Các bị cáo trước tòa (ảnh chụp màn hình) - Ảnh: T.L.
15g40, đại diện Viện KSND TP. Hà Nội đề nghị mức án đối với các bị cáo.
Theo đó, bị cáo Phạm Hải Bằng (46 tuổi, nguyên phó giám đốc Ban quản lý các dự án Đường sắt (RPMU) thuộc Tổng công ty đường sắt VN) từ 11- 13 năm tù, truy thu sung công quỹ số tiền bị cáo nhận từ JTC là 4, 8 tỷ đồng. Trừ đi số tiền gia đình bị cáo đã khắc phục cho cơ quan điều tra, bị cáo phải nộp thêm 3,6 tỷ đồng.
Nguyễn Nam Thái (38 tuổi, nguyên trưởng phòng thực hiện dự án 3, RPMU), Trần Văn Lục (57 tuổi, nguyên giám đốc RPMU) từ 10-12 năm tù, buộc bị cáo Thái nộp lại 3,4 tỷ đồng đã nhận từ JTC.
Trần Quốc Đông (51 tuổi, nguyên giám đốc RPMU, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN) từ 7-9 năm tù, buộc nộp lại 30 triệu đồng tiền thu lợi bất chính.
Nguyễn Văn Hiếu (53 tuổi, nguyên giám đốc RPMU) từ 7-9 năm tù, truy thu 50 triệu đồng mà bị cáo thu lợi bất chính.
Phạm Quang Duy (40 tuổi, nguyên phó giám đốc RPMU) từ 8-10 năm tù, buộc bị cáo nộp lại số tiền đã thu lợi bất chính là 2,3 tỷ đồng.
Trần Văn Lục (57 tuổi, nguyên giám đốc RPMU) từ 6-8 năm tù, nạp lại 100 triệu đồng tiền thu lợi bất chính.
Ngoài ra, VKS đề nghị kê biên tài sản đối với Phạm Hải Bằng, Nguyễn Nam Thái và Phạm Quang Duy để đảm bảo thi hành án.
Được JTC nhờ tiêu hộ tiền?!
Luật sư hỏi bị cáo Trần Văn Lục (57 tuổi, nguyên giám đốc RPMU), bị cáo Lục cho rằng trong vụ án này, nếu có nguyên đơn dân sự thì cơ quan đó là JTC, tuy nhiên JTC không có văn bản yêu cầu các bị cáo trả tiền, nếu không có nguyên đơn dân sự thì không có thiệt hại, không đủ yếu tố cấu thành tội của các bị cáo.
Trả lời luật sư, bị cáo Phạm Hải Bằng (46 tuổi, nguyên phó giám đốc Ban quản lý các dự án Đường sắt (RPMU) thuộc Tổng công ty đường sắt VN) khai bị cáo không làm gì sai so với những văn bản mà bị cáo được giao nhiệm vụ. Số tiền 11 tỷ đồng Ban quản lý dự án đường sắt nhận được là số tiền nhà thầu cần thiết phải chi, thuộc trách nhiệm của nhà thầu.
Tòa chất vấn, sáng 26-10, khi tòa xét hỏi, bị cáo Bằng thừa nhận số tiền 11 tỷ đồng là JTC hỗ trợ ngoài hợp đồng. Buổi chiều khi trả lời luật sư, bị cáo lại cho rằng số tiền đó có trong hợp đồng, nhà thầu Nhật Bản gửi và bị cáo chỉ chi hộ thôi, vậy lời khai nào đúng?
Trả lời tòa, Bị cáo Bằng nói: “Phía Nhật Bản có nhờ Ban quản lý dự án đường sắt chi phí hộ phần hội họp. Tiền nhờ tiêu không được quyết toán cụ thể”.
“Có ai ném tiền ra cho anh muốn tiêu gì tiêu mà không cần báo lại không, người ta có bình thường không? - Chủ tọa hỏi.
Tòa đọc lại lời khai của bị cáo Bằng trong hồ sơ. Bị cáo khai số tiền JTC chuyển bị cáo chi tiêu nhiều mục như chi tiêu cá nhân, chi tiêu cho ban quản lý dự án đường sắt, nghỉ mát, mua máy tính, di chuyển các phòng... Chủ tọa cho rằng những khoản này không có trong hợp đồng, bị cáo cũng thừa nhận và cho rằng đây là tiền hỗ trợ.
Ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách ODA của Nhật
15g10, tòa kết thúc phần xét hỏi chuyển qua tranh luận. Đại diện Viện KSND TP. Hà Nội trình bày quan điểm luận tội đối với các bị cáo.
Theo đại diện VKS, các bị cáo đã lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ để hưởng lợi. Hành vi của các bị cáo vi phạm nghĩa vụ của cán bộ công chức, làm những điều cán bộ công chức không được làm, gây hiệt hại về lợi ích kinh tế của VN, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách ODA của Nhật Bản, ảnh hưởng đến mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước VN- Nhật Bản, ảnh hưởng đến hình ảnh của VN trên trường quốc tế, đến tiến trình thực hiện dự án, những thiệt hại này không đong đếm được bằng vật chất.
VKS có đủ cơ sơ kết luận các bị cáo đưa ra xét xử là đúng pháp luật, rất cần thiết.
Xét vai trò của các bị cáo, đại diện VKS cho rằng bị cáo Phạm Hải Bằng là quản lý dự án đã không xác nhận đúng thực tế công việc của nhà thầu để hưởng lợi. Bị cáo phạm tội với vai trò tích cực nhất, đã trực tiếp gặp gỡ, gợi ý JTC phải hỗ trợ.
Từ năm 2009-2014, bị cáo đã chỉ đạo các bị cáo Phạm Quang Duy, Nguyễn Nam Thái nhận tiền của JTC khoảng 15 lần với số tiền hơn 11 tỷ đồng, bị cáo chi tiêu khoảng 4,8 tỷ đồng. Vì vậy cần có mức án nghiêm khắc đối với bị cáo.
Tâm Lụa/tuoitre online