Trả em học bóng rổ tại Học viện Thể thao Sài Gòn. Ảnh: Đ.N
Các bậc cha mẹ ngày càng có ý thức cho con chơi thể thao từ nhỏ. Nhưng nhiều người bối rối trong việc quyết định chọn môn nào giữa bóng rổ, bóng đá, bóng bàn, cầu lông, bơi lội, võ thuật... cho trẻ.
Lo sợ chấn thương
Bà Trần Ngọc Huệ (34 tuổi, Phú Nhuận, TP.HCM), một phụ huynh có con đang học bóng rổ, nói: “Gia đình tôi không có gen cao (cha mẹ đều không ai cao quá 1,65m) nên cho con đi học bóng rổ để cháu có thêm cơ hội phát triển chiều cao. Có điều cháu nhà tôi năm nay mới 6 tuổi nên chơi bóng rổ thấy có vẻ nguy hiểm. Chơi các môn bơi lội, đạp xe thì cháu lại không thích lắm vì kém hấp dẫn”.
Chấn thương là lo sợ lớn nhất của các phụ huynh khi cho con chơi thể thao, đặc biệt là các môn thể thao đối kháng. Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Võ Châu Duyên (trưởng đơn vị y học thể thao Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM) cho biết: “Bóng đá và bóng rổ là môn thể thao vận động toàn thân và yêu cầu tính phối hợp cao. Chơi bóng đá hoặc bóng rổ giúp trẻ phát triển khung xương và cơ, giảm nguy cơ bị béo phì và nâng cao khả năng hoạt động nhóm. Tuy nhiên, hai môn thể thao này tiềm ẩn nguy cơ chấn thương rất cao. Các chấn thương thường gặp ở khớp cổ chân hoặc khớp gối, có thể là bong gân, trật khớp hoặc thậm chí gãy xương nếu bị va chạm mạnh. Đối tượng dễ chấn thương là các bé có khớp lỏng lẻo hoặc trẻ có khối cơ ít. Nếu phụ huynh thấy trẻ quá ốm hoặc khớp dẻo hơn bình thường thì nên cân nhắc khuyên trẻ không nên chơi hai môn này.
Môn cầu lông và võ thuật có tính đối kháng trực tiếp và đòi hỏi nhiều về kỹ thuật, động tác, trẻ chơi các môn này sẽ gia tăng sự khéo léo và dẻo dai của cơ thể bên cạnh sự phát triển về xương và cơ bắp. Khả năng bị chấn thương của các môn này cũng khá cao và thường tập trung ở vùng chi trên như khớp bả vai và khớp khuỷu. Vì vậy, trẻ cần phải học tập có bài bản những động tác và kỹ thuật để hạn chế tối đa chấn thương khi thi đấu những môn thể thao này”.
Với các HLV, việc lựa chọn giáo án huấn luyện phù hợp để trẻ không bị chấn thương luôn là ưu tiên hàng đầu. Ông Nguyễn Thành Nam - HLV một trung tâm bóng đá và cũng là giáo viên Trường tiểu học Trần Bình Trọng (Q.5, TP.HCM) - cho biết ở trung tâm của ông ngày càng tiếp nhận thêm nhiều học viên trong độ tuổi từ 6-8. Điều này cũng phát sinh một vấn đề khác, các em trong độ tuổi này chưa thể làm quen với các kỹ năng chơi bóng.
“Tôi phải lập ra những giáo án riêng, có vẻ chẳng liên quan gì đến đá bóng, cho các học viên dưới 8 tuổi. Các em ở độ tuổi này thường chỉ nên chơi những trò chơi vận động, làm quen dần với việc chạy nhảy, nhún bật chứ chưa thể học các kỹ năng đá bóng. Ngay đến cả banh cỡ số 4 cũng là quá lớn với các em. Vì vậy trong lớp của tôi, các em dưới 8 tuổi thường chơi các trò chơi chuyền bóng bằng tay hoặc ôm bóng chạy...” - ông Nam nói.
