Tiếng Việt | English

29/04/2025 - 18:30

Hào hùng quá khứ, rạng rỡ tương lai

Công viên Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” (ảnh: Thanh Nga)

Những ngày tháng tư lịch sử, trên dải đất hình chữ S từ Bắc chí Nam, lòng người dân Việt Nam đều hướng về Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Hướng về quá khứ, các thế hệ hôm nay càng thêm tự hào về truyền thống hào hùng, như được tiếp thêm động lực xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển, vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

50 năm trôi qua kể từ ngày non sông thu về một mối, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Long An nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục sản xuất và không ngừng phát triển KT-XH. Những “vùng đất chết” do “đạn xới, bom cày” giờ đã “hồi sinh”. Những “vùng trắng” năm nào cũng mang một màu xanh no ấm, trù phú. Đời sống người dân từ chỗ “cơm không no, áo chưa đủ mặc” giờ đã đủ đầy về vật chất lẫn tinh thần.

Trong thời chiến, Long An án ngữ ở cửa ngõ phía Tây Sài Gòn, có vị trí chiến lược quan trọng nên trở thành chiến trường ác liệt. Bao đau thương, hy sinh của một thời khói lửa chiến chinh hằn sâu trên mảnh đất 8 chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Sau ngày giải phóng, một thời “máu và hoa” ấy trở thành truyền thống quá khứ hào hùng, hun đúc niềm tự hào để các thế hệ hôm nay và mai sau tiếp bước dựng xây tương lai.

Long An với vị trí tiếp giáp TP.HCM, cửa ngõ Đồng bằng Sông Cửu Long được xem là cầu nối giữa Đông và Tây Nam Bộ. Vị trí “đắc địa” đưa Long An trở thành một trong những tỉnh, thành phố nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thu hút khá nhiều nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Toàn tỉnh có 20.165 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 400.967 tỉ đồng; thu hút 1.409 dự án FDI với tổng vốn hơn 12,7 tỉ USD;...

Sau 50 năm giải phóng, Long An đã chuyển mình “ngoạn mục” trong phát triển công nghiệp. Nhiều vùng kháng chiến xưa giờ trở thành khu, cụm công nghiệp với nhiều doanh nghiệp hoạt động, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân địa phương. Trên bản đồ kinh tế Việt Nam, Long An còn ghi dấu ấn với Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố cả nước; Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) xếp hạng 12 trong bảng xếp hạng cả nước; là 1 trong 10 địa phương thu hút FDI đứng đầu cả nước. Đặc biệt, tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) trong quí I-2025 đạt 7,2% - mức tăng trưởng cao nhất so cùng kỳ 3 năm gần đây, đứng tốp 5 Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và tốp 4 Vùng Đông Nam Bộ.

Bức tranh kinh tế nông nghiệp cũng khởi sắc không kém, những vùng hoang hóa, khô cằn giờ phủ xanh “cây lành, trái ngọt”. Đặc biệt, chủ trương tiến quân khai phá vùng Đồng Tháp Mười đã “đánh thức” vùng đất “khỉ ho, cò gáy”. Vùng Đồng Tháp Mười hoang vu giờ chỉ còn trong quá khứ; còn hiện tại, nói đến vùng đất này, người ta nghĩ ngay đến vựa lúa lớn của cả tỉnh.

Đặc biệt, những năm gần đây, Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp như thổi một luồng gió mới vào sản xuất, mở ra cánh cửa đầy triển vọng cho nông nghiệp vươn xa. Nhiều nông dân thay đổi tập quán canh tác, tư duy chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp với hướng phát triển bền vững, hiện đại. Từ sản xuất lúa 1 vụ năng suất bấp bênh, giờ nông dân đã sản xuất 3 vụ lúa/năm, góp phần nâng sản lượng lúa năm 2024 của tỉnh lên con số hơn 3,1 triệu tấn, trong đó lúa chất lượng cao chiếm 72%.

Bức tranh KT-XH của tỉnh sau 50 năm giải phóng còn mang nhiều nét chấm phá với hệ thống hạ tầng được đầu tư quy mô, đồng bộ từ đô thị đến nông thôn. Ở nông thôn hay vùng biên giới, đường nhựa đã dẫn về tận trung tâm xã; đường nội đồng cũng cứng hóa bảo đảm không lầy lội vào mùa mưa. Một Long An với hình ảnh xuồng, ghe làm phương tiện đi lại chính đã không còn.

Ở những huyện phát triển công nghiệp, nhiều tuyến đường tỉnh được chọn làm công trình trọng điểm qua các kỳ đại hội Đảng tiếp tục mở đường cho phát triển. Cùng với giao thông đường bộ thông suốt, rộng mở, hệ thống trường lớp, y tế, điện, nước,... cũng được đầu tư, đưa mức sống người dân lên tầm cao mới. Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa luôn được quan tâm thực hiện tốt.

Long An sau 50 năm giải phóng đã vươn mình bứt phá trên mọi lĩnh vực. Nửa thế kỷ trôi qua mà khí thế ngày toàn thắng vẫn hừng hực mỗi độ tháng tư về. Nhớ về truyền thống hào hùng trong quá khứ, chúng ta càng trân trọng ghi nhớ công ơn của thế hệ cha ông và nguyện tiếp bước dựng xây tương lai rạng rỡ. Đó là một Long An hiện đại, văn minh, nghĩa tình và không ngừng phát triển trong tương lai./.

Long An

Chia sẻ bài viết