 14/8, môn Bóng đá Nam đi trước vào ngày 11/8 và có trận đấu đầu tiên (gặp đối thủ Pakistan) vào ngày 15/8. 

Các gương mặt sáng giá của thể thao Việt Nam

Tại ASIAD 18, các môn thế mạnh của thể thao Việt Nam được xác định có khả năng giành Huy chương Vàng là điền kinh, bơi, thể dục dụng cụ (5 môn nhóm 1), bắn súng, cử tạ. Bên cạnh những hy vọng vàng ở nhóm nội dung thi đấu Olympic, các đội tuyển như karate,wushu, pencak silat, xe đạp... cũng được nhận định là những hy vọng đoạt huy chương cho thể thao Việt Nam.

Tại kỳ ASIAD 2018, các vận động viên Việt Nam tham dự đều là những gương mặt xuất sắc nhất của thể thao nước nhà, trong đó có nhiều vận động viên “trình làng” từ kỳ SEA Games 29 năm 2017 ở Singapore.

Đoàn thể thao Việt Nam đặt mục tiêu giành từ 3-5 huy chương Vàng tại ASIAD 2018, trên cơ sở có 10 vận động viên đủ khả năng cạnh tranh huy chương Vàng ở các môn có thế mạnh. Có thể kể tới những vận động viên xuất sắc như: Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh (huy chương Vàng bắn súng Olympic 2016), niềm hy vọng của thể thao Việt Nam ở môn bắn súng. Dù phong độ chưa được ổn định, nhưng xạ thủ này đang là ngôi sao số 1 của thể thao Việt Nam và cả châu Á khi giành 1 huy chương Vàng và 1 huy chương Bạc Olympic cách đây 2 năm tại Brazil.

Tại ASIAD 18 lần này, nước chủ nhà đã cắt nội dung 10m súng ngắn hơi mà Xuân Vinh từng đoạt huy chương Vàng Olympic, nên xạ thủ quân đội này chỉ có thể tranh tài ở nội dung 50m súng ngắn hỗn hợp, do đó cơ hội giành vàng của Xuân Vinh sẽ gian nan hơn rất nhiều.

Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

“Kình ngư” Nguyễn Thị Ánh Viên, hơn 10 năm trước, những người làm thể thao vẫn chưa dám nghĩ có ngày bơi Việt Nam sẽ tranh đoạt huy chương Vàng tại Á vận hội, nhưng sau 2 chiếc huy chương Đồng do Ánh Viên đoạt được ở cự ly 200m ngửa và 400m hỗn hợp ở kỳ đại hội cách đây 4 năm tại Incheon (Hàn Quốc), niềm hy vọng ấy càng lớn dần.

Ánh Viên đang bước vào giai đoạn chín muồi của sự nghiệp, được hứa hẹn sẽ tạo nên những kỷ lục mới cho bơi Việt Nam. Với những sự tập trung đầu tư khi đưa Ánh Viên sang tập huấn dài hạn tại Mỹ suốt thời gian qua, người hâm mộ đang hy vọng “tiểu tiên cá” sẽ làm nên kỳ tích cho bơi lội Việt Nam.

“Nữ hoàng nhảy xa” Bùi Thu Thảo, sau chiếc huy chương Vàng đoạt được tại giải vô địch châu Á 2018 tại Iran, người hâm mộ Việt Nam đang rất kỳ vọng Bùi Thu Thảo sẽ đăng quang ở nội dung nhảy xa môn điền kinh tại ASIAD 18. Cách đây 4 năm, tại ASIAD 17 (tại Incheon, Hàn Quốc năm 2014), Thu Thảo đã giành huy chương Bạc với thành tích 6,44m, tới SEA Games 29 (tại Malaysia năm2017), Thu Thảo đã xuất sắc giành huy chương Vàng cùng thành tích xuất sắc 6,68m, hơn thành tích tại ASIAD tới 13cm. Chỉ cần giữ được phong độ này, cơ hội đổi màu huy chương của cô gái có biệt danh “Thảo bò vàng” ở Á vận hội là rất lớn.

“Nữ hoàng wushu” Dương Thúy Vi, cô gái giành huy chương Vàng đầu tiên cho đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 29 (Malaysia năm 2017) từng chia sẻ 24 tuổi và đã có tới 17 năm tham gia tập luyện thi đấu.

Toàn bộ tuổi thanh xuân gắn liền với phòng tập, với mồ hôi và nước mắt Năm 2008, Thúy Vi từng bị chấn thương đầu gối nặng nhưng nhất quyết không bỏ nghề, để rồi lại mang về những cột mốc chói lọi trong sự nghiệp của mình và cho thể thao nước nhà.

Liên tiếp ba năm từ 2013-2015, Thúy Vi đều giành những tấm huy chương Vàng đầu tiên cho đội wushu Việt Nam tại các Đại hội thể thao quan trọng. Năm 2013, Thúy Vi lần đầu giành huy chương Vàng cá nhân tại SEA Games và đây cũng là chiếc huy chương Vàng đầu tiên của đội wushu Việt Nam tại SEA Games 27 (Myanmar năm 2013).

Tại giải vô địch thế giới năm 2013 tại Kuala Lumpur (Malaysia), Thúy Vi từng lên ngôi vô địch nội dung Quyền thuật nữ và đến nay, đây vẫn là chức vô địch thế giới duy nhất của cô. Năm 2014, Thúy Vi lần đầu giành huy chương Vàng cho wushu Việt Nam tại ASIAD 17 (Incheon, Hàn Quốc, năm 2014). Đây cũng là danh hiệu vô địch cá nhân duy nhất mà đoàn thể thao Việt Nam có được tại Đại hội thể thao danh giá nhất châu Á năm đó. Trong sự nghiệp thi đấu, Thúy Vi đã sở hữu hơn 60 tấm huy chương từ giải khu vực đến châu lục với huy chương Vàng giải trẻ Thế giới, giải trẻ châu Á, Asian Indoor Games...

Cùng với đó còn các gương mặt sáng giá như kình ngư trẻ Nguyễn Hữu Kim Sơn (16 tuổi, huy chương Vàng nội dung 400m hỗn hợp nam tại SEA Games 29), đây cũng là1 trong 2 gương mặt sáng giá nhất của bơi lội Việt Nam tại kỳ Á vận hội lần này. “Nữ hoàng điền kinh” trẻ Việt Nam Lê Tú Chinh (huy chương Vàng cá nhân 100m và 200m nữ tại SEA Games 29).

Ở nội dung nhảy ba bước, với thành tích 14,15m trong năm 2017, Vũ Thị Mến hiện xếp thứ 2 châu Á (sau vận động viên người Kazakhstan) và nếu duy trì được phong độ cao, cô hoàn toàn đủ sức tranh chấp ngôi đầu tại ASIAD 18. Một vận động viên giàu tiềm năng khác là “cô gái Vàng” của xe đạp Việt Nam Nguyễn Thị Thật (huy chương Bạc ASIAD 2014).

Ở môn cử tạ, Thạch Kim Tuấn (đương kim vô địch thế giới cử tạ nam hạng 56kg) và Trịnh Văn Vinh là những vận động viên được kỳ vọng cao, trong đó Thạch Kim Tuấn (hạng 56kg) đã lập hattrick huy chương Vàng tại giải vô địch cử tạ thế giới vào tháng 11/2017 tại Mỹ; Trịnh Văn Vinh (hạng 62kg) cũng giành huy chương Vàng ở giải đấu này./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết