Tiếng Việt | English

13/09/2018 - 10:12

Cần Đước: Phát huy dân chủ thông qua giám sát và phản biện xã hội

Phát huy dân chủ thông qua việc giám sát (GS) và phản biện xã hội (PBXH) là cách làm hiệu quả của UBMTTQ Việt Nam huyện Cần Đước, tỉnh Long An trong 5 năm qua. Qua đó, huy động sự tham gia, đóng góp ý kiến của người dân, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Qua 5 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị về GS và PBXH, UBMTTQ Việt Nam huyện chủ trì thực hiện GS 9 nội dung với 36 cuộc liên quan đến chính sách và an sinh xã hội. Bên cạnh việc triển khai Luật Bảo vệ môi trường và Chỉ thị 29 của Huyện ủy về xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, đô thị văn minh, Mặt trận còn phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội GS một số nội dung liên quan đến đời sống xã hội và ký kết nhiều chương trình phối hợp HĐND, UBND và các cơ quan liên quan về tiếp công dân, GS nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh; kiểm tra, GS công tác thi hành pháp luật trong công tác tạm giam, tạm giữ, thi hành án,...

Người dân Cần Đước ý kiến tại Hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa Bí thư Huyện ủy với người dân

Ban thanh tra nhân dân và ban GS đầu tư cộng đồng thực hiện 626 cuộc GS. Qua đó, có trên 70 kiến nghị được chuyển đến các chủ đầu tư, nhà thầu, ban quản lý dự án yêu cầu tháo dỡ, thay đổi hoặc kiểm tra, xử lý, khắc phục những sai phạm, thiếu sót, góp phần nâng cao chất lượng các công trình, dự án được triển khai trên địa bàn cấp xã. Cụ thể, UBMTTQ Việt Nam xã Long Trạch GS về thực hiện xây dựng đường giao thông nông thôn ở ấp Cầu Xây trị giá 840 triệu đồng, trong đó người dân đóng góp 300 triệu đồng. Trong quá trình thực hiện, người dân phản ảnh đến Mặt trận con đường chưa bảo đảm chất lượng. Mặt trận xã tiến hành giám sát và đề nghị UBND xã, ban quản lý dự án công trình khắc phục những sai sót trong quá trình thực hiện.

Nhìn chung, công tác GS ở cơ sở từng bước đi vào nề nếp. Việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cũng được MTTQ các cấp trong huyện quan tâm, chủ động phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức 5 cuộc đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo huyện với người dân về những vấn đề bức xúc trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. UBMTTQ Việt Nam huyện còn đóng vai trò trung tâm làm “đầu mối” hiệp thương với các tổ chức chính trị - xã hội thống nhất nội dung, thời gian, địa điểm GS. Công tác GS thực hiện đúng quy trình, sau GS, các đơn vị đều có tiếp thu và giải quyết kịp thời qua kiến nghị.

Tuy nhiên, công tác GS vẫn còn lúng túng, nhất là ở cấp cơ sở, năng lực cán bộ làm công tác GS, PBXH còn hạn chế; việc giải quyết các kiến nghị sau GS chưa có sự ràng buộc trách nhiệm nên sự quan tâm theo dõi, giải quyết có trường hợp chưa đến nơi, đến chốn./.

Lê Dung

Chia sẻ bài viết