Tiếng Việt | English

29/11/2021 - 10:15

Cảnh giác 'tín dụng đen' sau đại dịch

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, khó khăn về kinh tế của một bộ phận quần chúng nhân dân sau đại dịch Covid-19, các “ngân hàng cột điện” tăng cường tiếp thị, phát, dán tờ rơi cho vay tiền ở các khu dân cư nghèo, các chợ, đường phố, cổng nhà, bờ tường, hàng rào, gốc cây,... Chỉ cần bấm số điện thoại trên tờ rơi là ngay lập tức “ngân hàng cột điện” sẽ lên tiếng với giọng điệu đầy cảm thông và sẻ chia trước những khó khăn về vốn liếng của khách hàng.

Quảng cáo “tín dụng đen” dán đầy cột điện, cổng nhà, bờ tường, hàng rào, gốc cây lừa đảo người dân vay vốn với lãi suất cao

Với tinh thần “phục vụ khách hàng là chính, không quan tâm đến rủi ro thu hồi nợ”, phần lớn các giao dịch tín dụng này được thực hiện nhanh, gọn với thủ tục hết sức đơn giản, chỉ cần photo hoặc thế chấp giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy phép lái xe là “thượng đế” được hỗ trợ nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh hoặc chi tiêu cá nhân mà không cần rối rắm thủ tục, tốn công, tốn sức,... Qua đó, khách hàng đã chui đầu vào cái bẫy nợ, càng vùng vẫy cũng khó lòng thoát ra, nếu thoát được cũng tán gia, bại sản.

Các hợp đồng vay vốn của “ngân hàng cột điện” với ưu thế tuyệt đối bao giờ cũng thuộc về chủ nợ. Theo đó, quy định: “Đến hạn thanh toán nếu bên B không thanh toán cho bên A số tiền đã vay thì bên B tự nguyện để bên A được quyền sử dụng biện pháp tịch thu và thanh lý tài sản của bên B để thu hồi vốn gồm: Tiền gốc và tiền lãi. Việc định giá của tài sản bị tịch thu do bên A sẽ quyết định”. Mánh lới lách luật là theo quy định thì người nào cho vay với lãi suất gấp 10 lần so với lãi suất của ngân hàng thì phạm tội cho vay nặng lãi. Nhưng trên thị trường “tín dụng đen”, lãi suất được thỏa thuận ngầm, không thể hiện trên hợp đồng vay mượn hoặc thể hiện 9,9 lần so với lãi suất ngân hàng. Hoặc là cái bẫy lách luật của chủ nợ, như “lãi suất do bên B (tức con nợ) đi tham khảo ở thị trường vay vốn và tự đề nghị thỏa thuận với bên A (tức chủ nợ)”. Trên thị trường “tín dụng đen” mùa dịch này, lãi suất được tính theo ngày với mức phổ biến là từ 3.000 - 5.000 đồng/1 triệu đồng. Như vậy, nếu vay 100 triệu đồng thì mỗi ngày tính riêng tiền lãi đã phải trả 300.000-500.000 đồng, mỗi tháng phải trả lãi từ 9-15 triệu đồng. Sau 1 năm thì số tiền lãi đã lớn gấp 1,5 lần số tiền vay. Cứ thế, lãi mẹ đẻ lãi con, không còn cách nào khác sẽ phải bán nhà trả nợ.

Nếu đến hạn mà không trả tiền thì “cán bộ tín dụng” của “ngân hàng cột điện” sẽ kéo đến nhà để đe dọa, thậm chí đánh đập gây thương tích; khủng bố tinh thần bằng gọi điện thoại chửi bới, đe dọa, tạt sơn hoặc các chất dơ bẩn vào cổng, cửa, đập phá tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản của nạn nhân. “Cán bộ thu hồi nợ” của “ngân hàng cột điện” đa số là những tên có tiền án, tiền sự, xăm trổ đầy mình, mặt mũi bặm trợn,... dưới trướng cũng toàn bọn đàn em côn đồ, hung hãn sẵn sàng bắt giữ, hành hung con nợ khi cần thiết.

Trước thực trạng “tín dụng đen” hoành hành, người dân cần cảnh giác trước thủ đoạn lôi kéo cho vay nặng lãi của bọn tội phạm. Khi thấy có các tờ rơi quảng cáo cho vay dán ở khu vực công cộng, xung quanh các hộ dân sinh sống, dán trên cột điện, góc tường, tường rào,... thì xé bỏ hoặc bôi xóa số điện thoại nhằm phòng ngừa, không để người khác sập “bẫy” của bọn chúng.

Đồng thời, người dân không nên vay mượn tiền thông qua các tờ rơi, quảng cáo cho vay tiền, các tổ chức tài chính núp bóng hoạt động “tín dụng đen”,... nhằm tránh trường hợp vay dễ nhưng không trả nổi, khiến nợ chồng nợ và bị đe dọa, khủng bố về tinh thần, tạo áp lực trả nợ; nên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của các đoàn thể ở địa phương hoặc các ngân hàng để làm thủ tục vay vốn theo đúng các quy định của pháp luật./.

 Trung Dũng

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích