Tất cả ðể chiến thắng
Sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường Việt Nam, năm 1953, để cứu vãn tình thế, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ cho ra đời Kế hoạch Nava tăng viện trợ lớn về binh lực và chi phí chiến tranh với âm mưu trong vòng 18 tháng sẽ kiểm soát lãnh thổ nước ta và bình định cả Nam Đông Dương.
Trước tình hình trên, tháng 9/1953, Bộ Chính trị họp bàn và quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân với phương châm: Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt, tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta, chọn nơi địch sơ hở và nơi tương đối yếu mà đánh, chọn những hướng địch có thể đánh sâu vào vùng tự do, đẩy mạnh chiến tranh du kích, giữ vững thế chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán lực lượng.
Khi phát hiện hướng tiến công chiến lược của ta vào Tây Bắc, Lai Châu và Thượng Lào, Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp cho quân nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ. Tuy là kế hoạch nằm ngoài dự kiến ban đầu của Kế hoạch Nava nhưng các tướng lĩnh Pháp và Mỹ liên tiếp cho tăng cường lực lượng, xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm phòng ngự mạnh nhất Đông Dương, là cứ điểm có ý nghĩa chiến lược khống chế cả một vùng rộng lớn Tây Bắc và Thượng Lào.
Ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến chiến dịch Đông - Xuân 1953 - 1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch do Ðại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.
Với ý nghĩa quan trọng đó, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy quyết định tập trung 4 đại đoàn bộ binh, 1 đại đoàn công pháo với tổng quân số trên 40.000 quân. Cả nước tập trung sức mạnh cho mặt trận Điện Biên Phủ với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Các đơn vị bộ đội chủ lực nhanh chóng tập kết, ngày đêm bạt rừng, xẻ núi mở đường, kéo pháo, xây dựng trận địa, sẵn sàng tiến công địch. Hơn 261.000 dân công, thanh niên xung phong bất chấp bom đạn hướng về Điện Biên bảo đảm hậu cần phục vụ chiến dịch.
55 ngày đêm làm nên lịch sử
Nắm chắc thời cơ khi đại bộ phận quân chủ lực của địch ở Nam bộ rút gần hết ra tăng cường cho chiến trường Bắc bộ, Tây Nguyên và Trung Lào, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích các tỉnh (trong đó có Tân An, Chợ Lớn) phối hợp chặt chẽ tiến công liên tiếp tiêu diệt địch ở khắp nơi. “Rất nhiều đồn bót, tháp canh của địch bị lực lượng vũ trang địa phương tiêu diệt. Vùng giải phóng mở rộng xã liền xã, huyện liền huyện, tạo thành vùng tự do rộng lớn nối liền các tỉnh từ miền Đông xuống miền Tây” - ông Trần Văn Bốn (SN 1933), ngụ ấp Cả Đá, xã Tân Thành, huyện Mộc Hóa, từng tham gia chiến đấu trong giai đoạn ác liệt này, nhớ lại.
Ngày 07/5/1954, lá cờ chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries (Nguồn: Internet)
Trải qua 55 ngày đêm (từ ngày 13/3 đến 07/5/1954) chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống hơn 16.000 tên địch, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ôtô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng của địch. Chiến thắng này đã giáng đòn quyết định tạo bước ngoặt lịch sử làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh giữa ta và địch, trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Cùng với cả nước, thời kỳ năm 1951-1954 cũng là giai đoạn lịch sử sôi động nhất của Đảng bộ và nhân dân Tân An (Long An ngày nay) trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trước những khó khăn, ác liệt do kẻ thù tập trung bao vây, chia cắt và càn quét liên tục, các cấp bộ Đảng trong tỉnh, các huyện Vàm Cỏ, Thủ Thừa, Mộc Hóa bình tĩnh, tự tin, không ngừng củng cố về tổ chức, cùng nhân dân đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích, phong trào địch ngụy vận và công tác kinh tế tài chính, mở rộng căn cứ địa, xây dựng cuộc sống mới ở vùng giải phóng.
Theo ông Lê Văn Hài (SN 1930), ngụ ấp 7, xã Phước Đông, huyện Cần Đước (từng tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương), thời điểm này, nhiều nơi quân địch cố thủ trong các đồn bót, không dám tổ chức càn quét lấn chiếm như trước. Chính quyền cách mạng và lực lượng du kích hoạt động gần như công khai. Song song đó, tin tức từ mặt trận Điện Biên Phủ liên tiếp dội về càng cổ vũ mạnh mẽ tinh thần quân dân ta ở những vùng sau lưng địch.
Trên địa bàn Long An, ngày 24/02/1954, Tiểu đoàn 309 phối hợp quân dân huyện Vàm Cỏ đánh trận Miễu Bà Cố, diệt và bắt hàng trăm tên địch. Ở tỉnh Gia Định Ninh, tháng 02/1954, quân dân ta đánh trận Mỹ Thạnh Đông, bẻ gãy cuộc càn của Tiểu đoàn 62 BVN vào Đức Hòa Thành, diệt nhiều sinh lực địch, bứt rút hàng chục đồn bót và tháp canh, làm chuyển biến thế trận của ta và địch ở Đức Hòa Thành và Trung Huyện,... Những thắng lợi trên góp phần đáng kể kéo căng lực lượng địch trên chiến trường miền Nam, làm nên chiến thắng chung cho toàn dân tộc.
64 năm trôi qua nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên giá trị lịch sử. Đó là chiến thắng mang tầm vóc thời đại, “một cái mốc chói lọi bằng vàng” trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, là cơ sở quan trọng để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vững tin dám đánh, quyết đánh và đánh thắng Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước./.
An Kỳ (Theo các tài liệu lịch sử)