Tiếng Việt | English

01/06/2021 - 08:45

Chung tay, góp sức vì mầm non tương lai của đất nước

Những năm qua, Long An luôn quan tâm công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng xa và biên giới. Qua đó, tạo điều kiện cho trẻ em phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần, xóa dần mức sống chênh lệch giữa nông thôn và thành thị.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được tặng quà cho trẻ em

Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) - Nguyễn Thị Bạch Huệ cho biết: “Nhằm hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em gặp khó khăn đột xuất, tạo điều kiện cho trẻ em hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển, năm 2021, ngân sách tỉnh phân bổ 5 tỉ đồng để thực hiện các chương trình chăm sóc và hỗ trợ trẻ em. Cụ thể, tỉnh sẽ tổ chức khám sàng lọc cho trẻ em khuyết tật, dị tật bẩm sinh, với các chương trình: Vì ánh mắt trẻ thơ, phẫu thuật nụ cười,...; tổ chức thăm hỏi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em gặp khó khăn đột xuất cần được hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời nhân dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động Vì trẻ em, Ngày Quốc tế Thiếu nhi,...; hỗ trợ phương tiện đi lại, đồ dùng học tập,...

Ngoài trích ngân sách, tỉnh còn huy động nhiều nguồn lực từ xã hội hóa, góp phần cùng địa phương thực hiện các công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Một trong những điểm nổi bật của tỉnh trong việc vận động xã hội hóa chăm sóc trẻ em là tạo điều kiện thành lập các cơ sở ngoài công lập nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như Mái ấm An Lạc (thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc), cơ sở Bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em mồ côi Thanh Bình (huyện Cần Giuộc), Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em mồ côi huyện Cần Giuộc và Trung tâm Bảo trợ xã hội Tâm Đức (huyện Đức Hòa).

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được tặng quà cho trẻ em

Ni sư Tắc Bảo (đại diện Mái ấm An Lạc) chia sẻ: “Hiện nay, mái ấm nuôi dưỡng trên 50 trẻ. Mỗi trẻ là một hoàn cảnh khác nhau, có trẻ bị bỏ rơi khi còn đỏ hỏn, có trẻ được người dân phát hiện đem về chùa gửi, có trẻ bị bỏ rơi khi mang trong người nhiều căn bệnh bẩm sinh,… Khi nhận nuôi các cháu, chúng tôi quan tâm, chăm sóc chẳng khác nào “máu mủ ruột rà”, tạo điều kiện được vui chơi và học tập như các bạn cùng trang lứa để bù đắp phần nào nỗi bất hạnh cho các cháu”.

Phát huy vai trò của tuổi trẻ, thời gian qua, Đoàn Thanh niên xã Thanh Phú, huyện Bến Lức nói riêng, tuổi trẻ Long An nói chung có nhiều mô hình chăm sóc và bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bí thư Đoàn xã Thanh Phú - Nguyễn Thị Thu Kiều cho biết: “Vào các dịp lễ, tết, Đoàn Thanh niên xã vận động nhà hảo tâm tặng quà trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; đồng thời, tạo sân chơi cho các em. Hiện nay, Đoàn Thanh niên xã nhận đỡ đầu 3 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hỗ trợ 500.000 đồng/tháng/em. Đây là những việc làm thiết thực góp phần xây dựng lòng yêu thương cho đoàn viên, thanh niên và tinh thần chia sẻ khó khăn với những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống”.

