Ảnh minh họa
Quỹ thời gian 24 giờ mỗi ngày có thể chia ra 8 tiếng học tập, làm việc trí óc; 8 tiếng ngủ, nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng cho ngày làm việc tiếp theo và 8 tiếng còn lại cho các hoạt động khác như tập thể dục, lưu thông trên đường và dinh dưỡng, trong đó phải ưu tiên cho ăn uống ít nhất là 3 tiếng bao gồm các buổi ăn sáng, trưa, chiều kể cả ăn xế và ăn tối.
Về chất cần bổ sung đầy đủ 4 nhóm: Tinh bột, đạm, béo, vitamin và khoáng chất. Trong đó, chất sinh năng lượng nhiều nhất là tinh bột chiếm hơn 60%, chất béo 20% và chất đạm 15%. Tỷ lệ còn lại là vitamin và khoáng chất bao gồm cả chất xơ cần 3g/ngày.
Trong dinh dưỡng quan trọng nhất là nước. Nước cung cấp lượng dịch cần thiết cho các phản ứng lý hóa của cơ thể, là dung môi hòa tan các chất hữu cơ và vô cơ, giúp cho quá trình hấp thu, chuyển hóa, thải trừ. Nước bảo vệ các mô và cơ quan trong cơ thể như dịch ổ khớp, dịch não tủy. Nước bài tiết qua tuyến mồ hôi ở da giúp điều chỉnh thân nhiệt. Nhu cầu nước khoảng 2 lít mỗi ngày.
Khi thiếu dinh dưỡng cơ thể sẽ mệt lả và ảnh hưởng đến chất lượng học tập. Sâu xa hơn về phương diện lâm sàng, thiếu vitamin có thể bị rối loạn hệ thần kinh với các biểu hiện cáu gắt, mất ngủ, giảm khả năng lao động,... thậm chí rối loạn chuyển hóa trong cơ thể.
Bữa ăn cân đối cần có đủ 4 nhóm thực phẩm gồm: Nhóm sinh năng lượng như tinh bột có từ gạo, sắn, ngô, khoai; Nhóm chất đạm động vật có trong thịt, cá, trứng, sữa; đạm thực vật trong đậu, nấm…; Nhóm chất béo động vật như mỡ cá, mỡ gà có nhiều omega 3, chất béo thực vật như dầu hạt cải, dầu nành, dầu mè; Nhóm vitamin, khoáng chất và các chất xơ có từ các loại rau, củ, trái cây.
Riêng vitamin cơ thể không tự tổng hợp được mà phải cung cấp từ thức ăn. Các rau củ có màu đỏ vàng như cà rốt, cà chua và các loại rau xanh chứa tiền vitamin A làm sáng mắt; gan, cá hồi , sữa có vitamin B6 bổ thần kinh, bí đỏ chứa acid glutamic tốt cho não; bột mì, hạnh nhân chứa vitamin E tốt cho da; cam chanh, bưởi, hành tây, ổi chứa vitamin C tăng sức đề kháng chống mệt mỏi, cảm cúm; gạo, bột mì, nấm chứa vitamin B1 tốt cho thần kinh, tim và não; măng tây, rau xanh, gan, trứng chứa Vitamin B9 bổ máu; các loại pho mát làm từ thịt dê, thịt cừu, sữa tươi, sữa đậu nành chứa vitamin B12.
Quý vị phụ huynh nên chọn thực phẩm sạch từ những cửa hàng, siêu thị và chế biến sạch cho các em. Trong các thức ăn vặt như hạt chia, óc chó, hạt điều có chứa axit béo omega-3 giúp cải thiện sức khỏe não bộ, vitamin B6 bổ não và giảm triệu chứng tiền kinh nguyệt ở nữ. Kẽm tăng cường miễn dịch, giúp tiêu hóa và bảo vệ thị lực,… Ngoài ra, các thức ăn này còn giúp trẻ giảm cảm giác lo lắng, bồn chồn cũng như áp lực quá cao khi học thi.
