Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2018. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã thảo luận về một số vấn đề đang là điểm nóng, thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận.
Chống độc quyền sách giáo khoa
Báo cáo về vấn đề độc quyền xuất bản sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết theo quy định của Luật Giáo dục và Luật Xuất bản hiện hành, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là đơn vị duy nhất được giao xuất bản sách giáo khoa.
Từ cuối năm 2017 đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép thêm 5 nhà xuất bản được tham gia xuất bản sách giáo khoa và sẽ tiếp tục xem xét mở rộng cấp phép.
Về tỷ lệ chiết khấu sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết sách giáo khoa là mặt hàng thuộc diện quản lý giá của Nhà nước và được trợ giá, có tỷ lệ chiết khấu khi phát hành từ 20-25% thấp hơn mức trung bình so với tỷ lệ chiết khấu các loại sách khác là từ 35-40%.
Bộ trưởng cũng cho biết thêm hiện tỷ lệ tái sử dụng sách giáo khoa là khoảng 35%. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản yêu cầu giáo viên hướng dẫn học sinh không làm bài tập trực tiếp vào sách giáo khoa để nhắc nhở, rèn các em ý thức giữ gìn đồ vật, tài sản. Tuy nhiên, có thực tế là nhiều phụ huynh muốn con em mình viết trực tiếp vào sách giáo khoa.
Nêu quan điểm về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ có tình trạng độc quyền của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và tình trạng này đã được phân tích khi xây dựng Đề án đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phải xóa độc quyền.
Cho ý kiến về lĩnh vực giáo dục tại buổi làm việc phiên họp chiều nay, đối với vấn đề sách giáo khoa, do có nhiều quan điểm trái chiều từ biên soạn nội dung, in ấn, phát hành, gây bức xúc dư luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có báo cáo, giải trình rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội, dư luận quan tâm.
Về nội dung biên chế giáo viên được dư luận quan tâm, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chung là thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương; rà soát, tổ chức sắp xếp lại các điểm trường, điều chuyển, sắp xếp biên chế phù hợp, kịp thời với nguyên tắc không được để thiếu giáo viên, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh.
Phải chăng khâu thực thi ở các cấp chưa hiệu quả?
Trong kết luận phiên họp, phân tích sâu về những khó khăn mà nền kinh tế đang phải đối mặt, Thủ tướng cho rằng hiện đang có những rủi ro về tỷ giá.
Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá linh hoạt hơn, hạn chế nhập siêu; tiếp tục theo dõi tình hình quốc tế, có giải pháp kịp thời bảo đảm lãi suất và tỷ giá, thị trường ngoại hối, tránh đột biến.
Trước thực trạng vốn FDI giảm so với cùng kỳ, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương lưu ý điều này để có giải pháp hợp lý. Cùng với đó là đánh giá cơ hội để đón đầu các dự án đầu tư dịch chuyển sang Việt Nam.
Nhìn nhận về việc mặc dù 9 tháng đầu năm có trên 96.600 doanh nghiệp thành lập mới, trong bối cảnh Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt cải hiện môi trường đầu tư kinh doanh nhưng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng cao, Thủ tướng yêu cầu cần xác định nguyên nhân của tình trạng này và đặt câu hỏi: “Phải chăng khâu thực thi ở các cấp chưa hiệu quả?.”
Thủ tướng lưu ý các địa phương, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cần đặc biệt chú trọng công tác cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế
Đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt cận trên chỉ tiêu Quốc hội giao là 6,7%, Thủ tướng khẳng định quyết tâm của Chính phủ sẽ phấn đấu đạt cao hơn.
Giao những nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, Thủ tướng chỉ đạo sản xuất nông nghiệp cần chú trọng khâu chế biến, xuất khẩu, xây dựng chuỗi giá trị. Bộ Công thương tiếp tục các dự án lớn có sức lan tỏa. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chú trọng phát triển du lịch chất lượng cao, chú trọng chất lượng dịch vụ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công...
Quang ảnh Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2018. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Nhấn mạnh mục tiêu của tái cơ cấu nền kinh tế là hướng đến giảm sự phụ thuộc vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Thủ tướng lưu ý cần phải coi trọng hơn sức cầu trong nước. Do đó, cần có chính sách “dưỡng sức dân, dưỡng sức doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân." Bên cạnh đó là phát triển năng lực cạnh tranh của các đô thị; đưa khoa học công nghệ trở thành động lực tăng trưởng mới.
Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý tăng sự kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước khi tổng kết 30 năm chiến lược thu hút đầu tư FDI.
Nhấn mạnh hoàn thiện thể chế và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vẫn là cần thiết, Thủ tướng lưu ý có sự “chững lại” của một số cơ quan chức năng trong việc này và chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện các dự án luật để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp sắp tới, khẩn trương cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết.
Trăn trở trước tình trạng tín dụng đen và cho vay nặng lãi tiếp tục diễn tiến nghiêm trọng tại nhiều địa phương, tại phiên họp, Thủ tướng một lần nữa yêu cầu Bộ Công an tập trung xử lý tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhân dân, trong đó có việc một số băng nhóm xã hội.
Nêu ví dụ điển hình về hoạt động của băng nhóm xã hội ở chợ Long Biên, Thủ tướng chỉ đạo “phải kiên quyết xử lý, trừng trị nghiêm khắc."
Tại phiên họp, Thủ tướng yêu cầu hai tổ công tác của Thủ tướng đẩy mạnh kiểm tra thực tế và báo cáo Thủ tướng về những sai phạm của những đơn vị được kiểm tra và đề xuất giải pháp xử lý.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành chuẩn bị tốt các nội dung, nhiệm vụ được giao cho Hội nghị Trung ương 8 và kỳ họp Quốc hội sắp tới; “không để xảy ra tình trạng chậm trễ các văn bản được giao,” nhất là Luật Đầu tư công sửa đổi và Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch./.
Theo TTXVN