Đánh tráo khái niệm “xã hội dân sự”
Thuật ngữ “xã hội dân sự” xuất hiện lần đầu tiên ở châu Âu vào thế kỷ XVI và bắt đầu được sử dụng vào thế kỷ XVIII. Ban đầu, “xã hội dân sự” có nhiều điểm tích cực, đó là hoạt động trong khuôn khổ pháp lý thể hiện quyền làm chủ của Nhân dân với xã hội và Nhà nước, là "cầu nối" các cá nhân với Nhà nước, cùng với Nhà nước hoạch định và tổ chức phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách. Tuy nhiên, “xã hội dân sự” đã bị các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng để tạo ra tổ chức đối lập, lợi dụng “đấu tranh dân chủ” để kích động người dân thực hiện “Cách mạng màu”, “Mùa xuân Ả Rập”,... nhằm lật đổ chế độ xã hội ở các quốc gia khác. Thực tiễn, sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, hay khủng hoảng chính trị ở Trung Đông, Bắc Phi (năm 2012) là do các thế lực bên ngoài đã lợi dụng các tổ chức “xã hội dân sự” để lật đổ chính quyền từ bên trong.
Từ khi Việt Nam hội nhập quốc tế sâu, rộng, thuật ngữ “xã hội dân sự” cũng được du nhập vào Việt Nam. Và ngay lập tức, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị trong nước đã biến “xã hội dân sự” thành công cụ chống phá nước ta. Chúng kêu gọi Việt Nam cần phải phát triển xã hội dân sự theo tiêu chí của các nước phương Tây, cần phải thừa nhận vai trò của các tổ chức “xã hội dân sự” như Hội Nhà báo độc lập, Hội Anh em dân chủ,... Chúng cho rằng, Nhà nước Việt Nam cần tạo điều kiện cho các tổ chức này hoạt động công khai, hợp pháp; đồng thời, xuyên tạc, phê phán Việt Nam thu hẹp không gian “xã hội dân sự”, không cho “xã hội dân sự” phát triển.
Đặc biệt, khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các thế lực chống phá ở nước ngoài đã gây sức ép mạnh mẽ, đòi Việt Nam phải phát triển “xã hội dân sự” theo tiêu chí các nước tư bản. Chúng lợi dụng cơ chế hoạt động của nhóm tư vấn trong nước (DAG) theo chương 13, Hiệp định EVFTA để ép Việt Nam phải tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức “xã hội dân sự” tham gia vào quá trình giám sát các điều khoản cam kết của Việt Nam đối với các nội dung phát triển bền vững.
Thực tế “xã hội dân sự” là những nhóm mang tính đa dạng về lợi ích, thành phần nên cũng đa nguyên về tư tưởng. Chính vì vậy, đối với Việt Nam, sự hình thành “xã hội dân sự” chứa đựng nguy cơ xuất hiện, hình thành hoặc du nhập những khuynh hướng tư tưởng chính trị đối lập với Đảng Cộng sản, dẫn tới đa nguyên về tư tưởng, là tiền đề dẫn đến đa nguyên về chính trị. Mặt khác, “xã hội dân sự” là khu vực dung chứa nhiều tổ chức mang tính đa dạng, thiếu tính tổ chức chặt chẽ, do đó dễ bị các nhóm, cá nhân có điều kiện chi phối vào các mục đích riêng và tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Vì vậy, “xã hội dân sự” trở thành “mảnh đất màu mỡ” để các đối tượng, tổ chức thù địch cả trong và ngoài nước mua chuộc, chi phối, lợi dụng nhằm thực hiện mưu đồ chính trị, xâm phạm an ninh quốc gia.
Cẩn trọng trước âm mưu lợi dụng “xã hội dân sự”
Lợi dụng mạng xã hội đang phát triển như vũ bão, các thế lực thù địch, phản động đang ra sức tuyên truyền, lôi kéo nhiều người gia nhập vào các hội, nhóm “xã hội dân sự”. Trong đó, chúng rêu rao rằng, “xã hội dân sự” là tốt đẹp, giúp mọi người đòi quyền lợi và mang lại nhiều lợi ích cho người tham gia. Chúng cố tình tuyệt đối hóa tính “độc lập” tương đối của “xã hội dân sự” với Nhà nước, đề cao, tuyệt đối hóa “xã hội dân sự”, mô tả nó như là mô hình xã hội dân chủ, nhân đạo, là hiện thân của tự do và Nhà nước phải giảm sự can thiệp vào “xã hội dân sự”.
Mặt khác, chúng lợi dụng vấn đề “xã hội dân sự” để đưa ra các đòi hỏi thái quá về dân chủ hóa về quyền con người. Thông qua chiêu bài “dân chủ hóa” để tác động hình thành xu hướng hoạt động độc lập với Đảng Cộng sản Việt Nam của các hội, cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; đồng thời, thông qua môi trường “xã hội dân sự” để lôi kéo quần chúng vào các hoạt động dưới danh nghĩa “vì mục tiêu chung”, “thúc đẩy sự tham gia của người dân vào công việc của chính quyền” với chiêu bài phản biện chính sách, phản biện xã hội, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ môi trường,... để hình thành tâm lý phản kháng, ý thức đấu tranh của quần chúng chống lại các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, gây mất ổn định chính trị, xã hội. Đó chính là hành động “diễn biến hòa bình” quen thuộc nhưng thâm độc mà các thế lực thù địch, phản động đang triển khai để chống phá Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua.
Thời gian qua, các thế lực thù địch ở nước ngoài đã hậu thuẫn cho số đối tượng chống đối chính trị trong nước lập ra các tổ chức, hội, nhóm bất hợp pháp mà họ khoác cho “chiếc áo” tổ chức “xã hội dân sự”. Trong các tổ chức, hội, nhóm này, người cầm đầu và số người tham gia về cơ bản đều là các đối tượng chống đối chính trị, có hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia. Sau khi thành lập, các tổ chức, hội, nhóm này cũng tiến hành nhiều hoạt động chống đối chính trị. Mục tiêu của các tổ chức, hội, nhóm là núp dưới danh nghĩa tổ chức “xã hội dân sự” để dễ lừa bịp quần chúng tin và đi theo, khi lực lượng đủ mạnh thì tìm mọi các công khai hóa, hợp pháp thành tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng sản.
Về bản chất, đây đều là cách để chúng nhen nhóm tổ chức chống chính quyền (tổ chức “xã hội dân sự” thuần túy không tham gia hoạt động chính trị, không vì mục tiêu giành và giữ chính quyền). Chính vì vậy, không thể công nhận và không cho phép hoạt động công khai, hợp pháp các tổ chức như diễn đàn “xã hội dân sự”, Hội Anh em dân chủ, Hội Nhà báo độc lập,...
Tất nhiên, các thế lực thù địch lợi dụng, đánh tráo khái niệm “xã hội dân sự” để lừa mị những người nhẹ dạ, mơ hồ, dao động. Bởi vì thế, chúng ta cần hiểu đúng để nhận thức rõ âm mưu, ý đồ chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị núp bóng “xã hội dân sự”; không cổ xúy cho sự phát triển của “xã hội dân sự”; không nhận những lời mời tham gia các tổ chức, hội, nhóm trên mạng xã hội để rơi vào “bẫy” của các thế lực thù địch, dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”./.
Huyền Linh