Tiếng Việt | English

11/12/2018 - 15:15

Cuộc sống thanh bình

Minh họa: Thiện Mỹ

Minh họa: Thiện Mỹ

Anh về, tiếng mở khóa cổng lách cách, nghe khô khốc. Căn nhà tối om, lạnh lẽo! Anh lần dò mở công tắc đèn rồi thả mình trên chiếc sofa, thở dài… Chị dắt thằng Bin đi cả tuần nay rồi. Căn nhà thiếu bàn tay phụ nữ trông luộm thuộm, thiếu ngăn nắp. Dưới bếp vương vãi mấy vỏ mì gói, vài chai nước ngã chỏng chơ. 

***

Anh chị quen nhau thuở mười tám, đôi mươi, từ những ngày đầu “chân ướt chân ráo” lên thành phố. Anh học Bách khoa, chị học Kinh tế. Thời sinh viên khó khăn chia nhau từng ổ bánh mì, ly nước mía, rồi lúc mới ra trường chật vật đi xin việc, có ngày trong túi không còn tiền đổ xăng, vậy mà vượt qua được. Giờ cuộc sống khấm khá hơn đôi chút lại lục đục suốt ngày. Từ ngày có thằng Bin, chị “luôn tay luôn chân”, đi làm về lại tất bật chăm con, dọn dẹp nhà cửa, cơm nước cho chồng, riết rồi không còn thời gian cho chính mình. Chị trở nên ít nói, lầm lì. Thương vợ, đôi ba lần anh đề nghị tìm người giúp việc nhưng chị không đồng ý. Thiệt tình, có người lạ trong nhà không được thoải mái cho lắm. Vả lại bây giờ, nhan nhản chuyện ôsin léng phéng với ông chủ, sao chị tin được! Anh tất bật với mấy dự án mới, chị một mình vừa quán xuyến việc nhà, vừa lo việc công ty. Không ít lần chị bị cấp trên nhắc nhở vì đi trễ, về sớm. Sao mà không trễ được chứ, sáng phải lo cho cu Bin, đưa con đi học rồi chị mới đến công ty, hôm nào kẹt xe, xem như trễ cả tiếng, chiều lại lật đật về sớm để đón con. Đôi lúc chị ước một ngày có 48 tiếng để có thể vừa hoàn thành việc công ty, vừa chu toàn việc nhà. Nét mệt mỏi hằn trên gương mặt người phụ nữ chưa đến ba mươi tuổi. Ông bà ta nói: “Gái một con trông mòn con mắt”, vậy mà chị lại già nua, xấu xí so với độ tuổi của mình. Vài lần, mấy đứa bạn thân khuyên chị nên quan tâm đến bản thân hơn, không thì mất chồng như chơi, chị chỉ cười trừ, biết làm sao bây giờ, hay là nghỉ làm để có thời gian lo cho chồng, cho con? Cũng không được, phụ nữ hiện đại, học thức cao như chị mà bỏ việc để làm nội trợ, rồi lại bị tụt hậu. Nhớ ngày mang bầu cu Bin, chị còn học xong lớp cao học, vậy mà giờ bỏ tất cả, chị không đành.

Thương con, thương cháu, bà nội cu Bin lên thành phố phụ anh chị. Từ ngày có bà, nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp. Sáng, chị không còn tất bật vì đã có nội đưa Bin đi học, chị chỉ việc đi làm. Chiều về, nội đã tắm rửa, cho Bin ăn uống xong xuôi, chị nấu bữa ăn chiều đợi anh về cùng ăn. Nhà có bà, không khí ấm áp hẳn lên. Cuối tuần, cả nhà lại đi chơi loanh quanh. Cu Bin mến nội lắm, từ ngày có nội, cu cậu qua hẳn phòng nội ngủ, anh chị lại có thời gian dành cho nhau. Tuần nào rảnh, cả nhà lại cùng về quê để được hưởng không khí trong lành và để nội thăm lại mấy bà hàng xóm. Có hôm, nội bàn: “Bin cũng ba tuổi rồi, hay hai đứa sinh thêm đứa nữa, má còn khỏe, phụ được, chứ vài năm nữa, sức khỏe yếu là trông cháu không nổi đâu đó!”.

