Tiếng Việt | English

19/01/2020 - 20:30

Chạnh thương hương tết quê nhà...

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet
Có một mùi hương ngọt lành, luyến lưu suốt chiều dài thơ ấu, thầm ngấm và lan tỏa rất đỗi diệu kỳ trong tâm thức, để bây giờ, trên những bước chân cuối năm bộn bề bao dự cảm, bỗng dưng quay quắt nhớ, chạnh lòng thương đến lạ lùng. Ấy là hương tết!

Những ngày cuối Chạp, trong vô vàn thanh âm huyên náo phố phường, thoảng nghe đâu đó thoáng hơi xuân bịn rịn vừa nhen lên rất nhẹ. Nhìn mấy chậu cúc vàng, vạn thọ đang chúm chím nhoẻn những nụ hoa đầu, bất giác cảm thức tết giục tôi làm cuộc “hành hương” trở về một nẻo ký ức quê nhà, gối đầu lên quê hương, lặng yên mà cảm nhận hương tết.

Ai đó hơn một lần từng nhắn nhủ những người con tha phương, tết là để về nhà. Phải đâu phố thị xô bồ này không có tết? Hẳn không phải rồi, vì tết có ở muôn nơi, công bằng với muôn người. Nhưng chắc chắn rằng, nếu bạn muốn tìm thấy “chất tết” đích thực, cái dư vị đó chỉ có thể được chưng cất và bung tỏa nồng nàn giữa tần tảo vốn quê.

Tôi nhớ đến nôn nao bắt đầu từ cái mùi hỗn hợp của chợ tết quê nhà. Cái mùi không rõ rệt nhưng lại có một hấp lực đặc biệt. Mùi bánh mứt, áo quần, thịt cá, mùi nếp dẻo thơm từ những con tò he ngộ nghĩnh cho đến những thiếp giấy vàng mã ngập sắc màu hòa quyện với thoang thoảng hoa xuân, một làn khói hương trầm khắc khoải, cứ thế tung tẩy, biến tấu trong một không gian ồn ã, náo động những ngày cuối năm.

Còn nhớ thuở nhỏ, trong phiên chợ giáp tết, mẹ tôi bao giờ cũng không quên mua về một bó mùi già để nấu thành nồi nước tắm chiều 30. Cây mùi già khi đun lên cho mùi thơm dịu nhẹ và lưu lại mùi hương rất lâu, phảng phất cả mấy ngày tết. Dân gian quan niệm, ngày cuối năm được tắm gội bằng thứ “nước thơm” ấy sẽ giúp người người trút bỏ được bao muộn phiền của năm cũ, những ước nguyện chưa tròn còn lẩn khuất canh cánh trong tâm tư.

Và hẳn rằng sẽ không còn tết nếu thiếu đi mùi khói hăng hắc, cay nồng của bếp tết chiều xuân. Trong tiết trời se lạnh, bếp tết gần như ủ lửa cả ngày, giòn tan trong tiếng cười của các mẹ, trong tiếng bi bô giành ăn, lăng xăng phụ giúp người lớn của trẻ con khi nhóm lửa nồi bánh chưng, bánh tét đang réo sôi ùng ục. Nhìn từng làn khói mỏng bảng lảng bay lên từ chái bếp mà nghe lòng ấm áp đến lạ thường.

Có một mùi hương bao đời nay đã trở thành điểm nhấn đặc biệt ngày tết, khiến lòng người nôn nao mỗi khi ngửi thấy, để chợt dâng lên niềm tưởng nhớ vô bờ, ấy là mùi khói nhang. Dịp tết, nhà nhà thường chọn nhang trầm để thắp lên bàn thờ tiên tổ. Mùi hương ấy là hiện thân của hơi ấm diệu kỳ, là tiếng nói của tâm linh, nguồn cội; cây nhang, ngọn khói trở thành sợi dây kết nối thiêng liêng giữa người còn sống và người đã khuất để người ta tin rằng, người thân của mình đã tụ về gần gũi, chuyện trò cùng nhau. Khói nhang đêm 30 tết càng nồng đượm hơn, huyền hoặc và hoài cổ hơn khi cứ quẩn quanh, bịn rịn níu chân người mà bâng khuâng, nhẹ bẫng. Còn nữa, đó là mùi bánh mứt dịu thơm bên tách trà nóng mỗi sớm xuân. Chầm chậm hít hà hương trà rồi nhấp một ngụm, thong thả cảm nhận vị ngọt tê đầu lưỡi. Mùi của mứt dừa béo ngậy, mứt gừng cay nồng, bánh kẹo ngọt say,... cứ thế quyện vào nhau, vun đầy nên cảm thức tết.

Hoa xuân cũng biến tấu tươi vui thành những phức điệu nồng nàn. Tết đến, nhà nhà đều chưng vài chậu hoa, nào cúc vàng, vạn thọ, hoa hồng, hoa ly,... thêm chậu mai vàng điểm xuyết cho bức tranh tết đặn đầy dư vị. Hoa bưởi vườn nhà, bén hơi xuân cũng ngập ngừng dâng hương bẽn lẽn, thoang thoảng phiêu diêu nhưng cũng đủ để mê dụ lòng người. Tết quê nhà, có một mùi hương đã lùi vào quá vãng xa xưa song vẫn lay thức nhẹ nhàng mỗi khi hồi tưởng lại, ấy là mùi xác pháo, từng ám ảnh cả một chiều dài vời vợi tuổi thơ... 

Tết là để về nhà. Về theo tiếng gọi quê hương trìu mến, về nghe mùi thanh tân êm dịu của đất trời đang trổ Giêng. Và hơn hết, về để đắm mình vào hương tết ngập tràn trong hơi ấm gia đình, tình thân bên mâm cơm điền viên chan chứa ân tình những ngày đầu năm mới./.

Ngô Thế Lâm

Chia sẻ bài viết