Động viên, chia sẻ với trẻ em nghèo

Hưởng ứng Tháng hành động Vì trẻ em năm 2021, UBND tỉnh tổ chức trao học bổng, tặng quà, hỗ trợ đột xuất cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt tại các huyện: Đức Hòa, Vĩnh Hưng, Cần Giuộc, Châu Thành và TP.Tân An, thị xã Kiến Tường. Được biết, mỗi địa phương được hỗ trợ 5 suất học bổng, mỗi suất trị giá 3 triệu đồng và 20 quyển tập; 25 phần quà, mỗi phần trị giá 500.000 đồng; 10 suất hỗ trợ đột xuất, mỗi suất 2 triệu đồng và 47 xe đạp, mỗi chiếc trị giá 2 triệu đồng. Ngoài ra, tại buổi trao quà, xe đạp, học bổng và hỗ trợ đột xuất, lãnh đạo tỉnh còn vận động các công ty, doanh nghiệp tặng thêm nhiều phần quà, xe đạp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Cầm trên tay phần quà do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Nguyễn Thanh Hải trao tặng, em Nguyễn Ngọc Mơ, ngụ xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, xúc động nói: “Em mồ côi cả cha lẫn mẹ, hiện sống chung với bà ngoại. Từ nhỏ, em đã ý thức chỉ có cố gắng học tập mới thoát được cái nghèo, có điều kiện chăm lo cho bà ngoại. Để được đến trường, em mang ơn các cô, chú lãnh đạo tỉnh, huyện, xã rất nhiều. Năm nào các cô, chú cũng đến tặng quà, học bổng cho em. Sự quan tâm, hỗ trợ của các cô, chú giúp hai bà cháu vơi bớt một phần khó khăn, nhất là có thêm niềm tin, động lực trên con đường đến trường”.

Trẻ em là đối tượng cần được bảo vệ và chăm sóc (Ảnh tư liệu)

Ngược về thị xã Kiến Tường, chúng tôi bắt gặp hình ảnh đáng thương của em Nguyễn Hoàng Phúc, ngụ khu phố 3, phường 1, trong buổi trao quà, xe đạp, học bổng và hỗ trợ đột xuất do UBND tỉnh tổ chức. Hoàng Phúc vừa sinh ra đã bị vàng da. Vì hoàn cảnh, em không được đưa đi bệnh viện chữa trị kịp thời nên dẫn đến nhiều biến chứng như chân tay co rút, không nói được, trí nhớ kém phát triển,…

Phụ huynh em Nguyễn Hoàng Phúc bộc bạch: “Sinh con ai cũng mong con mình được lành lặn, khỏe mạnh. Hoàng Phúc không may bị khuyết tật, tất cả sinh hoạt cá nhân đều cần người khác giúp đỡ. Vì vậy, vợ tôi ở nhà chăm sóc con, còn tôi bươn chải kiếm tiền lo cho gia đình. Không có nghề nghiệp ổn định, tôi làm hồ kiếm tiền trang trải cuộc sống. Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, những năm qua, phường không chỉ tạo điều kiện cho hưởng đầy đủ các chế độ dành cho người khuyết tật và người nuôi dưỡng người khuyết tật mà còn thường xuyên hỗ trợ quà nhân các dịp lễ, tết”.

Không riêng tôi mà nhiều đại biểu dự buổi tặng quà, xe đạp, học bổng và hỗ trợ đột xuất cũng cảm thấy chạnh lòng trước một mầm non bất hạnh như Hoàng Phúc. Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm khẳng định: “Đảng và Nhà nước ta xác định công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn là mối quan tâm lớn nhất. Trong chiến lược phát triển xã hội của đất nước, trẻ em được đặt lên vị trí hàng đầu. Thời gian tới, các cấp, các ngành và toàn xã hội hãy vì tương lai của đất nước, dân tộc mà quan tâm hơn nữa đến công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa và biên giới”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm, sự quan tâm cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Với Bác, trẻ em là những mầm non, những người chủ tương lai của đất nước. Bác nói: “Cái mầm có xanh thì cây mới vững, cái búp có xanh thì lá mới tươi, quả mới tốt, con trẻ có được nuôi dưỡng giáo dục hẳn hoi thì dân tộc mới tự cường, tự lập”. Thực hiện theo lời Bác Hồ dạy, thời gian qua, Long An luôn làm tốt công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, góp phần ươm mầm xanh cho quê hương, đất nước./.

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, tỉnh có 369.731 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm trên 18,46%, trong đó 3.099 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, chiếm 0,84%; trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt trên 13.160 trẻ, trong đó có 11.584 trẻ em thuộc các gia đình nghèo, cận nghèo,...

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết