Tiếng Việt | English

10/10/2022 - 16:00

Chống biểu hiện 'suy thoái' trong cán bộ nghỉ hưu, nghỉ công tác

Đại đa số đảng viên (ĐV) sau quá trình công tác, cống hiến, khi nghỉ hưu, nghỉ việc, vẫn giữ vững vai trò tiên phong, gương mẫu, tích cực tham gia trong các hoạt động, phong trào của địa phương, góp phần xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, đáng quan tâm hiện nay là không ít ĐV vừa nghỉ hưu, nghỉ công tác đã có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo dức, lối sống,…

Tự đánh mất mình

Chúng ta không phủ nhận một thực tế đại đa số cán bộ (CB), ĐV “nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc”. Nhiều CBĐV sau khi nghỉ hưu, nghỉ công tác, vẫn tham gia vào các vị trí bán chuyên trách, đóng góp công sức, trí tuệ của mình cùng cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, điều hành hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Không ít CBĐV tâm huyết đi đầu trong các hoạt động, phong trào như chung sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đền ơn đáp nghĩa, khuyến học, khuyến tài, nhân đạo, từ thiện,…Trong phong trào thi đua yêu nước của các địa phương và cả nước xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình tiên tiến là CBĐV nghỉ hưu, nghỉ việc, luôn đi đầu trên mọi lĩnh vực.

Tuy nhiên, một thực trạng đáng quan tâm là trong số những CBĐV nghỉ hưu, nghỉ việc có một bộ phận diễn biến tư tưởng không bình thường. Rõ nhất là có nhiều trường hợp đã nghỉ hưu, nghỉ việc hàng năm trời nhưng không chuyển sinh hoạt, thậm chí bỏ hồ sơ ở cơ quan cũ không chuyển sinh hoạt về địa phương. Bên cạnh những ĐV được miễn sinh hoạt theo đúng đối tượng, quy định của Điều lệ Đảng, có không ít ĐV tìm đủ mọi lý do như tuổi cao, sức khỏe yếu, hoàn cảnh gia đình khó khăn,…để xin thôi tham gia sinh hoạt Đảng.

Nhiều ĐV bộc lộ rõ quan điểm đã nghỉ hưu là nghỉ luôn cả sinh hoạt Đảng, không tham gia vào bất cứ công việc gì của Đảng, của dân nữa. Từ suy nghĩ ấy mà những ĐV này thờ ơ với mọi công việc, hoạt động của tập thể, “mũ ni che tai” trước mọi vấn đề ở địa phương. Chẳng những không tham gia góp phần cùng địa phương giải quyết những vấn đề nổi cộm, mà có những CBĐV còn a dua, vào hùa với dân tham gia khiếu kiện kéo dài, gây khó khăn cho cấp ủy, chính quyền cơ sở.

Không ít ĐV khi đang công tác phát ngôn luôn chuẩn mực nhưng khi nghỉ hưu thì ngược lại, toàn nói những điều tiêu cực, tham gia mạng xã hội với những bài viết, chia sẻ, bình luận về mặt trái xã hội. Thậm chí, có những ĐV là cán bộ cấp cao của Đảng đã từng “vào sinh ra tử”, có bề dày thành tích và kinh nghiệm công tác nhưng khi nghỉ hưu lại không giữ được mình, đã có những lời nói và việc làm sai trái không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự cá nhân mà còn ảnh hưởng đến thanh danh của Đảng.

Trước những vấn đề đặt ra từ thực tiễn cuộc sống, nhất là những vấn đề quan trọng, nhạy cảm, phức tạp, không ít CBĐV nghỉ hưu chẳng những không tham gia tuyên truyền, định hướng dư luận mà còn liên kết với những phần tử cơ hội, bất mãn chính trị nói và viết những điều trái với quan điểm, đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát tán những thông tin xấu, độc gây hoang mang trong dư luận, tạo bức xúc trong nhân dân.

Thực chất là biểu hiện của sự suy thoái

“ĐV đi trước, làng nước theo sau”, CBĐV dù đương chức hay khi nghỉ hưu vẫn là người tập hợp, dẫn dắt quần chúng nhân dân thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng. Muốn làm tròn vai trò, trách nhiệm ấy, mọi CBĐV dù đương chức hay đã nghỉ hưu, nghỉ việc phải luôn tiên phong, gương mẫu trước quần chúng. CBĐV không tiên phong, gương mẫu thì sẽ không làm tròn vai trò, vị trí của mình và gây ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng. Cùng với tiên phong, gương mẫu thực hiện cương lĩnh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, CBĐV còn phải chấp hành nghiêm nguyên tắc, điều lệ, kỷ luật của Đảng. Những biểu hiện CBĐV sau khi nghỉ hưu, nghỉ việc phát ngôn tùy tiện, nói và viết trái với quan điểm, đường lối của Đảng; không tham gia tuyên truyền, vận động, định hướng nhân dân mà còn a dua, hùa theo những thông tin sai trái, không chính thống gây nhiễu loạn dư luận,…đó là biểu hiện của sự không tôn trọng kỷ luật, vi phạm nguyên tắc Đảng, suy thoái về tư tưởng chính trị.

