Chuyện khó tin mà có thật: Hà Nội, TP HCM qua thanh tra không phát hiện vụ tham nhũng nào! Ngay cả ngành xây dựng - “tổ sư” của tệ nạn rút ruột công trình, “ăn” sắt thép, xi-măng, vật tư, đất đai - cũng không có tham nhũng. Tham nhũng khó phát hiện vậy sao?
Khó phá thế “chân kiềng”
Tham nhũng không chỉ là “quốc nạn” mà còn là “quan nạn” bởi chỉ người có chức vụ, quyền hạn mới tham nhũng được; còn người dân, cán bộ công chức bình thường khó có thể tham nhũng. Một tổng kết cho thấy gần 80% vụ tham nhũng do quần chúng phát hiện chứ không phải từ các cơ quan chức năng phanh phui. Có phải vì tham nhũng có sẵn “hộ khẩu thường trú” trong các cơ quan ấy rồi?
Phòng chống tham nhũng là đụng tới quan chức, do vậy khó làm đến nơi đến chốn; thường thì nửa vời, qua loa, dè dặt. Con mèo ăn vụng cục mỡ thì bị chủ quật đến chết nhưng con hổ bắt con trâu để ăn thì cả làng trốn sạch. Thời buổi này, hổ rừng thì ít nhưng “hổ” trong chốn quan trường lại chẳng ít tí nào! Các quan tham này lại liên kết, móc ngoặc với nhau, tạo thành một hệ thống từ trên xuống dưới để bao che cho nhau nên người bị phát hiện vi phạm rành rành cuối cùng vẫn “hạ cánh” an toàn, có khi còn được sắp xếp ở vị trí cao hơn.
Các bị cáo hầu tòa trong một vụ án tham nhũng xảy ra tại Công ty Cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ảnh: HỒNG NHUNG
“Quan nạn” đâu chỉ là tham ô tiền bạc, của cải. Các “quan” đó còn nghĩ ra nhiều mưu kế để đầu cơ dự án, công việc mà cái đích là người thân sẽ thầu các dự án đó. Nghiêm trọng hơn tham nhũng tiền của, tài sản là “tham nhũng” trong tuyển dụng, đào tạo. Thay vì tuyển người có năng lực, trình độ, đạo đức đáp ứng nhu cầu công việc, “quan” đó tuyển con cháu, người thân tuy yếu kém nhưng máu loãng còn hơn nước lã vì dễ sai khiến, được ủng hộ, bỏ phiếu, bố trí “ghế”, cho đi học để hợp thức hóa và dần dần bộ máy cơ quan, doanh nghiệp toàn người nhà. Đó mới là nguồn gốc và cũng là nguyên do khiến chống tham nhũng khó thành công.
Chống sao được khi những người có đức, có tài bị phong bế, không dám lên tiếng; đa số còn lại toàn người trong nhà và có quyền lợi liên quan thì dại gì mà đấu tranh, tố cáo. Cho nên, chống tham nhũng ngày càng khó. Không phá vỡ được thế “kiềng chân vạc” của các “quan tham” thì làm sao mà chống được.
Bỏ qua người thân là thua
Phòng chống tham nhũng mà chỉ nhằm tới cá nhân người thực hiện hành vi tham nhũng là chưa đủ. Và sẽ không thể phát hiện ra tham nhũng nếu không coi vợ/chồng, con cái, người thân của quan chức là đối tượng phải giám sát. Có ai dám hỏi các “hổ tử” lấy đâu ra lắm tiền để đi xe hơi sang trọng, ở nhà biệt thự lộng lẫy, có tiền tỉ tham gia góp vốn, mua cổ phần ở các doanh nghiệp. Việc minh bạch tài sản bắt buộc phải kê khai và công khai cả tài sản vợ, chồng, con cái, cha mẹ của quan chức là chủ thể kê khai.
Rất tiếc, theo Thanh tra Chính phủ, tổng hợp kết quả minh bạch tài sản, thu nhập năm 2013 cho thấy có gần 1 triệu người đã kê khai tài sản, thu nhập nhưng chỉ có 5 trường hợp phải xác minh. Trong số này chỉ duy nhất 1 người bị xử lý kỷ luật vì kê khai không trung thực (!). Rõ ràng là việc kê khai minh bạch tài sản còn quá hình thức, chưa giúp được phát hiện tham nhũng.
Quy định về trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng lại mang tính 2 mặt. Vì sợ liên đới trách nhiệm, những người đứng đầu thường che chắn, chỉ đạo, nhào nặn số liệu để biến tham nhũng chỉ còn là khuyết điểm, sơ suất, rồi chỉ xử lý nội bộ (phê bình, nhắc nhở) hoặc chuyển công tác lên cấp cao hơn.
Bảo vệ người tố cáo tham nhũng được coi là biện pháp để ngày càng nhiều người dám dấn thân vào cuộc đối đầu với loại tội phạm này. Do đó, cần hoàn thiện quy chế bảo vệ người tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng. Thực tế, người tố cáo hành vi tham nhũng luôn ở thế yếu so với người có hành vi tham nhũng nên chống tham nhũng là cuộc chiến không cân sức.