Cần có một chế độ dinh dưỡng đa dạng, đầy đủ các chất protein, vitamin và khoáng chất,… giúp tăng cường khả năng miễn dịch. Người suy dinh dưỡng sẽ dễ mắc bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, virus vì thế phải bổ sung hợp lý các chất dinh dưỡng.
Dinh dưỡng miễn dịch là cách ăn uống khoa học để cơ thể nâng cao khả năng miễn dịch, tăng sức đề kháng chống lại bệnh tật. Hai yếu tố ảnh hưởng tới chức năng của hệ thống miễn dịch là chế độ dinh dưỡng và giấc ngủ.
Giấc ngủ rất quan trọng đối với sức khỏe, mất ngủ sẽ mất tập trung, giảm nhận thức và phản ứng chậm. Sau một ngày hoạt động, cơ thể cần thời gian nghỉ ngơi để phục hồi hệ thống miễn dịch và bài tiết các chất độc hại. Các học sinh cần 7-8 tiếng cho một giấc ngủ đêm mỗi ngày. Nên ngủ lúc 22 giờ và thức lúc 5, 6 giờ sáng, buổi trưa ngủ khoảng 30 phút. Giấc ngủ sinh lý là giấc ngủ có chất lượng tốt, khi tỉnh dậy thấy sảng khoái. Cần tránh xa các thiết bị điện tử và không ăn uống nhiều trước khi đi ngủ. Về không gian nên ngủ trong phòng đủ không khí, ít ánh sáng giúp tuyến tùng sản xuất ra melatonin điều hòa nhịp sinh học ngủ - thức.
Bên cạnh việc học hành nghỉ ngơi, học sinh nên vận động thể lực khoảng 30 phút mỗi ngày sẽ giúp cơ thể tránh mệt mỏi, căng thẳng, giúp tỉnh táo, tăng cường trí nhớ. Tập thể dục sẽ giúp cơ thể cải thiện khả năng bơm máu của tim, điều hòa huyết áp và hạ cholesterol, cải thiện tâm trạng, giúp ngủ ngon và tăng cường sức khỏe cơ xương khớp. Vận động thể lực cũng bao gồm bơi, đi bộ, đạp xe, tập yoga,…
Các sản phẩm bảo vệ và nâng cao sức khỏe đường uống gọi chung là thuốc bổ. Thuốc bổ não ginkgo biloba làm tăng tuần hoàn não giúp trí nhớ. Thuốc bổ gan chứa silymarin. Thuốc bổ máu có nhiều vitamin B12, acid folic. Thuốc bổ thần kinh có B6. Thuốc bổ cơ xương khớp có glucosamin. Nhân sâm làm tỉnh táo tinh thần do cân bằng adrenalin ở thần kinh trung ương giúp minh mẫn, sáng suốt,…
Trong những thời điểm quan trọng như thi cử, ngoài việc dinh dưỡng điều độ, tập thể dục và nghỉ ngơi vẫn có thể bổ sung thêm thuốc bổ nhưng chỉ với liều lượng vừa phải để tăng sự tỉnh táo sáng suốt. Nên chọn mua thuốc bổ tại những thương hiệu uy tín được nhà nước cho phép và trao đổi với chuyên gia y tế để có sự tư vấn tốt nhất. Khi dùng thuốc bổ cần lưu ý liều dùng và liệu trình. Uống nhiều nước khi dùng thực phẩm chức năng để sự hấp thu, chuyển hóa được thuận lợi.
Phụ huynh lưu ý các thuốc bổ tăng tuần hoàn não chỉ có khả năng phục hồi sự suy giảm trí nhớ do rối loạn tuần hoàn não trở về mức bình thường chứ không làm vượt qua mức bình thường trước đó, không làm tăng chỉ số thông minh. Nếu tăng liều để tăng cường trí tuệ là không có hiệu quả thực tế.
Phụ huynh đồng hành với con trong học hành và chọn trường đại học nhưng không tạo áp lực nhất là ở những thời điểm quan trọng như kỳ thi này./.
DS CK2. Lý Thị Nhất Định