Tiếng Việt | English

18/09/2023 - 09:41

Cố soạn giả Lê Duy Hạnh: Đem 'hơi thở' thời đại vào cải lương

Soạn giả Lê Duy Hạnh qua đời ngày 06/9/2023 ở tuổi 76, tại nhà riêng ở quận 3, TP.HCM. Một trong những soạn giả lớn của ngành Sân khấu Việt Nam nói chung, sân khấu cải lương phía Nam nói riêng đã về với nghiệp tổ nhưng “hơi thở” thời đại trong các tác phẩm của ông vẫn vẹn nguyên.

Cố soạn giả Lê Duy Hạnh (Ảnh: Internet)

Đường vào văn nghiệp

Soạn giả Lê Duy Hạnh vốn yêu thơ, mê nhạc từ thời niên thiếu, khi còn là học sinh ở quê nhà (thôn An Vinh, xã Bình An, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Hồi đó, cứ mỗi lần các gánh cải lương trong Sài Gòn ra hát ở quê, ít khi ông vắng mặt. Ngay khi đó, ông không chỉ thích cải lương thuần túy mà còn tìm hiểu cách ca các thể điệu cải lương và vọng cổ. Tuy vậy, ông đến với cải lương như con đường vòng, bằng những nét riêng với tri thức nghệ thuật của từng giai đoạn sáng tác.

Soạn giả Lê Duy Hạnh học Khoa Toán - Lý - Hóa ở Trường Đại học Khoa học Sài Gòn (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (TP. HCM)), rồi hoạt động cách mạng. Tại Đại học Khoa học Sài Gòn, ông làm văn nghệ, viết ca cảnh Mẹ kháng chiến, kịch Cứu lụt công diễn cho sinh viên xem.

Cuối năm 1973 đầu 1974, nhóm sinh viên, học sinh Sài Gòn được điều ra Hà Nội học tập và công tác. Trên đường vượt Trường Sơn ra Bắc, Lê Duy Hạnh, Trần Long Ẩn, Trương Quốc Khánh đi chung xe với vợ chồng đạo diễn Ngô Y Linh và bé Y Dan (lúc đó 6 tuổi). Ông Hạnh có dịp nghe ông Ngô Y Linh nói chuyện về sân khấu Trung Quốc, về những sáng tác ở chiến khu,... Sau này, những kiến thức và kinh nghiệm bổ ích ấy trở thành vốn sáng tác của ông.

Ở Hà Nội, Lê Duy Hạnh, Trương Quốc Khánh, Hoàng Thị Hạnh học Trường Bồi dưỡng Viết văn khóa 7. Đây là thời gian ông Hạnh có dịp tiếp cận, học hỏi, trao đổi với những văn, nghệ sĩ lớn, nổi tiếng như Tố Hữu, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Xuân Sanh, Bàng Sĩ Nguyên,... đặc biệt là Thế Lữ. Nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch Thế Lữ đã truyền dạy ông chuyện nghề, chuyện đời làm nghề.

Trong thời gian tham gia Trường Bồi dưỡng Viết văn khóa 7, ông Hạnh còn gặp và kết thân với đôi Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Thanh Hùng - Ngọc Hoa đang công tác ở Đài Phát thanh Giải phóng. Muốn có vở cải lương theo phong cách cải lương Sài Gòn để giới thiệu trên đất Bắc, NSƯT Thanh Hùng - Ngọc Hoa yêu cầu soạn giả Lê Duy Hạnh trong một vở gói gọn 2 phong cách đặc thù của cải lương Sài Gòn là hương xa và tâm lý xã hội.

Từ gợi ý đó, soạn giả Lê Duy Hạnh nhớ đến kịch bản Diễn viên không chuyên nghiệp của nhà viết kịch, đạo diễn Ngô Y Linh và bật ra ý tưởng dựa vào kết cấu đó, mở rộng thêm và chuyển sang loại hình cải lương. Theo ông, phần hương xa, ngoài tình tiết đã có, ông bổ sung tình tiết đã xem ở vở cải lương Hai chiều ly biệt của Thu An. Phần xã hội, ông bổ sung tình tiết đã xem ở vở Con gái chị Hằng của Hà Triều - Hoa Phượng. Vở Bạo chúa của ông hình thành từ 2 phong cách, chất liệu như vậy và được NSƯT Thanh Hùng - Ngọc Hoa hài lòng.

Đầu năm 1975, vở Bạo chúa được Giáo sư, Tiến sĩ Đình Quang dựng cho Nhà hát Cải lương Trung ương rất thành công. Vở Bạo chúa không chỉ nổi đình nổi đám ở Hà Nội mà sau ngày giải phóng, còn được đạo diễn Văn Chiêu dựng cho Đoàn Văn công TP.HCM, rồi hãng phim Giải Phóng làm phim cải lương (có tên Ngày tàn bạo chúa). Đây cũng là một trong những bộ phim nhựa cải lương đầu tiên của miền Nam được khán giả đón nhận nồng nhiệt.

Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, ông về lại Sài Gòn. Đầu năm 1976, ông tham gia Trại sáng tác kịch bản sân khấu ở Vũng Tàu. Tại trại sáng tác, ông viết chung với Văn Thành vở kịch nói Bông hồng trắng; kế đó, ông viết chung với nhà văn Nguyễn Văn Sáng vở cải lương Sau ngày cưới dựa theo truyện ngắn Bông cẩm thạch. Tiếp theo, ông viết các vở: Nàng Sa-Rét cho Đoàn Cải lương Sài Gòn 3, Tình yêu của em cho Đoàn Văn công Đồng Tháp, Nhớ mùa trăng xưa cho  Đoàn Hương Tràm - Cà Mau,...

Những tác phẩm nói trên của soạn giả Lê Duy Hạnh đều có sức sống lâu dài với sàn diễn, là những vở diễn ăn khách của các đoàn hát lúc bấy giờ. Tuy nhiên, theo soạn giả Lê Duy Hạnh, những kịch bản của ông lúc đó là những tác phẩm của giai đoạn tập sự từ sau Trại sáng tác kịch bản sân khấu ở Vũng Tàu và thời gian học tập trong kháng chiến. Những kịch bản này chỉ mang tính tiền đề, khởi nghiệp sáng tác, chưa định hình vóc dáng riêng về kịch bản cải lương chuyên nghiệp.

Những hình tượng nhân vật sử thi

Sau giải phóng, ông Lê Duy Hạnh là cán bộ văn nghệ thuộc Viện Sân khấu Việt Nam (cơ quan Đại diện phía Nam). Năm 1980, ông được cử đi tham quan, nghiên cứu sân khấu ở Hungary (3 tháng). Từ chuyến đi này, ông rút ra những tinh hoa sân khấu xứ người, kết hợp với sân khấu dân tộc để hình thành một khái niệm chung cho khuynh hướng sáng tác mới của ông. Đây cũng là cái mốc mà soạn giả Lê Duy Hạnh xác định hướng đi nghề nghiệp, đó là mục tiêu sân khấu.

Sau chuyến thực tế ở Hungary và thời gian đúc kết trải nghiệm từ Trại sáng tác kịch bản sân khấu ở Vũng Tàu, soạn giả Lê Duy Hạnh cho ra đời kịch bản cải lương Tâm sự Ngọc Hân do đạo diễn Chi Lăng và Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Diệp Lang cùng dàn dựng cho Đoàn Văn công TP.HCM. Tiếp đến là các vở cho Đoàn Văn công TP.HCM như Dòng sông đầm lầy, Dốc sương mù (Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc (SKCNTQ - 1985)), Hoa độc trong vườn, Tiếng sáo đêm trăng, Thị trấn đêm giông. Ngoài ra, ông còn viết một số kịch bản cho các đơn vị nghệ thuật khác, trong đó có vở Ký họa người đồng bằng cho Đoàn Cải lương Cửu Long - Vĩnh Long (Huy chương Bạc Hội diễn SKCNTQ - 1985), Lời ru của biển cho Đoàn Cải lương 284 là vở ăn khách khá lâu,…

Đây là giai đoạn được xem là thành quả nở rộ của một thập niên sáng tác về kịch bản cải lương của soạn giả Lê Duy Hạnh (1980-1990). Nội dung tư tưởng trong vở diễn mang “hơi thở” thời đại, cho dù đề tài hương xa hay lịch sử thì tác giả đều lấy chuyện xưa để triết lý cho đời sống xã hội hiện tại. Ngay từ vở Bạo chúa, tuy chưa phải là sáng tác độc lập của ông nhưng ông đã chống tư tưởng và hành động của những kẻ bạo quyền đi xâm lược dân tộc khác.

Ở Tâm sự Ngọc Hân, soạn giả Lê Duy Hạnh đưa ra tư tưởng mới hơn, đó là mâu thuẫn xung đột nội tại và đối lập giữa cách nghĩ, cách nhìn của anh em hoàng đế Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ. Dòng sông đầm lầy là một trong những vở tiên phong về đề tài hiện đại, tư tưởng chủ đạo là mạnh dạn lên tiếng phê bình, đấu tranh góp phần xây dựng Đảng, mà xung đột chính là giữa Chủ tịch và Phó Chủ tịch phường với những biểu hiện: Quan liêu, mệnh lệnh, sa sút đạo đức, sa ngã trước vật chất xa hoa,... của Phó Chủ tịch.

Nếu Dòng sông đầm lầy phê phán vị Phó Chủ tịch phường, Hoa độc trong vườn phê phán sự mất cảnh giác trong nội bộ thì Ký họa người đồng bằng, soạn giả Lê Duy Hạnh lại khắc họa hình tượng cao đẹp của nhân vật Bí thư Tỉnh ủy từng vào sinh ra tử trong chiến tranh, trước những thử thách của thời bình nhưng vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản,…

Có lẽ, khi nói về nội dung tư tưởng và cách xây dựng hình tượng nhân vật của soạn giả Lê Duy Hạnh, ở một góc nhìn tổng quát, có thể thấy, phương pháp sáng tác kịch bản của ông theo cấu trúc mở và động, có nghĩa là sự mở rộng về không gian, thời gian, màn lớp không bị gò bó bởi khuôn khổ, quy ước như trước đó. Ngôn ngữ chung tùy từng loại thể, đề tài mà thích ứng.

Ý tưởng mới, khuynh hướng mới

Đây là giai đoạn khá chín muồi trong sáng tác của soạn giả Lê Duy Hạnh về lĩnh vực cải lương. Ông mong muốn những bứt phá mới sẽ mở đầu cho một giai đoạn mới của cải lương về vở diễn. Bởi đây là thời kỳ mà cục diện cải lương đang trong vòng lẩn quẩn, chưa có hướng bứt phá mới trước sự hội nhập của nhiều loại hình nghệ thuật khác, nhất là sự văn minh của thời kỳ khoa học - công nghệ (1991-2001). Với tư tưởng mới trong sáng tạo, tìm một khuynh hướng mới cho cải lương thoát khỏi sự sáo mòn, cũ kỹ với những cấu trúc động và tịnh, ông ra một chùm kịch bản gọi là thể nghiệm.

Trước tiên là Diễn kịch một mình, tuy thể loại kịch nói nhưng tác giả vẫn dự kiến có thể chuyển qua cải lương khi cần thiết. Nội dung vở kịch nói về cuộc đời và tâm trạng của người nghệ sĩ, dù hoàn cảnh nào cũng vẹn nguyên tấm lòng vì nghề nghiệp. Vở do NSND, Tiến sĩ Bạch Tuyết độc diễn, gây tiếng vang cả nước trong thời kỳ đổi mới. Kế đó là các tác phẩm: Hoàng hậu của hai vua, Độc thoại đêm, Hồn thơ Ngọc, Trần Nhân Tông,... khắc họa lại những hình tượng nhân vật mang tính sử thi dân tộc.