Học sinh Trường Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) học bóng bàn tại CLB của cựu tuyển thủ Hồ Ngọc Thuận. Ảnh: M.Q
Nên chơi nhiều môn
Nhiều HLV chuyên nghiệp cũng thừa nhận các môn thể thao đều có những mặt trái riêng, đặc biệt khi đối tượng chơi là các em nhỏ. Trao đổi về việc nên cho trẻ em chơi bóng rổ từ độ tuổi nào, HLV người Anh Anthony Garbelotto của đội bóng rổ Saigon Heat nói: “Tôi khẳng định... 1.000% trẻ em dưới 10 tuổi nên chơi bóng rổ. Thế một đứa trẻ chơi bóng rổ với cường độ nào là tốt nhất? Đây là một câu hỏi rất hay. Ở lứa tuổi này, các em chỉ nên chơi 2 buổi/tuần và mỗi buổi chỉ 1 giờ là đủ. Ngoài ra, các em cũng nên chơi những môn thể thao bổ trợ khác như bóng đá, tennis, võ thuật... vì như thế sẽ giúp trẻ có cơ hội phát triển nhiều kỹ năng khác nhau. Chúng ta không nên quá tập trung cho một môn thể thao
nào đó”.
Khi nói đến việc chơi thể thao để phát triển hình thể, một số môn như bóng bàn, đạp xe, chạy bộ... thường bị bỏ qua. Nhưng điều này không hẳn đã đúng. Anh Hồ Ngọc Thuận - cựu tuyển thủ bóng bàn và hiện là HLV - cho rằng bóng bàn tuy không phát triển chiều cao nhưng lại hình thành thói quen phản xạ tốt cho các em nhỏ.
“Bóng bàn có thể không cải thiện chiều cao nhiều nhưng đề cao khả năng phản xạ và tính cách quyết đoán, độc lập. Bóng bàn đòi hỏi tay chân phản xạ rất nhanh nhẹn, mắt nhìn xa tốt, rõ, sự quyết đoán... Điều này đặc biệt có lợi khi trẻ chưa phát triển toàn diện về thể chất. Đã có nghiên cứu khoa học khẳng định trong trường hợp có vật gì bất ngờ lao đến mình thì trẻ tập bóng bàn sẽ phản xạ né tránh nhanh hơn nhiều so với trẻ không tập. Tất cả VĐV chuyên nghiệp đều bắt đầu tập từ 5-6 tuổi, chứ không ai bắt đầu sau 10 tuổi vì lúc đó hình thể, phản xạ, thể chất... đã được định hình” - anh Thuận nói.
“Bất kỳ môn thể thao nào cũng giúp phát triển cơ xương khớp, qua đó giúp tăng chiều cao, cơ bắp... Nên nói chung là chơi mọi môn thể thao đều tốt cho trẻ” - bác sĩ Võ Châu Duyên khẳng định.
Thận trọng với hồ bơi So với những môn thể thao đối kháng, bơi lội thường được đánh giá là an toàn hơn vì không có yếu tố va chạm. Bù lại, thực trạng các hồ bơi ở VN thường bỏ nhiều chất clo lại gây ra những nỗi lo khác về bệnh đường hô hấp với trẻ em. Bác sĩ Nguyễn Trương Khương (khoa tai - mũi - họng Bệnh viện FV TP.HCM) cho biết: “Với những người có mũi, xoang nhạy cảm, chất clo trong hồ bơi là một tác nhân gây ra bệnh viêm, hen suyễn. Đặc biệt với trẻ em từ 6 tuổi trở xuống, hệ thống miễn dịch của các em chưa được hoàn thiện sẽ càng dễ bị ảnh hưởng hơn nữa. Từ trước đến nay tôi vẫn thường tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân như vậy. Tất nhiên ở VN chưa có khảo sát, kiểm định cụ thể cho thấy chất lượng hồ bơi ở VN như thế nào hay tương quan giữa chất clo với các bệnh viêm mũi, họng. Nhưng rất nhiều trường hợp phụ huynh cho biết con em mỗi khi bơi lại gặp bệnh về mũi, họng”./. |
Theo tuoitre.vn