Giám sát yếu
Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng hiện nay, công tác giám sát nhằm phát hiện hành vi tham nhũng là khâu yếu. Đặc biệt, việc giám sát cơ quan nhà nước có thẩm quyền hết sức phức tạp.
Dù Nghị định 59/2013/NĐ-CP ngày 17-6-2013 của Chính phủ đã quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng chống tham nhũng về điều kiện bảo đảm quyền yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tiếp cận thông tin thông qua thực hiện công khai, minh bạch, tạo điều kiện để xã hội giám sát hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ công chức... nhưng hoạt động giám sát và phản biện xã hội còn nhiều bất cập. Giám sát và phản biện xã hội là một giải pháp đấu tranh phòng chống, phát hiện tham nhũng hiệu quả nhưng một khi tồn tại những vấn đề trên thì sẽ không còn mấy tác dụng.
Tham nhũng lộng hành mà không thể phát hiện và không sợ bị phát hiện. Đừng để tham nhũng trở thành chuyện thường ngày, chuyện của mọi người, lúc ấy thì hết thuốc chữa. |
Kẻ tham nhũng đang “nằm kèo trên”? Tham nhũng diễn biến phức tạp, liều lĩnh, tinh vi và... không thể phát hiện. Chỉ vài từ như thế là có thể tóm gọn nội dung nhận định của những người có trách nhiệm và có thẩm quyền về mặt trận chống tham nhũng ở TP HCM và Hà Nội - hai TP lớn nhất nước. Thoạt nghe người ta có thể rất bất bình, bức xúc. Rốt cuộc, hầu như ai cũng biết, cũng thấy tham nhũng. Nhiều người, cả dân thường và công chức, viên chức, đã và đang là nạn nhân của tham nhũng. Không ít trong số đó đã có đơn cáo giác với cơ quan chức năng. Nhưng rồi chẳng mấy vụ tham nhũng bị phanh phui và xử lý. Vậy không thể nói bộ máy chống tham nhũng đã làm tròn nhiệm vụ mà nhà nước, xã hội, người dân giao phó. Thực ra, sự việc không đơn giản. Biết, chứng kiến, “trải nghiệm” tham nhũng trong tư thế người bị sách nhiễu trong cuộc sống hằng ngày để từ đó ghi nhận sự hiện diện, hoành hành của tệ nạn này là một việc. Nhưng phát hiện và xử lý tham nhũng về phương diện pháp lý lại là việc hoàn toàn khác. Được hiểu là một tội trạng, tham nhũng phải được nhìn nhận bằng chứng cứ pháp lý. Chính chứng cứ là vấn đề lớn, đau đầu, nan giải và là vật cản đối với việc phanh phui để đưa một vụ tham nhũng ra ánh sáng, đưa người có hành vi tham nhũng ra vành móng ngựa để nghe buộc tội và nhận hình phạt. Việc khó tìm kiếm chứng cứ về tham nhũng có nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân chính gắn với đặc điểm của người có hành vi này. Tham nhũng là thủ đoạn của người có quyền; rõ hơn nữa, là hành vi dựa vào quyền thế để trục lợi. Quyền thế đó không chỉ cho phép người tham nhũng thu được mối lợi mong muốn. Nó còn giúp người này tạo dựng, duy trì và củng cố thanh thế và vây cánh. Với thanh thế đó, người tham nhũng trở nên đáng gờm, khiến người ta ngán ngại khi đối đầu. Với vây cánh, người tham nhũng có điều kiện chi phối, khống chế ở những nơi nắm giữ thông tin nghiệp vụ khiến cho việc thu thập chứng cứ buộc tội trở nên khó khăn. Không ít trường hợp người chống tham nhũng đơn độc không chỉ không bảo vệ được nội dung cáo giác mà còn phải nhận phản đòn, bị gán ngược vào những điều xấu xa, tồi tệ và kết thúc cuộc chiến trong thất bại, tủi nhục. Trong điều kiện tham nhũng có dấu hiệu phát triển như một hệ thống, việc chống tham nhũng phải được tổ chức một cách có hệ thống mới có cơ may phát huy hiệu quả. Bộ máy chống tham nhũng phải được trao những quyền hạn rộng rãi trong thực thi công vụ và phải có điều kiện hoạt động độc lập với bộ máy chịu sự kiểm tra, giám sát. Muốn có được điều này, trước hết cần cải cách sâu rộng hệ thống pháp lý, tổ chức bộ máy... Nói chung là phải xuất phát ở tầm vĩ mô. Một khi ở cấp cao, việc chống tham nhũng được thực hiện một cách kiên quyết, mạnh mẽ với những vụ án lớn được xử lý chính xác và triệt để, có tính điển hình, tính răn đe thì ở cấp thấp, người có trách nhiệm sẽ chịu áp lực. Chính áp lực đó trở thành lực cản đối với những toan tính, dự định trục lợi cho bản thân bằng cách dựa vào quyền thế. Mặt khác, nó cũng trở thành động lực thôi thúc con người dấn thân mạnh mẽ trong cuộc chiến chống tham nhũng với niềm tin về sự yểm trợ, cổ vũ của cả hệ thống cũng như của toàn xã hội. Nguyễn Ngọc Điện |
Diệp Văn Sơn