Mỗi hình tượng nhân vật đều chuyên chở tư tưởng triết lý thời đại: Một Dương Vân Nga (Hoàng hậu của hai vua) sáng suốt về chính trị, không bảo thủ cố vị gìn giữ ngôi báu cho riêng mình để nhiếp chính, hoặc cho Ấu Chúa nối ngôi giữ ngôi báu, giữ quyền lực cho dòng tộc mình mà tin tưởng, trao quyền cho Lê Hoàn - người anh hùng đủ tài, đức.  Một Lý Chiêu Hoàng - công chúa cuối cùng của triều Lý (Độc thoại đêm), một triều đại đã kết thúc vai trò lịch sử, với lựa chọn thể hiện tư tưởng tiến bộ, có tính tự nguyện làm gạch nối giữa 2 triều đại Lý - Trần,... Một Trần Nhân Tông anh minh, quyết đoán,… đều là những tư tưởng hào hùng trong lịch sử của dân tộc được khơi dậy cho tư tưởng đổi mới hôm nay.

Hình thức nghệ thuật hoàn toàn mới so với các cấu trúc trước đó, soạn giả Lê Duy Hạnh tổng hợp thủ pháp mở rộng không gian và thời gian trong kịch bản mà không bị giới hạn bởi một lý do nào. Ông kết hợp 3 phong cách dụng ngôn cùng trong một kịch bản: Ngôn ngữ tự sự (kể chuyện chuyển tải nội dung), ngôn ngữ trữ tình (lời văn nghệ thuật của thơ, ca), ngôn ngữ kịch (đối thoại và độc thoại). Sự mở màn thể nghiệm của soạn giả Lê Duy Hạnh có không ít người cho rằng: “Ông Hạnh sáng tác hình thức mới đó rất khó phổ biến trong giới, chỉ nhằm vào tài năng riêng của NSND, Tiến sĩ Bạch Tuyết thôi…”.

Dư luận đó mang tính võ đoán, bởi lẽ sau đó, sự ứng dụng từ thể nghiệm đã chứng minh: Vở Độc thoại đêm do nghệ sĩ Kim Quý (Đoàn Kịch Quảng Trị), nghệ sĩ Minh Gái, Hương Thơm (Nhà hát Tuồng Trung ương); vở Hồn thơ Ngọc do nghệ sĩ Tuyết Thu (Nhà hát Kịch 5B) biểu diễn cũng rất thành công. Các vở này còn được sử dụng để làm mẫu tập huấn cho những lớp diễn viên trẻ do Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Kết quả thể nghiệm đã mở ra một khuynh hướng mới, một Lê Duy Hạnh tiên phong đi vào cục diện mới của cải lương và đã tạo dấu ấn ban đầu khá khả thi. Đó là sự ứng dụng những kết quả từ giai đoạn thể nghiệm của ông để đưa vào vở Rồng Phượng (vở Hội diễn SKCNTQ - 2005 của Nhà hát Trần Hữu Trang, đoạt Huy chương Vàng). Nhiều nhà nghiên cứu và giới sân khấu cho rằng, Rồng Phượng là một diện mạo mới của cải lương trong điều kiện mới, mang tính thời đại.

Từng giai đoạn sáng tác kịch bản cải lương của soạn giả Lê Duy Hạnh đã để lại những nét riêng, mỗi tác phẩm chuyển tải một thông điệp, đó là tư tưởng của tác giả. Những sáng tạo mới về đường nét cấu trúc, trong đó, cách xây dựng thành công hình tượng nhân vật và ngôn ngữ kịch là điều tiên quyết đối với tác phẩm, vì tác phẩm nghệ thuật nào cũng phải đạt đến hai vấn đề: Nội dung thông điệp và hình tượng nghệ thuật./.

Đỗ Dũng

Chia sẻ bài viết