Công bằng mà nói, những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến” như trên không hẳn đến khi nghỉ hưu, nghỉ công tác mới xuất hiện mà mầm mống của “căn bệnh” này đã có trong CBĐV từ khi còn đương chức, đang công tác. Điều này đã được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, chỉ rất rõ. Để khắc phục tình trạng trên phải bắt đầu từ trách nhiệm của tổ chức Đảng ở cơ quan, đơn vị, tổ chức nơi mà CBĐV công tác trước khi nghỉ hưu.

Vai trò của cấp ủy các cấp trong công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho CBĐV là rất quan trọng. Đây là công việc thường xuyên của các cấp ủy Đảng, đặc biệt là với đối tượng CBĐV chuẩn bị nghỉ hưu, nghỉ công tác. Nếu ngay từ khi còn công tác đã được giáo dục, rèn luyện, thử thách vững vàng về bản lĩnh chính trị, mọi tâm tư, nguyện vọng được giải quyết thấu lý, đạt tình, có sự chuẩn bị về tâm thế thì chắc chắn CBĐV sẽ tránh được căn bệnh “công thần, kiêu ngạo cộng sản”, đủ sức vượt qua hụt hẫng khi nghỉ hưu, nghỉ công tác.

Thực tế cho thấy, sự phối hợp giữa cấp ủy cơ quan, đơn vị, tổ chức mà CBĐV công tác với tổ chức Đảng địa phương nơi CBĐV nghỉ hưu, nghỉ công tác có nội dung chưa chặt chẽ. Vì vậy, vào lúc giao thời, nhạy cảm, biến đổi lớn này rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp ủy Đảng như đã nói trên.

Điều quan trọng vẫn là nhận thức

Trở thành ĐV của Đảng Cộng sản Việt Nam là niềm tự hào, kiêu hãnh của mỗi người dân Việt Nam, bởi lẽ không phải bất cứ ai cũng có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để trở thành ĐV. Khi đứng vào hàng ngũ của Đảng, chúng ta đã hứa rằng suốt đời phấn đấu cho lý tưởng cao đẹp của Đảng. Do đó, mỗi ĐV cần nhận thức vào Đảng là để phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, phấn đấu cho mục tiêu chung của cách mạng, đem lại cuộc sống hòa bình, ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, trong đó có bản thân và gia đình mình. Chỉ có nhận thức rõ như vậy thì dù đương chức hay khi nghỉ hưu, nghỉ công tác ĐV mới xứng đáng là “đầy tớ trung thành của nhân dân”.

Mọi CBĐV dù đảm nhiệm công việc gì, trên cương vị nào, cũng phải thường xuyên nêu cao ý thức tự rèn luyện, tu dưỡng. Chỉ có thông qua tự rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu, mỗi CBĐV mới không ngừng bồi đắp, nâng cao bản lĩnh chính trị, tăng cường “sức đề kháng”, khả năng “miễn dịch” cho bản thân trước mọi biến đổi và những tác động tiêu cực từ xã hội. Ngay từ khi đang công tác, mỗi CBĐV cần nhận thức rõ nghỉ hưu là quy luật tất yếu mà ai cũng phải trải qua sau thời gian dài cống hiến. Hãy coi việc nghỉ hưu cũng là nhiệm vụ mà Đảng phân công. CBĐV khi nghỉ hưu, không còn chức vụ, quyền hạn nhưng là ĐV thì vẫn phải phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu.

Thực tế cho thấy, với kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình công tác, những ý kiến tâm huyết của CBĐV nghỉ hưu, nghỉ công tác, góp phần rất quan trọng vào xây dựng các nghị quyết lãnh đạo của tổ chức Đảng, các biện pháp quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở. Do đó, ở địa phương nơi cư trú, tùy vào điều kiện, khả năng, trách nhiệm của CBĐV là vẫn phải tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ và kinh nghiệm của mình cho dân, cho Đảng. Chỉ có nhận thức đúng và ý thức rõ như vậy mới giúp CBĐV nghỉ hưu, nghỉ công tác tránh được những biểu hiện suy thoái./.

Huyền Linh

Chia sẻ bài viết