Chồng chị có hai anh em. Anh là con lớn, còn chú út ở chung với nội. Anh kể, ngày nhỏ, chú ham chơi nên dở dang việc học, ở nhà phụ má làm ba hécta rau của ông bà để lại. Ba anh mất sớm, một mình má tần tảo nuôi hai anh em anh. Cũng nhờ huê lợi từ ruộng rau mà má nuôi anh học đại học, mở cho chú út tiệm cắt tóc trên thị trấn. Vậy mà chú ham mê bài bạc, bán luôn cái tiệm, má đau buồn, sinh bệnh. Chưa hết, chú còn vay tiền xã hội đen, chúng đến nhà đập phá đồ đạc, buộc má phải trả nợ, đến hai trăm triệu chứ có ít gì! Lần đó, anh chị phải đứng ra trả nợ cho chú. Xong lần đó, tưởng chú hồi tâm, chuyển tính, nào ngờ mấy tháng sau, chú thua bài, nợ thêm cả trăm triệu đồng. Hay tin, má lên huyết áp phải nằm viện cả tháng trời. Sau đó, má giận chú lắm và tuyên bố bỏ mặc chú, muốn làm gì thì làm. Nghe má kể, sau khi bị bọn xã hội đen đập một trận “thừa sống thiếu chết”, chú tu tỉnh làm ăn, phụ má kiếm tiền trả nợ dần.

Biết tính chú vậy mà vừa rồi anh còn định đầu tư cho chú chuyển sang trồng rau. Anh nói, quê mình là vựa rau lớn của tỉnh, cung cấp cho thị trường TP.HCM nhưng nông dân vẫn còn sản xuất theo cách truyền thống, chi phí cao, giá bán lại thấp nên muốn đầu tư trồng rau ứng dụng công nghệ cao và thành lập hợp tác xã để tìm mối tiêu thụ ổn định, tránh việc nông dân bị thương lái ép giá. Một phần anh muốn đầu tư ở quê mình, giúp bà con có cuộc sống tốt hơn nhưng cái chính là để chú út có việc làm, tránh xa bài bạc. Vừa nghe qua, chị đã không bằng lòng. Này nhé, anh là kỹ sư xây dựng, đang có một công ty về xây dựng và thiết kế mà lại đi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thật không hợp lý chút nào. Vả lại, mấy lần rồi, chú út có bỏ được cờ bạc đâu, lần này giao chú làm, biết đâu chú lại mang bán hết, “nướng” vào sòng bài, lúc đó mất công, mất của lại thêm cục tức. Nhưng anh quyết rồi, anh muốn làm điều gì đó để thay đổi chú và góp phần xây dựng quê hương. Thế là anh và vài người bạn đầu tư mấy tỉ đồng xây dựng nhà màng, hệ thống trồng rau thủy canh,... Khuyên anh không được, chị buồn, dắt cu Bin về quê ngoại chơi vài bữa.

***

Ngày khai trương, anh nhắn chị về dự, chị định không đi nhưng bà ngoại cu Bin động viên: “Con mà không phụ ba thằng Bin trong lúc này là tệ lắm! Má thấy nó đầu tư như vậy là tốt quá đi chứ. Con lo về mà phụ nó”. Chị dắt cu Bin về, thấy mọi người tất bật mà chị cũng nôn nao. Quê anh giờ thay đổi nhiều quá, đường rộng thênh thang, những ruộng rau xanh mướt. Bà con thu hoạch rau, đóng gói cẩn thận rồi mới chuyển đến điểm tiêu thụ. Anh dẫn chị và chu Bin đi tham quan ruộng rau và quy trình thu hoạch, đóng gói. Chú út rạng rỡ: “Anh chị hai cứ tin em, em sẽ cố gắng, em quyết không làm má và anh chị buồn lòng nữa!”.

***

Mới đó mà hai năm trôi qua, hợp tác xã rau do chú út quản lý giờ phát triển lắm, nông dân tham gia hợp tác xã và sản xuất theo đúng tiêu chuẩn nên giảm chi phí, nâng cao năng suất, thu nhập. Chú út bỏ hẳn cờ bạc, chí thú làm ăn. Cuối tuần, gia đình anh chị lại về quê thăm bà nội cu Bin và phụ chú út. Chị tính rồi, vài năm nữa sẽ “nghỉ hưu” sớm để về quê sinh sống, bởi chị thích cuộc sống thanh bình ở quê anh./.

Phương Trinh

Chia sẻ bài viết